TỨ TUYỆT CO VID - 19 - THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ - Nguyễn Văn Hòa
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 2024
Tập thơ Tứ tuyệt Covid 19 của nhà thơ Võ Quê vừa được ấn hành, gồm 50 bài thơ tứ tuyệt được ông sáng tác trong lúc cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải gồng mình chống dịch Covid.
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa
Đặc biệt, 50 bài thơ đã được nhà thơ Võ Thị Như Mai - hiện là Thạc sĩ Giáo dục tại Úc, chuyển ngữ sang tiếng Anh. Điều này góp phần cho Tứ tuyệt Covid 19 có sự lan tỏa rộng, được nhiều người, nhiều bạn bè quốc tế đọc, biết để hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam trong trận chiến chống dịch cam go này.
Sự nguy hiểm, sức tàn phá của đại dịch Covid-19 trở thành nỗi kinh hoàng và ám ảnh đến toàn nhân loại. Mọi hoạt động của đời sống xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sự bất cập vì những điều bất thường ập đến gây tâm lý bất an, tạo nên bao xáo trộn, được ghi nhận trong thơ Võ Quê cùng mong ước vượt qua nó. Phong tỏa, cách ly thành điệp khúc buồn/ Người bỗng dưng làm tù nhân virus/ Không ai muốn giữa đời đơn độc/ Khổ nạn tàn ta lại đoàn viên (Bài số 29).
Đại dịch và hiện thực cuộc sống đã trào dâng trong lòng Võ Quê nhiều cung bậc cảm xúc và ông đã viết những câu thơ trữ tình nhưng cũng đậm chất thời sự. Thời đại gì mà khi đứng bên nhau/ Cũng sợ lây truyền bất hạnh/ Thôi xin trao nhau ánh nhìn hy vọng/ Đến khi nào mới được bắt tay? (Bài số 34).
Sự lo lắng, buồn thương trước tình cảnh dịch bệnh bùng phát ngày càng mạnh: Qua những con đường vắng hoe/ Vòm lá xanh sắc ngọc/ Vài chiếc lá rơi vô tình/ Ngỡ tín hiệu buồn Covid (Bài số 30).
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây, mỗi phút trên các bản tin, báo đài, các phương tiện truyền thông đưa tin số người lây nhiễm, số ca tử vong, số người bị cách ly ngày càng gia tăng. Nhà thơ dõi theo từng con số mà thấy nhói lòng. Những con số không còn vô cảm/ Khi phận người đầy ắp thương đau/ Níu tình nhau thoát cơn dịch lớn/ Cùng sẻ chia khổ nạn toàn cầu (Bài số 4). Bệnh nhân, nhân viên y tế ở một số bệnh viện cũng bị lây nhiễm lại càng làm cho chúng ta xót xa nhiều hơn. Sự làm việc quên mình của các lực lượng chức năng để đảm bảo cho sự an toàn cho toàn dân trong mùa dịch là điều đáng được trân trọng.
Hình ảnh những y, bác sĩ sẵn sàng tình nguyện về nơi tuyến đầu của tâm dịch là điểm nhấn, là những hình ảnh đẹp, xuất phát từ tình thương, ý thức trách nhiệm và trên hết là tinh thần dân tộc, nghĩa cử cao đẹp “lương y như từ mẫu”. Bất chấp mọi gian nguy, vì dịch Covid có thể ập đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai, nhưng họ luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và sinh mệnh con người lên trên tất cả. Những bàn tay quen xoa dịu vết thương/ Nay cùng ký chung đơn tình nguyện/ Đem y đức, tài năng lên đầu tuyến/ Mong chữa lành những ca nhiễm nguy nan (Bài số 36).
Nhiều chính sách, chỉ thị, chủ trương, phương án... để phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Đây cũng là cách để chúng ta khoanh vùng, dập dịch một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Chính phủ cũng thực hiện chủ trương đóng những cửa khẩu, những chuyến bay khi cần thiết vì sự an toàn của cả cộng đồng. Những cửa khẩu đang dần đóng lại/ Đóng càng nhiều thế giới bớt thương đau/ Phòng chống dịch là điều tất yếu/ Chỉ tình yêu nhân loại mở toàn cầu (Bài 24).
Bên cạnh đó Tứ tuyệt Covid 19 cũng đề cập đến những quyết sách kịp thời và mang tính nhân văn cao, như việc giúp người lao động, học sinh, sinh viên đang ở nước ngoài; những nơi dịch bùng phát mạnh, tạo điều kiện đưa họ về nước để cách ly và điều trị bệnh (nếu có). Những đợt cách ly, khi người lao động phải nghỉ việc thì hàng loạt các cây ATM gạo tình thương lên, phần nào chia sẻ những khó khăn cấp bách của người nghèo vì thất nghiệp. Các tập thể, cá nhân, nhà máy, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng đã quyên góp, ủng hộ những bữa ăn, các nhu yếu phẩm, khẩu trang, các trang thiết bị y tế... một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tất cả đã làm ấm lòng những người ở tâm dịch, những người đang bị cách ly khi người ta nhận ra quanh mình vẫn còn nhiều sự quan tâm, san sẻ, yêu thương của tình đồng loại.
Nhà thơ Võ Quê cũng kịch liệt lên án những kẻ thiếu lương tri, những người thờ ơ trước thế cuộc, họ đã không giúp được gì cho dân, cho nước mà còn làm những điều ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến với cộng đồng, như việc tung tin giả trong những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch. Thế gian này còn nhiều kẻ ác tâm/ Gieo tin giả làm nhiễu nhương cục diện/ Xin vững lòng những con người thánh thiện/ Trên toàn cầu đang chống dịch cứu sinh (Bài 48).
Đằng sau những câu thơ, là tiếng lòng chân thành, sự suy nghiệm về đời, về người một cách sâu sắc nhất. Hơn lúc nào cái ngã trong ta/ Phải dứt khoát nhất tâm hướng thiện/ Chịu quên mình trong cơn đại biến/ Biết vì ai cho sự sống trường tồn (Bài số 43). Lằn ranh giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và khổ đau là khá mong manh nhưng nếu con người có lòng tin, có tình thương, có sự cưu mang, đùm bọc, san sẻ nhau thì tất cả rồi cũng sẽ an lành. Chuyền cho nhau dung dịch thương yêu/ Thắp cho nhau ánh ngày hy vọng/ Cập nhật thông tin tránh cơn phiền muộn/ Hành tinh này sớm trở lại xanh tươi (Bài số 11).
Thông điệp và nghĩa cử nhân văn ấy chính là động lực để mỗi chúng ta sống vững tin hơn và hướng về một tương lai tươi sáng. Người gần nhau dù cách mấy đại dương/ Ta san sẻ cho nhau tình nhân loại/ Những màu da chung hồn thiêng thời đại/ Trái đất này nguồn hy vọng hồng tươi (Bài số 27).
50 bài Tứ tuyệt Covid 19 là 50 cung bậc cảm xúc, với nhiều thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Tập thơ là một thành công được ghi nhận của nhà thơ Võ Quê, bởi chỉ trong 4 câu thơ và phải tuân thủ các quy luật của thể loại, nhưng bằng sự am hiểu và thế mạnh về thơ tứ tuyệt, nhà thơ đã chuyển tải được bao điều muốn nói, và bằng cách đó thơ cũng đến với bạn đọc nhanh chóng, dễ dàng, thấm thía hơn. Tuy nhiên nhà thơ chỉ khiêm tốn cho rằng: 50 bài thơ những mảnh ghép của tình/ Khiêm tốn hòa cùng nỗi đau trần thế/ Là khát nguyện bình an sức khỏe/ Thương yêu Người tôi chỉ có thơ dâng... (Bài số 50).
NGUYỄN VĂN HÒA
- Nguồn Báo Thanh Niên ngày 5.6.2021