NHÀ THƠ TRIỆU TỪ TRUYỀN
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7021
Triệu Từ Truyền tên khai sinh là Triệu Công Tinh Trung. sinh ngày 9 tháng 4 năm 1947 tại Sa Đéc, Đồng Tháp, con trai của một gia đình nhà giáo tham gia kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, sống, đi học, làm việc tại Sài Gòn từ năm lên 7. Cha là Triệu Công Lợi, mẹ là Lê Thị Mười (cô giáo Chất).
Triệu Từ Truyền có tư duy độc lập và bút pháp riêng biệt trong sáng tác văn học. Ông in tập thơ đầu vào tuổi 15, tập thơ thứ hai vào tuổi 18, có nhiều thơ đăng trên các báo văn nghệ Sài Gòn với bút danh Triệu Cung Tinh vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ 20. Ngoài bút danh Triệu Từ Truyền và Triệu Cung Tinh, ông còn có bút danh Triệu Dạ Trạch, Văn Chính Kinh, Nguyễn Văn Biên... Thời trẻ, ông là thủ lĩnh của phong trào sinh viên học sinh đô thị ở miền Nam trước 1975, biệt hiệu của ông là Tư Truyền và được bạn bè, đồng chí gọi thân mật là "anh Tư".
Triệu Từ Truyền được học vỡ lòng trong vùng kháng chiến thuộc tỉnh Cần Thơ (trước hiệp định Geneve 1954), sau đó học tiếp tại Sài Gòn. Ông say mê triết học ngay sau khi thi đậu bằng trung học đệ nhất cấp (hết cấp 2). Ông cũng tham gia hoạt động tích cực trong phong trào học sinh - sinh viên thời bấy giờ. Năm 1964, Triệu Từ Truyền là Tổng thư ký Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn , uỷ viên biên tập bán tuần san "Vùng lên" của Hội đồng chỉ đạo thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn Gia Định, chủ biên đặc san "Học sinh" (1964-1965), nguyệt san "Đất Đứng" (1965), đặc biệt viết tuyên ngôn cho những cây bút trong nhóm Bộ Lạc Mới, vừa ra báo vừa làm xuất bản (1965-1966).
Sau khi bị lưu đày Côn Đảo lần 1 (1966-1969), Triệu Từ Truyền ra tù, được Thành đoàn phân công là Uỷ viên Thường vụ Đoàn uỷ học sinh, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn (5). Trong thời kỳ cao trào đô thị 1969-1971, Triệu Từ Truyền đã tham gia chỉ đạo chung và góp phần xây dựng lãnh vực văn hoá văn nghệ của phong trào. Sáng tác "Bài thơ bắt đầu" (6) được in lại trong "Tiếng hát những người đi tới" (1993). Năm 1971 bị lưu đày Côn Đảo lần thứ hai, đến năm 1974, Triệu Từ Truyền được trao trả tại Lộc Ninh, tiếp tục hoạt động theo lý tưởng của mình. Sau 1975, Triệu Từ Truyền tham gia chính quyền cấp Quận và quản lý kinh tế cấp Tỉnh, thành; ba mươi tuổi làm phó chủ tịch kế hoạch & văn xã của quận 4, trên hai trăm ngàn dân của thành phố Sài Gòn (1975-1983), thời điểm này Triệu Từ Truyền đã giúp đỡ khá nhiều nhà văn, nhà thơ miền Nam trước 1975 về quận 4 sinh sống và sáng tác. (7) Sau đó, Triệu Từ Truyền là chánh văn phòng Ban Đại Diện phía Nam Hội Nhà Văn Việt nam (1990-1995- từ Đà Nẵng đến Cà Mau); và đảm trách chức vụ khác thuộc các ngành tài chính, xúc tiến ngoại thương và đầu tư; du lịch, v.v...
Triệu Từ Truyền chủ biên các tạp chí "Bông Trang" của Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Sông Bé (1991-1992); chuyên san thơ "Gieo & Mở" (NXB Đồng Nai-1995), Kiến thức phổ thông (1988), Nguyệt san "Giáo dục" (2002- 2003) và từng làm Trưởng ban biên tập nguyệt san "Dân Trí" thuộc hội khuyến học Việt Nam (2004). Tiếp nối quan niệm thơ của "Bộ Lạc Mới", nội dung tiểu luận và thơ của chuyên san thơ "Gieo & Mở" xuất bản tại Sài Gòn đã đánh dấu sự đổi mới thơ ở Việt Nam sau 1975.
Nhà thơ Triệu Từ Truyền luôn làm thơ vì tự do, vì tình yêu và vì Tổ quốc.
(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
Tác phẩm đã xuất bản:
- Đêm lên cơn dài - bộ lạc mới (thơ), nhà xuất bản do Triệu Cung Tinh, Nguyễn Tôn Nhan, Từ Kế Tường… chủ trương - năm 1965.
- Bên dòng Măng Thít (thơ), Hội VHNT Cửu Long - 1986.
- Dật dờ trong sương (thơ), NXB Văn Nghệ TP. HCM - 1990.
- Mảnh vỡ hồn nhiên (thơ), NXB Trẻ - 1994.
- Va chạm hư không (thơ), NXB Văn Học - 1999.
- Tuyển thơ Triệu Từ Truyền (song ngữ Việt - Pháp), NXB Trẻ - 2001.
- Mặt cắt cõi ngoài (thơ), NXB Thanh Niên - 2006.
- Lục bát Triệu Từ Truyền (thơ), NXB Hội Nhà Văn - 2008.
- Tuyển thơ Triệu Từ Truyền (song ngữ Việt - Anh), NXB Trẻ - 2010.
- Tương tác (truyện dài), NXB Văn Học- 2005.
- Những chữ qua cầu tâm linh (tiểu luận và tản văn), NXB Văn Học - 2008.
.
THƠ & VĂN TRIỆU TỪ TRUYỀN
SIÊU TÌNH
I
trên chuyến xe xuyên quốc lộ phương Nam
anh chợt thức thấy nàng nằm bên cạnh
lên hồi nào mà lấp đầy cô quạnh
tới từ đâu diệu sáng trăng rằm?
tấm khăn choàng màu lửa của đền thiêng
đêm liêu trai hay ngày ảo ảnh
hiện thân vệ nữ gặp thi nhân?
II
nàng cùng anh tan ra thành hạt nhỏ
không kính hiển vi nào soi thấy hạt sác na
mình cùng sống không cần chiều không gian nữa
không hành tinh không ánh sáng mặt trời
tinh yêu mình rũ sạch vũ trụ luân hồi.
III
anh không biết xuống đâu là tới chỗ
bến của nàng ở hồn xác chính anh:
“mình nói với nhau không có bắt đầu
nên chẳng bao giờ mình kết thúc”
dù bão dữ mặt biển tình luôn phẳng lặng
vẫn êm đềm những bước hồn nhiên
đi trên đất hay trên mặt nước
hạ nguyên tử cô đơn ôm kỳ vọng sum vầy!
IV
em vốn là cành bông lửa kiêu sa
kết tinh tổng hòa tranh- tượng- thi ca
vượt trùng vây về vùng thẩm mỹ
gọi triết gia viết nốt trang đời
bằng tấm lòng thi sĩ.
Hà Tiên, 7.2014
.
TRỔ BÔNG
con chim khách vỗ cánh bay luôn
chiều xuống chậm bằng hoàng hôn xám
nắng ráo đi qua mưa dầm bước vội
chợt chớm nụ bên hiên giữa tàn úa bông vườn
cành từ lâu chỉ còn lá mới
nhìn biếc xanh em tận hưởng góc nhỏ tươi non
không tiếc nuối dù chút hờn duyên phận
cần chi bông nở rợp trời!
cây cỏ bên nhà không chỉ sống tự nhiên
chúng luôn thấm đẩm tình người nồng thắm
nụ hoa biếc sẻ chia lòng xao xuyến
hạnh phúc trong em sưởi ấm nụ hoa buồn
người đã tới dù không còn chim khách
bây giờ mỗi đốm hồng gậm nhấm trên nền xanh
tia lửa nào phát sáng từ anh
thắp một chân trời hoa trổ.
Gia Định Thành, 30.7.2014
.
Hạt sứ giả
1
hình như em gửi anh hạt sứ giả
tràn ngập mỗi tế bào tim
ngực nhói lên nỗi niềm
tháng tận năm cùng có phải đi vào ngõ cụt
anh đứng dưới chân núi dòm bông hồng vàng nở rộ
leo lên bằng lối nào đây em.
anh đứng bên này bờ biết em ở bên kia
mù sương vây kín dòng nước xiết
con người từng có cánh sao?
2
hình như em hôn anh
bằng sóng ánh sáng ngọt lịm đôi môi
anh yêu mất thôi!
em đóng gói xuân thì
làm quà hồn nhiên
mừng anh không tuổi
ánh sáng hóa thạch
thuở tiền sử em bay về trái đất
bằng vô vàn hạt vàng
tưới thấm đẩm vườn xuân hoa lạ
anh cọ đá sao không phát lửa
làm sao sưởi ấm em trong đơn lạnh?
3
sắp vào xuân
hạt sứ giả nào không tương tác?
dù mạnh hay yếu thôi em
lực hấp dẫn hay sức hút điện từ
Em ơi, đừng để vụ nổ hạt nhân trong tim anh.
.
Có một ngày
1
có một ngày trong mùa nước nổi
con cá khơi xa bơi quanh bông điên điển vàng
cá lớn dần giữa đồng tràn phù sa
trong bọt tình yêu manh nha từ tiền kiếp thượng nguồn
2
kỳ phùng của hai hạt hạ nguyên tử
làm nên vụ nổ lớn sinh ra mỗi kỷ nguyên
bắt đầu những chiều không gian
cộng một chiều thời gian đếm ái ân hình thành tình sử
3
con cá tơ non cuốn theo dòng lũ
tự hỏi sao phải chờ tới mùa nước nổi
mới về với hoa vàng Đồng tháp
như anh tự vấn sao phải đợi Big bang?
4
hòn đất nhỏ như hạt phù sa nói nhỏ:
cá ơi mọi việc cùng lúc mà
hoa vàng đâu nở muộn!
có một ngày anh sẽ gặp em.
.
Suối vô cảm
cà phê chín đỏ vùng cao đông bắc
từng bước đi đếm hạt nhớ em
sương lạnh túm chặt núi đồi
hiện ra đồng bằng tây nam lạnh ngắt
ảo giác rồi rơi nước mắt?
nhớ vườn hoa Nam bộ rộ mùa bông
em tưới vườn mừng độ Tết.
.
mỗi sáng con chim khách đuôi dài quý phái
hót hoài trên cành ngọc lan đầy nụ thơm nồng
có lẽ chiều này em gõ cửa…
con suối trước nhà trôi từ bắc xuống nam
chảy xuôi một dòng không quay lại
bầy đom đóm mừng hụt cuối hoàng hôn
soi tìm dấu chân trong mênh mông
cây cà phê chín rục gục đầu bên suối
.
cao nguyên nhiều suối không thấy sông
nước không lớn không ròng một chiều trôi mãi…
biết bao giờ anh gặp em?
suối vô cảm vậy sao?
.
con chim khách hót vì được tin từ vũ trụ đa chiều kia
có người tình sắp đi thăm anh ấy
cớ sao bóng không theo hình?
không - thời gian này đầy bi thương!
.
trong dãy lụa mù sương dáng em ẩn hiện…
tưới vườn bông nhiệt đới
em luôn ấm nồng gần xích đạo hơn anh
.
có một ngày bão tới
đừng nói em lạnh lắm nghe anh.
TR.T.TR
.
Mùa thu Sài Gòn
TRUYỆN NGẮN CỦA TRIỆU TỪ TRUYỀN
NVTPHCM- Sài Gòn có mùa thu? mà hình như chỉ năm ấy hồn thu Hà Nội mới lên đồng tại một góc phố Sài Gòn.
Con đường Hồ Xuân Hương se lạnh, lá vàng ngập vỉa hè, trời trong xanh, bầy chim sà xuống chui vào tàng cổ thụ của cụm rừng nguyên sinh mini bao quanh dinh Độc Lập, bức tường trắng chạy dọc suốt con đường như làm nền cho tranh vẽ theo matière của họa sĩ Lavitan: đôi bạn trẻ trong hoàng hôn. Không gian tĩnh lặng, không tiếng động cơ của xe cộ, không bóng người đi bộ, ai đã sắp đặt góc thiên nhiên hoang dã giữa một trung tâm phố thị? Sóc con chạy lung tung khắp cành nhánh to hơn thân chúng, đôi mắt đen tròn nhìn xuống hai người như thầm hỏi: “anh chị có tự do tung tăng như chúng tôi không?”.
Nhung, mười bảy tuổi, áo dài trắng còn đính phù hiệu trung học Gia Long bên ngực trái, tay không xách cặp mà một chiếc thau nhôm to. Thành cũng mười bảy tuổi, áo trắng quần xanh đậm, tay cầm tập bản thảo. Hai người đi dọc đường Hồ Xuân Hương, dẫm lên lá vàng với những bước chậm tưởng chừng như đi lui lại, nổi bật trên nền vách tường sẫm dần.
Nhung đang học năm cuối để lấy bằng trung học đệ nhất cấp, Thành chuẩn bị thi tú tài. Lần đầu gặp nhau Thành bị sức hút mãnh liệt của Nhung. Trước đó mươi ngày, một nữ sinh trung học Gia Long người Huế đến bắt chuyện, Thành nhớ mãi vóc dáng đậm đà, làn da bánh mật, khuôn mặt tròn và giọng nói trầm êm dịu, dễ thương nhưng hình như có một phân cách lý trí nào đó ngặn chận tình cảm của hai học sinh mới lớn. Nhiều bạn gái để ý đến Thành, vì ngoài là một diễn giả nổi bật trong các cuộc xuống đường, anh còn được báo chí văn nghệ Sài Gòn công nhận là nhà thơ từ năm 16 tuổi.
Cô gái Huế giã từ anh sau lần đãi bún bò ở một quán sang trọng, cũng là lần đầu tiên Thành ăn bún bò cay xé với đầm đìa nước mắt. Phân cách lý trí ấy là Thành theo Mặt Trân Dân Tộc Giải phóng, còn cô gái Huế thương anh, chính là con gái rượu của một vị dân biểu Việt Nam Cộng Hòa.
Khuôn mặt buồn rười rượi, cô nắm tay anh và nói gọn lỏn:
- Em có con bạn cùng lớp sẽ giới thiệu cho anh.
Từ đó cho đến cuối đời, Thành không còn dịp nào thấy bóng dáng của nàng sông Hương ấy nữa.
Hôm sau, Thành bước ra hành lang từ phòng họp của sinh viên học sinh tranh đấu, đặt tại trường Luật. Một người bạn tranh đấu cũng là nữ sinh Gia Long nói với anh:
- Chị Nhung đại diện học sinh Gia long buổi chiều, cần gặp anh kìa.
Thành ngẩng nhìn bắt gặp ánh mắt đầy thiện cảm của một cô gái mặc áo dài trắng tay ôm cặp da màu đen, nón lá chếch phía sau, đang tựa lưng vào cây cột to của hành lang. Thành bước tới làm quen:
- Xin lỗi chị tên gì ?
- Dạ tên Nhung, đại diện buổi chiều của học sinh Gia Long.
- Rất hân hạnh, tôi cũng muốn gặp chị để trao đổi về chủ trương của Hội Đồng Chỉ Đạo Sinh Viên Học Sinh.
Thành và Nhung tin cậy, thương quý nhau tức thì, nhanh hơn một tia chớp, như là định mệnh.
Những tháng ngày sau đó, Nhung và Thành luôn nổi bật trong phong trào đô thị, là ngọn cờ tập họp lực lượng biểu tình, khi cầm trên tay chiếc micro-pin luôn phát ra những lời kêu gọi lay động hàng vạn tấm lòng, thúc đẩy hành động về một hướng.
Thành chưa hề nói một câu nào là yêu Nhung, thế mà mọi người đều nhận thấy Thành yêu Nhung thiết tha. Phải chăng vì ánh mắt của Thành, vì những bài thơ đăng báo, hay nhiệt tình quá mức, hành động liều lĩnh chỉ có từ kẻ đang yêu?
Riêng Thành mãi đến cuối đời vẫn tự hỏi không biết Nhung có thương mình không??? Nếu kể ra vài cử chỉ trong chưa đầy sáu tháng gặp gỡ nhau, ai cũng võ đoán Nhung có yêu Thành.
Vào một chiều tối, trời mưa phùn, trước cuộc đụng độ ác liệt với cảnh sát dã chiến và quân đội giải tán biểu tình, ai đó đưa một phong thư nói rằng của Nhung gửi cho Thành. Thành chỉ kịp cho thư vào áo khoác rồi nhào lên hàng đầu để xuyên thủng hàng rào đàn áp, nhưng bị bắn lựu đạn cay và vài loạt đạn thật, nhiều học sinh bị thương và một anh đứng kề bên Thành đã hy sinh vì đạn trúng tim. Thành bị ngất đi, đang nằm trên băng ca để đưa về trụ sở tranh đấu, không biết do sức mạnh nào Thành vùng dậy hỏi:
- Áo khoác tôi đâu?Tìm áo khoác cho tôi…
Vài người bạn buộc phải dìu Thành trở lại hiện trường đang hỗn loạn đầy máu và nước mắt, nhưng mãi mãi Thành không bao giờ biết Nhung viết gì trong thư ấy.
Mấy ngày sau trong cuộc đấu tranh, đưa tang anh học sinh bị tử thương. Hai người đang đứng ở hàng đầu và thay phiên phát loa vận đông binh lính không đàn áp đám tang. Cảm thấy sắp bị đàn áp và bị bắt, Nhung tháo chiếc đồng hồ dây bằng vàng trao cho Thành, Thành cho vào túi áo vest cài khuy cẩn thận. Lính nhảy dù và mật vụ bắt Nhung ngay khi được lệnh đàn áp. Thành được các bạn lôi kéo, giải vây thoát khỏi cuộc bắt bớ, mấy người bạn cùng đi bảo Thành đưa áo vest giữ dùm, để tránh mật vụ theo dõi bắt nguội.
Thành ân hận, đau đớn vì không bảo vệ được bạn gái, anh càng xót xa hơn khi không giữ được kỷ vật của Nhung. Chiếc áo vest được người bạn tranh đấu trả lại. Thành biết ơn, vì bộ complet này ba má anh vì quá thương con đã đặt ở một cửa hiệu nổi tiếng của Hòn Ngọc Viễn Đông. Anh cũng biết rằng ở đất nước chậm tiến, nghèo đói và chiến tranh thời bấy giờ mấy ai may bộ vest cho học sinh 17 tuổi. Buồn hơn vì áo còn mà chiếc đồng hồ lại mất. Thành muốn xin ba má mua cái khác để trao lại Nhung, đắn đo mãi anh không nỡ làm khổ thêm ba má, gia đình anh chỉ sống bằng đồng lương cấp thấp. Đúng như niềm tin của anh, khi báo mất chiếc đồng hồ quý giá, Nhung kìm giữ tâm trạng, e người bạn mình bị tổn thương nên Nhung không hề nói một lời trách cứ nào hết. Sau này, khi ở tuổi trung niên Thành chưa bao giờ được xử sự như vậy, chỉ cần vô tình làm thiệt hại khoảng 10% chiếc đồng hồ kiểu đó, người phụ nữ đương sự không tiếc lời xỉ vả anh.
Vài tuần trôi qua, Nhung được trả tự do. Thành đến nhà thăm Nhung. Lần này thái độ của ông nội khác trước, vì e ngại cháu gái cưng lại bị rủ rê đi chống chính quyền, bị bắt sẽ khổ thân và tương lai của một thục nữ sẽ không được định hình. Thành chỉ kịp đưa bản thảo viết tay hơn ba mươi bài thơ, có trang dán mảnh báo in thơ anh. Tài sản lớn nhất của Thành thuở ấy chính là tập thơ này. Nhung trao cho anh tấm ảnh 4x6, vì e rằng sắp tới phải xa nhau lâu dài. Bốn năm sau, trong một lần bị giải từ Côn Đảo về đất liền, cai tù lấy chồng sách của Thành bị buộc cất trong kho tù, giao cho anh mang theo, bỗng tấm ảnh Nhung rơi xuống cát từ một trang sách nào đó. Thành vui mừng lấy ảnh cho vào túi, lòng anh lại rộn ràng, tim đập nhanh hơn như thuở mới quen. Sau này do bị chuyển tù nhiều nơi nên tấm hình mất tích thật bí ẩn, Thành làm sao biết tấm ảnh mất là do đâu và ở đâu?
Thấy ông Nội không muốn cho cháu gặp bạn lâu, Thành chỉ kịp nói:
- Nhung giữ tập bản thảo giúp tôi để sau này còn lại.
Mái tóc dài còn ướt lòa xòa quanh khuôn mặt cô gái dậy thì đầy quyến rũ, nồng nàn, pha chút liêu trai, Nhung chỉ gật nhẹ đầu, nhìn Thành trìu mến chưa từng có:
- Anh về, Nhung xin lỗi vì mới gội đầu.
Thành im lặng khá lâu, muốn nói mà không thành tiếng, quay lưng ra cửa rồi ngoái lại nói một câu ý tại ngôn ngoại:
- Nhung chờ tôi chớ?
- Anh nói gì, nói nhỏ quá Nhung không nghe được.
Thành đi nhanh ra đường sau khi xin phép ông Nội ra về.
Thời tiết mùa thu Hà Nội ở một góc phố Sài Gòn vào chiều cuối năm ngày đó, hóa ra là bối cảnh của cuộc gặp gỡ lần cuối để chia xa ba mươi năm. Lần đó họ còn biểu lộ gì thêm về mối tình của hai học sinh tranh đấu, của hai thiếu niên sớm đam mê trong thời ly loạn, đất nước bị cắt đôi.
Thành hỏi Nhung:
- Sao Nhung mua cái thau to vậy?
- Nhung mua cho chị hai tắm em bé mới sinh.
- Nhung chỉ có hai chị em sao?
- Chỉ hai chị em mà thôi.
Lần này mạnh dạn hơn, nhưng Thành cũng không nói nỗi câu “Tôi yêu Nhung nhiều lắm”, mà lại hỏi nữa:
- Nếu ngày sau tôi bị thương tật trong chiến tranh, Nhung có quên tôi không?
Nhung nghĩ suy khá lâu, tìm một câu trả lời bao quát hơn câu hỏi của Thành:
- Làm người phải có trước có sau, sao anh hỏi Nhung vậy, Nhung luôn nhớ Thành mà!
Theo nhận định của tổ chức, Nhung phải về ở hẳn vùng giải phóng. Trước khi đi Nhung đến nhà của gia đình Thành, nhưng anh đã lẩn khuất ở miệt Cây Quéo tỉnh Gia Định, vì tên anh bị đọc trên đài phát thanh theo lệnh truy nã của nội các chiến tranh do tham gia phong trào hòa bình.
Trước đó mấy hôm, Thành đến cổng trường rủ Nhung đi ăn trưa, bị từ chối với lý do cùng đi với bạn học đến nhà may lấy áo dài. Thành cảm thấy tổn thương, giận Nhung và không thèm gặp nữa. Nên dù má của Thành có báo lại Nhung muốn gặp anh khẩn cấp, Thành vẫn bỏ qua. Thái độ trẻ con đó đã giết chết một tình yêu mong manh trứng nước, và Thành đau khổ về sau.
Bất chấp vị trí địa lý, đôi khi Sài Gòn cũng chợt có mùa thu Hà Nội, dù chưa ở độ tuổi trưởng thành đôi khi hạt mầm của tình yêu đại thụ vẫn nảy nở. Không phải hai bạn trẻ chưa yêu nhau, mà vì lý trí đám đông, định kiến giáo điều đã dập tắt ánh sáng xanh của trăng rằm. Chỉ còn lại ngọn lửa duy lý đốt cháy tâm hồn đôi khi cháy rụi cả đời người.
Ba mươi năm sau, ai cũng đã là cha là mẹ của những đứa con bước vào tuổi dậy thì, tình cờ Thành có số điện của Nhung. Thành gọi bằng máy bàn:
- A-lô có phải Nhung không?
- Dạ, phải.
- Nhung biết ai gọi không?
- Sao quá lâu vậy anh Thành!
Paksong, 20.11.2012