Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà thơ HOÀI QUANG PHƯƠNG

Giới thiệu nhà thơ Hoài Quang Phương, hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Quảng Trị.

 

IMG_1442

 

Tên khai sinh: Nguyễn Quang.
Quê quán: Thái Lai, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Quảng Trị.

Địa chỉ liên hệ

Hoài Quang Phương, Hội VHNT Quảng Trị, 46 Hùng Vương, Đông Hà,Quảng Trị.

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .

Blog: http://vn.myblog.yahoo.com/hoaiquangphuong

 

Tác phẩm chính:


1. Đài Kỷ niệm (In chung) VN QTGP 1973;

2. San hô trắng - Tập thơ - Hội VHNT Quảng Trị 1997;

3. Ngôi nhà hạnh phúc - Tập ca dao hát ru - Hội VHNT Quảng Trị 1998;

4. Lửa mùa đông - Tập thơ - Hội VHNT Quảng Trị 1999;

5. Sáng nguồn - Tập thơ lục bát - Hội VHNT Quảng Trị 2002;

6. Lục bát - Tập thơ chọn lọc - NXB Hội Nhà Văn VN - Hà Nội 2002;

7. Bác Hồ của chúng ta - Tập thơ chọn lọc - NXB Hội Nhà Văn VN 2005;

8. Ngôi nhà của mẹ - Trường ca - NXB Văn hóa dân tộc - Hà Nội 2005;

9. Thơ tình tuyển Bước đầu chọn - NXB Hội Nhà Văn VN - Hà Nội 2007.

10. Vầng trăng biển - Trường ca - NXB Hội Nhà Văn VN - Hà Nội 2009.

IMG_1441

Mặt phẳng lòng tôi - NXB Hội Nhà Văn VN - Hà Nội 2010

photo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 




.
Mặt phẳng lòng tôi
Nguồn thi hứng vừa lạ, vừa quen

Hồ Sĩ Vịnh

Nói lạ, là bởi ngay từ nhan đề của tập thơ, ta đã liên tưởng đến thế giới phẳng của Thomas.L.Friedman. (Ở đấy không có rào cản, biên giới văn hoá tinh thần được mở rộng…). Rồi tiếp theo, bài đầu tiên của tập thơ là Đời con chử với câu kết: Ngọn bút cày vào vô thức/ Cơn đau lột xác/ Con chử ra đời. Có nhà thơ nói “bóng chữ”, nhưng chưa thực sự thuyết phục. Triết lý “con chử” thật ra là triết lý của người sử dụng ngôn ngữ, thiết chế tu từ, sáng tạo hình tượng thơ ca. Cuộc đời sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ thực chất là những ngày lao động cực nhọc, lao tâm, khổ trí, có khi không chỉ viết bằng trí mà cả mồ hôi và máu, nên mới có “bút máu”. Tất cả điều đó để nhà thơ đi vào bản thể văn chương. Bởi không thế, thì dù nhà thơ viết sử thi hay trữ tình , dài hay ngắn, thơ Đường hay thơ tự do, nếu thiếu hình tượng thì thi hứng trở thành “con chữ chết” (V.Lênin) hoặc những câu ghép vần hoa mỹ.

Nhưng lại quen, vì mặt phẳng của nhà thơ được trải rộng, lòng rộng và “lượng trời” không chật, cởi mở, cả đau đớn lẫn hạnh phúc: Em về mặt phẳng lòng tôi dịu lại/ Chân rửa bụi đường/ Tiếng sóng êm đềm thủ thỉ/ Em tắm ánh trăng (Mặt phẳng lòng tôi, tr. 20). Đó đây, ta thấy Hoài Quang Phương không ngại đến với siêu thực, đi tìm cái đẹp trong cái thiếu hài hoà, cái ngọt ngào trong cay đắng cái lý tính trong cái phi phi lý tính. Viết về biển, ông có những câu thơ có thể chiêm nghiệm được về thân phận con sóng, nổi lòng của biển, ánh trăng đêm biển động, xác sóng tơi bời sau cơn bão dữ… thực ra là nói số kiếp chìm nổi, đa đoan của con người: Con sóng

ném xác mình lên bờ đá/ không có sóng/ không hiểu được nổi lòng của biển

(Nổi đau của bờ); Con thuyền thúng Cửa Tùng/ nửa vừng trăng/ kê bền thềm sóng (Con thuyền mạn tròn); hoặc: Nhớ về cố hương không hở sóng?/ Vỗ mênh mông khắc khoải triền miên/ Gió dữ chồm lên tung bọt trắng/ bảo tan rồi xác sóng chẳng còn nguyên (Sóng biển quê đâu?). Có hàng trăm nhà thơ, nếu không nói nhiều hơn, vận dụng thi pháp ẩn dụ khi nghĩ về biển, đứng trước biển. Những hình tượng thơ của họ đã trở thành môtíp gắn liền với âm nhạc thì không nhiều. Hữu Thỉnh nổi tiếng với lời trách yêu biển và “coi thường” sức mạnh của sóng trước ma lực của tình yêu: Biển cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn/ Sóng chẳng đi đâu/ Nếu không đưa em đến/ Dù sóng đã làm anh/ nghiêng ngả/ Vì em (Thơ viết ở biển). Xuân Quỳnh với lời thì thầm của thuyền và biển, về hạnh phúc

bền vững giữa cặp tình nhân tri âm, tri kỷ: Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu/ Những ngày không gặp nhau/ Lòng thuyền đau rạn vỡ/ Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió (Thuyền và biển).

Hoài Quang Phương đến sau, nhưng ông cũng trăn trở tìm kiếm những biện pháp tu từ trực giác về trăng và biển: Con thuyền em chở trăng thanh xuân/ Trăng vỡ nát chìm trong biển động (Đêm biển); về đầu sóng và hồn biển: Khi giữa biển trời vô tận/ Giấc ngủ vỡ ra từng mảnh vụn/ Sóng dồi (Tr. 26) v.v… Con người không thể nhận được thế giới bên ngoài, nếu không đi trên hai con đường: suy lý và trực giác để nhận thức chân lý. Không có trực giác, một mình suy lý sẽ bất lực, không hiểu được sự thật trọn vẹn. Bài Người kéo lưới trước biển (Kể chuyện Bác Hồ về thăm làng chài Trường Lệ, Sầm Sơn) là hiện thực một trăm phần trăm, nhưng nhà thơ không muốn những dòng thơ tự sự dễ dài, phải kéo căng câu thơ để có một hình tượng phi lý tính: Những người đánh cá ở trần/ kéo biển lên từng tấc/ gót chân khắc vào bờ vững chắc/ suy ngẫm chạy dọc đường neo/ đến tận lòng biển khơi sâu (Người kéo lưới trước biển). Nói đến yếu tố phi lý tính trong thơ, dễ thường, nhiều người biết đến định nghĩa của nhà thơ Nga Iôxip Manđenxtam: “Thơ là ý thức mình có lý” (La poésie est la conscience d’avoir raison). Sở dĩ câu thơ có lý là nhờ sự can thiệp của nhà thơ, thì cái phi lý kia trở thành có lý. Thơ nhận ra sự bất túc của nhận thức lôgích trong văn xuôi. Thơ chỉ bắt đầu khi văn xuôi kết thúc. Nói vậy, chứ không phải hình tượng phi lý tính nào cũng thành công. Điều này đòi hỏi nhà thơ có năng lực liên tưởng, sức bay của trí tượng và ý nghĩa triết lý của câu thơ. Những câu thơ của Hoài Quang Phương như: Bảo tan rồi xác sóng chẳng còn nguyên là dễ chấp nhận, nhưng Người thị xã cầm trên tay ban mai thành phố (tr. 33) nghe sao lủng củng, thiếu chân thật, còn xa mới đến đường biên của trí tưởng tượng hay sức liên tưởng. Bài đường biên tâm thức (tr. 93) tác giả muốn nói điều gì? Tứ thơ bài Lá nghẹn (tr. 92) gây xúc động nhưng tiêu đề Lá nghẹn sợ không dính dáng gì đến hình ảnh em bé bán khoai v.v… Ở chỗ này nên nhớ tới ý kiến của Phơlôbe: “Đừng bao giờ sợ sự phóng đại, nhưng là sự phóng đại có mức độ, hợp lý, hài hoà”. Giữa muôn nghìn câu thơ phi lý tính trong thơ ca dân tộc và thơ hiện đại, tôi thích bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh…

Hoài Quang Phương là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Trị, bắt đầu sáng tác từ đầu những năm 70 với trên 10 tập thơ đã đã được xuất bản, phần lớn được các nhà xuất bản Trung ương thẩm định và công bố. Đó là đảm bảo đầu tiên để thơ ông đi vào đời sống. Ông đã viết nhiều về đề tài: quê hương Quảng Trị anh hùng và thân thương. Trong tập thơ Mặt phẳng lòng tôi có ít nhất trên dưới 10 bài về miền Trung và nhiều bài cảm tác về thủ đô Hà Nội, được viết vào hai năm 2009, 2010, nhân dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Viết về quê hương

Quảng Trị, ông xao động trước sóng gió Cửa Tùng, sông Hiếu chảy giữa lòng thành phố, xứ cát, hồ Tích Tường, chợ phiên Cam Lộ, suối ngọt Cam Tuyền, rau “rờng” Trường Sơn, gió Lào rát mặt v.v… Mỗi bài đối với ông là một kỷ niệm màu xanh, một dấu chân ký ức thời gian. Trong số những bài cảm tác về thời gian tôi thích bài Sợi hương xuân (tr. 68). Khổ thơ ngắn, gọn, chỉ ba khổ thơ mà nói được cái bâng khuâng, rạo rực của lòng người khi xuân về: Biết là xuân sẽ đến/ sau cuống là mùa đông/ bụi mưa vàng óng ánh/ rắc xuống ngày xanh non. Biết mùa xuân về lại/ đếm một vòng thời gian/ quên rồi năm tháng cũ/ sao còn ngân tiếng đàn…

Nói thơ là nói đến người tiếp nhận thơ. Mặt bằng dân trí của người đọc thơ hiện giờ ở nước ta nói chung ở mức trung bình. Vì vậy thơ ngắn có lợi thế. Bác Hồ có lần nói: Đoản thi tối hảo phá (thơ ngắn có sức truyền cảm lớn). Nói thế không có nghĩa là người đọc từ chối trường ca, thơ tự do, thơ cổ điển. Người ta chỉ phàn nàn thơ in ra nhiều mà số lượng bài hay không nhiều, câu thơ hay khó chọn, phong cách lớn chưa định hình và khó tìm thấy.

Thơ Hoài Quang Phương có thiên hướng thơ trí tuệ hay chí ít là hành trình đi tìm chất trí tuệ. Nhưng đó mới là nhiệt tình, còn cần những cái gì nữa? Theo tôi, trước hết nhà thơ phải có phông văn hoá rộng (culture générale), trình độ triết mỹ khả dĩ là những bệ đỡ trong quá trình khám phá câu thơ, thể thơ, là những lực đẩy của lý tưởng thẩm mỹ. Người ta thường có định kiến: Đã là trí tuệ thì thơ dễ đi theo con đường thuần lý, thậm chí khô khan. Thật ra ở những nhà thơ lớn chất trí tuệ không khước từ tính trữ tình cái tĩnh không đối lập cái say. Chế Lan Viên là nhà thơ có xu hướng trí tuệ, nhưng ai bảo ông không phải là nhà thơ trữ tình khi đọc Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão!? Còn câu thơ nổi tiếng sau đây mà ai cũng thuộc: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn thì gọi đó là câu thơ triết lý hay câu thơ trữ tình đều hợp lý. Trong thơ ca cổ điển dân tộc, nhất là thể thơ Đường cổ điển Việt Nam để lại cho người sáng tạo thơ hôm nay nhiều biện pháp tu từ để chuyển tải tư tưởng thơ ca mà một trong nhiều biện pháp đó là thủ tượng (tức là lấy cái cụ thể để giải thích cái trừu tượng, và đàm huyền (tức lấy cái huyền bí, cái trừu tượng để luận đàm cái cụ thể).

Đó là một kinh nghiệm quý. Làm thơ là sáng tạo, là đam mê, có khi say nhiều hơn tĩnh. Văn chương, thơ ca là sự nghiệp của nghìn đời (văn chương thiên cổ sự). Mỗi một nhà thơ giống như mỗi con ong khôn ngoan biết đi hút mật ngọt ở các loại hoa về xây tổ ấm thơ ca cho cộng đồng. Nhà thơ lấy thi hứng ở bất cứ hiện tượng nào trong thiên nhiên, trong xã hội, nhưng khi bài thơ đã ra đời thì không còn của riêng anh (chị) nữa, mà là của xã hội, của trăm nghìn thị hiếu khen - chê khác nhau. Được khen, không vì thế mà cao ngạo; bị chê không vì thế mà trách cứ, chán nản. Hiệu quả của sự khen - chê nằm ở tài năng trước hết là lòng thành, đức khiêm và lý tưởng thẩm mỹ mà nhà thơ theo đuổi. Tôi nghĩ, Hoài Quang Phương đã ý thức điều đó khi ông cho công bố tập thơ Mặt phẳng lòng tôi./.

Hoàng Cầu, tháng 12 – 2010

H. S. V

 

 

Đời con chữ

Con chữ từng được nâng niu

nhạt nhòa trong chợ trời ngôn ngữ.

Con chữ tầm thường mọc nấm

huyền hoặc cánh rừng

lá khô phạc phờ khúc hát.

Con chữ nương bóng thế gian

ham điều lóa mắt

quên gốc gác mình.

Con chữ chiến tranh

nằm im trong lăng mộ sách

đêm trắng bạch khói hương

gốc xương mọc lên chồi sống.

Ngọn bút cày vào vô thức

cơn đau lột xác con

chữ ra đời

.

 

Vườn tượng

Những bức tượng trò chuyện với nhau

dưới tán lá mượt mà

bình phẩm nghề điêu khắc

bức tượng “lừng danh” đã tách khỏi vườn

Tượng chu du khắp nẻo đất trời

sự lộng lẫy mờ dần, chìm vào xa lánh

khuất bóng đêm dày đặc, mình không thấy mình

lẽ nào nhòa cả ánh mắt bên trong

Miền đất cũ hiện về

nơi tiếng chim dăng khắp ngày xanh

tia nắng xâu từng chuỗi hạt long lanh

quàng lên vai người thiếu nữ

nơi các chàng trai lặng im nói về mình

bằng ngôn ngữ tượng

nơi tạc hình hài cô đơn trống rỗng

nhưng là nơi trái tim vô hình

đang đập nhịp yêu thương trong vòm ngực đá

đôi mắt trữ tình đắm đuối chớp trên gương mặt thạch cao...

nơi con người nhìn lại mình

và nhập hồn vào tượng.

Cả vườn đời tượng thao thức đêm đêm...

.

 

Đôi lứa bên hồ

Anh và em ôm chiều Hồ Gươm

hoa lộc vừng từng chuỗi hương quấn quýt

Những ngón tay dịu dàng đặt vào lòng tay anh

chiếc hồ riêng, ngón tay em bơi lội

Hai lòng hồ thanh xuân nghiêng vào nhau

cầu Thê Húc cong theo tiếng sóng

ánh trăng mềm choàng bóng liễu đêm

mặt nước lung linh đan sắc hội Kinh thành

Gió nghìn năm hôn lên bờ vai Thăng Long đắm đuối

khát vầng trăng bơi trong mắt Kinh đô

Lưỡi Gươm Thần cô đơn ru tình yêu lặng lẽ

cho nhịp đập lứa đôi cánh mở biếc gương hồ..

.

Con thuyền mạn tròn

Con thuyền thúng Cửa Tùng

nửa vầng trăng

kê bên thềm sóng

Hồn tre xanh đan hình vòm trời

tìm về biển rộng

hứng nắng ban mai

bện gió đường khơi

Vào mùa

em đem cả vầng trăng xuống bến

nâng con thuyền lên

vượt qua bờm sóng

cá quẫy lòng khoang.

Thuyền em đan mạn tròn

đường cong

mềm dáng biển...

.

 

Đường rẽ vào

Đường rẽ vào câu thơ mùa đông

ngập ngừng mưa

nhỏ từng giọt lên trang viết cũ

con chữ tỉnh dậy mỉm cười

Những khúc đường lá rơi

mảnh nắng xác xơ

bức tường không còn nguyên vẹn

rêu chuyển màu bóc ra từng lời hẹn

từ thời giếng cạn ngập hàn vi...

Đường rẽ vào nhân gian

gương mặt cánh đồng phù sa từng hạt

mịn màng ửng sắc

qua gió thốc mưa chan

chim én bay lên tiếng cười rơi lách chách

ai đang tìm chồi cây thi nhân

ngón tay chạm vào nhau

những búp xuân giao cảm

Đường rẽ vào tình yêu

trái tim anh tro than phập phồng tiếng lửa

cháy ngọn đèn hình búp lá

trong ngôi nhà thơ em..

.

 

Đêm Phan Rang

Đêm Phan Rang mang màu cát cháy

chén gặp nhau hương biển bùi bùi

con kỳ nhông sau nhạc chiều ở lại

giòn tan dưới sao trời.

Đêm Phan Rang sinh nở

tiếng bàn tay vũ nữ chạm bóng tháp Chàm

vườn nho chín ngọt cả miền gió cát

đàn cừu nhai lá nắng

tiếng chồi đá mọc xanh...

hoa Thanh long thả hương vào gió mặn

thơm dọc đường miền Trung.

Tôi mang theo khúc nhạc Phan Rang

chuỗi cườm đêm phố biển

sáng ngọn đèn

thắp bằng gió khô...

 

 

 

 

 

Độc thoại 


Biết là không có phép thần tiên
Để em bước ra từ bức ảnh
Sao anh rối bời một chiều mây tạnh
Ngóng em về…

Điều không mong lại đến, tái tê
Mưa rơi!
Cây đứng đợi đầm đìa chiếc lá.


Độc thoại gió
Không ai nhận nửa lời
Chỉ mình nghe, tất cả lấp vùi.

Gió còn lại đôi môi và chiếc cánh
Sau chiều mưa óng ánh
Tiếng em cười trong ảnh vọng ra…
4/2006.
.


Chồi khoai lang biển

Những củ khoai lang mùa đông

dạt trôi dọc bờ biển cát
níu buộc vào nhau.

Khoai ở vườn nào
Màu da trẻ con
đầy mình vết xước
như thời máu ứa, đạn bom.

Khoai lang vùng bãi ngang
Sóng cuốn
xa bờ
Năm đói dật dờ…

Mấy ai ngờ
khi bờ biển sang xuân
chồi khoai lên
xanh từng hạt cát.

Không chỉ là cây
đích xác những linh hồn!...

.
Bay vào hoàng hôn

Cánh dơi bay vào hoàng hôn
nơi bắt đầu ngày của nó

Dơi đớp từng mảnh đêm sâu
Sống bằng bóng tối muỗi
Có loài dơi hút máu tươi
trong vệt đen tắt nắng

Lũ dơi kia bay vào chạng vạng
nơi dẫn đến xoáy lốc đường đêm
Hơi tiền đầy căng lồng ngực
Loài hút máu người róc kiệt ngày lên.

.
Đời con chữ

Con chữ từng được nâng niu
nhạt nhòa trong chợ trời ngôn ngữ

Con chữ tầm thường mọc nấm
huyền hoặc cánh rừng
lá khô phạc phờ khúc hát

Con chữ nương bóng thế gian
ham điều lóa mắt
quên gốc gác mình

Con chữ chiến tranh
nằm im trong lăng mộ sách
đêm trắng bạch khói hương
gốc xương mọc lên chồi sống

Ngọn bút cày vào vô thức
cơn đau lột xác
Con chữ ra đời!

3/2008

.

Bà già xuống chợ

Hàng ngày bà gánh tuổi mình
đi qua trước nhà tôi, xuống chợ

Nắng bà đội trời lơ thơ sợi gió
mưa bà mang tơi dáng cụ bồ nông
đôi chân thủng thẳng
bước giữa phố đông
trên gương mặt bà tháng năm gần cạn

Chiều nắng tắt bà mới trở về
gánh hai chiếc rổ tre

thời gian lọt hết
còn lại đồ đoàn treo trong cổ tích
lay lắt, lo toan...

Bà cười tần ngần
có lẽ bà từng đi nhiều phiên chợ
vượt qua những chặng đường sương gió
tảo tần mua bán
gặp gỡ, tan xa

Chiều xuống muộn khác thường
sương giăng đầy phố thị
đường qua trước nhà tôi
vắng bóng bà về.
2006

.

Vòng tay

 

Một vòng tay mướt cỏ
nón xuân ngữa hứng trời
úp mây vào ngực gió
lộc non rơi lên người

Nón nghiêng về núm nhớ
sóng vờn hai bờ trăng
con đò neo giấc ngủ
gió thức tìm bến sang

Mây vương vương sương ngậm                      
nắng cong cong thẹn thùng
một bầu riêng tỏa ấm
nghe quẫy đạp trào dâng

Hai vòm trời căng sữa
nuôi lớn một ban mai
dẫu mây chiều chớp lóa
lời ru đầy vòng tay...

10/2005

 

.

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ SỰ SUY TƯ CHIẾN TRANH

VÀ CON NGƯỜI TRONG CHIẾN TRANH

CỦA "VẦNG TRĂNG BIỂN"

(Đọc “Vầng trăng biển - Hoài Quang Phương - NXB Hội nhà văn - 2009)

 

LÊ HỒNG HẢI

 

Chiến tranh trong mối tương quan nơi nhận thức của nhân loại - Không ở thời kỳ cổ xưa, luôn xác định một ranh giới rõ ràng về một sự phân cực, chiến tranh vệ quốc ,chiến tranh xâm lược, (chiến tranh vệ quốc, có tính chất là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh xâm lược có ý nghĩa là cuộc chiến tranh phi nghĩa).

Trong lịch sử Việt Nam đã từng diễn ra cuộc chiến tranh vệ quốc , chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ xâm lược. Cuộc chiến tranh của đông đảo nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược đến từ Châu Âu, Châu Mỹ, như thế trở thành niềm tự hào dân tộc. Cuộc chiến tranh ấy là một đề tài lớn của Văn học Việt Nam, cho đến tận bây giờ.

Nhà Thơ Hoài Quang trong sự thể hiện nghệ thuật của mình đã lấy chiến tranh làm đối tượng để xây dựng trường ca Vầng Trăng Biển. Chiến tranh trong Trường Ca Vầng Trăng Biển cũng hiện diện hai thái cực đồi lập, chiến tranh vệ quốc, chính nghĩa giữa quê của người dân Vĩnh Linh nói riêng và của toàn thể dân tộc Viết Nam nói chung. Chống lại cuộc xâm lược phi nghĩa của Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ bà bè lũ tay sai của chúng.

Viết Vầng Trăng Biển với các nhân vật như: Hùng, Kiều Linh, Lena… Nhà thơ đã để cho những nhân vật của mình sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh đặc biệt ở Làng Hầm hoặc di chuyển khắp nơi trong lòng cuộc chiến. Hùng, Lena…là những nhân vật may mắn đã đi qua cuộc chiến tranh, bước vào cuộc sống mới thời bình. Thế nhưng:

Lịch sử thời gian và tâm hồn con người thì giữ được, Cũng như dòng sông Hiền Lương không còn chia cắt, vết thương ly biệt đã lành. Cũng có những vết thương không bao giờ lành được. Trong lòng nhân dân vẫn mãi tồn tại cuồn cuộn một dòng sông kỷ niệm, ký ức. Dòng sống này càng chảy mạnh hơn khi nhân vật về lại chính nơi ngày xưa họ đã sống và chiến đấu giữ làng, giữ quê. Trong những thời điểm như vậy, những suy tưởng của nhân vật về cuộc chiến tranh và về những con người trong chiến tranh lại có dịp bùng nổ dữ dội. Sự suy tưởng và những day dứt trong khi suy tưởng càng tăng khi nhân vật đứng trước một thực tế.

Con đường cát ngày xưa in những dấu chân trần các thế hệ.

Gió vô tâm xóa, đường không còn giữ được dấu chân nào.

Rất dễ lãng quên

Nhất là khi họ đã thức nhận một cách rõ ràng chân lý hiển nhiên của thực tại khác nhau về “Đường đi” hay cuộc hành trình về nguồn:

Mấy chục năm, mỗi lần về thăm.

Anh đã đi đường bộ, đường sắt, cả đường hành không , cách gì cũng qua cầu Hiền Lương và Đường Gió Cát. Và một triết lý khác của hiện thực tâm tưởng “Nhưng lịch sử thời gian và tâm hồn con người thì giữ được,” xác tín bằng những suy tư.

Ta nặng nợ một đời không trả được

Đi qua chiến tranh ta mắc nợ con người

Đi qua thời bình ta mắc nợ niềm vui

Đi qua hồn mình ta mắc nợ tình yêu và cuộc sống

Triết lý về thực tại hiện tồn và hiện thực tâm tưởng đã được Đạt tá Hùng đưa ra do chính sự trải nghiệm của mình trong cuộc sống xã hội, quanh sự thử thách của thời giam và chiến tranh. Triết lý về hai kiểu hiện thực như thế có lúc được nhân vật tách biện rạch ròi, có lúc lại ở thế đan xen. Điều này làm tăng sức nặng của những suy tư trăn trở. Tuy nhiên, sự minh định về thực tại hiện tồn như chúng tôi vừa đề cập ở trên dẫu mang tính chân lý thì nó vẫn chỉ là cái cớ, là điểm tựa cho sự xuất hiện một hiện thực khác: Hiện thực tâm tưởng trong thế đối sánh. Hiện thực tâm tưởng mới là cứu cánh của nhân vật này. Song điểm cốt lõi của hiện thực tân tưởng không phải sợ ánh xạ, những va chạm trong hiện tại mà là sự ràng buộc mãnh liệt trong qua khứ. Trong quá khứ ấy hiện diện đau thương, oai hùng, thanh cao, thấp hèn… xoay quanh các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, đôi lứa trong mối liên hệ hữu cơ với vấn đề trọng đại của Tổ Quốc: Đánh giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng đất nước đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa.. Con người sống trong những điều kiện mà nó gặp, chứ không sống trong những điều kiện mà nó chọn. (K.Mara). Những người dân Vĩnh Linh - Làng Hầm, không muốn chiến tranh và chọn chiến tranh để sống, thế mà hàng ngày họ phải đối diện với những hành động dã man của quân xâm lược.

Trút bom xuống làng mạc

Trường học

Bệnh viện

Nã pháo vào khu dân cư ven biển

Giết người dân vô tội Việt Nam

Đế Quốc Mỹ còn trắng trợn vu khống:

(Tít chạy dài trên các báo phương Tây chúng gọi trường cấp ba Vĩnh Linh là “Trung Tâm Đào tạo Cộng Sản”.)

Và thế là:

Bom hiện đại Hoa Kỳ

Ném vào ngôi trường đang học

Cuộc tàn sát thảm khốc

Đế quốc Mỹ gây ra cảnh:

Đợi người về tóc bạc màu mây

Mẹ nhìn lên trời

Trời thì cao

Nhìn mặt đất thì cắt chia đất nước

Hai bờ sông đầm đìa ánh mắt

Cái ôm siết cuối cùng để lại bên sông

Chiếc khăn tang trắng tuổi không chồng

Đối diện với những hành động dã man và phi lý của kẻ thù, các nhân vật sẽ đặt ra trong đầu mình những câu hỏi chất vấn.: Thời đại nào cũng có trường học./ /Nước nào cũng có trường học/ Lẽ nào Trung tâm Đào tạo cộng sản / Mở ngay trên đất Hoa Kỳ. ?

Sự phi lý càng hiện rõ một cách rốt ráo khi nhân vật nghiền ngẫm những sự khẳng định dồn dập về một thế hệ hiển nhiên của nhân dân Việt Nam trong mối quan hệ và cách ứng xử đối với chính nước Mỹ để làm tăng sự phi lý trong cách ứng xử của kẻ thù: Không một người Việt Nam nào làm hại nước Mỹ/ Không một hòn đất Việt Nam nào ném xuống nhà trắng. Lầu năm góc Hoa Kỳ/ Không một bụi tre đằng ngà nào quật xuống người dân nước họ. Hành trình suy tư đã giúp những con người này nhận ra sự thâm độc của kẻ thù. Chúng nó mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam/ Qua nhiều đời Tổng Thống/ Nhằm tiêu diệt bản sắc dân tộc ta”.

Người dân Việt Nam ta nói chung và người dân Vĩnh Linh nói riêng trong cuộc sống của mình thân ái, chan hòa với đồng bào, đồng loại, luôn yêu thương đồng loại, cùng hướng đến một nền hòa bình, nhưng cũng thật cương quyết, quyết sống mái với những ai có mưu đồ phá hoại nền hòa bình dân tộc, có ý định cướp nước. Yêu nước, là một trong những bản sắc, bản lĩnh độc đáo của người Việt.

Quê hương Kiều Linh chống chiến tranh xâm lược

Quê hương mình tiến hành chiến tranh vệ quốc. Mỗi người dân bình thường đã được trở thành anh hùng môt cách bất đắt dĩ, bởi hành động chống quân xâm lược của họ mang tầm vóc phi thường… Ánh chớp lóe lên hình chữ Vê (V) / Quả B40 làm vỡ ngực tàu giặc/ Chiếc Be dét phía ngoài bỏ chạy. Đối diện với chiến tranh con người nhận được sự vinh quang, nhưng họ cũng phải nếm những đau thương mất mát:

“Cái giá xương máu của cả nước

Nỗi đau dân tộc thấm đến mai sau”

Cách ứng xử của họ trước những đau thượng mất mát cũng thật là phi thường.

Anh đã chuyền sang em giọt sống

Giành lại em trước biển đêm cạn dần hy vọng

Đây là dịp duy nhất

Chút sữa đời con gái. em chỉ dành cho anh…..

……………………………………………………

Nhờ anh chút thôi

Hãy bú em như con ta bú sau này

Ngay cả khi những dau thương mất mát mà kẻ gây ra không do kẻ thù , mà do chính là những người đồng chí của họ, cách ứng xử cũng phi thường bời:

“ Không ai có quyền căm thù trái tim nhân hậu yêu thương…”

Và vì:

“Hãy đặt Tổ quốc lên trên hết.Hãy đốt cháy cái thấp hèn bằng ngọn lửa bao dung”.

Con người sống trong chiến tranh, cùng với chiến tranh trong trạng thái động, chiến đấu và sẵn sàng cho những cuộc chiến đắu mới., suy tư và đẩy mạnh sự khám phá những suy tư về bản thể của mình, về mọi người và vế chiến tranh về sự sống, cái chết, về lã tiêu trưởng và phồn vinh.

Độc giả và các nhà nghiên cứu hãy đọc những suy tư của nhân vật Hùng về sự biến chất đạo đức của Kích từ một người yêu nước “Lên án kẻ thù âm mưu chia cắt đất nước” đến “làm tay sai” cho địch, đầy những trăn trở day dứt.

Từ một học trò nhà trường cách mạng đến một sĩ quan chiêu hồi độc ác, do đâu? Hay suy nghĩ về cách xử sự của hai người bạn lớn của chúng ta.:

“Vì sao họ muốn nước ta

Rơi vào tình trang chia cắt lâu dài?

Vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ

Tình quốc tế vô sản của họ

Là màu thuốc nước của tranh bờ hồ…

………………………………………

Sao họ không biết ơn ta nhỉ?

Cuộc chiến của ta đầy gian khổ hy sinh.

Đã giúp họ bình yên sống, bình yên phát triển

Hoặc suy tưởng về điển hình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ khởi thủy cho đến thời đại Hồ Chí Minh, để nhìn nhận sức mạnh của dân tộc .

Mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước

Có ai dọn sẵn cho ta đâu?

………………………….

Sức mạnh của người Việt tích dồn qua nhiều thiên niến kỷ, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng của Người, cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam

Nhân sức mạnh dân tộc lên gấp bội .Suy tư về con người cùng các mối quan hệ của nó trong cuộc sống xã hội, và rút ra những kết luận cho sự suy tư ấy trở thành một hằng số định dạng tính cách của mỗi nhân vật trong trường ca Vầng trăng biển Sự suy tư ở mo típ tính cách như vậy, đậm nhạt là khác nhau, nhưng không có ngoại lệ. Điều này làm nên sức nặng cho các nhân vật và cho trường ca. Thế nhưng người đọc cũng không khó để nhận ra bên cạnh những suy tư của chính các nhân vật , cũng hiện diện những suy tư của “nhân vật ẩn”- Tác giả. Sự suy tư này có lúc phân tách, có lúc đồng nhất với sự suy của nhân vật trữ tình :

Chiếc cầu trăng xanh viên mãn trên bầu trời hòa bình,/ Dịu êm trong sáng như chưa bao giờ có trăng lửa Vầng trăng oanh liệt đẫm máu con người trong cuộc chiến tranh

Cầu trăng đêm của riêng Hùng

Của mỗi người còn sống

Của mỗi người đã khuất

Cầu trăng hòa bình bền vững của nhân dân

Của Tổ quốc Việt Nam bước sang trang sử mới

Bắc qua đời anh

Bắc qua thân hình đất nước vẹn toàn

Ở đây người đọc sẽ thấy trong các nhân vật, không hiện diện sự đổ vỡ niền tin, khủng hoảng niềm tin, cũng chưa bao giờ người đọc thấy ở họ xu thế mất phương hướng chiến đấu, Họ hiểu cái thiện, cái nhân nghĩa sẽ thắng cái ác, cái phi nghĩa, đó là lẽ đương nhiên và không có gì ngăn cản nỗi, dù rằng hành trình đi đến thắng lợi là không đơn giản mà đầy phức tạp cam go

Viết về những nhân vật trữ tình suy tư triết lý như vậy, nhà thơ Hoài Quang Dương đã cho người đọc thấy sự nhận thức nhận ráo riết của mình về con người và thân phận con người: Con người là không thể hiểu được, nếu người ta xét trong tổng thể, điều này bao hàm sự cần thiết, phải đưa ra một giải đáp đối với ý nghĩa sinh tồn và phải phát hiện ra những quy tắc mà chúng ta phải sống theo nó (E. Fromm).

Viết trường ca Vầng Trăng Biển, nhà thơ Hoài Quang Phương đã thể hiện một cách chiếm lĩnh về con người suy tư tự nhận thức về chiến tranh và đạo đức chiến tranh AIMATOP cũng từng nói rằng: “Chiến tranh và đạo đức chiến tranh, chiến tranh và nhân cách là những vấn đề quan trong trong nghiên cứu bằng nghệ thuật bản chất con người trong thế kỷ XX.”

Trường ca Vầng Trăng Biển, với sự suy tư về chiến tranh và con người trong chiến tranh vừa thể hiện sự lặp lại có tính quy luật đặc trưng chung của những tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh vừa thể hiện những bản sắc độc đáo riêng của mình. Chính điều này làm cho tác phẩm không lẫn với các tác phẩm cùng loại.

Tiếp cận với trường ca Vầng Trăng Biển, bạn đọc không chỉ thấy ở đó hiện diện đậm đặc những suy tư về chiến tranh và thân phận con người trong cuộc chiến tranh ấy, mà còn thấy nhiều vấn đề khác nữa như bản lĩnh con người trong chiến tranh, tính triết lý chủ đề tư tưởng, sự độc đáo về hình thức biểu hiện… Đó là những vấn đề thú vị, tuy nhiên không thuộc phạm vi bài viết này. Xin được bàn đến vào dịp khác.

Đồng Nai 26/8/2009

L.H.H

IMG_1442IMG_1442

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.