Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Tấm lòng nhà thơ trẻ ấy - Trần Hữu Tá

Bài giới thiệu tập thơ "THƠ MỘT THUỞ XUỐNG ĐƯỜNG" của Võ QUÊ.

NXB THuận Hóa 2001.


motthuoxuongduong

 

Tấm lòng nhà thơ trẻ ấy

TRẦN HỮU TÁ


Tôi nhớ đến một kỷ niệm đã xa, từ dịp hè 1971. Trong buổi liên hoan chi tay của lớp sinh viên năm thứ tư khoa Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội mới tốt nghiệp, tôi đã đọc cho học trò của tôi Những thầy cô giáo trẻ tương lai – nghe bài thơ Cho người bạn tù sơ sinh mà tôi mới chép từ tạp chí Đối Diện (Sài Gòn), được lưu trữ trong thư viện Quân đội (Hà Nội):

Bé vào tù ngày chưa được nằm nôi

Như chú chuột còn đỏ lòm trong tay mẹ

Ngục tù bắt em sống đời nô lệ

Mẹ dạy em sức mạnh quê hương

Bằng bài ca xé nát những bức tường

Cuốn rào kẽm

Chỉ còn hoa tim tím….

Hiệu quả bài thơ thật lạ. Trong không gian hẹp của lớp học bằng tranh tre nứa lá tại một làng nghèo vùng đồng chiêm trũng tỉnh Hưng Yên – nơi khoa Văn chúng tôi sơ tán – không khí đang vui vẻ bỗng lặng hẳn. Khóe mắt của một số nữ sinh như đang ngập ngừng những giọt nước mắt. Trán của nhiều người cau lại, đầy vẻ trầm tư. Vâng, lúc ấy lòng thầy trò tôi đều hướng về nửa nước phía Nam.

Một người hỏi tôi về tác giả. Chỉ có thể trả lời vắn tắt họ bằng những điều tôi được đọc trên Tin Sáng, Điện Tín, Đối Diện, các tờ báo tiến bộ, đối lập với chính quyền Sài Gòn hồi ấy, về Võ Quê, anh sinh viên Đại học văn khoa Huế, về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này Võ Quê viết trên tàu chở anh và hàng trăm tù chính trị khác ra Côn Đảo. Những ngày này anh đang bị lao phổi.

Kỷ niệm ấy giờ đây hằn nổi trong tâm trí tôi, khi lật giở từng trang bản thảo tập Thơ một thuở xuống đường. Không thể quên được, cái “thuở xuống đường” hào hùng quyết liệt của tuổi trẻ thành thị miền Nam. Vượt thoát khỏi mê trận của chính sách ngu dân và những thủ đoạn xuyên tạc dối lừa của chủ nghĩa thực dân mới, bất chấp lựu đạn cay và phi tiễn, nhà lao Thừa Phủ, khám lớn Chí Hòa và ngục tù Côn Đảo, hàng hàng lớp lớp nam nữ thanh niên Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, vv… đã ngửng cao đầu, sát cánh nhau đòi Độc lập, Tự do, Hòa bình, Thống nhất. Trần Quang Long, Đông Trình, Trần Hữu Lục, Thái Ngọc San, Tần Hoài Dạ Vũ… những cây bút trẻ tiêu biểu đã “xuống đường” thời ấy. Và Võ Quê là một thành viên tích cực, trung kiên của lực lượng này.

Chắc anh đã tự nghiêm khắc với mình lắm, khi chỉ tuyển vào tập thơ này có 26 bài và một vở kịch ngắn. Theo tôi biết, trong hơn hai năm hoạt động trong phong trào đấu tranh của sinh viên đại học Huế và non hai năm bị đầy ải tại địa ngục trần gian Côn Đảo, Võ Quê sáng tác mải mê, sung sức.

Đọc lại thơ anh, đặc biệt là chùm thơ 14 bài viết lúc bị giam cầm, tôi càng quí tấm lòng luôn chan chứa yêu thương, xúc động của anh. Nhà thơ trẻ đã chia sẽ nỗi buồn đau ghê gớm của đất nước, của Quê Hương và cảm nhận thấm thía vẻ đẹp lý tưởng của Cách mạng cũng như phẩm chất tuyệt vời cao đẹp của Đồng bào, Đồng chí. Anh say sưa viết về những bà mẹ gan góc, nghĩa tình.

Con biết mẹ bao đêm không ngủ

Như cả miền Nam thức trắng mấy mươi năm

Nỗi lo con, nỗi thương nước, thương dân

Đời sống mẹ héo mòn trong cuộc chiến.

(Món quà xuân mẹ ra Côn Đảo)

Từ Côn Đảo, anh trăn trở nhớ đến đứa cháu nhỏ ở đất Thần Kinh

Nhớ chi lạ tiếng ca của bé

Hát trong chiều phố Huế mù sương

Ta nghe ấm lòng ta dù mưa lạnh

Hay ngục tù hằn lên vết thương

(Tặng bé)

Anh viết về những “cô gái miền Nam” và “Gởi em, cô gái quê nhà”, anh viết về “người tù hầm đá” và nhức nhối với nỗi cơ cực của “Người xích lô thành Huế” (Còng lưng đạp bánh xe đời/ Vòng quanh oan nghiệt kiếp người bao năm)

Đứng vững trên đất mẹ Việt Nam, cũng như các nhà thơ khác anh có một vùng quê riêng để yêu, để nhớ. Anh “hát về những dòng sông” quê hương – dòng Nhật Lệ, Thạch Hãn, sông Bồ, sông Hương của Bình Trị Thiên khúc ruột miền Trung. Anh gắn bó máu thịt với cố đô Huế - nơi đã bao bọc che chở cho anh từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Đã có nhiều thi sĩ viết rất hay về Huế, Võ Quê cũng đã đóng góp không ít vần thơ trĩu nặng tình (Thừa phủ ơi lòng ta hồng biển lửa; Huế; Huế sống tuyệt vời cùng Trường Sơn giữ đất, vv…). Tôi tin người đọc sẽ quí những ý thơ mộc mạc nhưng chân thành tha thiết của anh:

Có sinh ra và lớn lên ở Huế

Mới thấy lòng thương Huế biết bao nhiêu

Huế mưa dông, Huế nắng hạ sương chiều

Huế khóc, Huế cười, Huế vui, Huế khổ

Huế hiền ngoan, Huế căn hờn phẫn nộ

Huế ngàn năm xưa, Huế triệu năm sau

Trước hay sau Huế chỉ một tình đầu

Huế chung thủy trong mối tình đất nước

(Huế)

Tấm lòng nhân hậu và giàu sức cảm thông ấy chính là một nét đẹp dễ thấy trong thơ Võ Quê thời chống Mỹ. Chính động lực tình cảm này giúp nhà thơ trẻ bất chấp hiểm nguy, chết chóc và luôn vững vàng kiên định.

Kiên định khi đang chênh chao trên nghìn trùng sóng biển lúc bị giải ra Côn Đảo hồi tháng 5 – 1971:

Đường vào địa ngọc trần gian

Dẫu trong nỗi chết giữ tròn hiếu trung

(Lục bát từ Côn Đảo)

Thủy chung ngay cả trong những ngày bị giam cầm u uất, hoàn toàn khó dự liệu được ngày về:

Ai về qua những dòng sông

Cho ta gởi áng mây hồng chiều hôm

Mây bay nước chảy về nguồn

Lòng quê một khối vuông tròn thủy chung

(Nhắn về quê ta Trị Thiên)

“Giữ tròn hiếu trung”, “vuông tròn thủy chung”. Và rồi ở một bài thơ khác, anh nghiêm trang tuyên hứa “Máu nhuộm sắc cờ dâng tổ quốc” (Thưa mẹ mùa xuân). Võ Quê đinh ninh tâm niệm như thế và đã sống như thế.

Đọc Thơ một thuở xuống đường, tôi rất chú ý đến bài “Bài thơ viết trên lá bàng” Võ Quê viết ở Côn Đảo ngày 25 – 1 – 1973, tức là đã nếm trải đằng đẵng 21 tháng trời trong hỏa ngục khủng khiếp bậc nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn:

Lá bàng trong gió đung đưa

Lá rơi ta nhặt làm thơ lá bàng

Long lanh từng mũi kim vàng

Ngợi ca đất nước đẹp hàng chữ thiêng

Thơ ta thơm lúa mùa chiêm

Bồ câu bay trắng con đường thơ đi

Lá bàng ơi, lá rơi rơi

Cho ta viết đẹp ngàn lời ca dao

Bài thơ không hay lắm, đôi chỗ chữ nghĩa còn văn hoa bay bướm nhưng chắc chắn sẽ làm người đọc xúc động thực sự. Hoàn cảnh sáng tác của những nhà thơ - chiến sẽ như Võ Quê khắc nghiệt quá. Tiếp nối Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh, Tố Hữu,… thế hệ Võ Quê đã làm đẹp thêm truyền thống bất khuất của dòng thơ yêu nước của dân tộc. Thể xác của các anh có thể bị gồng xiềng nhưng tư tưởng tình cảm của các anh thì không ngục tù nào có thể giam hãm được. Không có giấy, các anh viết trên lá. Thiếu bút, các anh dùng que nhọn, kim sắc. Chính vì thế thơ các anh thực sự tự do. Nhưng mặt khác, nếu có những chỗ hạn chế về nghệ thuật cũng là điều dễ hiểu. Cũng như các nhà thơ trẻ khác, thơ của Võ Quê sáng tác 30 năm trước, đôi khí thiếu sự cô đúc, lắng đọng; ngôn ngữ thơ có lúc chưa được chắt lóc, trau chuốt. Thời giờ đâu để anh mài dũa thơ mình? Vả lại, mục đích của anh đâu phải là chuyện làm nghệ thuật? Nhưng tôi tin, một khi thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh khắc nghiệt mà anh đã sống, trân trọng đúng mức động lực tình cảm sôi nổi và cao đẹp của anh thì, như một lẽ tự nhiên, không ít đoạn thơ, bài thơ trong tập thơ sáng giá này vẫn sẽ làm tâm hồn ta xao động, giúp ta suy nghĩ nghiêm túc về lẽ sống, về Đất nước và Nhân dân, về sự nghiệp Độc lập và Thống nhất mà toàn thể dân tộc ta đã phải đổ bao máu xương cho mấy chục năm ròng rã mới có được.

Tôi đã đọc một hơi tập Thơ một thuở xuống đường với suy nghĩ, cảm xúc như đã bộc bạch ở trên.

Thuận An 1 – 8 – 2000

GS Trần Hữu Tá

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.