VÕ QUÊ VINH DỰ CỦA NGƯỜI LÀM THƠ CHO QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC - Hạnh Phương
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5152
Bài viết về thơ Võ Quê của Hạnh Phương
(Báo Điện Tín – ngày 13-9-1973)
Muốn xót lòng đan ruột thắt gan mòn
Ta thương Huế, Huế nghèo câm nín
Âm thầm lê dưới những tàng cây
Người xích lô còng lưng đạp mãi
Chuyến xe nhọc nhằn nặng mỗi vòng quay
Đèn nhà ai ánh nhạc rượu nồng say
(Huế, 1973)
Cái nhìn thấu suốt được thực trạng của Võ Quê đã giúp cho chúng ta thấy được những vết thương lớn mà tất cả chúng ta cần chạy chữa. Thơ Quê là những bức tranh tô đậm những màu sắc đau thương của những tháng ngàu chinh chiến. Nỗi đau thương như một dòng cảm xúc uất nghẹn nhưng thơ Quê không phải chỉ là những bản cáo trạng tố cáo chiến trang. Thơ Quê cũng không phải chỉ là những lời than thở nghẹn đắng thốt chẳng nên lời. Trong những khuôn mặt trẻ đi vào dòng văn nghệ cho quê hương chúng ta thấy đôi khi đã có những người như mất niềm tin, hay thiếu vắng niềm tin. Niềm tin nếu có thì cũng như là mong manh lắm. Mong manh như những sợi khói bay. Võ Quê không như thế.
Trong thơ Quê bao giờ ta cũng thấy niềm tin dâng lên ngun ngút. Đọc gần hết thơ Quê chúng ta thấy không bao giờ Quê mất niềm tin vào sự sống còn của dân tộc. Một sự sống còn cao hơn tất cả các núi, bao la hơn tất cả các biển và đôi khi đẹp như là một huyền thoại. Thật là vinh hạnh thay khi đất nước có những đứa con đặt niềm tin vào sự sống còn mầu nhiệm đó.
Võ Quê chưa bao giờ mất niềm tin. Dù có đôi khi lệ ứa doanh tròng, dù có đôi khi bặm môi căm phẫn, đau thương như ngút mắt, lòng người như tê dại, nhưng Quê vẫn tin tưởng vào lòng người son sắt vào sức sống mãnh liệt. Trên từng tấc đất Việt Nam trái tim của người Việt đã kết tinh thành ngọc, gan đã bằng gang và khối óc đã là thành trì sắt thép, tất cả đã trở thành những khí giới mầu nhiệm để bảo vệ lấy từng tấc đất, gia tài hương hỏa của cha ông
Đất chuyển mình quạ sắt cũng phơi thây
Đất đẹp đất thơm đất lành đất quý
Đất anh hùng đất phì nhiêu màu mỡ
Đất thật thà đất nở vạn lời hoa
Đất chứa hào sâu đất đắp đường xa
Đất mọc tre già đất xây công sự
Tình đất nữa ôi sao mà chan chứa
Dấu yêu sao hương đất quê nhà
Lúa rì rào mạch máu chảy trong da
(Dấu yêu sao đất quê nhà)
Nguồn cảm hứng hiển hiện trong thơ Quê chính là nỗi đọa đày trĩu nặng trên thân thể quê hương đất nước. Những bông hoa thơ ca, nếu được gọi một cách thơ mộng như thế thì quả thực những bông hoa kết tụ từ những nỗi đau thương trĩu nặng của cả một đời người, của cả một lớp người, của cả một thế hệ.
Khi nói đến cảm hứng của người làm văn nghệ là chúng ta đã đối diện ngay với thực trạng cuộc đời. Cuộc sống chính là nơi khơi nguồn cảm hứng cho người làm văn nghệ. Dĩ nhiên không phải mọi nguồn cảm hứng người làm văn nghệ bắt gặp trong đời sống đều là những nguồn cảm hứng tốt. Vì thế thái độ chọn lựa cảm hứng của mỗi một tác giả có tính cách quyết định và xác định được đường hướng của tác giả đó. Thái độ chọn nguồn cảm hứng của người làm văn nghệ cho ta thất ngay được rằng họ đang đi lên với bước tiến của dân tộc hay trầm xuôi theo làn sóng băng hoại vong thân. Dáng vẻ say sưa của một đứa con trai có tâm hồn yếu đuối bồng bềnh trong nhạc hồng rượu mạnh không còn tuyệt vời đối với những người làm văn nghệ đã nhìn thấy thực trạng đau thương của đất nước. Trong cảnh tượng hỗn độn của sinh hoạt văn học nghệ thuật, Võ Quê đã sử dụng đúng mức thứ cảm hứng phát xuất từ công cuộc đấu tranh gian khổ của dân tộc, cho nên Quê không mất niềm tin Quê đã nhìn thấy đâu là cái tốt cái xấu. Đâu là tự do. Đâu là dân tộc, Quê đã nhận thấy đâu là niềm kiêu hãnh của con người và nỗi nhục nhã của con thú. Quê đã cho chúng ta thấy đất nước chúng ta vẫn còn khắp nơi những mẫu người rất nhân bản, những khuôn mặt người không phấn son nhưng vô cùng bình dị và vô cùng thân thiết:
Ngày mai em không nhà cao cửa rộng
Không đón đưa xe ngựa phấn son hồng
Mà đời em là vẻ đẹp dòng sông
Lênh láng chảy nguồn yêu thương bác ái
Mà đời em là trang giấy mới
Chép bài thơ ca ngợi con người
Yêu quê hương yêu đất nước tuyệt vời
Trong tuyệt vọng em giúp người hy vọng
Trong bóng tôi em làm nên ánh sáng
Mặt trời dâng chỉ thấy mặt trời dâng
Mà đời em là cánh én mùa xuân
Trong mưa bão em về xanh lá mới
(Người nữ cứu thương)
Quê đã mở rộng lòng mình để lắng nghe được tiếng nói vang lên từ lòng nước. Quê mở rộng mắt nhìn để thu lấy tất cả những hình ảnh đẹp của quê hương. Trong thơ Quê chúng ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh đẹp đẽ vô cùng của quê hương đất nước, những hình ảnh mà chúng ta có thể kiêu hãnh nói với bất cứ một người ngoại quốc nào:
Em là cô gái Văn khoa
Bàn tay thục nữ nâng tà áo xuân
Em cười tỏa nắng dòng sông
Bài ca yêu nước về trong mắt huyền
Em yêu yêu tiếng quê hương
Yêu từng vuông đất luống vườn vồng khoai
Ca dao chép những đêm dài
Tim em sống dậy nghìn bài sử xanh
(Cô gái Văn khoa)
Và những khát vọng ăm ắp mà Võ Quê diễn đạt trong thơ chính là những khát vọng chân thành nhất của những con người chán ghét chiến tranh, khát vọng đó là khát vọng của hầu hết những người Việt Nam, của hầu hết của những người đang lấy đất làm mạch sống, lấy tình người làm chất liệu muôn thuở để chung sống với nhau, những con người vui niềm vui của lúa tốt đầy đồng, cười nụ cười của bông lúa trổ bông và xin mãi sống một cuộc đời hiền hòa muôn thuở bên dòng sông, bên ruộng lúa, giữa những lũy tre xanh. Khát vọng của Võ Quê là khát vọng chung của hầu hết những người bình dị muốn tìm về nơi chốn cũ thân yêu để tìm thấy lại những cái đẹp đã bị mất mát sau những tháng ngày chinh chiến. Xinh đẹp thay những ước mơ bình dị:
Ta về dựng lại cầu ao
Lũy tre giếng mật kênh đào quê xưa
Em về dệt lụa ươm tơ
Em lên tiếng hát ven bờ sông xanh
(Cô gái Văn khoa)
Khi viết những dòng thơ đó chắc chắn Quê đã viết rất thực. Quê làm thơ không phải để được nổi danh, không phải để tìm một chút danh vọng hào nhoáng nào đó có thể có. Mỗi dòng thơ Quê là mỗi dòng cảm xúc chân thành, một tiếng thơ Quê là mỗi tiếng nói trung thực nhất mà chúng ta cần phải nghe, những người muốn làm một cái gì cho quê hương đất nước phải biết lắng nghe. Tiếng thơ Quê phải được gởi đến những người con thiết tha yêu quê hương đất nước như tiếng hát ca dao ngọt ngào đã được hầu hết các bà mẹ Việt Nam hát cho hầu hết những đứa trẻ Việt Nam nghe từ thuở mới vào đời.
Sài Gòn, 18-8-1973
Hạnh Phương
(* Báo Điện Tín – ngày 13-9-1973)