Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Chia tay "Hiệp sĩ" của nhã nhạc triều Nguyễn - Võ Quê

Tuổi Trẻ Online ngày 18. 12. 2010.


 

 

 

Chia tay "Hiệp sĩ" của nhã nhạc triều Nguyễn

TTO - Trong những ngày đông chí năm nay, các nhạc hữu, giới mộ điệu âm nhạc truyền thống Huế rất bàng hoàng và vô cùng thương tiếc khi nghe tin nghệ nhân Trần Kích đã từ trần vào lúc 4 giờ sáng ngày 18-12-2010 tại Huế, hưởng thọ 90 tuổi. Thế là từ nay, Huế đã vĩnh viễn mất đi nghệ nhân Trần Kích - một trong những “báu vật nhân văn” còn lại trên đất Cố đô.

Ngài Hervé Bolot trao bằng công nhận cho ông Trần Kích - Ảnh tư liệu

>> Phong hiệp sĩ cho "nghệ nhân cuối cùng nhã nhạc triều Nguyễn"

Nghệ nhân Trần Kích sinh ngày 15-8-1921 tại làng Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, ông đã được thân sinh, vốn là một nghệ nhân kỳ cựu nổi tiếng với những ngón đàn tuyệt kỹ, những điệu kèn kỳ tài truyền dạy cho nhiều bài bản nhã nhạc cung đình triều Nguyễn ngay từ nhỏ.

Đến những năm 17, 18 tuổi nghệ nhân Trần Kích đã cùng thân sinh gắn bó với nghề dạy đàn, dạy kèn tại nhà hoặc nhận lời mời đi kèm cặp cho nhiều con em của các gia đình yêu âm nhạc quanh vùng.

Với niềm đam mê học hỏi, khổ luyện qua nhiều năm tháng, cộng với quá trình diễn tấu, truyền thụ vốn tinh hoa âm nhạc cho nhiều thế hệ học trò, nghệ nhân Trần Kích đã tích luỹ cho mình một bề dày nghệ thuật, góp phần vào việc bảo tồn, xây dựng và phát triển loại hình âm nhạc cung đình Huế và nghệ thuật ca Huế.

Ngón đàn tài hoa của nghệ nhân Trần Kích đã có một nét độc đáo riêng so với các nhạc hữu cùng thời. Đó là sự nhấn nhá, luyến láy tinh vi, điệu nghệ. Cung bậc uyển chuyển mà nồng thắm sâu lắng, giàu tình; dễ gợi cho người nghe một sự trang trọng mà gần gũi, các ngón nhấn, vuốt, vê, rung... như được tiếp truyền cái hồn nghệ sĩ tài hoa. Âm hưởng mượt mà, êm dịu lan toả vào không gian trữ tình, vào lòng người mạch nguồn đồng cảm.

Năm 1970, nghệ sĩ Trần Kích lần đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài cùng đoàn Ba Vũ tại hội chợ Osaka (Nhật Bản).

Năm 1977, được nhận bằng khen của đại hội ca nhạc Huế lần thứ nhất tổ chức tại Huế.

Năm 1991, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên tặng bằng khen vì thành tích bảo tồn, phát huy bộ môn âm nhạc dân tộc.

Năm 1995, biểu diễn âm nhạc cung đình tại Pháp và Thụỵ Sĩ.

Năm 1999, biểu diễn âm nhạc cung đình tại Hà Lan và Bỉ. Năm 2000, được Bộ Văn hóa Thông tin tặng Huy chương chiến sĩ văn hóa.

Năm 2002, biểu diễn âm nhạc cung đình tại Pháp (tháng 5-2002), tại Luxembourg (tháng 10-2002).

Đặc biệt, năm 2003, Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Dân Gian Việt Nam cho nghệ sĩ Trần Kích (đợt đầu tiên trong số 20 nghệ nhân dân gian của cả nước).

Năm 2007, Nhà nước phong tặng ông là Nghệ sĩ Ưu tú

Giới mộ điệu đã thực sự rung động trước diễn xuất đàn, kèn rất mực điệu nghệ của ông. Từ chiếc nôi nghệ thuật cổ truyền, nghệ nhân Trần Kích đã lần lượt sử dụng đến mức tuyệt kỹ các loại nhạc cụ dân tộc như kèn đại, kèn lỡ, tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo trúc...

Khi trường Quốc gia Âm nhạc Huế được thành lập (1962), nghệ nhân Trần Kích đã được mời giảng dạy thực hành nhiều loại nhạc cụ: đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, kèn... Nội dung truyền dạy gồm các hệ thống đại nhạc, tiểu nhạc của nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, các làn điệu ca Huế.

Từ môi trường này, nhiều lớp học trò đã được đào tạo nối tiếp. Trong đó có một số học trò xuất chúng, trở thành những nghệ sĩ tên tuổi, ngày nay đang hoạt động ở Huế như NSƯT La Cẩm Vân, Tôn Nữ Lệ Hoa, Quý Cát, Nguyễn Đình Vân, Trần Thảo...

"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", sự nghiệp nghệ thuật truyền thống âm nhạc của nghệ sĩ Trần Kích đã có độ dày đáng kính nể. Thành tích cống hiến hết mình vì nghệ thuật diễn tấu nhạc cụ dân tộc của nghệ sĩ đã là những nét hoa văn sinh động điểm tô cho đời.

Cuộc đời nghệ sĩ Trần Kích là tấm gương sáng của lòng say mê âm nhạc dân tộc, của sự khổ luyện, miệt mài lao động nghệ thuật.

Ông đã truyền dạy cho nhiều thế hệ tinh hoa của nhã nhạc, ca Huế. Sự góp phần vào việc phục hồi, chấn hưng các giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống Huế là một thành tích đáng trân trọng, ngợi ca, nhất là giai đoạn từ 1975 đến nay.

Nhờ ông và các nhạc hữu cùng thời (Nguyễn Kế, Tôn Thất Toàn, Tôn Thất Viễn Dung, Nguyễn Văn Tân ...) mà các bài bản trong hệ thống âm nhạc cung đình triều Nguyễn, ca Huế được truyền bá giới thiệu, phát huy tác dụng tích cực vào đời sống văn hoá Huế, đưa loại hình âm nhạc đến với công chúng trong và ngoài nước.

Năm 2003, UNESCO công nhận nhã nhạc cung đình triều Nguyễn là kiệt tác nhân loại, một phần có công lao thành tích và tâm huyết, tài hoa của nghệ sĩ Trần Kích.

Năm 2008, đại sứ Pháp tại VN Hervé Bolot đã chính thức gắn huy hiệu và trao bằng công nhận danh hiệu hiệp sĩ về âm nhạc của Pháp cho nghệ nhân Trần Kích - người được xem là "nghệ nhân cuối cùng nhã nhạc triều Nguyễn".

Được biết, Tước hiệu Hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật của Pháp được trao tặng cho những người có thành tích nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật, văn chương và có đóng góp vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Pháp và thế giới.

Đại sứ Hervé Bolot đã trân trọng phát biểu về nghệ nhân Trần Kích: “Trong hơn nửa thế kỷ qua, Nghệ sĩ ưu tú - Nghệ nhân dân gian Trần Kích đã có rất nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là Nhã nhạc Huế (nhạc cung đình Việt Nam). Những đóng góp của ông trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu âm nhạc cung đình Huế là một trong những nguyên nhân giúp cho UNESCO quyết định công nhận Nhã nhạc Huế là một trong những di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ông Trần Kích xứng đáng như một chiến sĩ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị đa dạng của di sản văn hoá”.

VÕ QUÊ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/416423/Chia-tay-Hiep-si-cua-nha-nhac-trieu-Nguyen.html

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.