Mừng Huế có con đường Trịnh Công Sơn! - Võ Quê
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6317
Bài đăng trên Tập san ÁO TRẮNG số chủ đề NHẠC TRỊNH
Ra ngày 1.4.2011.
Mừng Huế có con đường Trịnh Công Sơn!
Những người em gái của NS Trịnh Công Sơn chụp hình trước bảng tên đường.
Như một cơ duyên, trong những ngày tháng 3 năm 2011, một số tỉnh, thành phố của cả nước đang quảng bá, chuẩn bị cho các hoạt động âm nhạc kỷ niệm mười năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1. 4. 2001 – 1. 4. 2011) thì tại phiên họp tổng kết nhiệm kỳ khóa V (2004 – 2011) Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra nghị quyết đặt tên cho 68 con đường ở thành phố Huế, trong đó có con đường mang tên Trịnh Công Sơn trước niềm hân hoan, phấn khởi của công chúng yêu nhạc Trịnh.
UBND, HĐND thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho một con đường mới, đẹp bên cạnh sông Hương là một việc làm rất “đắc nhân tâm’, phù hợp với nguyện vọng tha thiết lâu nay của giới văn nghệ sĩ cũng như của công chúng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Từ những ngày đầu đặt tên đường phố đến nay, UBND, HĐND thành phố Huế cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất công tâm khi lưu ý đưa tên nhiều văn nghệ sĩ tài hoa, tâm huyết, có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam lên những con đường. Số đường mang tên văn nghệ sĩ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong danh mục tên đường đã được đặt và sẽ đặt trong tương lai ở Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Nguyến Đình Chiểu, nhà thơ Ngô Kha, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ba danh nhân có con đường nằm bên cạnh sông Hương.
Con đường được ôm ấp bằng vòng nôi của thi ca Huế
Con đường mang tên Trịnh Công Sơn còn có một điểm rất thú vị, hữu duyên, hữu tình là được nằm trong một không gian thi ca xứ Huế. Con đường như được ôm ấp bởi một vòng nôi của thơ và ca dao với những địa danh mà phía đầu đường Trịnh Công Sơn là các tên gọi thân quen:
Ấy là cầu Trường Tiền, một thắng cảnh trên đất cố đô đã đi vào văn học nghệ thuật bằng ca dao, thơ văn, câu hò, điệu hát, hội họa, nhiếp ảnh…
- Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em đi không kịp tội lắm anh ơi!
Bởi vì ai em phải mang tiếng chịu lời
Có xa nhau đi nữa cũng tại trời mà xa…
Ấy là bến đò Đập Đá hằng ngày đưa khách sang sông, và ban đêm thì man mác nguồn thương yêu vô hạn cùng mối tình non nước trong làn điệu hò mái nhì gợi cảm:
- Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá
Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng xế trăng chênh
Theo nhau cho trọn mối tình nước non
Ấy là cảnh quan cổ kính, trang nghiêm của ngôi chùa Diệu Đế tịnh yên, u tịch giữa hai
cây cầu nhỏ bên dòng sông đào Gia Hội:
- Đông Ba Gia Hội hai cầu
Ngó qua Diệu Đế trống lầu giá chuông
Về phía hạ nguồn sông Hương, con đường Trịnh Công Sơn gần với Chợ Dinh và bên kia cầu Chợ Dinh là Nam Phổ qua câu hò ru em trìu ái, người Huế dường như ai cũng nằm lòng:
Ru em cho theéc, cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai, Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim…
Bên phải con đường Trịnh Công Sơn là Cồn Hến, là Vĩ Dạ soi bóng cùng dòng Hương trong xanh mà Hàn Mặc Tử đã vẽ nên từng nét đan thanh:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyến ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Với đặc điểm này, con đường Trịnh Công Sơn càng trữ tình, nên thơ hơn bởi đang được ấp yêu bằng cái hồn Huế đậm đà từ lời ru dân dã bình yên đến những dòng thơ hiện đại. Một hôm nào đó, tình cờ hay hữu ý, khi bạn đặt chân lên con đường Trịnh Công Sơn này, có lẽ bạn cũng sẽ thấy xao xuyến, cảm hoài vì được lắng sâu trong từng cung bậc thi ca.
Một không gian Trịnh Công Sơn mới.
Đã có con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên thành phố Huế!
Đây là niềm vui lớn của biết bao người yêu nhạc trong nước và hải ngoại. Tôi đang hình dung con đường Trịnh Công Sơn một khi đã hoàn thành với công viên dọc bờ sông Hương sẽ được mọi người yêu nhạc Trịnh dốc lòng chăm chút tạo nên một không gian Trịnh Công Sơn mới. Tôi tưởng tượng từ công viên này, đêm đêm tiếng đàn ghi- ta bập bùng hòa thanh cùng giai điệu Trịnh sẽ được ngân vang diệu vợi; Tôi tưởng tượng rồi cũng sẽ có những khoang thuyền Huế hát nhạc Trịnh Công Sơn từ khúc sông này như sông Hương đang từng đêm bềnh bồng Ca Huế. Khánh Tùng, một cô giáo Khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Huế cũng có ý tưởng hay khi mừng Huế có con đường mang tên Trịnh: “ Giá như các quán cà phê dọc con đường Trịnh Công Sơn bên cạnh việc mở nhạc Trịnh đều chọn tên một ca khúc Trịnh Công Sơn để đặt tên cho quán của mình thì hay lắm!”. Và không chỉ riêng Khánh Tùng mà có lẽ còn nhiều người yêu nhạc Trịnh khác cũng đang có những ý tưởng hay, mới về một không gian Trịnh trên con đường này. Các thế hệ yêu nhạc Trịnh sẽ cùng nhau quần tụ trong khung cảnh gió mát trăng trong, giữa đất trời tự tại để hát ca, thương quý, trân trọng cuộc đời luôn bát ngát quỳnh hương, để chiêm nghiệm, sống tốt, sống đẹp mà dạt dào yêu dấu nhau hơn khi nhận biết tất cả kiếp người phù sinh chỉ là cát bụi, là một cõi đi về thánh thiện, vĩnh hằng.
Một số ca khúc Trịnh Công Sơn đã viết về những con đường Huế. Không có chữ Huế nào trong ca từ Trịnh Công Sơn nhưng hình ảnh con đường phượng bay mù không lối vào; hình ảnh của hàng long não lung linh biêng biếc xanh trước ngôi nhà Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam; hình ảnh từng cung đường ngày đêm trên thành phố Huế lưu dấu chân Trịnh hằng qua… đã hình thành một Huế với những con đường có chiều sâu nội tâm có buồn, vui, nước mắt, nụ cười… trước dòng đời.
Nay Huế đã có thêm một con đường mới mang tên Trịnh, con đường được bà con lao động, thợ thuyền dọc bờ sông Hương đồng tình di dời sang một nơi ở mới góp phần chỉnh trang đô thị, giúp Huế có thêm những công trình mới, đẹp, phong quang. Từ thời điểm này, bà con lao động, thợ thuyến ấy chắc lòng cũng thấy ấm áp, hoan hỷ hơn khi bà con được biết nơi mình đã từng được sinh ra, từng sống với vô vàn kỷ niệm thăng trầm trong cuộc mưu sinh đã thành một con đường đẹp với tên gọi con đường Trịnh Công Sơn.
Âm vang nào, ca từ nào của các tài hoa xứ Huế sẽ sáng tạo thành tác phẩm viết về con đường mang tên Trịnh như Trịnh đã từng ngợi ca những con đường Huế? Thời gian rồi sẽ trả lời về điều ấy và chúng ta tin tưởng, chờ đợi vào một sự kế thừa từ Huế.
Riêng giờ đây, xin mừng Huế đã có một con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!
V.Q