Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

CỐ ĐÔ HUẾ TRÊN ĐƯỜNG SÁNG TẠO - Võ Quê

 

 

 

Khoảng 36 năm là đoạn dài của một đời người, nhưng với lĩnh vực văn hóa văn nghệ thì đó chỉ là một chớp mắt. Vì thế chỉ tính từ từ sau năm 1975 đến nay, đời sống nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều thay đổi, chuyển biến mới theo dòng thời gian với nhiều sự kiện quan trọng trong các lĩnh vực nghệ thuật, thì đó là những thành quả rất đáng được trân trọng.

Trước hết là mỹ thuật, tiếp theo các trại điêu khắc Quốc tế tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế là tỉnh đã mở các Trại sáng tác điêu khắc quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam” qua các Festival Huế (1988, 2002, 2004, 2006, 2008) với sự tham gia của các nhà điêu khắc Việt Nam và từ các châu lục đã mang lại cho Huế nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị góp phần tạo nên một diện mạo nghệ thuật mới cho thành phố Huế. Sự hiện hữu của các tác phẩm điêu khắc trên thành phố Huế có tính thuyết phục cao về thành công nổi bật của các Trại sáng tác điêu khắc quốc tế. Qua các công trình, tác phẩm điêu khắc, các tác giả đã thể hiện được cảm nhận “Ấn tượng Huế - Việt Nam” bằng ngôn ngữ điêu khắc sinh động, giàu tính hiện đại với nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Và chính vì những giá trị nghệ thuật ấy đã đòi hỏi những người làm công tác quản lý tập trung chú ý công tác bảo vệ, gìn giữ các tác phẩm điêu khắc được an toàn, và về lâu về dài cần có một quy hoạch hoàn thiện để đưa các tác phẩm điêu khắc vào các không gian nghệ thuật Huế.

Về âm nhạc, nổi bật lên là việc hình thành Học viện Âm nhạc Huế. Học viện Âm nhạc Huế được thành lập ngày 26/3/2008, đây là một trong ba trường đào tạo âm nhạc bậc đại học tại Việt Nam (gồm có Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Các chuyên ngành đào tạo của Học viện Âm nhạc Huế là Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy âm nhạc, Biểu diễn âm nhạc, Nhã nhạc Cung đình Huế... Nhiệm vụ chính của Học viện Âm nhạc Huế là tập trung nghiên cứu và đào tạo âm nhạc ở khu vực miền Trung, Tây nguyên bên cạnh việc góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị Nhã nhạc Cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên là hai loại hình nghệ thuật đã được Unesco công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc Huế

Về sân khấu truyền thống, sự hình thành hai Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và Nhà Hát Nghệ Thuật Truyền thống Cung đình Huế từ hai đoàn nghệ thuật truyền thống trước đây đã nói lên sự thành tựu vượt bậc của sân khấu truyền thống Huế giữa lòng đất nước:

- Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, tiền thân của Đoàn Ca kịch Huế là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, có chức năng bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống Ca Huế và Ca kịch Huế, dàn dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình Ca Huế, các vở diễn Ca kịch Huế, các chương trình ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ du lịch, phục vụ công tác đối ngoại và giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế, thực hiện chức năng tổ chức các hoạt động dịch vụ về biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã quy tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh thuộc nhiều thế hệ như NSƯT Ngọc Bình, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Đình Dũng, NSƯT Thu Hằng… cũng như đã đào tạo lực lượng trẻ, kế thừa trên các lĩnh vực đàn, Ca Huế, Ca kịch Huế.

- Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, là một đơn vị nghệ thuật có chức năng bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật Cung đình Huế, bao gồm: Nhã Nhạc, Múa Cung Đình, Tuồng Cung đình. Nhà hát còn tham gia nhiều Festival, Liên hoan nghệ thuật trong nước và Quốc tế… Cùng với những chương trình biểu diễn tại các Nhà hát như: Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức)... Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đang tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Cung đình Huế cho các thế hệ tiếp nối các nghệ nhân Trần Kích, nghệ nhân La Cháu, nghệ nhân Lữ Hữu Thi, NSƯT La Cẩm Vân… đồng thời quảng bá, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc của công chúng trong và ngoài nước.

Về kiến trúc, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã xuất hiện nhiều nhân tố mới trên lĩnh vực này. Đội ngũ kiến trúc sư ngày một đông và đã hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Một số công trình kiến trúc đưa vào sử dụng đã được Giải thưởng Văn học Nghệ Thuật Cố đô, Giải thưởng Kiến Trúc Quốc gia… mà tiêu biểu là công trình của kiến trúc sư Nguyễn Nguyến với kiến trúc “ Làng hành hươngđã đạt giải Nhì của Giải thưởng Kiến Trúc Quốc gia 2010. “Làng Hành Hương” đã thể hiện được không gian và thời gian xưa cũ lại rất gần gũi trong tâm tưởng của những người thích sự thanh thản và bình yên nơi tâm hồn. Kiến trúc này thực sự là một điểm nhấn của văn hóa du lịch Huế cho hôm nay và sẽ còn nguyên giá trị cho dù thời gian sẽ thay đổi rất nhiều nét sinh hoạt của con người trong tương lai...”(Phi Tân)

"Làng hành hương" công trình cửa KTS Nguyễn Nguyến, giải Nhì Giải thưởng Kiến Trúc Quốc gia 2010.

Bên cạnh những thành tựu trên, hiện nay lực lượng văn nghệ sĩ Huế còn băn khoăn một số lĩnh vực mà dư luận xã hội, giới truyền thông, báo chí Thừa Thiên Huế đề cập, phản ánh trong nhiều năm qua nhưng chưa thấy được đáp ứng. Đó là Thừa Thiên Huế đã quan tâm đầu tư kinh phí, nhà cửa, biên chế cho Nhà trưng bày tác phẩm điêu khắc của nữ nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng nhưng tỉnh lại chưa có một bảo tàng mỹ thuật nhằm lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, giới thiệu, phát huy các giá trị các tác phẩm nghệ thuật dân tộc cổ truyền và các loại hình nghệ thuật đương đại của các tác giả sinh trưởng, hoạt động nghệ thuật tại Thừa Thiên Huế; Một thiết chế văn hóa khác cũng chưa được tỉnh Thừa Thiên Huế lưu tâm chú trọng để xây dựng, hình thành là khu triển lãm nghệ thuật xứng tầm với một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như với một thành phố fesstival thường diễn ra các lễ hội mang tầm cỡ khu vực, quốc tế. Trong rất nhiều năm tháng qua, giới nghệ sĩ Huế thường loay hoay, lúng túng trong việc tìm kiếm các địa điểm triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh khu vực hay toàn quốc khi Huế được chọn làm đơn vị đăng cai.

Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập trước mắt, chúng ta hy vọng trong thời gian tới, cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều thành tựu mới trên lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội… để từ đó có thể đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng trên của giới nghệ thuật cũng như của người dân Huế vốn trân trọng những hoạt động sáng tạo giàu tính nhân văn của người nghệ sĩ.

Võ Quê

Báo Văn Nghệ số 18 + 19 ra ngày Thứ Bảy, 30.4.2011

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.