Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

TRÒ CHUYỆN NGẮN "CUỘC SỐNG VỚI THƠ LÀ MỘT"

Image Nhà thơ Võ Quê là một trong 7 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu được trao tặng Huy chương Vì Sự Nghiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam...


     Tại Hội nghị tổng kết năm 2001 của Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, nhà thơ Việt Nam là một trong 7 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu được trao tặng Huy chương Vì Sự Nghiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam (cùng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, GS-TS Tô Ngọc Thanh, GS-NSND Trọng Bằng, nhà nhiếp ảnh Lê Phức, đạo diễn Đặng Nhật Minh và KTS Nguyễn Trực Luyện).

     Sinh năm 1948 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế, Võ Quê có ấn phẩm xuất bản từ rất sớm như: Chị Sáu (truyện ngắn-1971), Giọt máu ta một biển hòa bình (kịch thơ-1971), Nhờ ơn cây lúa lúa ơi! (thơ thiếu nhi-1975) và nhiều tập thơ khác. Hiện ông là Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế; Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTQLHCHVHNT Việt Nam. Một số tác phẩm của ông đã được trao giải thưởng, gần đây nhất là Tặng thưởng đặc biệt 2001 của UBTQLHCHVHNT Việt Nam với tác phẩm Thơ một thuở xuống đường...Nhà thơ Võ Quê trả lời phỏng vấn Thể Thao & Văn Hóa.

     * Đầu đề tập thơ - Thơ một thuở xuống đường - đã cho thấy rõ xuất xứ của chúng...

     - Vâng, hồi những năm 70, tôi tham gia vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của sinh viên học sinh Huế và được Tổng Hội Sinh Viên Huế phân công làm Trưởng ban Báo chí. Thời bấy giờ, báo chí, thơ văn của tuổi trẻ học đường ở Huế và miền Nam nói chung được xem như một trong những vũ khí chống thù có tác động mạnh mẽ. Thơ có mặt kịp thời trong các giảng đường, trong những cuộc tuyệt thực, những lúc xuống đường, những "đêm không ngủ", thơ hào khí trong ngục tù tối tăm...Hồi ấy không ai nghĩ làm thơ để nổi danh. Cuộc sống với thơ là một. Tuổi trẻ học đường miền Nam trong giai đoạn ấy lấy đấu tranh đường phố, lấy ngục tù làm thước đo lý tưởng đấu tranh Cách mạng. Địch càng đàn áp dã man, ngọn lửa đấu tranh càng làm sáng lên hùng khí thanh niên. Thực tế máu, nước mắt lại trở thành vốn sống, chất liệu cho sáng tác thơ ca âm nhạc đấu tranh. Tất cả đã in dấu trong những vần thơ của tôi.

     * Nghe nói trong tập thơ Thơ một thuở xuống đường có những bài ông không còn nhớ, phải chép lại những người thuộc thơ ông?

     - Đúng vậy, Tập thơ nầy là kết quả của một thời làm thơ tranh đấu của tôi. Những bài thơ tôi viết khi thì ở tại các cuộc biểu tình, khi thì viết ở bệnh viện (sau một đêm Tổng hội Sinh Viên Huế bị cảnh sát tấn công, tôi bị thổ huyết phải cấp cứu và điều trị tại Viện Bài lao Huế, tháng 9.1971), khi thì viết tại nhà tù Côn Đảo...Trong nhà tù tôi thường bí mật gửi thơ ra ngoài và cho các bạn tù ở các phòng giam khác bằng nhiều hình thức. Sau này ra tù tôi mới tìm những người thuộc thơ mình xin chép lại. Tập thơ Nhờ ơn cây lúa lúa ơi! cũng được viết trong nhà tù Côn Đảo dành cho các em thiếu nhi đang bị ở tù cùng cha mẹ. Trung thu 1975 mới được in thành sách. Những miền đất quê nhà yêu dấu, những mẹ, những em khổ đau trong vành đai trắng, trong ngục tù, những khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước...đã thành mạch nguồn nuôi dưỡng thơ tôi, từ trước đến nay.

     * Có người lo ngại tuổi trẻ hiện nay ít đọc văn thơ Cách mạng. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

     - Đất nước mình đang ngày một đổi thay trên nhiều lĩnh vực; những tín hiệu vui về một cuộc sống thanh bình đang lan tỏa trên mọi miền quê hương và quá khứ đấu tranh giữ nước một thời tùy tâm theo tâm cảm mỗi người mà có sự lảng quên hay nâng niu gìn giữ. Theo tôi, thơ ca Cách mạng, thơ ca đấu tranh vẫn có một vị trí trong lòng công chúng hiện nay. Sẽ không có sự lảng quên hay thờ ơ của những cây bút trẻ hay độc giả với dòng văn học Cách mạng khi chúng ta còn khai thác, khơi nguồn, tạo điều kiện cho các tác phẩm ấy được tiếp cận với mọi người. Hiện nay, về âm nhạc, trên các hệ thống truyền thông đại chúng đã có chương trình Những bài ca không quên, giới thiệu những ca khúc Cách mạng một thời. Đây cũng là một trong những hình thức giúp cho người trong cuộc tự hào với quá khứ vẻ vang mà sống đẹp với hiện tại, khát vọng tới tương lai; giúp cho các thế hệ trẻ hiểu thêm cái thưở hào hùng mà lúc ấy các em chưa có mặt. Về văn học, nếu có những cách làm tương tự, truyền bá, diễn xướng ngoài xã hội, trong học đường thì tôi nghĩ rằng, dòng thơ ca Cách mạng vẫn còn hồng lên những ngọn lửa.

                                             Tùng Sơn (Thực hiện)

(Nguồn tư liệu:THỂ THAO & VĂN HÓA số 9 (1307), ngày 29.1.2002)
 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.