Đọc tập thơ "Hoa và phong vị Huế" của Võ Quê - Huỳnh Thị Xuân Phương. -
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4953
Đọc tập thơ "Hoa và phong vị Huế" của Võ Quê.
Huỳnh Thị Xuân Phương (Trung tâm Học liệu Đại học Huế)
Cầm trên tay tập thơ nhỏ nhắn, dễ thương, giản dị, một dấu ấn rất Huế, rất đời thường. Cứ ngỡ sẽ lướt nhanh, vậy mà đọc đi, rồi đọc lại. Rồi cũng tình cờ đọc “Người thân ơi, bạn bè ơi!” của Tiểu Kiều – vợ của nhà thơ viết trước khi mất mới thấu hiểu hết cái duyên, cái tình của “Hoa và Phong vị Huế”.
Cảm nhận đầu tiên về tập thơ là “đẹp và ngon”. Người đọc sẽ phải ngỡ ngàng trước tràn ngập những hoa, thanh cao hay dân dã, lạ lẫm hay thân quen, không phải của riêng xứ Huế. Mỗi loài hoa, mỗi hương, mỗi sắc cùng dấu ấn gắn liền loài hoa đó cứ hiện ra sau mỗi tứ thơ, từng câu, từng chữ như vẽ ra một cuộc rong chơi, khám phá nhưng cũng chứa đầy cung bậc tình cảm của nhà thơ.
Thấp thoáng đây đâu là Hoa ngô đồng với lời hẹn hò của tình yêu đôi lứa, Hoa vô ưu như trút hết muộn phiền, Hoa khế giản dị trong trang cổ tích, để rồi lãng đãng phố núi với Dã quỳ hoang. Ngắm hoa thôi cũng đã thấy đẹp, ngắm hoa cùng thơ thì có chi bằng.
Rồi là cái ngon. Ngon nhưng không vắng bóng cái đẹp, cái tình. Những món ngon của Huế như được bày biện khéo léo, hấp dẫn và chân tình qua từng tứ thơ. Không là cung đình hoàng tộc, đó là những món ăn rất đời thường, phổ biến mà du khách có thể bắt gặp ở góc quán nào đó. Như nghe đâu đây tiếng rao của những món bánh cho ban chiều lỡ bữa, rồi cái tíu tít hẹn hò bên quán ven đường, cái hít hà của vị cay, hay cái ngọt ngào của chè Huế. Nhà thơ đã khơi dậy hết vị giác của người đọc qua từng món ăn, và để thưởng thức thì không bỏ sót giác quan nào. Nếu Vũ Bằng viết tản văn về Miếng ngon Hà Nội và Món lạ miền Nam chi tiết, tỉ mỉ và đầy đam mê, Võ Quê lại “nấu” đặc sản Huế bằng lục bát bốn câu nhưng vẫn đầy đủ hương vị, màu sắc, nghệ thuật, sự tài hoa, cái tâm của người nấu và cái tình của người thưởng thức. Dẫu thân quen vẫn cứ thấy thèm chi lạ, huống hồ là du khách thập phương. Quả thật là sự độc đáo của thi từ, sự tài tình của nhà thơ!
Nếu dừng lại ở đó thì quả chưa nói hết đầy đủ ý nghĩa của “Hoa và Phong vị Huế”. Tập thơ ra đời khi người vợ - người tri kỷ của nhà thơ đang ở trên giường bệnh lúc thập tử nhất sinh. Một sự thật hiển hiện là thời gian của sự sống bắt đầu đếm ngược. Nỗi đau ấy, tình yêu ấy là cơ duyên cho sự kết hợp của hoa và phong vị Huế. Vì là niềm an ủi, là nguồn động viên nên tuyệt nhiên tập thơ không chút bi ai sầu muộn. Chỉ thấy tràn ngập hương sắc, thơm và ngon. Chỉ thấy không khí tươi vui, hò hẹn của tình yêu đôi lứa, quây quần, hòa thuận của tình cảm vợ chồng. “Em” trong thơ là hoa, là hương, là tuổi trẻ, là tình yêu bất biến. Chao ôi, tình cảm vợ chồng mấy mươi năm mà cũng có lúc “mắt lệ nhòa thêm, khóc tiễn người đi”*. Phải chi mà nói đến hoa cũng thấy tình cảm khắng khít, nói đến món ăn cũng quyến luyến không rời. Như thể bao nhiêu cảm xúc, bao lời muốn nói nhà thơ đã trút vào đấy, như lặp đi lặp lại về một tình yêu không có tuổi, như níu giữ chân một người sắp bỏ cuộc vui.
Hoa quỳnh
Em trẻ hoài trong đôi mắt anh
Có phải tình yêu níu thời gian đứng lại?
Em – đóa hoa quỳnh trong đêm tình ái
Nở trắng đời anh ngan ngát hương.
Hoa vạn thọ
Hồn tết vàng ươm xuân vạn thọ
Nắng xuân rót mật ấm vườn quê
Nâng miếng gừng xuân cha hỏi mẹ:
- Ta thương nhau mấy chục xuân hè?
Bánh bèo
Tôm chấy hồng thắm cánh bèo
Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương
Hẹn em ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết nối tơ duyên đôi lòng.
Bánh ram ít
Mời em ăn ngậm mà nghe
Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà
Bánh ít mềm dịu tình ta
Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng.
Võ Quê - đó là một con người giản dị, sôi nổi, luôn tươi vui và đầy nhiệt huyết với văn thơ, nghệ thuật. Nói đến Võ Quê không ai không biết đến cái tài làm thơ lái và sáng tác ca Huế của ông. Ông là người dày công gìn giữ, phổ biến các làn điệu ca Huế - một “đặc sản” rất riêng của Huế. Ông còn có bút danh khác là Sao Khuê (tên của con trai út), Quỳ Lê. Ông hoạt động sôi nổi với vai trò là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Các tác phẩm của ông ra đời cùng những biến cố của cuộc đời, của lịch sử, từ một thời trai trẻ khát vọng, lý tưởng, tranh đấu, rồi tù đày cho đến thời bình say mê sáng tác, giữ gìn và cống hiến nghệ thuật. Sáng tác của ông khá đa dạng về thể loại và đối tượng như truyện ngắn Chị Sáu, kịch thơ Giọt máu ta một biển hòa bình, thơ thiếu nhi Nhờ ơn cây lúa lúa ơi, lời ca Huế Khúc tri âm, thơ Một thuở xuống đường, hồi ký Lửa đường phố… rồi gần đây là Hoa và Phong vị Huế. Thành quả cho sự cống hiến này không chỉ thể hiện ở những giải thưởng mà ông đã gặt hái, mà người Huế hôm nay, các thế hệ mai sau sẽ biết ơn ông vì một con người “nặng lòng với Huế”** đã đưa những điều tưởng như bình thường, dễ lãng quên thành thơ, thành văn, dung dị, tinh khiết và khó phai mờ. Để mỗi người dân Huế thêm chút tự hào, gắn bó với xứ sở. Để du khách gần xa phải tấm tắc về một xứ Huế rất riêng.
Âu cũng là cái nghiệp thơ văn như con tằm phải nhả hết tơ. Kể từ khi vợ của ông mất đi, nhà thơ như được tiếp thêm sức mạnh, hoạt động sôi nổi, chân đi không dừng. Phải chăng ông đang mượn nghệ thuật để cố lấp một khoảng trống nào đó quá đỗi chông chênh?
H.T.X.P
Nguồn: http://www.lrc.ctu.edu.vn/bantin7/tac-gia-tac-pham/47-tac-gia-tac-pham/192-tp-th-qhoa-va-phong-v-huq-nha-th-vo-que.html
-------------------
* Trích từ Làn điệu ca Huế Tương tư khúc “Tặng hiền thê khúc tương tư” của Võ Quê viết tặng vợ trong cuốn “Người thân ơi! Bạn bè ơi!” của Tiểu Kiều.
** Trích từ lời bài hát “Huế, tình yêu của tôi” của Trương Tuyết Mai.