GẶP 'HỒN' HUẾ GIỮA THÀNH PHỐ THÉP - Thu Huyền.
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4190
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh gõ chén, đệm cho nhà thơ Võ Quê ca.
VNTN - Tối hôm ấy, mưa lất phất bay, gió hiu hiu thổi, đủ để người ta cảm thấy cần thiết một sự ấm áp. Trong căn phòng nhỏ của nhà hàng Gimbab Hàn Quốc giữa trung tâm thành phố, chúng tôi cùng nhau nhấm nháp tách trà quế vô cùng quyến rũ và nghe ca Huế…Những điệu Nam ai, Nam bình, Lưu thủy, Hành vân…, khiến chúng tôi ngỡ mình đang lênh đênh trên dòng Hương thơ mộng, đắm hồn trong xứ Huế mộng mơ. Chỉ những làn điệu mượt mà và đầy tâm trạng, vậy mà cứ ngỡ Huế đang ở đây. Và tôi gọi, đó là “hồn” Huế…
Người mang “hồn” Huế đến Thái Nguyên hôm đó chính là nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. Lần đầu gặp ông, tôi không thấy lạ lẫm khi ông là nhà thơ, nhưng tôi thích thú khi thấy ông là người yêu và ca Huế cực hay. Và tôi cũng thực sự thú vị khi biết ông chính là người có công đưa ca Huế quay trở lại thuyền phục vụ công chúng trên dòng Hương Giang. Nhà thơ cho biết: Trước đây, các cụ nhà ta đã đưa ca Huế xuống thuyền, với từng nhóm hai ba người tâm đầu ý hợp ca cho nhau nghe. Đến khi chiến tranh xảy ra, rồi chiến tranh kết thúc, thú chơi ấy cũng mất luôn. Những năm tám mươi của thế kỉ trước, khi ấy Võ Quê đang là Chánh Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, ông đã nảy ra ý định và quyết tâm thực hiện bằng được việc đưa ca Huế xuống thuyền, trở thành một món ăn tinh thần đặc sắc dành cho du khách mỗi khi đến với Huế. Bởi theo ông: “Mái chèo trăng, con thuyền mộng, ngàn sao khuya lấp lánh; nét mờ ảo sương sa cùng những vẻ đẹp thiên nhiên đang hội tụ cùng dòng sông Hương êm đềm là sự cộng hưởng tuyệt vời nâng tầm bay cho ca Huế”. Nhà thơ cho biết: Hồi ấy, để đưa được ca Huế xuống thuyền cũng thực sự khó khăn, phải làm các thủ tục xin phép bên an ninh và quân đội rất phức tạp, vì họ sợ mình trá hình văn hóa để làm điều gì đó bậy bạ… Nhờ tình yêu với ca Huế và may cũng được nhiều người đồng lòng ủng hộ, nên rồi cuối cùng cũng xuôi.
Võ Quê người Huế chính gốc (An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cha ông là người mê ca Huế đến tận cùng gan ruột, nên từ nhỏ Võ Quê đã bị “nhiễm” chất ca Huế từ cha. Lớn lên, lập nghiệp và thành danh ở nghiệp văn chương, nhưng Võ Quê vẫn không quên dành một khoảng lớn đời mình - trên 30 năm gắn bó với nghệ thuật ca Huế. Ông đã bỏ công sưu tầm, tìm hiểu cặn kẽ với mục đích bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của vùng đất này. Ông giống như một cuốn tư liệu sống về nghệ thuật ca Huế. Không chỉ hiểu kĩ càng, ca điêu luyện, ông còn viết lời cho gần 100 bài theo các làn điệu.
Có công đưa ca Huế xuống thuyền, nhưng hiện nay, khi ca Huế dưới thuyền dường như được(bị?) thương mại hóa để phục vụ du khách trên sông Hương, chất lượng và tính chất có phần thay đổi, thì ông lại là người đầu tiên đưa ra và thực hiện ý tưởng về ca Huế thính phòng. Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Huế mà ông là chủ nhiệm, được sự bảo trợ của Bảo tàng Văn hóa Huế, là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người tri kỷ, tri âm, và các nghệ nhân lớn tuổi vẫn muốn cống hiến cho ca Huế có thể đến để biểu diễn, là mô hình mẫu để ca Huế tồn tại một cách đúng nghĩa. Câu lạc bộ ca Huế đã hội tụ nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân tên tuổi của đất cố đô như NSƯT Thanh Tâm, NS Kim Vàng, nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Hương...
Vốn ưa thích ca Huế và đã từng được vài lần nghe các nghệ nhân ca trên dòng sông Hương, cũng thích thú, cũng cảm nhận, cũng võ vẽ bàn ra bàn vào được một vài điều…, nhưng quả thật cảm giác của tôi chưa khi nào giống như lúc nghe nhà thơ Võ Quê ca. Là ca chay thôi (không có nhạc đệm gì cả), vậy mà lời ca vẫn chạm tới và lay gọi cảm xúc của người nghe. Giọng ông vang mà ấm quá. Lời ca da diết quá. Giai điệu mượt mà quá. Những luyến láy, bổng trầm được ông thả hồn vào câu, vào điệu khiến lời ca cứ thế chảy vào lòng người. Phải công nhận rằng, Võ Quê có chất giọng hay, gần bảy chục tuổi đời mà giọng ông vẫn còn mượt và dầy. Võ Quê ca nhiều, bài cổ có, bài mới có, mỗi bài đều có những câu chuyện trong đó. Tôi nhớ bài Lưu khách, ý rằng: Cuộc đời như một cuộc vui chơi. Khi ngồi trên bàn tiệc thì đừng quan tâm ai trên, ai dưới. Để khi tiệc tàn rồi vẫn còn lưu luyến. Gặp nhau là chỉ để thương nhau… Ca Huế mang đậm chất tự sự nên nhiều tâm trạng, nhiều luyến láy; chất giọng Huế vốn lại ngọt ngào, càng làm cho làn điệu thêm say hồn người. Võ Quê không ca bằng miệng, ông ca bằng tim, bằng cả tấm lòng, nên mới thấm thía đến thế. Sau mỗi bài, mỗi làn điệu, ông lại giảng giải cho chúng tôi nghe về nó, thành ra ca Huế cứ thấm dần vào chúng tôi. Mới hay, ca Huế không dễ chút nào, để ca được, không chỉ phải thuộc lời, mà còn phải hiểu được bài, được điệu, nghĩa là “bắt” được cái thần của bài, hiểu được vì đâu bài ca ấy được sinh ra. Nếu không, lời ca cứ chuội đi.
Biết thêm một chút, lại càng thấy ca Huế hay. Chợt hiểu tại sao hồi nãy chỉ nghe Võ Quê ca thôi mà đã ngỡ mình đang ở giữa lòng cố đô. Và thầm ước, bao giờ Thái Nguyên: mình có gì đó ngoài trà, là văn hóa, để khiến ai đó ở một nơi rất xa bắt gặp, cũng ngỡ rằng mình đang ở Thái Nguyên!…
Thu Huyền
(Báo Văn Nghệ Thái Nguyên số tháng 5.2014)
http://vannghethainguyen.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=3320%3Agp-hn-hu-gia-thanh-ph-thep&catid=71%3Aam-nhc&Itemid=411#.U3XHf3ZKqut