SÔNG NÚI, VÕ QUÊ VÀ KHÚC "BI CA QUẢNG TRỊ" CỦA TÔI - FRED MARCHANT (MỸ)
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4109
Fred Marchant
Hai mươi năm trước, tôi gặp Võ Quê lần đầu trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam mùa đông 1994-1995. Sáu tháng trước đó, tại Hội nghị Nhà Văn Việt – Mỹ được Trung tâm William Joiner, nơi chuyên nghiên cứu về Chiến tranh và các hậu quả xã hội, tài trợ, tôi được gặp và kết bạn với bốn nhà văn tuyệt vời đến từ Việt Nam: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Tô Nhuận Vỹ, và nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật. Chính tại Hội nghị đó, lần đầu tiên tôi sơ bộ biết tới những truyền thống giàu có và những hình thái quan trọng của nền văn hóa văn chương đương đại Việt Nam. Như tôi từng viết ở đâu đó, rằng cuộc gặp với bốn nhà văn đã mở ra cho tôi cánh cửa bước vào một nền văn học rồi sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác của tôi. Mùa đông tiếp theo, tôi đi cùng người bạn của mình – nhà thơ Mỹ Martha Collins tới Hà Nội. Bà đang trong quá trình hoàn thành bản dịch tập thơ “Những người đàn bà gánh nước sông” của Nguyễn Quang Thiều, trong khi tôi hy vọng mình có thể bắt đầu dịch một số tác phẩm của Khoa với sự giúp đỡ của Nguyễn Bá Chung, dịch giả đồng thời cũng là một nhà thơ xuất sắc đang làm việc tại Trung tâm Joiner.
Và rồi, hai trong số các bài thơ của Khoa mà tôi là đồng dịch giả trong thời gian tại Hội thảo Joiner đã được in trong tuyển tập thơ thứ hai của tôi “Con thuyền đầy trăng” xuất bản năm 2000. Tôi cũng xin được lưu ý thêm, trong cuốn sách này, có nhiều những dấu hiệu khác chứng tỏ sự ảnh hưởng quan trọng của thi ca Việt Nam lên các sáng tác của tôi. Chẳng hạn, phần thứ hai của “Con thuyền đầy trăng”, bài thơ lấy tiêu đề cho cả tập, được viết như sau:
Lính gác sông
Xe tăng lội nước,
chiến hào của những người trúng đạn súng cối
nhựa từ những nghĩa trang, hương ứa
vào làn nước ngâm gỗ đàn hương,
chúng tôi bồng bềnh trôi trong tĩnh mạch ngọt ngào của Đức Phật,
nhịp đập lóng lánh tắm bùn cho lũ trâu
“Đây” bạn tôi nghiêng người sang bên và nói
“...chính là Mẹ của tôi”
Anh vốc lên, bao nhiêu có thể, nước từ dòng sông và uống.
Bài thơ này thực chất là chân dung thu nhỏ của nhà thơ Võ Quê. Như đã nói, tôi gặp anh trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam. Sau một tuần tại Hà Nội, Martha Collins và tôi cùng Nguyễn Quang Thiều tới Huế. Và, như một lẽ đương nhiên khi ở Huế, chúng tôi đi thuyền trên sông Hương, có một bữa ăn với Võ Quê và lắng nghe những điệu hò sông Hương đặc sắc. Ngày hôm sau, chúng tôi đi lên phía thượng nguồn, qua những ngôi chùa và cung điện, và ở trên sông, để chứng minh rằng dòng sông Hương vẫn luôn chảy trong huyết quản của mình, Võ Quê cúi mình qua mạn thuyền rồng, vốc nước sông lên môi, và nói, như tôi đã viết, rằng đây là mẹ của anh. Tôi không bao giờ có thể quên khoảnh khắc đó, vì nó đã giúp tôi hiểu sự gắn bó sâu sắc về tinh thần và tình cảm giữa con người Việt Nam với non sông đất nước mình. Khoảnh khắc đó lại trở lại một lần nữa trong tâm trí tôi nhiều tháng trước trong chuyến thăm Huế gần đây nhất của tôi. Đó là dịp diễn ra hội nghị nhà văn, và tôi biết Võ Quê sẽ đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra tham dự. Như một cử chỉ của tình bạn, tôi muốn dịch (lại với sự giúp đỡ nhiệt tình của Nguyễn Bá Chung) một số bài thơ của Võ Quê. Tôi đã chọn chùm thơ “Lục bát từ Côn Đảo” của anh.
Như đa số chúng ta biết, Nhà tù Côn Đảo trong những năm chiến tranh luôn khét tiếng về sự tàn bạo của nó. Trong những năm cuối 60 và đầu 70, Võ Quê đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì tội hoạt động chính trị. Mười bài thơ tái hiện những trải nghiệm của anh trong chốn tù ngục đó. Chúng ta theo chân anh từ bến cảng nơi con tàu chở tù nhân ra đảo, tới những nơi khác nhau anh từng bị giam giữ, kể cả khu Chuồng Cọp. Chúng ta cũng được biết về khu nghĩa trang nhà tù cũng như những âm thanh và mùi hòn đảo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là những thoáng hiện chúng ta có được về cuộc sống nội tâm của một tù nhân, một người thành thực tin rằng “lẽ phải” cuối cùng sẽ chiến thắng “kẻ mạnh”. Đây là một bài thơ như thế, và nó có thể giúp chúng ta hiểu tinh thần chung của những bài thơ trong tù của anh:
CƠM TÙ
Chắc chiu nhai hạt cơm đen
Mắm bùn khô đắng nước phèn là canh
Đòn thù môi mặn máu tanh
Nuốt đau thương, nguyện giữ lành lòng son
Sự chuyển đổi của bài thơ từ những chiều kích ngoại tại của trải nghiệm tới lời răn cần giữ trái tim hay tâm hồn không gục ngã là những điều tôi khâm phục ở những bài thơ này. Mỗi bài khảo nghiệm một biến thể của “cơm đen” và những trận đòn tù dã man, cũng như sự tự cân bằng trước những điều này của người tù khi anh chống chọi để tồn tại cả về tâm lý cũng như thể chất. Những bài thơ ở đây của Võ Quê là những hành động nhỏ biểu hiện sự trung thành với lẽ phải mà anh theo đuổi và cái tư cách của nó để giữ anh đứng vững. Như tôi viết ở trên, tôi dự định dịch những bài thơ này để làm quà tặng anh, nhưng công việc này lại đem đến cho tôi thêm một sự thấu hiểu sâu sắc nữa về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Thế rồi, công việc dịch thuật này hóa ra là một sự chuẩn bị để tôi hiểu rõ hơn về những gì mình sẽ sớm được chứng kiến trên Đường số 9 Quảng Trị. Khi Hội nghị Nhà văn ở Huế bế mạc, một nhóm lớn các nhà văn thuộc Hội Nhà Văn, cùng với nhiều nhà văn Mỹ, tổ chức một chuyến đi xuyên đêm dọc Đường số 9, dừng lại ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ và đài tưởng niệm chiến tranh, rồi kết thúc ở bảo tàng và khu dấu tích căn cứ quân sự của Mỹ còn lại tại Khe Sanh. Đó là một kỷ niệm đau buồn và đầy tính phản tỉnh đối với tất cả chúng tôi, và mỗi người trong chúng tôi đều có những liên hệ và suy nghĩ riêng tư về những gì mình nhìn thấy. Nó đưa tâm trí tôi trở về quãng thời gian hai năm, từ 1968 tới 1970, làm việc cho Thủy quân lục chiến Mỹ. Tháng 11 năm 1969, tôi là Trung úy, đóng quân trên Đảo Okinawa và đang chờ đợi để được gửi tới chiến trường Quảng Trị. Quanh thời điểm đó, những sự kiện kinh hoàng tại Mỹ Lai lần đầu tiên được báo cáo, và những hành động tàn bạo đó bắt đầu trong tôi một quá trình dài đánh giá lại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, và chiến tranh nói chung. Mười tháng sau, tôi được vinh dự rời khỏi Thủy quân Lục chiến với tư cách người bất đồng chính kiến. Thực chất, tôi đã đi đến quyết định rằng cuộc chiến này là sai lầm và rằng tôi sẽ không tham gia vào nó. Tôi đã không đến Việt Nam cho đến năm 1994, và như đã viết ở trên, lý do của tôi mang tính chất văn chương thay vì quân sự.
Bốn mươi năm sau khi rời khỏi quân đội, hàng hecta mộ chí tại những nghĩa trang ở thành phố Quảng trị và dọc Đường số 9 lấp đầy tâm trí tôi một nỗi buồn mênh mông và nặng nề. Viện bảo tàng cùng những dấu tích căn cứ quân sự Mỹ ở Khe Sanh cũng vậy. Ngay cả những hàng cây cao su ngay ngắn dọc Đường số 9 cũng gợi nhắc rằng chúng đã được trồng lại sau sự tàn phá của những năm tháng chiến tranh. Tôi không có đủ lời để nói về tất cả những điều đang cảm và nghĩ, và tôi cũng không biết đến khi nào mình sẽ có đủ. Nhưng vài tháng sau đó, tôi viết một bài thơ mà tôi đặt tên là “Bi ca Quảng Trị”. Thật khó để miêu tả về bài thơ này. Ở một khía cạnh, nó là sự liệt kê vô vàn những điều tai nghe mắt thấy của tôi trong chuyến viếng thăm. Hiểu theo nghĩa này, bài thơ là một sự tưởng niệm bằng lời về những điều ta có thể chứng kiến ở đó. Nó cũng than khóc cho những cuộc đời đánh mất và, theo cách của nó, thừa nhận sự tồn tại của những linh hồn dường như vẫn còn vương vất trên mảnh đất ấy. Nhưng với tất cả những nỗi đau buồn của nó, cuối cùng, bài thơ lại hướng tới những người bạn của tôi – những người Việt Nam và những người Mỹ đã sống qua và tồn tại sau chiến tranh – và trò chuyện trực tiếp với họ. Chúng tôi ngồi trên xe buýt, và tôi ngắm nhìn dòng sông Quảng Trị, tưởng tượng xem bất cứ ai trong số bạn bè mình sẽ thế nào khi họ tắm trong một dòng sông thế này trong những năm chiến tranh. Dưới đây là khổ cuối của bài thơ:
Trên chuyến xe đi xuống từ Lao Bảo
Bạn ơi, các anh đã kể với tôi rằng thi thoảng
xuống tắm dưới sông, khi lính bắn tỉa thiếp ngủ, khi những nông dân già
và những người đàn bà làm việc, lũ trẻ hân hoan tắm
cùng các anh trên dòng suối đổ ra từ khe núi
chảy qua da thịt những ngón tay, những bàn tay thuộc về mẹ của các anh.
Tôi tiếp tục tưởng tượng (hoặc có lẽ chỉ là hy vọng) rằng tại một thời điểm nào đó trong cuộc chiến mỗi người bạn của tôi đã từng có ít nhất một khoảnh khắc khi bạo lực ngừng lại, và thế giới tự nhiên, với vẻ đẹp và sự giản đơn của nó, có thể lại lên tiếng khẳng định sự tồn tại của mình, và nhắc nhở từng người rằng mỗi mạng sống, bao gồm cả mạng sống của họ, thiêng liêng đến nhường nào. Đó là một điều ước mà tôi biết không phải lúc nào cũng được ban cho, nhưng tôi muốn khúc bi ca của mình chứa đựng và kết thúc với một thông điệp về sự sống sót, về một điều gì đó nuôi dưỡng tâm hồn con người ta tại những thời điểm tồi tệ nhất của lịch sử.
Cho tới khi viết bài này, tôi đã không nhận ra khúc bi ca của mình đã bắt rễ từ tình bạn tôi có với Võ Quê nhiều đến thế nào. Giờ đây, tôi đã nhìn ra rằng “Những bài ca tù” của anh đã gợi mở cho một khổ thơ ngắn tường thuật lại những điều tôi nghe và thấy và giúp tôi đáp ứng những yêu cầu của một đề tài, mà đối với tôi, gần như là bất khả để viết. Và tôi cũng đã biết nhiều những vần thơ miêu tả nỗi khổ đau với đủ mọi hình thức. Điều quan trọng hơn, tôi nghĩ, là nói đến sự chuyển đổi của bài thơ hướng về tia hy vọng bé nhỏ ở cuối bài. Tôi đã làm việc với những bài thơ của Võ Quê trong nhiều tháng trước khi viết “Khúc bi ca Quảng Trị”, và mặc dù bản thân là một người lạc quan, tôi vẫn nghĩ chính những bài thơ tù của Võ Quê đã giúp tôi bằng trực giác hiểu ra mình muốn kết thúc bài thơ của mình như thế nào. Quá trình sáng tác một bài thơ là ẩn số đối với tất cả chúng ta, nhưng đây là những gì tôi biết về quá trình đó: chúng ta không bao giờ cô độc trong sáng tác. Những nhà văn chúng ta yêu quý và cảm phục luôn ở bên chúng ta, và luôn có một cuộc đối thoại vi tế và gần như là yên lặng diễn ra giữa những nhà thơ chiếm giữ tâm tưởng của ta. Võ Quê là một nhà thơ như thế trong tâm trí tôi, và tôi muốn qua bài viết này gửi lời cảm ơn tới anh về tất cả những gì anh đã nói với tôi trong suốt 20 năm qua.
Tiểu sử tác giả
Tập thơ mới của Fred Marchant, The Day Later (Ngày hôm sau), sắp được Nhà xuất bản Graywolf phát hành vào năm 2016. Cuốn sách đầu tiên của ông, Tipping Point (Điểm bùng phát), đoạt giải thưởng Thơ Washington năm 1993 và được tái bản năm 2013 nhân kỷ niệm 20 năm ấn hành. Ông cũng là tác giả của tập Full Moon Boat (Con thuyền đầy trăng) (NXB Graywolf, 2000) và The Looking House (Căn nhà đang dõi nhìn) (NXB Graywolf, 2000). Một tuyển tập mới, House on Water, House in Air (Nhà trên nước, Nhà trên không) được xuất bản năm 2002 tại Dublin, Ireland (NXB Dedalus). Cùng với Nguyễn Bá Chung, ông cũng là đồng dịch giả bản Anh ngữ tập thơ “Góc sân và Khoảng trời” của Trần Đăng Khoa xuất bản tại Hà Nội năm 2006. Marchant tham gia biên tập tác phẩm Another World Instead: The Early Poems of William Stafford, 1937-1947 (Một thế giới khác thay thế: Những bài thơ thời kỳ đầu (1937-1947) của William Stafford) (NXB Graywolf, 2008). Là một người tham gia giảng dạy lâu năm tại Học viện William Joiner chuyên nghiên cứu chiến tranh và các hậu quả xã hội, Marchant là Giáo sư Danh dự khoa Tiếng Anh đại học Suffolk tại Boston, nơi chính ông là Giám đốc sáng lập chương trình Dạy viết văn và Trung tâm Thơ ca của Đại học Suffolk.
Thơ của Fred Marchant
QUẢNG TRỊ ELEGY
I am pretty sure that I would have died here
maybe in the rain that comes down to pick
at the red clay of a long snake-road upward,
and I am pretty sure I would have killed here,
or wanted to, had to, tried to, or not meant to,
with no god, and few others to forgive me.
As I bow so that I and the burning sticks bow,
my spine, my complex, pliable inner organs
bow with me, each filling with a sorrow I hardly
know I have but which a honeyed, musky joss
calls out, a sorrow-dragon curling and rising and
before which all I am bows, then bows again.
The double A batteries quit on the road heading
west, near the rubber tree plantings the Swedes
donated to bring back the harmed miles studded
with gravestones so numerous my camera says
change the batteries, but I just let them recharge
as I walk the rows, wide acres deep-limed.
Mist clings to the trees and wraps its arms around
the stones engraved with places the dead came from,
my legs unsteady on the loud gravel, me wondering
what the nights were like, what lights shone across
the valley, what smoke wisps rose over the trees,
what low whispers I would not have understood.
Practically nothing left of the combat base,
one sandbag bunker, plus a one-room museum,
into which we walk empty-handed, no shoulder
straps, no mirror lens to zoom, nothing to hide
behind, no shelter for the naked cones and rods,
the frightened brain cells running for cover.
Still I love the idea of a web-belt, brass eyelets,
a cloth strong enough to hang canteens from,
bayonet, first aid pack, pouches and holster,
thick fiber across the bottom of the display case,
durable gear, stained canvas of the jungle boots,
a green helmet-cover that belongs to someone.
On the bus coming down the road from Lao Bảo,
my friends, you tell me that sometimes
you swam in the river, snipers asleep, the old farmers
and women working, the children eager to bathe
with you in the mountain stream as it flowed over
the flesh of fingers, hands, your mother’s own.
Crossing Nguyễn Du Street
Hà Nội
Advice we had was to just step right out,
like wading
in a stream. Motorbikes—hundreds of them—
would find
a way around us. We must not be hesitant,
for that
would throw off everyone. So, trusting these
our friends
here on the street named for the poet of Kiều,
we leaned
into the traffic as if it were only a light wind
flowing round
our faces. At that instant we tried to imagine
a world utterly
merciful, and belonging to those few who,
as they
passed smiling, looked as if they just might
forgive us.
A Place at the Table
It means you can face your accusers.
It means there is no place to hide.
It means you will not drift off to sleep,
or carve your name on your arm.
Or give anyone here the finger.
It means you do not have to wave your hand as if you were drowning.
It means there is nothing here that will drown you.
It means you really do not have to have the answer.
Since there are only a few of you left, sitting across from you,
it means you can study their faces as you would the clouds outside.
You will not totally forget them.
It means you are now, roughly, for a while, just about equal.
In the center before you there is nothing unless someone gives it.
It means that when you are gone, everyone feels it.
It means that when you leave, you feel as if you haven’t.
That you still have a place at the table.
Later in your life this moment will return to you as a mote
of dust that floats in on the spars of sunlight.
It will search every room until it finds you.
Bi ca Quảng Trị
Tôi đoan chắc rằng mình đã có thể chết nơi đây
có lẽ dưới trận mưa đổ xuống
lớp đất đỏ trên con đường dài ngoằn ngoèo lên dốc
và tôi chắc rằng mình có thể giết người,
hoặc muốn giết người, phải giết người, cố gắng giết người, hoặc không hề cố ý giết người
mà không có thánh thần, và rất ít người tha thứ cho tôi.
Khi tôi cúi xuống, để mình và những nén hương đang cháy cúi chào nhau
xương sống, những nội tạng phức tạp và yếu mềm
cúi xuống cùng tôi, từng bộ phận ngập tràn một nỗi buồn tôi gần như không
biết là mình có, nhưng được một vị thần ngọt vị mật ong và thơm mùi xạ hương
gọi ra, một con-rồng-buồn-đau cuộn tròn và cuốn lên và
trước tất cả mọi điều định nghĩa tôi, nó cúi mình và cúi mình lần nữa.
Cặp pin tiểu cạn ráo trên con đường đâm
về phía tây, gần khu rừng cao su người Thụy Điển
quyên tặng để trả lại cho những dặm đường bị phá hại
la liệt mộ bia, máy ảnh của tôi đòi thay pin mới, nhưng tôi chỉ nạp lại chúng
khi thả bộ qua những rặng cây, những cánh đồng rộng ngậm đá vôi.
Sương bám trên những tán cây và choàng tay ôm
những tấm bia đá khắc quê hương của những người nằm xuống
chân tôi không đứng vững trên đất sỏi, lòng tự hỏi
đêm đã từng ra sao, những ánh sáng nào đã chiếu qua
thung lũng, ngọn khói nào bốc lên từ tán cây,
những lời thầm thì nào tôi đã không hiểu được.
Thực ra, chẳng có gì còn sót lại từ chiến địa,
và một phòng bảo tàng, nơi chúng tôi bước vào với hai bàn tay trắng,
chẳng cầu vai, chẳng ống kính phóng to, chẳng có gì để giấu
đằng sau, chẳng chỗ ẩn náu nào cho những tế bào võng mạc,
những tế bào não sợ hãi kiếm tìm chốn dung thân.
Thực lòng tôi vẫn thích chiếc đai súng dập những khoen đồng,
một miếng vải đủ dai để treo những bi đông nước,
lưỡi lê, túi cứu thương, băng đạn và bao súng,
những sợi dây dày quấn chéo đáy hòm thiết bị,
Ba lô dã chiến, lớp vải hoen ố của những đôi ủng đi rừng.
Một chiếc mũ cối ngụy trang màu xanh từng thuộc về ai đó.
Trên chuyến xe đi xuống từ Lao Bảo
Bạn ơi, các anh đã kể với tôi rằng thi thoảng
xuống tắm dưới sông, khi lính bắn tỉa thiếp ngủ, khi những nông dân già
và những người đàn bà làm việc, lũ trẻ hân hoan tắm
cùng các anh trên dòng suối đổ ra từ khe núi
chảy qua da thịt những ngón tay, những bàn tay thuộc về mẹ của các anh.
Đi sang đường ở phố Nguyễn Du Hà Nội
Chúng tôi được khuyên rằng cứ bước tới thôi
Như khi lội
qua suối. Hàng trăm xe máy
sẽ tìm được đường
vây lấy chúng tôi. Chúng tôi không được phép do dự,
như thế
sẽ vượt qua được mọi người. Vậy nên, hãy tin lấy những lời này,
các bạn của chúng tôi
nơi đây trên con phố mang tên tác giả Truyện Kiều
chúng tôi lựa
đường hòa vào dòng xe chạy như thể tất cả chỉ còn là một làn gió nhẹ
thoảng qua
mặt chúng tôi. Vào giây phút ấy, chúng tôi cố gắng mường tượng
một thế giới hiển nhiên
đầy lòng trắc ẩn, và chỉ thuộc về một số ít người,
khi họ
mỉm cười lướt qua, trông như thể vừa
tha thứ cho chúng tôi.
Một chỗ quanh bàn
Nghĩa là anh có thể đối diện những người buộc tội mình,
Nghĩa là không còn nơi để trốn
Nghĩa là anh sẽ không dần dần thiếp ngủ,
hay xăm tên vào cánh tay mình
hay đưa cho bất cứ ai ở đây một ngón tay.
Nghĩa là anh không cần vùng vẫy tay như thể đang chết đuối
Nghĩa là không gì ở đây sẽ nhấn chìm anh.
Nghĩa là anh thực sự không cần phải trả lời.
Bởi vì chỉ rất ít người trong các anh còn ở lại, đang ngồi chếch với phía anh,
Nghĩa là anh có thể ngắm nghía khuôn mặt họ như nhìn những đám mây ngoài kia.
Anh sẽ không hoàn toàn lãng quên họ.
Nghĩa là lúc này, trong một thoáng, các anh hầu như bình đẳng.
Ở chính giữa trước mặt anh, chẳng có gì trừ phi ai đó đem cho anh.
Nghĩa là khi anh đi rồi, mọi người đều cảm nhận được,
Nghĩa là khi anh rời khỏi, anh cảm nhận như thể mình chưa từng.
Rằng anh vẫn còn một chỗ ở bàn.
Trong cuộc sống sau này của anh, khoảnh khắc ấy sẽ còn trở lại như một hạt bụi bồng bềnh bay trong những vạt nắng.
Nó sẽ lục tìm từng căn phòng cho đến lúc tìm thấy anh
Trần Minh Phương dịch,
(Hữu Việt biên tập)
.
Nguồn: http://vanvn.net/news/15/5485-song-nui--vo-que-va-khuc-bi-ca-quang-tri-cua-toi.html