ĐEM VĂN THƠ HUẾ RA MIỀN ĐẤT THIÊNG
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6076
Đoàn cựu tù Côn Đảo và thân nhân cựu tù Côn Đảo dâng hương trước đài tưởng niệm ở Côn Đảo.
(Bài đăng trên ThuaThienHueonline 1.10.2015
http://baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=375&newsid=3-0-61717)
(TTH) - Đoàn Cựu tù Côn Đảo Thừa Thiên Huế và thân nhân cựu tù Côn Đảo cùng vợ chồng nhà văn Tô Nhuận Vỹ vừa có chuyến thăm Côn Đảo - miền đất thiêng của Tổ quốc. Gọi là miền đất thiêng bởi lẽ trên hòn đảo có diện tích hơn 50 km2 này có gần 20.000 ngôi mộ của chiến sĩ tù nhân Côn Đảo qua nhiều thời kỳ, đặc biệt từ năm 1930 đến năm 1975 (trong đó chỉ có 700 ngôi mộ là có tên tuổi).
Hành trang đến với Côn Đảo của những cựu tù Côn Đảo Thừa Thiên Huế “nặng” nhất là kỷ niệm về những ngày tháng tù đày tại đây được hóa thành thơ, văn: Nhà thơ Võ Quê với tập “Lục bát Côn Đảo”, cựu tù Nguyễn Trường Cổn là tập hồi ký “Khí phách chốn địa ngục trần gian” và tấm lòng của nhà văn Tô Nhuận Vỹ gói trọn trong những bộ sách dày 3 tập “Dòng sông phẳng lặng” - bộ tiểu thuyết ông viết về cuộc đấu tranh kiên cường và anh dũng của nhân dân Huế trong những ngày sôi động, hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ- đặc biệt trong cuộc tấn công nổi dậy năm Mậu Thân 1968.
Tặng sách là một hành động đẹp, đặc biệt đó là những cuốn sách được viết bằng hồi ức, bằng kỷ niệm của một thời đấu tranh sục sôi trong lao tù cũng như trên chiến trường. “Lục bát Côn Đảo”, “Khí phách chốn địa ngục trần gian” hay “Dòng sông phẳng lặng” là những quyển sách có ý nghĩa nối liền các thế hệ và truyền lửa cho đời sau. Tại Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu, những tập sách được trao tặng trong tình cảm vô cùng ấm áp. Nhà thơ Võ Quê không chỉ đọc thơ mà còn hát Ca Huế tặng các em. Bộ tiểu thuyết “Dòng sông phẳng lặng” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ được dựng thành phim và một cô giáo trẻ của trường - cũng là người Huế - đã hát tặng đoàn bài hát của bộ phim này.
Tập thơ “Lục bát Côn Đảo” của nhà thơ Võ Quê gồm 10 bài thơ trong số hơn 40 bài thơ được ông viết khi đang ở tù Côn Đảo từ ngày 30/4/1972 đến ngày ra tù 8/3/1973. Tập thơ in trang trọng bài giới thiệu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ và bài tham luận “Sông núi, Võ Quê và khúc bi ca Quảng Trị của tôi” của Fred Marchant - GS Mỹ - Học viện William Joiner chuyên nghiên cứu chiến tranh và các hậu quả xã hội. Những bài thơ viết tại Côn Đảo của nhà thơ Võ Quê và những cuộc gặp gỡ giữa GS Fred Marchant và nhà thơ Võ Quê cùng những người bạn VN là nguồn “tư liệu” sống động để GS Fred Marchant có “thêm một sự thấu hiểu sâu sắc nữa về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam”.
“Lục bát Côn Đảo” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in và phát hành tháng 6/2015. Hai trăm quyển sách còn thơm mùi giấy mới ấy đã được nhà thơ Võ Quê trân trọng trao tặng cho huyện Côn Đảo, Bảo tàng Côn Đảo, Trung tâm quản lý di tích Côn Đảo và Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu.
Với nhà thơ Võ Quê, đây là lần thứ 6 ông ra thăm Côn Đảo. Côn Đảo trong ông quá nhiều kỷ niệm- những kỷ niệm được khắc ghi trong lòng về một thời trai trẻ tham gia tranh đấu và được thử thách lòng kiên định với lý tưởng tại một nhà tù nổi tiếng tàn bạo nhất. Giữa sân tù của Trại 2, lá bàng vẫn rơi, nhà thơ Võ Quê đã nhặt một chiếc lá bàng và ứng tác ngay tại chỗ một bài thơ tặng cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Xuân - năm nay 87 tuổi - vẫn theo đoàn ra thăm Côn Đảo:
… “Tuổi hoàng hôn tóc trắng pha sương
Hồn vẫn mãi hừng đông tuổi trẻ
Dưới gốc bàng trang thơ hồng đất mẹ
Mặt trời lên Côn Đảo bốn mùa xuân”
Trao tặng tập Hồi ký “Khí phách chốn địa ngục trần gian” tại Côn Đảo đất thiêng, ông Nguyễn Trường Cổn - cựu tù Côn Đảo - hiện ở tại TP Hồ Chí Minh - nói trong niềm xúc động: “Tôi trao lại cho các anh chị em những hồi ức chân thực và đầy khí phách về đời sống tù nhân Côn Đảo trong gần 5 năm tôi bị giam cầm ở đây. Chỉ là một lát cắt nhỏ nhưng tôi muốn trao lại tinh thần chiến đấu của chúng tôi lúc ấy là rất kiên cường và luôn đùm bọc, thương yêu nhau”.
Những bài thơ được viết từ đất thiêng Côn Đảo, những trang hồi ký về một thời đấu tranh kiên cường, những trang văn viết về vùng đất Thừa Thiên Huế anh hùng, tất cả đã được các tác giả trao tặng với tấm lòng tha thiết. Nói như lời tâm sự đầy tâm huyết của ông Hoàng Hòa - Chủ tịch Hội Cựu tù Côn Đảo Thừa Thiên Huế: “Đem thơ, văn Huế ra miền đất thiêng, đó cũng là một cách truyền lửa cho thế hệ sau. Và tôi tin ngọn lửa ấy sẽ luôn là niềm tin, động lực cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống cha ông anh hùng ngày trước”.
Nguyễn Thị Xuân (Cựu tù Côn Đảo kể về chuyến đi)