Website HỘI TỤ: NGUYỄN VĂN HOÁ giới thiệu bài " Ca Huế Trên Đất Mỹ - Những kỷ niệm" của Võ Quê
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4616
"Gặp nhau lại lần đầu, nhưng anh kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Và, chuyện thú vị
nhất đối với tôi là câu chuyện của anh trong chuyến lưu diễn trên đất Mỹ..."
Nguyễn Văn Hoá
đăng ngày: 05.3.2008
Võ Quê và CA HUẾ TRÊN ĐẤT MỸ - NHỮNG KỶ NIỆM
Vài lời giới thiệu:
Tôi gặp lại anh Võ Quê sau hơn 40 năm cách biệt. Phải nói là “cách biệt”, bởi sau hơn 40 năm đó, tôi không hề biết anh ở đâu, đã và đang làm gì. Có lúc ngồi nhớ lại những người bạn tuổi thiếu niên, trong đó có anh, tôi tự hỏi với chừng ấy thời gian đi qua, cuộc sống mỗi người trôi dạt theo chiến tranh, giờ này thân phận của anh ra sao?
Cho đến một hôm, đọc được mấy bài thơ mới của anh trên mạng lưới Hồn Quê xuất phát từ Mỹ, lúc ấy tôi mới biết anh ấy còn sống, và điều tuyệt vời là anh ấy còn làm thơ, còn rất yêu văn chương, văn nghệ.
Năm đầu tiên trở về quê hương, khi đặt chân xuống đất Huế trong mấy ngày, tôi vội tìm hỏi tin anh, nhưng không may chẳng ai biết rõ... Từ dạo ấy đến bây giờ đã 7, 8 năm rồi, hôm nay tôi lại nhận được tin anh, đem bà xã từ Huế vào Saigon tránh rét –đúng ra là chị ấy đang bị bệnh “hen” nặng, không chịu nổi cái lạnh khác thường ở ngoài đó trong mùa Đông năm nay. Chúng tôi, liên lạc bằng điện thoại và hẹn nhau ở một quán cà phê vườn nhỏ bên góc đường của quận Gò Vấp.
-Võ Quê đây à, đầu tóc cắt ngắn gọn gàng, điểm pha một ít sợi bạc, nhưng trông mạnh khỏe, rắn chắc, không già, không khác ngày xưa chút nào cả!
Hơn 40 năm cách biệt, anh nhắc lại cho tôi bằng con số ấn tượng hơn là từ 1966, trong khi tôi nhớ là sau năm 1965 –năm biến cố lớn nhất trong đời của một thiếu niên học sinh trung học -là lúc đội quân viễn chinh Mỹ đổ bộ lên mãnh đất miền trung của nước ta… Từ ấy, với lứa tuổi của chúng tôi bắt đầu “định hình” cho một sự lựa chọn trong “cuộc chơi” mới; có thể an thân mà có thể đầy bất trắc. Cách mạng, không còn là ảo ảnh của khái niệm nữa mà trở thành một dấn thân của trí thức thành thị, hoặc bí mật tổ chức xuống đường, hoặc đích thực hơn là trở thành người của bên kia (có nghĩa là đi theo Việt Cộng). Giờ đây, nghĩ lại, “may hay rủi”, tôi không rõ, nhưng với sự thật thì tôi không ở trong hai thành phần dấn thân kia. Tôi chọn sự “an thân”, một phần vì chương trình học phối hợp “kỷ thuật + phổ thông” nặng quá, không lo học thì thi rớt tú tài 1, tú tài 2, mà thi rớt là phải vô quân trường. “Đi lính” vào thời buổi đó là một số phận hẩm hiu, nếu không nói là “ngu xuẩn.” Và, tranh đấu hay đi theo cách mạng trong giai đoạn đó thì quá gian khổ và không có tương lai trước mặt. Có thể có người đứng ở cương vị của anh Võ Quê hiện nay, cho tôi là thành phần “an phận”, là “hèn.” Nhưng hôm nay, trong ánh mắt, trong nụ cười trao đổi với nhau, tôi thoải mái và không hề thấy sự cách biệt nào cả giữa quá khư của tôi và người bạn thuở niên niên thiếu Võ Quê. Mỗi người, có một hoàn cảnh sống, một thúc bách khác nhau, tựu trung, không có một sự khác biệt nào cả. Tôi lè phè sống, ăn học trong khó khăn khổ sở, chạy ra nước ngoài, bây giờ muốn trở về với cố hương. “Come back to Sorrento Vietnam”. Anh Võ Quê thì đã bước qua một chiều dài truân chuyên với con đường cách mạng. Đấu tranh chống Mỹ, rồi tù tội Côn Đảo, rồi theo “Việt Cộng”, và sau đó là một đảng viên cộng sản đang bước vào lứa tuổi chuẩn bị về hưu…
Gặp nhau lại lần đầu, nhưng anh kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Và, chuyện thú vị nhất đối với tôi là câu chuyện của anh trong chuyến lưu diễn trên đất Mỹ, đem “Ca Huế đến trên đất Mỹ…” với những kỷ niệm rất khó quên. Anh có phong cách của một nghệ sĩ, đã đành. Nhưng, hơn thế nữa, anh có thái độ ứng xử khéo léo, tinh tế và ngập tràn tâm lý ở phía của những người chiến thắng với những “kẻ thù cũ” (của một số người Việt chống Cộng cực đoan) vô hình tướng nhưng bị vây bủa bởi sự u mê, tà kiến…ở ngay trên mãnh đất mang tiếng tự do ngôn luận của xứ Mỹ.
Qua câu chuyện anh kể, tôi không nghĩ là anh đã “chiến thắng” họ một lần nữa, mà đúng ra là anh đã chuyển hóa, đã kéo họ trở về với mình bằng những nụ cười nhân hậu, và cao hơn nữa, chính là nhờ ở tấm lòng với đất nước, với dân tộc nơi anh.
Tôi tiếc là không chuẩn bị để mang theo máy ghi âm ghi lại đầy đủ, trung thực những điều anh kể, thái độ ứng xử của anh trước những người chống phá thành mượn tạm một bài bút ký của anh ghi lại kỷ niệm về chuyến đi đó, mà theo tôi vì tính khiêm tốn, anh đã không muốn nói ra nhiều chi tiết khác đáng làm một kinh nghiệm mẫu mực cho những người làm công tác đối ngoại trong lãnh vực nghệ thuật dân tộc trên đất người trong giai đoạn hiện nay.
Xin giới thiệu bài bút ký của anh V.Q. đến độc giả.
Nguyễn văn Hóa.
5 March 2008
= = = = = = = = = = = = = = = = = = = =
CA HUẾ TRÊN ĐẤT MỸ - NHỮNG KỶ NIỆM
Võ Quê
26/02/2008
"...Đây là lần đầu tiên một đoàn ca nhạc Việt Nam từ dòng sông Hương thầm lặng của Huế dấu yêu được tham gia vào hội diễn hàng năm, đặc biệt vừa lúc Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa bang giao giữa hai nước Việt Nam và Mỹ..."
Chuyện diễn ra cách nay đã 13 năm, nhưng với tôi việc thực hiện chương trình Ca huế trên đất Mỹ năm 1995 đã sống động trong hồi ức, tình cảm tôi theo dòng thời gian.
Nhận lời mời của Hội đồng quốc gia vì nghệ thuật truyền thống Hoa Kỳ (National Council for the Traditional Arts), đoàn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã tham dự Festival dân ca dân nhạc tại thành phố Lowell, bang Massachusetts, Hoa Kỳ từ ngày 25-7-1995. Lowell: một thành phố công nghiệp đầu tiên của nước Mỹ với kỹ nghệ dệt - đã tràn ngập du khách từ nhiều miền, nhiều đất nước khác nhau về dự festival trong những ngày cuối tháng 7-1995. Một không khí lễ hội. Một sắc thái bình yên dân dã. Một không gian thoáng đạt mà sâu lắng trên thành phố nhỏ nhắn dễ thương bên dòng sông hiền hòa Marimack. Hoa tím đáng yêu! Những đập nước ngăn dòng. Chim bồ câu. Bầy vịt trời... Mùa hè Lowell tràn ngập sắc màu nhạc hội thiên nhiên và con người đồng cảm, đồng điệu với âm nhạc, với lời ca muôn màu muôn vẻ.
Đây là lần đầu tiên một đoàn ca nhạc Việt Nam từ dòng sông Hương thầm lặng của Huế dấu yêu được tham gia vào hội diễn hàng năm, đặc biệt vừa lúc Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa bang giao giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Qua ba ngày biểu diễn ở công viên Market, ở giáo đường thành phố Lowell, âm nhạc Huế nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung đã được sự tán thưởng nhiệt thành của những người mộ điệu Mỹ và Việt Kiều.
Theo các tờ báo lớn ở Massachusetts như Boston Globe, Boston Herald... thì năm nay có đến hơn 200.000 người dự đại nhạc hội này - một con số ít thấy trong hội diễn từ chín năm qua.Từ những miền đất xa xôi như Alaska, những làn điệu dân ca trữ tình đã dạt dào âm vang cuộc sống. Chàng trai và cô gái Eskimo luyến láy nhịp vui. Các đoàn nhạc Forth, Blues, Bluegrass, Jazz, boogic-pop,... lần lượt qua các sân khấu với tài nghệ diễn xuất trữ tình điêu luyện. Riêng đoàn ca nhạc truyền thống Huế, đoàn duy nhất ngoài nước Mỹ đã đem đến cho ba ngày hội diễn những màu sắc độc đáo, phong phú qua tiết mục ca Huế, nhạc cung đình, dân ca...
Những tràng pháo tay vang ngân rộn rã, khán giả Mỹ và Việt Nam đã đứng dậy bày tỏ sự nồng nhiệt trong tất cả các điểm diễn tại thành phố Lowell. Theo phong tục Mỹ, thái độ này cho biết đấy là sự quí trọng âm nhạc Việt Nam, ngợi ca chương trình thành công so với tất cả các đoàn tham gia hội diễn ca nhạc khác. Đây cũng là lý do khiến Hội đồng quốc gia vì nghệ thuật truyền thống Hoa Kỳ và ban tổ chức đánh giá rất cao đoàn ca nhạc Sông Hương với các nghệ sĩ Mạnh Cẩm (Nghệ sĩ ưu tú), Trần Thảo, Thúy Vân, Thu Hằng, Khánh Vân, Sĩ Thoại, Thái Hùng, Ai Hoa, Lệ Hoa qua sự giới thiệu và điều hợp chương trình của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong (Viện Đại học Kent States, Hoa Kỳ).
Những ngày diễn ra lễ hội tại Lowell, tin tức được liên tục chuyển đi qua các hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí. Đài truyền hình kênh 6 phát hình về đoàn và phỏng vấn giáo sư Nguyễn Thuyết Phong về mục đích, ý nghĩa nền ca nhạc Huế. Nhà báo Scott Alarik của báo Boston Globe (ngày 31-7-1995) đã nhận định về nhạc Huế qua các chương trình biểu diễn của đoàn: "Siêu việt, tinh tế và tỏa rộng không gian". Đây là lời nhận định ngắn gọn, đầy ý nghĩa.
Ngày 1-8-1995, tại thủ đô Washington, đoàn được mời diễn tại thính phòng Carmichael, Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ. Thính phòng này khang trang, sang trọng với kỹ thuật hiện đại thuộc tổ chức Samitheonean. Âm nhạc làm say mê khán giả, khiến chảy nước mắt những người đồng hương và làm xúc động những bè bạn Mỹ. Ông Hà Huy Thông, Phó phòng liên lạc Việt Nam tại Hoa Kỳ và các nhân viên ngoại giao cũng đến dự và tán thưởng nồng nhiệt buổi biểu diễn trên.
Ngày tiếp theo, tại công viên Rubber Run, đoàn đã diễn một chương trình với sự tham dự của đông đảo là khán giả người Việt tại đây. Nhiều bà con đã bày tỏ lòng thương nhớ quê nhà khi nghe các giai điệu mượt mà của khúc nam bình sâu lắng, của sự rộn rã trong tiết tấu hò giã gạo.
Tại New Haven, thành phố kết nghĩa Huế, đoàn cũng đã gặt hái thành công tốt đẹp. Tình cảm lưu luyến của bè bạn Mỹ, của những người Việt ở đây được biểu hiện một cách đậm đà. Nhiều bạn sinh viên trẻ đã đến tiếp xúc với nghệ sĩ và nói lên tình cảm dấu yêu về quê nhà khi nghe các làn điệu dân ca và ước mơ một ngày về xây dựng quê hương đang đổi mới.
Buổi diễn cuối cùng tại Liconln Center, một trung tâm nghệ thuật lớn ở New York trong chiều 4-8-1995 cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong khán giả Mỹ và Việt, khán giả đã đứng lên tán thưởng khi chương trình chấm dứt. Đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đồng chí Nguyễn An Trung, đã tặng hoa và phát biểu nhiều cảm tưởng tốt về chương trình nghệ thuật của đoàn.
Qua 8 chương trình biểu diễn, qua thực tế làm việc, tiếp xúc, chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của nhiều người Việt cũng như một số bạn bè Mỹ là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu... Đặc biệt là trong thời gian đoàn lưu diễn tại Mỹ, Trung tâm William Joiner đã tích cực giúp đỡ đoàn trên nhiều mặt. Các thành viên của Trung tâm như nhà thơ Bowen Kenvin, nhà thơ Fred Marchant, nhà thơ Nguyễn Bá Chung đã theo đoàn trong suốt quá trình tổ chức biểu diễn. Vợ chồng nhà thơ Bowen Kevin đã mời đoàn dự cuộc chiêu đãi ngoài trời tại nhà riêng trong buổi chiều 30.7.1995. Từ đây, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, làm quen với một số thành viên khác của Trung tâm, bà con thân hữu Việt Kiều có mối quan hệ gắn bó với Trung tâm. Và cũng từ thời điểm này trở về sau tôi đã có nhiều dịp trao đổi, giao lưu với Trung tâm William Joiner trên lĩnh vực văn học; giúp tôi thể hiện tốt các hoạt động mang tính đối ngoại nhân dân, đoàn kết và hữu nghị. Chính nhờ mối quan hệ tốt đẹp đó đã giúp cho đoàn niềm hưng phấn để biểu diễn, góp phần tăng thêm sự hiểu biết về âm nhạc Việt Nam, cụ thể là âm nhạc Huế trong công chúng Mỹ và gợi lên bao niềm thương nhớ trong tâm hồn người Việt Nam tình tự quê nhà, lòng yêu nước lắng sâu.
© copyright giaodiem.com.vn | 2008