Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

FESTIVAL HUẾ 2006 HỮU NGHỊ VÀ THƯƠNG YÊU

"Văn hóa, nghệ thuật Huế đã bộc lộ những bản chất, giá trị nhân văn..."

 

FESTIVAL HUẾ 2006 HỮU NGHỊ VÀ THƯƠNG YÊU

 

 

Tiếp tục phát huy thành quả của Festival Huế 2000, 2002, 2004; hướng đến việc xây dựng Huế trở thành một thành phố Festival của Việt Nam, Festival Huế 2006 với chủ đề “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế, Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 3 đến ngày 11.6.2006 đã thành công mỹ mãn. Festival Huế 2006 là một lễ hội văn hóa du lịch quốc tế, một diễn đàn sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam và khu vực, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế; đồng thời gắn với mở rộng các hoạt động giao lưu, tăng cường tình hữu nghị quốc tế, phát triển kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam đạt những thành tựu mới.

     Đến với Festival Huế 2006, công chúng Thừa Thiên Huế, du khách trong và ngoài nước đã có dịp chứng kiến, thưởng ngoạn một cuộc quảng diễn nghệ thuật hoành tráng, sôi động, đa sắc màu cùng những hòa âm đẹp. Nhiều chương trình nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc được thực hiện mà tiêu biểu là Lễ khai mạc, Lễ bế mạc với chương trình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, có quy mô lớn, giới thiệu được các giá trị, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nghệ thuật truyền thống Huế.

     Các chương trình Đêm Hoàng cung với dạ tiệc cung đình và các chương trình nghệ thuật ẩm thực cũng như sinh hoạt cung đình gắn liền với không gian Đại nội huyền ảo; Lễ hội Nam Giao diễn ra với ba phần chính của lễ hội Nam Giao xưa; lễ hội Áo dài với không gian biểu diễn là dòng Hương giang về đêm lung linh hoa đăng, ngan ngát hương sen trên từng búp tay thiếu nữ; Lễ hội truyền lô gắn liền với lễ rước Vinh quy bái tổ một thời đề cao vai trò giáo dục văn hóa, ngợi ca vẻ đẹp tinh chất của tiền nhân trên lĩnh vực khoa bảng; Vũ khúc Cung đình và Nhã nhạc Huế (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế); Ca múa nhạc Truyền thống Huế (Nhà hát Ca Kịch Huế); Âm sắc Việt (Nhóm Ca trù Thái Hà); nhóm Ca Huế Phú Xuân; nhóm nghệ sĩ Cải lương TP. Hồ Chí Minh); Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long; Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen; Đoàn Nghệ thuật Biển Xanh Bình Thuận; Ánh Tuyết và nhóm ATB; Nhóm Mặt Trời Đỏ; Chương trình Rock Alpha…được khán giả đánh giá cao và bày tỏ sự ái mộ trân trọng. nhất là đối với du khách quốc tế. Nhiều khán giả nước ngoài đã có cùng một nhận xét như Jim McGarrah, một du khách Mỹ là: "Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng đã bộc lộ những bản chất, giá trị nhân văn tốt đẹp của đất nước, cuộc sống và con người Việt Nam. Đằng sau sự nhân hậu, hòa ái là niềm tự hào về đất đai, xứ sở, luôn ngợi ca điều thiện, không khoan nhượng với cái ác."

 

 


      Bên cạnh các chương trình nghệ thuật Việt Nam, Festival Huế 2006 đã quy tụ nhiều loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao của nhiều quốc gia trên thế giới góp phần làm sinh động, đa dạng chưong trình OFF. Riêng trong chương trình IN, Festival Huế 2006 là nơi gặp gỡ giao lưu, phô diễn tài năng của các đoàn nghệ thuật tiêu biểu và chuyên nghiệp của Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Áchentina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…Các chương trình trên được công chúng nồng nhiệt đón nhận từ các sân khấu được dàn dựng công phu tại Hoàng thành Huế và biệt cung An Định. Nhân dịp các đoàn nghệ thuật quốc tế về biểu diễn tại Festival Huế 2006, các tổ chức hữu nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế như Hội hữu nghị Việt Trung, Việt Pháp, Việt Nga, Việt Nhật, Việt Thái, Việt Anh…đã tổ chức một số hoạt động hữu nghị, giao lưu với các đoàn nghệ thuật nước ngoài nói trên nhằm bày tỏ mối thiện cảm hữu nghị đặc biệt với các nghệ sĩ trên thế giới đã mang lại cho Festival Huế 2006 những giá trị nghệ thuật đặc sắc; góp phần làm bền vững, đẹp tươi thêm những nhịp cầu hữu nghị quốc tế.

      Mặc khác, theo dư luận công chúng và báo chí thì Festival Huế 2006  “đã có một sự đổi ngôi ngoạn mục giữa IN (các chương trình chất lượng cao có bán vé) và OFF (các chương trình lễ hội cộng đồng). Ngoài việc mở rộng không gian lễ hội ra các vùng phụ cận như Khu du lịch nước suối nóng Thanh Tân, xã Phong Sơn với chương trình Âm vang Trường Sơn, làng cổ Phước Tích (Phong Điền), làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu (Phú Vang), lễ hội Biển Thuận An, Chợ Quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (Hương Thủy), Lăng Cô-Huyền thoại biển, Cồng Chiêng Tây nguyên (đồi Thiên An)… Chương trình OFF năm nay dày đặc các trò chơi, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn nghệ thuật, thư pháp, thời trang, lễ hội, hội thảo khoa học, Festival Thơ lần thứ hai…Phải nói, chương trình nào trong phần OFF cũng phong phú, đa dạng, sôi động, đặc sắc. Đặc biệt, lần đầu tiên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở bờ nam sông Hương, một chương trình nghệ thuật đường phố do đoàn nghệ thuật đường phố Anh, cùng các nghệ sĩ ta biểu diễn liên tục 3 xuất từ chiều đến khuya với các tiết mục đặc sắc, mới lạ, vui nhộn như: múa đương đại ngoài trời, vẽ trên mặt đường, vẽ ký họa chân dung từng người…”(Báo Lao Động, ngày 8.6.2006).

      Từ một góc nhìn khác, Festival Huế 2006 còn là nơi tìm về chốn xưa của những người bao nhiêu năm lưu lạc, xa quê mẹ Việt Nam, của nhũng người con xa Huế. Sự hình thành Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, một họa sĩ Việt kiều tài danh ở hải ngoại, sự có mặt của các nhạc sĩ nổi tiếng như GSNS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, bác sĩ Bùi Minh Đức, tác giả cuốn Từ điển Tiếng Huế cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật của đông đảo giới văn nghệ sĩ, tu sĩ các tôn giáo gốc Huế đang sinh sống trên nhiều miền đất nước, ở nước ngoài về phô bày, trình diễn tại Festival Huế 2006 đã có một ý nghĩa lớn về sự tìm về cội nguồn dân tộc mà tình tự quê nhà luôn là nhũng giai điệu lắng sâu hồn non nước, chan chứa tình người; vừa hoài niệm về quá khứ yêu thương đằm thắm vừa tha thiết khao khát, ước mơ về một ngày mai đất nước mình, trong đó có xứ Huế được phồn vinh nhưng vẫn luôn gìn giữ được nét thơ mộng, trữ tình mà đất trời thiên nhiên đã trang trọng ban tặng. Từ một góc nhìn khác, Festival Huế là địa chỉ văn hóa đẹp, thuần khiết mời gọi những tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới về đơm hoa kết trái, về khoe sắc muôn hồng nghìn tía, giao lưu cùng văn hóa Việt. Và, du khách từ năm châu lục cùng với Huế hòa thanh khúc ca hòa bình hữu nghị. Cùng với Huế tiếp tục tổ chức thành công hơn những Festival Huế tương lai.

 

VÕ QUÊ
(Tạp chí Hữu Nghị, tháng 6.2006) 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.