Theo tinh thần lãnh đạo của tỉnh và được Ban tổ chức Festival Huế lĩnh hội, thực hiện, chương trình OFF của Festival Huế 2008 cũng là những hoạt động có nội dung, hình thức quy mô tương xứng với chương trình IN nhằm huy động được sức mạnh của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vì chính người dân ở đây là chủ của lễ hội, chủ trương này đã được đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng tình hưởng ứng và đã tạo nên nhiều chuyển động tích cực trong việc huy động các nguồn lực vào ngày hội lớn của quê nhà. Riêng giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã cho đây là một cơ hội mới để có thể cống hiến nhiều sáng tạo lao động văn học nghệ thuật góp phần làm phong phú, đa dạng, khởi sắc Festival Huế 2008..
Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế thông qua tổ chức Hội Liên hiệp Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế, các Hội chuyên ngành, đã phối hợp với một số cơ quan hữu quan thực hiện thành công một số chương trình hoạt động cụ thể như sau:
Về Mỹ thuật: Bên cạnh Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế lần thứ 4 "Ấn tượng Huế Việt Nam" quy tụ phần đông các điêu khắc gia của các nước trên thế giới, nhiều hoạt động triển lãm mỹ thuật đã diễn ra trước và sau ngày khai mạc Fetsyival Huế 2008, tiêu biểu là Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Khu vực IV giới thiệu tác phẩm của giới họa sĩ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế; Triển lãm Mùa Tháng 6 lần thứ 3; Triển lãm Không gian Lê Bá Đảng, Nghệ thuật sắp đặt tổng hợp chủ đề “Sắc màu Thanh Tiên”; triển lãm nhóm Cọ TP. Hồ Chí Minh gồm những tác giả sinh trưởng tại Huế…Cùng lúc nhiều họa sĩ Huế đã mở các gallery, studio cá nhân tại tư thất, tạo nên những địa chỉ mỹ thuật góp phần hình thành diện mạo nghệ thuật mới của một thành phố Festival.
Về Nhiếp ảnh: Đến hẹn lại lên, nữ nghệ sĩ Đào Hoa Nữ, một người con xứ Huế hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đã triển lãm ảnh nghệ thuật “ Cây đa, bến nước, con đò” tại Trường lang Tử Cấm thành, Đại Nội Huế. Trong thời gian đó, Hội Nhiếp Ảnh TT Huế tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật “ Khoảnh khắc Festval”…Cùng với giới nghệ sĩ nhiếp ảnh của cả nước, lực lượng nhiếp ảnh Thừa thiên Huế đã tác nghiệp có hiệu quả trong quá trình diễn ra lễ hội nhằm sáng tác nên những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật về Festival Huế 2008.
Về Âm nhạc: Song song với việc tổ chức các chương trình ca nhạc tại các sân khấu cộng đồng trên thành phố Huế, tôn trọng và phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc cổ truyền, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp với CLB Ca Huế Nhà Văn hóa Huế huy động hội viên tham gia tổ chức các chương trình Ca Huế, dân ca thính phòng và ở các sân khấu ngoài trời nhằm giới thiệu với công chúng Huế, du khách đến Festival Huế 2008 những bản sắc Huế qua gia điệu truyền thống. Về Sân khấu: Bên cạnh các hoạt động sân khấu do Sở Văn hóa Thông tin, Trường Văn hóa nghệ thuật và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh đảm trách, Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế cũng đã điều phối hội viên lão thành, trung niên, thế hệ trẻ tham gia tích cực vào các chương trình, điểm diễn dân ca, ca kịch… Qua các hoạt động biểu diễn này đã tiếp tục khẳng định sức sống của loại hình sân khấu, âm nhạc dân tộc cổ truyền. Các buổi diễn đă thu hút đông đảo khán giả đủ mọi thành phần, độ tuổi đến thưởng ngoạn.
Về Văn học: Cùng với việc tổ chức thành công Festival Thơ Huế lần thứ 3, nhân dịp Festival Huế 2008, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thừa Thừa Thiên Huế đã cho ra mắt tuyển tập “700 năm Thơ Huế” đồng thời phối hợp Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế ấn hành “Tuyển tập 30 năm Văn Học Thừa Thiên Huế” gồm 3 chuyên đề: “Dòng riêng giữa nguồn chung”, tuyển tập 30 năm nghiên cứu lý luận phê bình văn học TT Huế; “Luận chứng của một tâm hồn đa cảm”, tuyển tập 30 năm văn xuôi TT Huế; “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, tuyển tập 30 năm thơ TT Huế…
Tạp chí Sông Hương, cơ quan ngôn luận của Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, trước thời gian thành phố Huế diễn ra lẽ hội, liên tục trong nhiều số báo đã có nhiều bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Huế giới thiệu, quảng bá nội dung Festival Huế 2008 được bạn đọc trong và ngoài nước chú ý. Tạp chí Sông Hương cũng đã đón nhận nhiều bài vở của cộng tác viên hướng về Festival Huế 2008. Những tiếng nói tâm huyết từ nhiều miền đất khác nhau giúp cho thành phố Huế có nhiều định hướng lớn; gợi mở, khai thác nhiều vấn đề thuộc về lĩnh vực văn hóa phi vật thể vốn là chất liệu quý báu của nội dung các lễ hội sẽ diễn ra trong tương lai. Giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong chức năng, bản lĩnh sáng tạo của mình đã đổ nhiều công sức trong lao động nghệ thuật để có nhiều công trình tác phẩm văn học nghệ thuật mới phản ánh cuộc sống sinh động của quê hương, con người Thừa Thiên Huế trong giai đoạn đổi mới nhằm giới thiệu với bạn bè trong nước, năm châu bốn biển về dự Festival Huế 2008. Và giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế chắc chắn cũng còn phấn đấu nhiều hơn nữa để có những nhà đạo diễn tài ba, năng lực có tầm cỡ quốc gia, quốc tế để đảm nhận thực hiện các chương trình có quy mô hoành tráng của quê hương trên lĩnh vực nghệ thuật lễ hội. |