Người anh lớn của phong trào đô thị Huế
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5482
Anh Hoàng Lanh không còn nữa!
Sau thời gian dài lâm trọng bệnh, mặc dù đã được tận tình cứu chữa, nhưng vào rạng sáng ngày 07-12-2008 anh đã trút hơi thở cuối cùng tại TP Huế.
Anh Hoàng Lanh tên thật là Nguyễn Mậu Huyên, sinh ngày 10/5/1926 tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình nông dân nghèo. Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc xã ở quê nhà từ tháng 4/1945. Kể từ đây cuộc đời của anh gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương, đất nước; cùng đồng bào, đồng chí, đồng đội nằm gai nếm mật, không ngừng phấn đấu rèn luyện, để trở thành nhà hoạt động chính trị, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt có uy tín của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế .
Cuộc đời hoạt động cách mạng của anh là chuỗi ngày chiến đấu ác liệt không ngừng nghỉ trãi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ oai hùng. Từ 1946 anh chiến đấu trong các đơn vị vũ trang của huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 10-1-1946, được kết nạp vào Đảng CSVN. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, anh là Thị ủy viên Thuận Hóa. Thành ủy Huế thành lập năm 1954, anh là Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hữu ngạn (1 trong 3 quận của TP Huế bấy giờ) phụ trách công tác Công đoàn - Công chức kháng chiến ở nội thành. Vượt qua chiến dịch “tố cộng diệt cộng” khốc liệt, đẫm máu của chế độ Ngô đình Diệm những năm 1956 - 1957, anh được đưa lên chiến khu, rồi ra miền Bắc và đi chữa bệnh tại Trung Quốc . Tháng 1/1959 anh được học tâp Nghị quyết 15/TW, Nghị quyết lịch sử với tầm chiến lược đặc biệt trong việc chuyển hướng chiến lược đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Anh được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ trở lại Huế và lao vào cuộc chiến đấu mới. Thời gian này, anh là Phó Ban Cán sự Đảng bộ Huế, phụ trách khu vực phía Nam thành phố Huế. Có thể nói từ đây cho đến ngày giải phóng hoàn toàn thành phố Huế 25-3-1975, với nhiều cương vị khác nhau nhưng đều gắn hoạt động và dồn tâm lực vào việc chỉ đạo, xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ở đô thị Huế... Tháng 5/1976 anh là Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Thành ủy Huế. Anh nghỉ hưu năm 1990.
Anh Hoàng Lanh là một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế đầy tâm huyết và đức độ; là một chiến sĩ Cộng sản trung kiên hết lòng vì sự nghiệp cách mạng “Vì dân vì nước”. Anh đúng là người anh, người bạn lớn thân thiết của Phong trào đấu tranh đô thị Huế trong các thời kỳ trước 1975. Anh chị em trong phong trào đô thị Huế không thể nào quên được những lời an cần chỉ đạo, hướng dẫn của A7 (mật danh của anh Hoàng Lanh vào thời bấy giờ) trong những lần gặp trực tiếp hoặc qua thư từ..Năm 1972, khi phong trào đô thị Huế bị khủng bố trắng, nhiều anh em bị bắt giam ở các nhà tù Huế, Đà Nẵng, Côn Đảo... một số khác phải thoát ly ra vùng giải phóng bằng nhiều đường khác nhau, anh đã luôn thăm hỏi, động viên, cứ mỗi lần đi công tác Hà Nội về, khi gói trà, gói thuốc, khi gói bánh gói kẹo, anh đều không quên làm quà, nhiều nữ sinh Huế ra căn cứ, nh thương như con, có người được anh nhận làm con nuôi, thương yêu như con của mình. Sau ngày giải phóng, do đặc điểm những năm đầu còn khó khăn, anh em hoạt động nội thành, hoặc từ các nhà tù trở về, anh luôn tìm cơ hội để giải quyết chính sách, có lúc anh em nản lòng muốn chuyển vùng, anh tìm cách thuyết phục. Khi nghĩ hưu, một trong những nỗi niềm anh hay tâm sự, là chưa lo lắng trọn vẹn cho những anh em nội thành còn nhiều oan trái sau một cuộc chiến tranh dài và khốc liệt. Bi kịch ấy vẫn làm anh nặng lòng... Năm 2005, tại Huế ngày 26-3, rồi sau đó tại TP Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975, anh Hoàng Lanh đã cùng anh em trong phong trào đô thị Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt... ôn lại những kỷ niệm, cùng nhau hát nhưng bài ca chiến đấu của phong trào. Anh vẫn còn hẹn chờ nhau trong cuộc gặp 35 năm, rồi 40 năm...Và xúc động biết bao khi chỉ vài ngày trước khi ra đi mãi mãi anh còn muốn được nghe anh em trong phong trào đô thị Huế hát bài ca Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương, Nếu là mây tôi sẽ là vầng mây ấm, Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương...”.
83 tuổi đời, trên 60 tuổi Đảng; anh mất đi đã để lại niềm thương tíêc sâu sắc đối với gia đình, đồng chí, đồng đội, bạn bè và những ai yêu mến, quý trọng anh không chỉ ở Huế, mà còn ở nhiều nơi khác trong cả nước và một số đông bà con Việt kiều xa quê.
Xin ngậm ngùi vĩnh biệt anh!
Cầu chúc anh linh anh thanh thản nơi cõi vĩnh hằng.!
Trần Hoài - Văn Thuyên - Duy Hiền
Nguồn: Báo Thanh Niên 07/12/2008