Những người giữ lửa của tuổi trẻ, lửa của quá khứ
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4889
Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại số Tân niên 3- 2. 2009.
Những người giữ lửa của tuổi trẻ, lửa của quá khứ
Nguyễn Thị Thuý Hồng
... Một ngày đầu xuân 2009, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của nhà thơ Võ Quê ở một con hẻm sâu trên đường Trần Phú, gần nhà thờ Phủ Cam, TP Huế. Những ai không biết tên tuổi Võ Quê gắn với phong trào SV chống Mỹ và chiến dịch Bình Minh 1972, ắt khó tin anh đã vào tuổi sáu mươi mốt vì một dáng vẻ nhanh nhẹn, linh hoạt. Anh đang lúi húi bên những khóm hoa, cây cảnh, thấy chúng tôi anh đon đả chào mời vào bên trong. Đã thấy không khí tết sớm hiện ra trên website của Võ Quê với “Niềm vui đầu năm 2009”, Hương vị bánh Huế, “Người Huế đón xuân”... Mỗi lần hồi tưởng lại “một thuở xuống đường” (Võ Quê lấy làm tựa đề một tập thơ), trông anh lại càng trẻ trung, mẫn hoạt, đắm say của một Trưởng khối báo chí Tổng hội sinh viên( THSV) ngày nào cầm bút nghiên xuống đường tranh đấu. Từ 1970 đến 1973 là thời kỳ THSV hoạt động mạnh mẽ nhất. Cao điểm của các chiến dịch đàn áp bắt bớ, kiểm duyệt báo chí là vào năm 1970. Càng đàn áp bắt bớ, những cuộc phản đối càng nổi lên dữ dội. Và THSV đã làm nên lịch sử, lần đầu tiên, tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam được đưa lên lĩnh vực báo chí SV. Sinh viên Huế đã phối hợp với SV Sài Gòn mở cuộc triển lãm tố cáo chiến tranh. Năm 1971, Huế là nơi đầu tiên đốt phòng quân sự học đường ngay tại trường đại học Sư phạm, cũng là nơi đầu tiên đốt xe Mỹ lần lượt trên đường Trương Định rồi đường Duy Tân, đường Trần Hưng Đạo. Tiếp đó là phong trào tuyên truyền, tranh đấu của THSV đòi thi hành Hiệp định Pari, thống nhất đất nước. Quảng Trị được giải phóng. Trước phong trào đấu tranh như thác nước ấy, ngày 30 tháng 4 năm 1972, địch tổ chức một chiến dịch bắt bớ toàn bộ SV đày ra Côn Đảo. Trong lao tù, thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau vượt qua những đòn thù tra tấn tàn bạo, những thử thách khốc liệt nhất, cùng bước chung trên con đường dẫn đến chân lý, tiếp tục đấu tranh, làm thơ, viết báo, thông tin liên lạc. Ấn tượng sâu đậm nhất trong câu chuyện nhà thơ Võ Quê kể cho chúng tôi nghe là về vở kịch “ Giọt máu ta một biển hoà bình” do chính anh là tác giả vào năm 1970. Trong vở kịch, Võ Quê đóng vai chính (SV), anh Phan Hữu Lượng (Trưởng đoàn văn nghệ SVHS, hiện là CB giảng dạy Trường đại học Nghệ thuật Huế) trong vai “Tiếng nói hậu trường”, hoạ sĩ Bửu Chỉ (Sinh viên Luật, Tổng thư ký Hội, người vẽ những bức tranh bút sắt rực lửa) trong vai “Bóng đen bạo lực”. Cấu tứ của vở kịch như sau: Một SV bị bắt vào tù, tự nhiên có một giọng nói bạo lực khiêu khích SV đối thoại. Cuối cùng, tiếng nói bạo lực thua, bóng đen bạo lực xuất hiện giết người SV trong tù... Khi biểu diễn tại Đại học xá Minh Mạng và Đại học Văn khoa Sài Gòn, vở diễn đã nhận hàng chục lần vỗ tay liên tục cổ vũ của khán giả. Chàng SV Văn khoa Huế Võ Quê đã kể lại sự nhập tâm của anh vào vai diễn đến mức, lúc mới vào nhà tù Côn Đảo, bước đầu hỏi cung, tra tấn, một viên đại uý bịt mắt và lấy cây khua qua, khua lại. Thay vì sợ hãi, anh lại bật cười khi liên tưởng đến bóng đen bạo lực ở vở kịch đã dựng, để rồi tiếp tục chịu những trận đòn thù dã man; Từ ngục tối, tiếng thơ anh vẫn vút lên hào sảng: “Từ lâu rồi trong nhà giam tuyệt vọng; Ta vẫn mơ chặt đứt gông xiềng; Bạo lực nào ngăn được bước thanh niên; Hùng dũng, kiên cường, đời đời uy vũ”...
Câu chuyện với anh Võ Quê làm chúng tôi nhớ đến cách đây một tuần lễ khi đến thăm nhà thơ Đông Trình trên đường Hải Phòng-TP Đà Nẵng. Anh cũng là SV Văn khoa, tốt nghiệp đại học Sư phạm ở Huế năm 1968. Người Uỷ viên Ban chấp hành Hội SV ngày ấy cũng từng đi đầu trong phong trào tuyên truyền, đấu tranh, bị địch bắt bớ và trốn chạy. Trong cuộc gặp mặt 30 năm của Tổng hội sinh viên ở Huế do Thành uỷ và UBND Huế tổ chức vào năm 2005, giọng thơ Đông Trình vẫn trẻ trung, hừng hực lửa đã làm sống dậy không khí của một thời trai trẻ. Khó ai ngờ anh đã đến bước vào tuổi “ thất thập cổ lai hi”, sức khoẻ đã sa sút. Hiện tại, nhà thơ Đông Trình đang điều trị xuất huyết cấp dạ dày và ruột tại bệnh viện C Đà Nẵng, nhưng khi được hỏi về những năm tháng đã qua, anh lại bộc bạch liền một mạch cảm xúc, như mỗi lần lên diễn đàn đọc thơ, trò chuyện về thơ với công chúng.
Ngay từ thời còn là HS phổ thông ở miền Bắc, những năm trước và sau giải phóng, hễ cứ nghe ai đó cất lên giai điệu bài hát “ Tự nguyện”, tôi lại thấy lòng xốn xang. Nhưng cảm giác này mãnh liệt và thôi thúc thật sự khi vào năm 2005, tôi được chứng kiến một cuộc hội tụ của trên 200 thành viên của THSV và Tổng đoàn học sinh Huế và miền Nam thời chống Mỹ. 30 năm gặp lại, những mái đầu xanh năm nào nay đã điểm bạc, những gương mặt thanh tân, trẻ trung của những HS Đồng Khánh, SV Sư phạm, Văn khoa, Y khoa ... ngày ấy, nay đã già đi theo tuổi tác nhưng vẫn ngời sáng, sống động trong ngày vui đoàn tụ. Họ hét toáng lên, ôm chầm lấy nhau, rồi cười, rồi khóc khi ôn lại quá khứ và nhắc đến những người đã khuất: Ngô Kha, Lê Minh Trường, Trần Quang Long, Nguyễn Thiết, Bửu Chỉ, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Phạm Kim Hùng... Hình ảnh Hoàng Phủ Ngọc Tường, một thời là Tổng thư ký THSV Huế trên chiếc xe lăn của người bại liệt, tiến vào sân làm mọi người càng thêm xúc động. Chủ tịch Tổng hội SV Việt Nam hồi bấy giờ, anh Huỳnh Tấn Mẫm nghẹn ngào hồi tưởng về những đêm không ngủ xuống đường tranh đấu. Huế cũng là nơi sản sinh nhiều nhân tài cho phong trào HSSV Sài Gòn như Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Tôn Thất Lập, Trương Thìn. Lực lượng SV Thừa Thiên Huế nói riêng và miền Nam hồi ấy đã làm nên cuộc đấu tranh sôi động và công khai được dư luận trong nước và thế giới ủng hộ. Anh Võ Quê, Trưởng ban báo chí của THSV tự hào khi nhắc lại những đợt tuyên truyền, đấu tranh sục sôi với “ Thừa Phủ ơi lòng ta thành biển lửa”. Trên sân khấu hôm ấy âm vang lời ca, tiếng đàn, giọng thơ của các anh chị thế hệ xuống đường trước và trong ngày giải phóng 30 tháng 4, đã xua đi bầu không khí giá lạnh của mùa đông, làm nồng ấm bao tâm hồn nhớ nhung trong xa cách...
Yếu tố nào đốt lên ngọn lửa phong trào SV những năm tháng ấy, để rồi qua thời gian, sức sống của nó vẫn bền bỉ? Những câu chuyện và cả những cuộc đời đáng giá nói trên là lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Tôi đã ghi lại không sót một chữ về triết lý “tình tự dân tộc” mà nhà thơ Võ Quê bộc bạch: “ Ngày ấy, chúng tôi nào biết Cộng sản là thế nào, nhưng tình tự dân tộc trỗi dậy trong mỗi tâm hồn trước áp bức, tù đày, trước những cảnh chướng tai, gai mắt trên đường phố để rồi khi bắt gặp một mạch ngầm khác là sự lãnh đạo của Đảng thì hoà thành biển đấu tranh”. Tình tự dân tộc là khởi điểm của lòng yêu thương con người, trân trọng cuộc đời và công lý. Từ yêu thương mà hoá căm hận đốt lên thành ngọn lửa. Và anh đã ví tuổi trẻ như ngọn lửa rơm hừng hực, dữ dội, không có ngọn lửa rơm thì không luyện được thành lửa rượu, lửa alcol. Mỗi thời đều có những ngọn lửa như vậy! Và có một ngọn lửa đương chức, thế hệ của các anh chị đi trước, vẫn còn rực sáng, đang giữ lửa của quá khứ, để tạo lửa hiện tại soi đường đi đến tương lai...
Nguyễn Thị Thuý Hồng
.
Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại số Tân niên 3- 2. 2009.