THĂM NHÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6634
Tối ngày 3. 4. 2009 tôi cùng các văn hữu Phù Sa Lộc, Đặng Hoàng Thám, Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Thị Huỳnh Dung (Cần Thơ) Trúc Linh Lan, (Hậu Giang), Lâm Tẻn Cuôi, Ngô Tuấn (Bạc Liêu) đến thăm nhà công tử Bạc Liêu. Ngôi nhà đã biến tướng thành Khách Sạn Công Tử Bạc Liêu. Buổi tối, khách cà phê đông đúc trong ánh đèn mờ ảo. Do phòng trưng bày các hiện vật của Công Tử Bạc Liêu đã cho du khách thuê bao trọn gói nên chúng tôi không được vào thăm viếng. Chúng tôi đành chụp vài tấm hình gọi là mình đã đến nơi ngày xưa Công Tử Bạc Liêu sinh sống.
.
Nhà xưa thành khách sạn rồi
Đèn mờ văn hữu tạm thời cà phê
Chụp xong "pô" ảnh rồi về
"Tang điền thương hải... " ủ ê sự đời!
*
TƯ LIỆU:
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973, còn có tên khác là Ba Huy) - ảnh trên cùng - là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi.
Vốn thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thời đó dân gian đã có câu "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch" để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ. Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này. Từ đó "Công tử Bạc Liêu" trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.
.
Theo: http://vi.wikipedia.org