Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

VIẾNG CẢNH BẠC LIÊU

 

IMG_0060

Trong thời gian về Bạc Liêu, ngoài việc dự lễ thanh minh của người Tiều Châu, thăm mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thăm nhà công tử Bạc Liêu, tôi còn đi thăm một số địa điểm, danh thắng, di tích khác như tháp cổ Vĩnh Hưng (ảnh trên), đồng hồ đá Thái Dương của nhà bác vật Lưu Văn Lang, chùa Xiêm Cán, phố đêm Phan Đình Phùng, Bạc Liêu...
.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BẠC LIÊU:

Bên trong tháp Vĩnh Hưng

IMG_0062 by you.

Chùa Xiêm Cán được xây dựng năm 1887 là một ngôi chùa của người Khmer có kiến trúc giống như những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh hoặc Sóc Trăng. Chùa đã tồn tại hơn hơn một thế kỷ nay. Chùa được xây cất đồ sộ chạm trổ và trang trí theo phong cách dân tộc độc đáo.

IMG_0097 by you.

Đồng Hồ đá Thái Dương của nhà bác vật Lưu Văn Lang.

IMG_0085 by you.

Với nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi trên phố đêm Phan Đình Phùng, Bạc Liêu.

IMG_0065 by you.


.

TƯ LIỆU:

Tháp cổ Vĩnh Hưng 

Vị trí: Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Đặc điểm: Tháp là di tích kiến trúc cổ duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng Ko của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quốc lộ 1A, từ Bạc Liêu hướng Cà Mau 5km, đến cầu Sập, rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng là đến tháp Vĩnh Hưng.

Tháp Vĩnh Hưng phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền thời đó xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam kỳ. Sau đó tháp còn có nhiều tên gọi khác như; tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat...

Trong thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tấm bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892 (sau CN) ở chùa cạnh tháp.

Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m xây bằng gạch ghép khít lại (không nhìn thấy vữa kết dính). Tháp có cấu trúc khá đơn giản, có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính. Trong tháp có: một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng... và một số vật thờ khác.

Mỗi ngày nhà sư trong chùa tháp tụng kinh hai lần bằng tiếng Việt vào lúc 4 giờ sáng và 4 giờ chiều. Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Đây là dịp có đông Phật tử trong và ngoài tỉnh đến cúng bái.

Đồng hồ đá của Việt Nam

 
 

Trên thế giới có lẽ duy nhất tại Việt Nam là có đồng hồ đá. Tác phẩm cổ này do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tạo vào đầu thế kỷ 20, xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8 m.

Có lẽ từ đời nhà Đường, nhà Tống (Trung Quốc) mới có từ "đồng hồ" để chỉ cái hồ vuông bằng đồng được đặt chênh nhau, hồ trên cùng đựng nước, rỉ từng giọt xuống hai hồ dưới, chuyển đến hồ cuối cùng, trong đó có đặt những tấm thẻ hoặc vạch để tính giờ.

Từ đồng hồ nước (lậu hồ), người ta chuyển sang đồng hồ cát (sa lậu). Mãi đến thế kỷ 15, phương tây mới chế tạo đồng hồ máy chạy bằng dây thiều (dây cót), quả lắc... Nhưng đồng hồ đá thì có lẽ chỉ có duy nhất ở Việt Nam, tại Bạc Liêu.

Đồng hồ đá do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tạo vào đầu thế kỷ 20, xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía đông ở trước sân dinh tỉnh trưởng. Đồng hồ gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy. Khuyết điểm của đồng hồ này là không sử dụng được khi trời râm, mưa và đêm tối.

Kỹ sư Lưu Văn Lang sinh ngày 5/6/1880 (mất ngày 3/8/1969) tại Tân Phú Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông học trường Chasseloup Laubat, năm 17 tuổi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, được học bổng sang Pháp học École Centrale de Paris - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này.

Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu (đứng thứ 3 trong số 250 người) là kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ thời bấy giờ. Về nước, ông được nhà cầm quyền cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối Trung Quốc với Đông Dương. Ông thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng.

Nhiều người kể, khi cầu Long Thạnh do kỹ sư Pháp xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi vô cùng bái phục bởi cây cầu sập đúng như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập. Viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục Lưu Văn Lang nên đối đãi ông rất hậu hĩ. Để đáp lại tình cảm đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng chiếc đồng hồ đá này.

Hiện đồng hồ đá nằm trong khuôn viên (phía sau dãy nhà giữa) Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, số 84 đường Hai Bà Trưng, thị xã Bạc Liêu, được Bảo tàng tỉnh tôn tạo, giữ gìn theo tinh thần bảo vệ di tích lịch sử văn hóa. Đây là điểm tham quan vừa được Công ty Du lịch Bạc Liêu đưa vào chương trình du lịch của họ.

(Theo Nhân Dân)

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.