Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

http://my.opera.com/ngsinh/blog - Nguyễn Sinh

(LTS: Thật tình là tôi không quen thân với anh Võ Quê (người ngồi bên phải trong ảnh). Chỉ có đôi lần cùng ngồi uống cà phê ở quán BG trong dịp anh từ Huế vào TPHCM làm cái gì đó...)

NHÀ THƠ VÕ QUÊ

Nhà Thơ Việt Nam


(LTS: Thật tình là tôi không quen thân với anh Võ Quê (người ngồi bên phải trong ảnh). Chỉ có đôi lần cùng ngồi uống cà phê ở quán BG trong dịp anh từ Huế vào TPHCM làm cái gì đó...Anh có hỏi tôi đã từng ra Huế chưa, tôi trả lời rằng có bởi má nuôi của tôi là dân chánh gốc xứ Huế...Đêm nay lang thang trên Net tình cờ thấy bài viết này cũng dzui dzui, bèn copy vào Blog này, xem như có thêm chút ít tư liệu về nhà thơ .... NS)

VÕ QUÊ LÀM THƠ PHONG CÁCH VÕ CITY
By: Hà Văn Thịnh

Võ Quê là một người đã nổi tiếng từ khi còn là sinh viên trong phong trào đấu tranh chống Mỹ những năm bảy mươi của thế kỷ trước với “chức vụ” Trưởng Khối báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế rồi bị tù ở Côn Đảo. Sau khi đất nước giải phóng, anh đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội LHVH-NT Thừa Thiên Huế hai nhiệm kỳ và nay đang là Đại biểu HĐND tỉnh… Thơ anh giống như tên anh, mang đậm chất của đồng quê, dân dã. Có lẽ vì thế nên có thời anh đam mê và có công thật lớn trong việc đưa ca Huế trở thành một thương hiệu quốc tế khi dẫn đoàn ca Huế đi biểu diễn ở Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc. Vậy mà, bây giờ Võ City – Võ Thành phố - bạn bè ở Huế thường gọi thế, lại chuyển sang cái nghiệp biến tất cả sự đời thành thơ lái và, như Võ City tự nhận, là thớ lai – tức gần nửa là thơ, phần còn lại là…(?) – để độc giả tự bình luận!

Võ City cho biết là có hai lý do. Lý do thứ nhất là anh muốn tìm một nét riêng nào đấy cho khang khác một chút bởi bây giờ nhà thơ nhiều quá và nhiều bài thơ na ná giống nhau quá. Còn thứ hai là thế sự bây giờ nhiều chuyện nhiễu nhương, buồn phiền quá nên chỉ có thơ lái mới tải hết được cái chất thời sự để cười mà vẫn đau, để khóc mà khó nhận ra nước mắt và, để yêu cuộc đời hơn từ chính cái sự truân chuyên nỗi buồn của nó. Thấy tôi đòi phải có ngay một thí dụ, Võ City trầm giọng: “ Ai cũng biết Huế nghèo nên vả trộn hay mít luộc trộn là những món ăn chỉ tốn có vài ngàn. Thế nhưng, mới đây trong một bữa tiệc cung đình, có cả khách tây lẫn ta, ai ăn cũng khen ngon. Đến khi tính tiền thì mình thấy xấu hổ vì người ta tính một đĩa vả hay mít trộn lên đến 10USD! Bất ngờ quá cho cái cung cách làm du lịch đầy nộ khí chặt chém kiểu giang hồ, mình bỗng nhiên lái… thành thơ”. Nói rồi Võ City cất giọng ngâm theo đúng mùi… ca Huế: Chừ đây thế sự khác xưa. Món cùng đinh lại thành vua cung đình.

“Anh có vẻ khoái đề tài du lịch?” “Ai chẳng thích lang thang. Mình đã từng nịnh vợ sau khi lang thang mút mùa bằng mấy câu: Đôi lúc tôi phóng đãng. Vợ nhà nước mắt ngấn thành ngọc. Chờ. “ Nhưng đó chưa thấy lái ở chỗ nào về đề tài du lịch?”. Võ City e hèm rồi ngân nga tiếp: Goen khom (Well come) du khách để gom khoen (khoen vàng, nhẫn vàng). Khèn lơi lả điệu lắm lời khen. Dốc tận tiềm năng ngành dân tộc. Men giàu giục chị dệt mau gièn (gièn= đồ thổ cẩm).

“Nóng nhất. Theo anh, bây giờ là cái gì?” Võ Quê cười buồn. “ Nóng nhiều lắm. Đến mức không hiểu nổi là cái nào nóng hơn cái nào”. Tôi gợi: “Chắc là chuyện người nghèo khó sống, giá cả leo thang?” Cái gợi của tôi, xét về độ thông thái là ngang với bèo tấm giữa ao – “cao” ngang với điều ai cũng biết. Võ City thủng thẳng: “ Đề tài này mình làm nhiều vì văn nghệ sĩ như mình cũng đồng dạng với cái nghèo. Đọc vài kiểu lái nghe chơi”. Vật giá leo thang gạo lỏng nồi. Nỗi lòng (âm Huế đọc là nổi lòng) xa xót bạn nghèo ôi. Ngồi eo sèo với bao gian khó. Gió khan đắng họng tái tê đời./ Sầu đói tóc xanh cũng sói đầu. Cầu lon đầy gạo hãy còn lâu. Đất tổ thiên tai làm đổ tất. Giàu đi nghèo đến có gì đau?

Giật mình vì cái chất “thông thái bèo tấm” lúc nãy nên tôi tính “đột phá” bằng cách nhắc cho Võ City nghe lại mấy câu chuyện trên báo như chuyện ông Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng được “xét lại” theo cấp độ khác của sai phạm. Tôi còn nhấn mạnh rằng Nguyễn Việt Tiến được gọi bằng “ông”, còn Bùi Tiến Dũng thì chưa thấy ai gọi thế. Tôi còn móc thêm chuyện “mới nhất” là chuyện ông Bí thư Cà Mau nhưng không hề “cà lâu”, nộp ngay 100 triệu tiền của ai đó nhỡ đưa nhầm để chạy chức làm hại người đời, chỉ có điều dân chẳng hề biết Who’s who”?… Võ City nghe mà chỉ ậm ừ. Tôi biết. Nên tôi tự nâng ly, tự chúc và… chờ.

Lần vô danh lợi hại dân lành. Tranh thùng tranh thủ mới trung thành. Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy. Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh. Giọng ngâm của Võ City lần này nghe giống như nghe “Cung oán ngâm khúc”. Quả là phải bái phục tài xuất khẩu thành… thời sự!

Một khoảng lặng giống như bao khoảng lặng khác giữa chúng tôi và thơ, và đời. Tôi băn khoăn: “Nhưng chưa thấy vui mấy. Trong khi anh nói là nghe thơ lái phải yêu đời hơn cơ mà”? Võ City lại cười cái kiểu cười của “Bên kia biên giới” – hình như là của Lê Khâm – Phan Tứ: “Muốn vui phải động đến chuyện đời thường, đừng nghĩ đến cờ thế tức là đừng nghĩ ra cái kế để tôn thờ”. Bầu trỏ (có bầu, bụng trỏ lên) nên chi phải bỏ trầu (lễ ăn hỏi). Bầu to nên mới tậu bò tâu (tiếng chệch âm Huế = bò trâu, để làm lễ cưới). Quệt má vì yêu thành quá mệt. Bầu lên hạnh phúc được bền lâu.

Thú thực là cho đến khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hiểu hết những điều mà người nhà quê thậm xưng là người thành phố muốn chuyển tải. Có thể phải ngẫm sâu hơn chút nữa mới hiểu đủ chăng? Âu đó cũng là một “nguyên tắc” của thời buổi kinh tế thị trường: ta phải biết lái lại tất cả những gì mình thấy, mình nghe, mình hiểu; biết biến buồn thành vui; khổ đau thành tiếng cười - bái liết miết để may ra, nhờ thế mới sống được một cách bình thường?
 
 
*
 
 Nguồn:

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.