NHÀ THƠ VÕ QUÊ XUỐNG ĐƯỜNG XUỐNG ĐÒ - VĨNH QUYỀN
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5992
NHÀ THƠ VÕ QUÊ
XUỐNG ĐƯỜNG XUỐNG ĐÒ
Vĩnh Quyền
Trăng non trên Hương giang bàng bạc. Đò chúng tôi ngược dòng. Đến trước Phu Văn Lâu văng vẳng thanh âm đàn ca dìu dặt trên mặt sóng lăn tăn lấp lánh. Giữa dòng Hương một con đò buông mái. Dưới ánh sáng mờ ngọn đèn néon sáu tấc, nhóm nghệ sĩ ca Huế biểu diễn phục vụ du khách nước ngoài. Đò chúng tôi chầm chậm bơi quanh đò bạn một cự ly vừa phải và bắt đầu chương trình "nghe lóm" có...vỗ tay tán thưởng!
Giữa hai tiết mục là lời giới thiệu nội dung và làn điệu ca Huế. Cái giọng quê quê rất dễ nhận ra, dù có khoảng cách và bóng tối - giọng Võ Quê, nhà thơ.
ooo
+ Duyên nợ khách tình tang của anh?
- Làng Chuồn (An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) quê tôi lễ hội quanh năm, lại có truyền thống hát bội, ca tri âm. Một số người dân làng Chuồn ngày ở trần đi đánh cá, tối về mang râu đội mão...làm vua , làm giặc. Cha tôi cũng dân tài tử, hò bài thai, chơi đàn nhị. Chất liệu dân ca, ca Huế, hát bội nhập vào tôi là như vậy, duyên nợ năm cung là như vậy.
+ Thực sự đến với ca Huế từ lúc nào?
- Sớm, từ sau năm 1975, tôi cùng tám nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế và một con đò anh Đới lập nhóm nhỏ, chủ yếu lấy câu ca tiếng đàn làm vui. Mãi đến ngày 20. 8. 1983 mới chính thức thành lập Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà Văn Hóa Huế. Những nghệ nhân, nghệ sĩ Trần Kích (đàn nhị, đàn bầu), Nguyễn Kế (đàn nguyệt, tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh), Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa...các nhà nghiên cứu Huế như Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Tôn Thất Bình...trong thời điểm này đã góp phần vực dậy một bộ môn nghệ thuật cổ truyền của Huế. Năm nay (1991), số người tham gia CLB Ca Huế lên tới 40.
+ Võ Quê một thời xuống đường với những bài thơ bốc lửa trong phong trào sinh viên trước 1975 và nay là một thời...xuống đò của Võ Quê?
- Có lẽ vậy, ngọn lửa thời trai trẻ trên đường phố đã qua đi nhưng vẫn còn đâu đó dưới hình thức khác. Và đôi khi, cũng cần thêm tí... lửa rượu! Năm năm rồi im ắng, thơ tôi gần như vắng mặt trên các báo. Phải có thời gian tìm lại mình. Mong rằng tập thơ Ngợi Ca sắp xuất bản sẽ ghi nhận điều đó. Trong thời gian "xuống đò" tôi viết được trên 20 lời bài ca Huế với các làn điệu Nam ai, Nam bình, Phú lục, Tứ đại cảnh, Tương tư khúc...Cần có nội dung mới cho thế hệ "tri âm" mới. Tôi không giới thiệu tên mình sai mỗi bài ca. Hãy để lời ca sống cuộc sống trong ký ức dân gian nếu nó được dân gian chấp nhận.
+ Ngoài chất liệu cho thơ, anh còn nhận được những gì từ những đêm ca Huế?
- Nói cho cùng là cuộc chơi (ca Huế). Thuyền rồng năm chiếc chèo chơi, ngã ba Tuần lãnh là nơi đi về...Có khi vui thú sơn hà, ba ngàn thế giới đâu là chẳng chơi (Chầu văn, lời cổ). Và có thể nói thêm, được giao tiếp bên ngoài. Không mấy khi có dịp đi xa, nhưng trên con đò-anh -Đới-đời-anh -đó tôi đã gặp bạn bè trong cả nước và đủ sắc màu khắp các miền châu lục. Ca huế đã hút họ đến với giòng Hương...
Phải, ca Huế và dòng Hương đã góp phần thu hút du khách đến Huế. Nhưng Huế chưa được khai thác đúng mức ca Huế - một sinh hoạt văn hóa độc đáo của Việt Nam, của Huế. Sức hút còn dừng lại ở tính tò mò, muốn thưởng thức một nét văn hóa cố đô của du khách mà chưa lan tỏa trong công chúng, ngay cả công chúng Huế.
Những chiếc đò cho ra đò-ca-Huế, những bộ phục trang truyền thống thích hợp cho nghệ-sĩ-ca-Huế, một sàn diễn thường xuyên dành riêng cho CLB Ca Huế không phải là điều gì quá sức đối với ngành văn hóa du lịch Huế. Nhưng không hiểu vì sao những điều bình thường và có thu nhập như vậy mà vẫn chưa làm được?
Chia tay nhà thơ Võ Quê, chia tay anh chị em nghệ sĩ CLB ca Huế, chúng tôi hẹn gặp lại trong một đêm ca Huế trên sông Hương tuyệt vời và ...Huế hơn.
( Nguồn: Báo Lao Động Chủ Nhật 21.7.1991)