ĐẾN VƠI BÀI THƠ NƠI CON SÔNG CỦA VÕ QUÊ - NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
- Details
- Category: Báo chí
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7327
ĐẾN VỚI BÀI THƠ
" NƠI CON SÔNG " CỦA VÕ QUÊ
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
Thơ tình có tự bao giờ? Câu hỏi này dường như không một ai lý giải được cặn kẽ. Kỷ niệm đầu luôn làm trái tim mỗi người thổn thức, đôi lúc chợt thảng thốt giật mình khi chạm vào ký ức, dẫu kỷ niệm đã rong rêu tháng ngày.
Nhà thơ Võ Quê không chỉ biết đến với những vần thơ hừng hực khí thế xuống đường của thanh niên đô thị miền Nam trước 1975, mà ở anh còn chứa đựng một suối nguồn thơ tình đằm thắm sâu nặng. "Nơi con sông" là bài thơ hay viết về tình yêu của Võ Quê.
Nhà thơ Võ Quê sinh ngày 7 tháng 3 năm 1948 tại làng An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Từ năm 1957, Võ Quê cùng gia đình ra Quảng Trị sinh sống. Anh có một tuổi thơ đầy gian lao vất vả, chính hoàn cảnh đã tạo ra cho nhà thơ có một phong cách rất riêng. Võ Quê làm thơ từ những năm còn là sinh viên xuống đường tranh đấu, năm 1972 anh đã bị đich bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, sau khi được trả tự do cuối năm 1973 anh thoát ly ra vùng giải phóng, đến bây giờ anh vẫn chan chứa một tình yêu về cuộc sống. Thơ Võ Quê từng in trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước, anh đã xuất bẩn được các tập thơ như "Ngợi Ca", "Nhờ Ơn Cây Lúa Lúa Ơi!", "Mười Thương Em Bé", "Thơ Một Thuở Xuống Đường"...và dành một số giải thưởng ở trung ương cũng như địa phương. Anh từng tâm sự hồi ấy đâu nghĩ rằng mình làm thơ để được đăng báo hay in thành tuyển tập, làm thơ chỉ vì yêu thơ. Khi thơ anh được nhiều người đọc yêu mến thì cũng chính lúc đó thơ với anh đã thành nghiệp. Nơi nào anh đặt chân đến, nơi đó trở thành nỗi nhớ quê hương. Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn ngày đêm thao thiết chảy đã đi vào thơ anh trong những tâm sự yêu thương nhẹ nhàng, sâu lắng...
Một ngày Võ Quê trở lại Thành Cổ, khi bom đạn đã yên lặng trên quê hương, dòng sông vẫn thế nhưng nước đã đổi màu, người cũ cũng đã đi xa. Anh đứng lặng nhìn cảnh cũ mà tâm hồn xót xa, thương nhớ. Chiến tranh đã cướp mất của anh những gì từng thân thuộc. Thành Cổ giờ tiêu điều, xác xơ, dòng sông Thạch Hãn thơ mộng ngày nào giờ lau lách mọc đầy. Kỷ niệm khép lại giữa hiện tại với bao sự đổi thay. Lời thơ chùng xuống buồn thương da diết. Kỷ niệm sống dậy không còn mơ ảo mà rõ nét:
Vẫn sống giữa hồn anh cái ngày ấy trong lành
Em nón trắng trong chiều phố nhỏ
Em áo tím hong tóc dài đợi gió
Chuông nhà thờ một nhịp rộn ràng ngân
Nhà thơ đang sống với hồi ức trong kỷ niệm ngọt ngào của quá khứ. Tình yêu là thế, những vần thơ anh viết đã chải mượt bằng những hình ảnh thân quen gần gũi: nón trắng, áo tím, tóc dài. Đó là những hình ảnh gắn bó thân thiết với người thiếu nữ hiền dịu là em - mối tình đầu sâu nặng của anh.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ trở về Quảng Trị. Hình như trong tiềm thức anh khao khát được nhìn lại cảnh cũ người xưa. Quá khứ và hiện tại đang lồng vào nhau. Và như thế, nhà thơ thảng thốt kêu lên "Như có máu trong màu hoa phượng đỏ. Rơi xuống đời từng mảnh đau thương". Cả dân tộc Việt Nam đã biến nỗi đau chia cắt thành sức mạnh quât khởi, anh lại biến tình yêu của chính mình thành sức mạnh để nuôi trái tim mình đều nhịp: "máu đổ xuống cho tình yêu xanh mãi". "Nơi Con Sông" đối với Võ Quê là nơi bắt đầu những rung cảm đầu đời trong sáng, chân thật. Anh xoáy sâu vào quá khứ để giữ lại từng kỷ niệm như gặp chính ánh mắt, nụ cười, hơi thở dịu dàng của em. Nỗi nhớ mong khắc khoải không chỉ ngự trị trong ý thức mà con thấm sâu trong tiềm thức.
Giấc mơ đêm thành phố vẫn y nguyên
Mỗi nét lượn mỗi dáng cao phố cổThành Cổ đẹp trong từng đường cong uốn lượn. Nét đẹp ấy là mồ hôi, công sức của người thợ suốt bao ngày đêm không mệt mỏi...trong cảnh bình yên ấy, em lại hiện lên trong sáng dịu hiền. Cái hay, cái độc đáo, sự quyến rũ của khổ thơ là cách tác giả lựa chọn ngôn từ. Trong thơ anh có sự so sánh, đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại để làm nổi bật ý cần diễn đạt: "Mắt sao trời soi thấu trái tim anh". Chỉ có đôi mắt anh mới thấu hiểu tâm hồn em và chỉ có anh mới dám dám nhìn sâu vào đôi mắt ấy. Qua bao tháng năm, bao sự đổi thay nhưng anh vẫn tìm lại được trong ánh mắt em một tình yêu tha thiết. Sự lôi cuốn lòng người của bài thơ chính là chỗ đó. Trong thơ anh có nhạc, mỗi câu chữ là mỗi cung bậc của tâm hồn. Nhạc sĩ Phố Thu đã phổ nhạc thành công như một sự khẳng định về chất nghệ sỹ say lòng của nhà thơ cũng như một lần nữa làm cho bài thơ có thêm sức sống. Đó là những giai điệu viết về tình yêu ngọt ngào, tha thiết.
Bài thơ "Nơi Con Sông" được khép lại bởi hình ảnh mái tóc bạc trắng và dòng sông với ngàn lau trắng ngút ngàn. Như tất cả vẫn nguyên sơ, như chưa hề có những mất mát, như chưa hề có cuộc chiến tranh.
Năm tháng đi tình yêu vẫn ở
Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau
Tình yêu đã là bất tử. Dòng sông kỷ niệm trong anh là dòng sữ ngọt ngào, là chất phù sa bồi đắp cho hồn thơ dạt dào xúc cảm. Dòng sông ấy đã in vào tiềm thức anh hương vị mối tình đầu không bao giờ phai nhạt. Võ Quê tiếc nhớ dể biết mình còn điều để tiếc, thương tiêc dể biết mình còn cảm giác giận hờn. Bởi tình yêu là một dòng sông nhưng tận cùng của dòng sông là nơi đâu thì không ai biết được. Võ Quê đã trở về quá khứ bằng một dòng sông kỷ niệm trắng ngát hoa lau. Phải chăng niềm vui dễ làm người ta lảng quên và ngọt ngào làm nỗi đau ứa mật. Thơ Võ Quê là thế, tận cùng của thơ anh là một tâm hồn đa mang, đa cảm và một tình yêu dày thêm, đậm thêm cùng năm tháng không thể nào quên.
( Nguồn: Đại Học Huế số 34-35 Xuân Nhâm Ngọ 2002)
.
Ảnh trên: Nguyễn Thị Anh Đào
http://360.yahoo.com/profile-4TUkbkYwda4frhtZ3O_owo0-?cq=1