Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NGẪU HỨNG VỚI CÁC THỂ THƠ - Võ Quê

 


(Văn Nghệ Trẻ số 20 – 706, ra ngày 16. 5. 2010)

 

NGẪU HỨNG VỚI CÁC THỂ THƠ

 

- Dường như mỗi thể thơ thích hợp với một tạng người nhất định, và thể thơ cũng là yếu tố tác động lớn đến sự thành công của bài thơ. Vậy trước khi viết ông có bao giờ nghĩ rằng mình phải viết bài này theo thể lục bát, bài kia theo thể tự do không? (Minh Trang, Hà Nội) 

 

- Thơ Việt Nam rất nhiều thể loại từ truyền thống đến hiện đại. Từ trước đến nay, một số hình thức thể hiện thơ trên thế giới đã được giới sáng tác trong nước tiếp thu và trải qua nhiều quá trình thể nghiệm, sáng tạo một số lọai hình, thể thơ cũng đã đạt những hiệu quả nhất định thu hút sự chú ý của công chúng yêu thơ mà tiêu biểu là thơ Đường luật, thơ mới… Theo dòng thời gian, các thể thơ trong và ngoài nước đã tạo nên những diện mạo mới, sinh động làm cho thơ ca trở nên phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc.

Nội dung thơ cũng theo hình thức thể thơ mà có những chuyển biến theo. Từ ngợi ca phong hoa tuyết nguyệt, xưng tụng bốn mùa thiên nhiên tươi đẹp đến ngẫm ngợi về thế thái nhân tình…  rồi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn cách mạng…

 

Từ những ý tưởng trên thì đúng là mỗi thể thơ sẽ thích hợp với một tạng người nhất định và cũng tùy tâm trạng, tùy nội dung, thời điểm, hoàn cảnh, thời gian, không gian, đối tượng sáng tác… mà người làm thơ chọn cho mình loại hình thơ như trường ca, truyện thơ, kịch thơ hoặc thể thơ lục bát, thơ Đường luật, thơ mới, thơ tự do, và gần đây là thơ tân hình thức… để viết nên những tác phẩm giàu cảm xúc, đầy ấn tượng làm rung động người yêu thơ. Trước năm 1975, khi đang còn là một sinh viên, tôi thường làm thơ tự do để đọc trong những cuộc hội thảo, xuống đường của phong trào sinh viên học sinh yêu nước đô thị miền Nam mà bài thơ “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa!” được viết vào năm 1970 là một ví dụ.

 

“…ơi người tù thiếu nữ trưa nay
đang âm thầm quét lá khô rơi trên vỉa hè Lê Lợi
hồn em đau trong từng nhát chổi lạnh lùng
ta biết lòng em đang rực hồng biển lửa
chờ gió ngày bão lớn thổi bùng lên
Chí Hòa Tân Hiệp Côn Sơn
cuồng phong Thừa Phủ cuốn tan ngục tù
mắt em sáng nắng mùa thu
tình long lanh ý ngoc
em đang mơ ngày bạo quyền ngã gục
xác chúng phơi trên ngưỡng cửa đề lao
kiêu hùng tóc biếc bay cao
em tung nón rách
em gào tự do!
…”

 

Thể thơ tự do phù hợp với không khí sôi động của mặt trận đường phố với những cuộc hội thảo, tuyệt thực, xuống đường, đốt xe… chống ngoại xâm, chống bạo quyền, đòi độc lập tự do, đòi hòa bình thống nhất đất nước hơn và đã tạo được một thành công nhất định trong thời điểm ấy. Cũng chính trong giai đoạn này, không riêng gì tôi, các tác giả thơ trong phong trào sinh viên học sinh Huế cùng thời như Thái Ngọc San, Lê Nhược Thủy, Trần Phá Nhạc, Trần Đình Sơn Cước… cũng sáng tác thể thơ tự do để đăng tải lên các tờ báo đấu tranh hoặc trình bày trên các giảng đường đại học với tuổi trẻ Huế hay ở các đình chợ Đông Ba, An Cựu mà người nghe là bà con cô bác, chị em tiểu thương, người lao động, cùng khổ.

Về sau này thì tôi không có sự chọn lựa thể thơ khi sáng tác mà thường là ngẫu hứng với các thể thơ khác nhau tùy theo tâm trạng buồn vui hay những hoạt cảnh đời thường mà mình bắt gặp từ cuộc sống.  Gần đây tôi có tâm đắc với loại hình thơ lái. Thơ lái vốn không xa lạ với công chúng yêu thơ ở Huế và trong cả nước. Nhà thơ tiền bối Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, người cùng thời với nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ đã để lại một số bài thơ lái có giá trị và nhiều người dân Huế thuộc lòng.  Noi gương Thảo Am tôi cũng làm thơ lái chỉ mong ghi lại những khoảnh khắc oái ăm: 

Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu

Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu

Giật gấu vai theo vật giá

Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau

 

Võ Quê

Huế 21. 4. 2010.

(Văn Nghệ Trẻ số 20 – 706, ra ngày 16. 5. 2010)

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.