NHỮNG BÀI BÁO (2) - CA DAO
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5949
Danh... thiệp
TT - Thật không thể chấp nhận chuyện mạo danh người khác.
- Dạ, anh nói đúng, cụ Nguyễn Công Trứ từng viết Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông. Em thấy sống ở đời phải biết tìm cách để tạo dựng tên tuổi của mình... chứ ai lại...
Danh... thiệp
TT - Thật không thể chấp nhận chuyện mạo danh người khác.
- Dạ, anh nói đúng, cụ Nguyễn Công Trứ từng viết Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông. Em thấy sống ở đời phải biết tìm cách để tạo dựng tên tuổi của mình... chứ ai lại...
- Khổng Tử đã nói: Danh chính ngôn thuận. Danh chính mà ngôn không thuận thì coi sao được.
- Nhân đây anh có ý này, cần chú tham mưu. Đám cưới thằng Ba, chú tính làm sao để thiệp mời đám cưới của cháu nó thêm phần trang trọng, xứng với danh nhà anh...
- Dạ, em nghĩ anh nên gửi kèm danh thiếp trong thư mời... để người ta không nhầm anh với những người cùng tên khác.
- ...
- Còn như hết danh thiếp thì anh cứ ghi tên và chức danh mình ngay trên thiệp cưới. Dạng này có thể coi là...
- Danh... thiệp?
- Dạ, anh thật sáng suốt.
Thư hậu... Trung thu
TT - Chú Cuội thân mến, Sự thật mất lòng, nên nhiều người vẫn tìm cách né tránh, nói vòng nói vo. Phần tôi, tính quen nói thẳng, thưa luôn, bánh trung thu dù gửi tặng chú khi đã hết mùa Trung thu bảo đảm chất lượng vệ sinh, thư gửi kèm dĩ nhiên có việc cần nhờ.
Thật lòng là từ lâu tôi cũng đã quên béng chú. Đời sống bộn bề cơm áo gạo tiền, thời gian đâu mơ mộng trăng sao nữa. Gặp cảnh hứa hẹn, lừa lọc riết cũng quen... cái câu “dối như Cuội” cũng thường, chẳng ai nói nên tôi càng không nhớ.
Ngay cả Trung thu là lúc gợi nhớ chú nhất thì tôi cũng mải lo biếu xén bánh trung thu này kia. Đất lo chưa xong, phần đâu tới trời. Thôi, chú thông cảm vậy!
Giờ thì tôi mạnh dạn đề nghị chú việc này: cho tôi nhân giống cây đa của chú. Trần gian hiện đi lại nguy hiểm quá, từ nội đến ngoại thành, đi rón rén cỡ nào cũng bị giẫm đinh. Giờ chỉ có cách bay là may ra... Cây đa của chú thì chỉ cần tưới nước bẩn là bay đến tận cung trăng còn được (bẩn, ô nhiễm hiện trần gian giờ có thừa).
Vụ này tôi hứa tạ ơn hậu hĩnh. Bay lên được, tôi sẽ tính chuyện xuống được, chú cứ yên tâm.
Cảm ơn chú nhiều, thật nhiều.
Cuội trả lời như sau:
Đừng có mà múa rìu qua mắt thợ. Muốn nhân giống thuốc trường sinh bất tử chứ gì. Chừng nào còn tận diệt chim chóc, đốn hạ cây rừng... thì chừng đó đừng có mà mơ nhân giống cây quý nhé.
BÚT BI
Chuyện đợi chờ
TT - Thuở chờ đợi, ôi thời gian rét lắm!
- Gì nữa đây ông. Đang hẹn hò em nào mà bị cho leo cây à?
- Bớt giỡn đi ông. Vợ tui nghe là chết tui. Tui băn khoăn chuyện khác, thời sự hơn.
- Chứ sao đọc thơ nghe như thơ của Huy Cận giữa trời nắng nóng chang chang thế này. Chuyện gì thời sự? Mãi lộ à? Lộ mãi mà chờ hoài vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy sẽ chấm dứt tệ nạn đầy nhức nhối này?
- Ừ, đó là một chuyện. Để chờ xem ngành công an sẽ làm gì để thôi cái chuyện chung chi đau lòng này. Chỉ mong càng nhanh càng tốt.
- Nghĩa là ông còn lăn tăn chuyện khác? Chuyện học hành của con ông phải không? Bộ GD-ĐT đã gửi hướng dẫn giảm tải nhưng hóa ra nơi nhận được, nơi chưa nhận được, ngay cả nơi nhận được thì lại chờ hướng dẫn chi tiết... nên không biết khi nào và làm sao mới giảm tải.
- Đó cũng là một chuyện. Cũng mong càng nhanh càng tốt. Nhưng chuyện chờ đợi này thì tui đang mong càng lâu càng tốt. EVN lại đề xuất tăng giá điện.
- Đúng, đây là mối lo thường trực của mọi gia đình, mà cứ nghe là thấy rét. Trời ơi, giá điện tăng, tiền trường cho con thì lắm khoản, đi đường thì nhiều lúc có đúng luật cảnh sát cũng vạch cho ra lỗi để làm luật. Chao ơi, càng nói tui càng thấm thía chuyện chờ đợi của ông.
BÚT BI
Ai làm kỳ thế
TT - Đi nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 về, Tèo, Tí, Tửng rủ nhau ghé uống nước mía...
- Tèo nói: Uống tạm ly nước mía. Cầu trời đậu đại học. Mai này làm ông nọ bà kia, sẽ thuê phà chở anh em đi dọc sông này nhậu chơi, rủ thêm cả mấy em xã bên lâu nay anh em mình tơ tưởng.
- Tí bảo: Tao cũng cầu được vô đại học. Ra trường ông già tao sẽ chạy chọt cho vô tập đoàn nhà nước làm, tha hồ ấm thân. Đọc báo thấy người ta nói mấy tập đoàn đó thua lỗ hàng trăm tỉ đồng không ăn thua. Thích quá.
- Tửng vốn tâm hồn thi sĩ, ăn nói nhiều khi lãng xẹt, đọc câu thơ không biết của ai: Học hành thi cử làm chi/Tú Xương còn rớt huống chi là mình.
- Láo, láo, Xương ta tiếc sinh nhầm thời chứ nếu lọt giữa thời này muốn hỏng thi cũng khó. 8 điểm cũng đậu, đi học còn được tặng tiền... Rớt được mới lạ. Đừng tưởng ta người cõi âm không biết chuyện nhố nhăng dương thế. Dám ngạo ta, thì đừng trách ta nghịch ngợm...
Cả bọn hết hồn, thì ra cụ Tú đã hiện lên giữa cả ban ngày, vội vã quỳ sụp xuống lạy bốn phương tám hướng tạ lỗi với cụ.
Ngay hôm sau, đọc báo thấy tin: năm nay có quy định mới là thí sinh nộp hồ sơ được quyền lấy lại. Nói vậy nhưng không phải vậy, nộp vào rồi sẽ không dễ gì rút ra bởi rất nhiều quy định.
Cả bọn cứ bần thần nhớ lại lời cụ Tú mà băn khoăn có phải đây là trò nghịch ngợm gì của cụ không, chứ ai lại làm kỳ thế.
Chuyện nhà Bi
TT - Ông à, ông tính sao chứ thằng Hai năm nay lên lớp 10 rồi. Sức học nó thì kém mà suốt ngày chỉ lên mạng, hết nghe cái loại nhạc gì tui không hiểu nổi lại đến xem hình mấy con nhỏ hở hang... Chẳng lo học hành gì trong khi chuyện thi cử thì tui thấy càng ngày càng khó... - bà vợ Bút Bi càm ràm.
- Nhạc “té ghế” đó ba - nhỏ Út tài lanh.
- Ừ, để tui tính, chắc là phải sớm tìm người dạy kèm từ năm nay, phải cho nó luyện thi nếu nó lên được lớp 11. Đồng thời tui cắt net - Bi khẳng định.
- Tui sẽ mua nhiều thức ăn có chất bổ dưỡng tăng cường sức khỏe và trí thông minh cho nó - vợ Bi góp lời.
- Con sẽ ra dịch vụ Internet chơi game để anh Hai tập trung học - nhỏ Út lại lanh chanh.
- Thôi, nhà mình làm gì mà phức tạp quá vậy. Cứ cho con chuyển về học một trường nào ở miền Tây là xong, thế nào cũng đậu tốt nghiệp mà - nhân vật chính lên tiếng làm cả vợ chồng Bi hết biết nói sao.
Trắng đen rõ ràng
TT - Cái vụ muối hay muối ăn tôi ấm ức quá, ông ạ. Một cuộc thi kiến thức tầm cỡ và có bề dày thời gian thế mà lại tồn tại kiểu đáp án sao cũng đúng. Đáp án chỉ có một thôi chứ.
- Nhằm nhò gì. Có đáp án chuẩn rồi mà người ta còn mở rộng đáp án để chấm cho nhiều em học sinh được đậu nữa là.
- Vậy chứ mập mờ khuyến mãi kiểu này thì mấy ông thấy sao: chỉ những ai có tài khoản dưới 5.000đ mới nhận được tin nhắn tặng 100% giá trị các thẻ nạp tiền, nhưng nhiều người có tài khoản trên 5.000đ cũng nhận được. Và thế là nhiều người “sụp bẫy”.
- Nghe ra đều tức cành hông cả. Tui thì tui đang bực lắm chuyện này. Một cha hàng xóm của tui bỗng tự nhiên nhảy xổ vô vườn nhà tui dựng cái hàng rào mới, tui phản đối. Ổng lại giở giọng nhỏ nhẹ để thương thuyết. Rồi lại bày trò phá cây trong vườn tui, sau đó bảo là: nếu mà khiêu khích ổng thì ổng sẽ đáp trả. Vậy coi được không?
- Không. Làm sao mà chấp nhận được. Ông Bút Bi nè, nãy giờ ông nghe rồi đó. Nhân ngày 21-6, tụi tui mong nhà báo mấy ông phải làm rõ ràng mấy chuyện trắng ra trắng, đen ra đen này nhé, không cho phép cái kiểu nói, làm tùy tiện được.
Sử sách còn ghi
TT - Tào Tháo đưa 17 vạn quân vây thành của Viên Thuật nhưng mãi không phá được. Tháo đã mượn thêm lương thảo của Tôn Sách nhưng vẫn không đủ để phát cho quân.
Quan coi lương là Vương Hậu bèn hỏi Tháo nên làm thế nào. Tháo nói: Đem hộc nhỏ mà phát cho chúng. Hậu tuân theo. Sau đó quân lính ta thán. Tháo cho chém Hậu và bêu đầu lên một cái sào dài, yết thị rằng: “Vương Hậu cố làm đấu nhỏ, để hà lạm lương vua, nay đem chính pháp”.
- Ông thấy không, ỷ mạnh muốn nói gì thì nói.
- Nhưng chuyện đó muôn đời sau còn chê cười ông ạ. Tào Tháo mang tiếng đại gian hùng là thế.
- Nhân nhắc chuyện xưa, nay mai cụ Rùa trở lại hồ Gươm, tui sẽ xin cụ cho mình mượn gươm báu như cụ từng cho vua Lê Thái Tổ mượn.
- Và...
- Và nhắc nhở những ai nói lời mà không biết giữ lấy lời nhớ lại chuyện xưa. Đừng tưởng kẻ mạnh muốn nói sao thì nói, làm sao thì làm rồi mang tiếng gian hùng. Và để hiểu cái đúng không phải bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh ông ạ. Bình Ngô đại cáo còn ghi: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.
- Càng nghe càng rưng rưng xúc động, càng tự hào dân tộc ông ơi.
Thân thiện với... sai phạm!
TT - Sao lại thở dài thườn thượt thế?
- Chuyện chiếc xe khách đệ nhứt liều quay đầu chạy ngược chiều trên đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương! Tài xế coi thường tính mạng biết bao nhiêu người, hình ảnh người dân quay được rành rành vậy mà mấy ông cơ quan chức năng nói không phạt được lỗi này, vậy sao không rầu!
- Mấy ổng nói căn cứ vào luật. Hiện giờ luật chưa quy định coi bằng chứng của người dân thu thập được là căn cứ để xử phạt...
- Vậy sao năm trước cô gái lái xe bằng chân ở Hà Nội bị quay phim thì cơ quan chức năng phạt được, mà còn phạt nặng nữa? Chẳng lẽ mỗi nơi có... luật riêng? Vụ này làm không tới nơi tới chốn, dân tình người ta sẽ đặt dấu hỏi “có gì trong chuyện này mà sao xử lý lừng khừng như vậy?”.
- Thiệt ra là họ đã đặt câu hỏi đó rồi. Theo ông, vụ này nên xử sao?
- Bằng chứng của người dân không là căn cứ để phạt nhưng đó là căn cứ để đấu tranh với người sai phạm. Chuyện dễ ẹc vậy sao cơ quan xử lý không chịu làm trong khi chủ xe đã thừa nhận và không cho tài xế cầm lái nữa, thiệt tui cũng... hết biết!
- Đúng là cũng... quái thiệt, sao trong vụ này mấy ông thực thi pháp luật hiền khô!
- Chắc một số người muốn hình ảnh công lý thân thiện, gần gũi hơn...
- Với ai?
- Những người sai phạm!
BÚT BI
Tuổi Trẻ 14.5.2011
.
Đề tài cho phim Việt
TT - Đạo diễn Ngô Vũ Sâm tuyên bố sẽ làm phim “Titanic Trung Quốc”.
- Thế à.
- Tuổi Trẻ Online sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến “Khán giả chê phim Việt, vì sao?”.
- Ừ. Mà sao? Sao tự nhiên sáng nay ông điểm báo vậy?
- Là vì tui nghĩ ra được một đề tài rất hấp dẫn cho phim Việt. “Thập diện mai phục Việt Nam”.
- Tui tò mò rồi đó.
- Nhưng để tránh tiếng “đạo”, sẽ đặt tên phim là “Thiên la địa võng”.
- Và...
- Nhân vật chính là một khách giang hồ đánh đâu thắng đó, ai nghe danh cũng sợ, nhưng lại bị tổn thương tiếng tăm vì sa vào những tình huống rất trời ơi đất hỡi. Ra tay trượng nghĩa giúp người nghèo thì bị rơi vào tình huống dàn cảnh. Đang trên đường truy đuổi một băng cướp thì bỗng rớt tọt xuống những cái “hố tử thần”, mắc kẹt trong những đống dây thòng lọng.
- Và...
- Anh ta quyết tâm tìm cho ra chủ của những cái hố tử thần lẫn đống dây thòng lọng kia là ai, nhưng chẳng ai chịu ra mặt.
- Và...
- Và cái gì mà và. Thế là khán giả cứ hồi hộp chờ xem tập sau sẽ rõ, càng coi càng đoán, càng ngấm cái ý nghĩa của tinh thần dũng cảm, dám chịu trách nhiệm.
- Cuối cùng thì...
- Coi rồi sẽ biết.
BÚT BI
29.4.2011
*
Thư gửi ba
Hạnh phúc còn được... cãi nhau
TT - Rứa là cha con mình lại cãi nhau. Đây không phải lần đầu và chắc cũng không là lần cuối. Biết làm sao được như lời mẹ nói là cha con mình giống nhau ở cái tính nóng... nhưng lại khác nhau ở nhiều quan điểm, suy nghĩ.
Lần này, cũng như mọi lần, sau khi tắt điện thoại, chỉ vài giây sau con cảm giác rất áy náy, hối hận. Ngay từ khi con còn nhỏ, ba đã luôn khuyến khích con hãy trở thành một người bạn của ba, thẳng thắn tranh luận bất cứ vấn đề gì, miễn bảo đảm tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Đã có những lần tranh cãi hăng quá, con lỡ miệng nói hỗn, mẹ la con, còn ba chỉ cười độ lượng cho qua. Cũng có những lần con đuối lý, cãi cùn, ba xoa đầu bảo con: không phải lúc nào cũng cần chiến thắng đâu con; và chỉ chờ có thế, con òa khóc.
Lớn lên, con dần nhận ra chân lý của tranh luận là làm sao để hai người cùng thắng, và chiến thắng không phải là tất cả. Lớn lên tí nữa, con học được một bài học quan trọng của cuộc đời: chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng. Bài học cơ bản của tình yêu thương ấy con đã áp dụng khá thành công với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí người dưng nước lã... nhưng không hiểu sao với ba, nhiều lần con “quên bài”.
Phải chăng con “ỷ lại” ba chẳng bao giờ giận mình, có cãi nhau mức nào đi nữa thì cha con vẫn là cha con chứ không gì khác được? Phải chăng cứ với ba, con nghĩ rằng ai đúng ai sai cũng được, nên cứ thế mải mê tìm chiến thắng? Phải chăng vì với người ngoài con đã không được là con, khi cứ phải ứng xử sao cho khéo léo, nhường chút này, nhịn chút kia (để rồi trong lòng tích tụ những ức chế)... nên có dịp tranh cãi với ba, con cho phép mình tự do nói cho kỳ đã mới thôi?
Sau lần này, cũng sẽ như mọi lần, con lại tự hứa với lòng sẽ phải điều chỉnh mình để những lần sau nói chuyện với ba không rơi vào những chuyện tranh cãi. Nhưng biết có được không, hay đành như lời một người bạn: giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Có khi còn được tranh cãi với ba là còn hạnh phúc.
Còn "nợ" những bộ phim hay
TTO - Trước đây, khi lý giải cho phương thức đấu thầu, ông Nguyễn Anh Xuân - trưởng phòng khai thác phim truyện - cho biết: “Đấu thầu các giờ phim của HTV là một sân chơi bình đẳng cho tất cả đối tác có tiềm lực nguồn vốn. Họ có trách nhiệm hơn với sản phẩm mà mình làm ra, bởi nếu phim kém chất lượng sẽ không có người xem và kết quả là quảng cáo sẽ không có”
Mục đích tốt đẹp như thế, phương thức đấu thầu vì thế tạo nên một hi vọng cho người xem trong hoàn cảnh phim Việt bị khán giả chê không thương tiếc. Nay, như HTV chính thức cho biết: cách làm ấy gãy gánh. Lý do có thể là nhiều nhà sản xuất hoặc không tự lượng được sức mình đã nhảy vào bơi… rồi đuối; cũng có thể vì có những nhà sản xuất sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều để làm lấy tiếng, nhưng thiếu kinh nghiệm thì cũng khó làm được phim hay. Suy cho cùng, chuyện đấu thầu mà chỉ quy theo tiền thì khó lòng đạt được kết quả như mong đợi. Nhưng quay lại cách làm cũ liệu có giẫm vào vết xe đổ đã qua khi phim hay thì hiếm, phim lắm sạn thì nhiều?
Có thực mới vực được đạo, kinh doanh mà cứ lỗ lã thì nhà sản xuất nào dám làm, sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì ai dám hợp tác dài lâu. Mối quan hệ kinh tế không sinh lời cho đôi bên, không đưa ra sản phẩm như mong đợi chắc chắn phải chấm dứt chứ chẳng thể dây dưa thêm nữa. Thế nên, việc nhà đài và nhà sản xuất tìm kiếm hình thức kinh doanh nào phù hợp, có lợi cho đôi bên thì làm cũng là điều rất bình thường. Phân bổ, đấu thầu, nay lại quay về phân bổ. Cái sự loay hoay ấy của nhà đài cũng chưa hé lộ được cách làm nào sẽ làm nên những bộ phim hay, lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối…
Vì khi trở lại với cách làm cũ, nhà đài cũng chỉ mới đề cập đến việc làm sao không còn những bộ phim Việt dở tệ đã từng bị chê bằng cách hứa hẹn sẽ chặt chẽ hơn trong khâu kiểm duyệt. Như chính ông tổng giám đốc HTV Nguyễn Quý Hòa nói: "Chúng tôi đang tổ chức các hội đồng duyệt phim cho mỗi thể loại phim (phim lịch sử cách mạng, phim tâm lý xã hội, phim hài...). Một hội đồng duy nhất không thể đảm đương số lượng phim quá đa dạng. Làm điều này để tìm kiếm, sàng lọc những thành viên có nghề, quá trình kiểm duyệt không lọt những con sâu làm rầu nồi canh".
Hi vọng những hội đồng ấy sẽ không để lọt những bộ phim dở lên sóng là một chuyện. Nhưng làm sao nâng cao chất lượng phim truyền hình hơn nữa xem ra mới là chuyện quan trọng hơn, chuyện đáng bàn hơn.
Và đấu thầu hay phân bổ… dường như vẫn chỉ giải quyết được bài toán kinh tế chứ chưa dẫn tới kết quả sẽ cho ra đời những bộ phim hay trên sóng truyền hình.
Nhà biên kịch nổi tiếng người Pháp Jean - Claude Carrière có nói một câu đại ý: cho dù viết kịch bản với một quy tắc nào đi nữa thì cũng tóm tắt thành một quy tắc duy nhất: thu hút và duy trì sự chú ý của người xem.
Nên đấu thầu hay phân bổ hay với cách làm nào đi nữa… nhà đài vẫn hãy nhớ cho mình còn nợ khán giả một kỳ vọng: phát sóng những bộ phim hay.
Con đi đâu, làm gì, với ai?
TT - Ngày còn tuổi teen (theo từ bây giờ), mỗi lần xin đi đâu mẹ hay hỏi: con đi đâu, với ai, mấy giờ về. Mỗi lần như thế dù giọng mẹ hỏi nhẹ nhàng hay gay gắt, mình cũng cảm thấy khó chịu vô cùng.
Có ai muốn bị quản lý sát sao, nhất là khi tự nhận đã lớn rồi. Phản ứng với mẹ thì mẹ bảo: “Con có lớn cỡ nào trong mắt mẹ cũng bé xíu và mẹ hỏi để an tâm thôi mà”. Nhiều lần mình đã có hành động tiêu cực là đi không báo hoặc nói dối cho qua chuyện (hoặc để dễ cho đi).
Cũng có những ngày của cái tuổi ẩm ương ấy, giận mẹ chuyện gì đó và nghĩ rằng mẹ không quan tâm đến mình thì trong đầu chỉ vùng vằng một suy nghĩ: bỏ nhà đi. Không ai quan tâm thì thôi, tốt nhất là bỏ nhà đi... đằng nào cũng không ai quan tâm. Nhưng đằng nào cũng chẳng dám bỏ nhà đi... vì sợ không ai quan tâm.
Hôm rồi ba đi từ Vũng Tàu ra Côn Đảo. Hôm ấy Sài Gòn mưa lớn, điện thoại cho ba thì hình như ba đang ngoài vùng phủ sóng nên cứ ò e í e. Đêm đó không ngủ được, dù biết ba đi đâu, làm gì, với ai. Và cứ giá mà có thể thu xếp được thời gian để đưa ba đi chơi.
Tình cờ xem bộ phim 127 hours (127 giờ), những câu hỏi của mẹ ngày xưa trở về trong tim mình. Phim này dựa trên một câu chuyện có thật kể về một anh chàng tên Aron Ralston. Trong chuyến đi thám hiểm một mình ở hẻm núi Blue John (Utah, Mỹ), Aron đã bị một tảng đá lớn rơi xuống chèn lấy cánh tay. Suốt 127 giờ Aron một thân một mình xoay xở mọi cách để tự cứu lấy mình.
Giá Aron kịp trả lời điện thoại mẹ hoặc nói với anh bạn của mình là đã đi đâu thì có thể anh ta không đến nỗi bị mắc kẹt trong một khoảng thời gian kinh hoàng đến thế. Sau sự cố nhớ đời đó, Aron đi đâu cũng nhắn lại cho người thân biết mình đã đi đâu, làm gì, với ai.
Mình cũng muốn đi đâu, làm gì, với ai đều sẽ báo trước cho mẹ... nhưng giờ đây không kịp nữa vì mẹ đã về trời.