BỐ YÊU CON VỪA ĐỦ - Anh Chi
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6347
Nỗi lòng người cha dành cho con thường lặn sâu vào trong, đâu đó, con cái không dễ dàng cảm nhận được, nhất là khi có sự so sánh với người mẹ thì người cha thường bị gán cho hai chữ: khô khan, đến mức khiến đứa con cảm giác ba không thương mình bằng mẹ.
May mà có một ông bố, Trần Đình Dũng, đã trải lòng mình qua những bài tạp bút trong tập sách Quà của bố (Nhà xuất bản Phụ Nữ) để những đứa con hiểu rằng không phải cha không thương mình và không phải mọi người cha đều khô khan.
Cái tình thương yêu ấy, dẫu bố Dũng có tự nhận, rằng chỉ vừa đủ. Vừa đủ để mỗi khi con đi nhà vệ sinh công cộng, bố luôn là người kín đáo đưa cho con tờ giấy, đi theo con đến cửa, đứng ngoài chờ con, thỉnh thoảng gọi vọng vào để con yên tâm, con luôn có bố. Vừa đủ để bối rối mỗi khi con ngân ngấn nước mắt. Vừa đủ để bồn chồn khi con buồn buồn ít nói. Vừa đủ để lo lắng mỗi khi con nóng sốt. Vừa đủ để sợ hãi mỗi khi con đi chơi về muộn. (Bố yêu con vừa đủ)
Nếu vừa đủ là thế thì tình thương của bố còn mênh mông hơn cả đại dương. Liệu chúng ta, nếu không đọc được những lời này, có bao giờ nhận ra được những điều người cha của mình đã làm, cảm được những tình cảm cha đã dành cho chúng ta.
Và không chỉ những lời tâm tình như thế, người bố ấy đã xoay xở làm tất cả chỉ vì con. Từ việc chạy xe 374km trong vòng 6 giờ 15 phút chỉ để kịp đón con đúng giờ đã hẹn. Đến việc mỗi tuần có ít nhất hai email cho con, khi con bảo hộp thư của con không nhận được lá thư nào cả. Thậm chí tự nhận mình là trẻ con khi không tin vào lời thầy bói mà lại sợ đến ám ảnh bởi một câu nói “năm nay cậu xui lắm, con gái cậu có thể bị phỏng”, để rồi cả ba cha con hì hục năm ngày liên tục rèn luyện phòng cháy chữa cháy, phòng phỏng chữa phỏng (Trẻ con).
Người cha ấy đối diện với những giây phút trọng đại của con mình: con gái trở thành thiếu nữ, con trai dắt bạn gái về nhà… Ứng xử như thế nào cho khéo léo là một bài học tâm lý rất khó chưa có trường lớp nào dạy qua cho các bậc làm cha làm mẹ. Bố Dũng rất giỏi khi xử lý tinh tế những vấn đề nuôi dạy con bằng những lá thư, bằng những tâm tình kiểu bạn bè ngang trang, phải lứa, mà trước tiên bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí con cái, không áp đặt suy nghĩ của người lớn lên con trẻ.
Còn nữa những điều thú vị trong cuốn sách Quà của bố nói nữa sợ mất đi hứng thú của người đọc, không nói nữa thì cứ thấy thiêu thiếu gì đó. Thôi thì sách dành cho những ông bố để chia sẻ với nhau cách yêu thương: “chỉ biết thương mà không biết cách đôi khi phản tác dụng” (Nói với con trai) cho những đứa con, để hiểu hơn tấm lòng của bậc làm cha mẹ.
ANH CHI
Không nhớ bài này đã "xuất bản" ở đâu chưa. Nếu có, thì nay "tái bản", vì tình cờ lang thang được đọc một bài về cuốn này và vì tự nhiên nhớ một dòng "thôi, cuốn này dở" (dù không biết người viết dòng ấy đã đọc chưa, và dựa vào tiêu chuẩn nào để bảo rằng nó dở).
Nói thêm về ông bố, thì tôi cũng có một ông bố tuyệt ngang ngửa ông bố Trần Đình Dũng trên.
*
Nguồn: http://thichcamram.blogspot.com/