Chuyện râu của Ràm - Càm Ràm
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5516
Trưa nay, tranh thủ đi cạo râu… vì mai về Huế. Chẳng phải để trẻ đẹp hơn đặng trong lúc chờ lên máy bay, có vô số các em xinh tươi nhìn và trầm trồ thán phục, thốt cả nên lời: “ôi, anh kia đẹp trai lồng lộng”
Trưa nay, tranh thủ đi cạo râu… vì mai về Huế. Chẳng phải để trẻ đẹp hơn đặng trong lúc chờ lên máy bay, có vô số các em xinh tươi nhìn và trầm trồ thán phục, thốt cả nên lời: “ôi, anh kia đẹp trai lồng lộng”. Mà vì nỗi nhớ sẽ kể dưới đây:
Cách đây hai năm, hối hả đổi vé để về Huế sớm hơn dự định. Rồi hối hả chạy (bằng taxi, chứ không phải bằng chân) từ sân bay lên ngay bệnh viện. Sau đó, hối hả chạy (bằng chân, chứ không phải bằng taxi) từ tầng trệt của bệnh viện lên phòng cấp cứu. Mẹ đang nằm trong phòng cấp cứu. Nghe thông tin ban đầu của ba mà mừng tưởng rơi nước mắt “mẹ đã tỉnh, nhưng đang ngủ”. Ba xin phép bác sĩ đặc cách cho mình vào thăm mẹ.
Lúc mình vào phòng, cũng là lúc mẹ chợt thức giấc. Mẹ nhìn con, con nhìn mẹ, cầm tay mẹ và lòng mình cảm giác ấm áp vô cùng. Câu đầu tiên mẹ mấp máy môi khi thấy mình là “răng không cạo râu đi con?”.
Sau lần cấp cứu ấy, mẹ đã sống (nói chính xác là vượt qua nhiều đau đớn để sống) với chồng, với con, với người thân, với bạn bè, với cuộc đời... thêm một khoảng thời gian nữa.
Thế đó! Giờ đây, mỗi khi cạo râu, hay chuẩn bị về Huế, mình thường nhớ cái mắp môi ấy của mẹ, nhớ ánh mắt của mẹ nhìn mình, nhớ bàn tay mẹ run run trong tay mình, nhớ đến rưng rưng cả lòng.
Hồi mẹ còn sống, mẹ luôn phải càm ràm mình chuyện râu tóc. Bởi mình vốn luộm thuộm và lười biếng. Chuyện tắm, hay đánh răng mà nhiều khi mẹ còn phải nhắc nữa là chuyện cạo râu, cắt tóc. Cứ thế tóc tai mình lởm chởm, râu ria mình lùm xùm, để vài ba ngày mẹ phải nhắc “cạo râu đi con”, dăm ba tuần lại nhắc “cắt tóc đi con”.
Hồi mình xuống tóc (nhưng chẳng phải để quy y), mẹ cũng là người phàn nàn mình nhất. Mẹ bảo: "nhìn cái đầu ba trợn quá, bụi đời quá”. Mẹ chỉ cười (và chắc tự hào) khi nghe mình cho biết một sự thật như chân lý mặt trời mọc ở hướng Đông: “rất nhiều cô khen cái đầu này của con làm con đẹp trai hơn”. Cười, nhưng mẹ cũng bảo “mấy đứa nớ điên”.
Đến khi tóc mình dài lên, mẹ nói: “thôi, để dài lại đi, chứ đừng trọc lóc nữa”. Mình nói: “trời, con ba chục tuổi rồi mà râu tóc cũng không được để theo ý mình”. Từ đó, mẹ mới thôi không than phiền chuyện tóc tai.
Có lẽ, trong mắt mẹ, mình chỉ lớn cái tuổi, chứ vẫn chưa trưởng thành… nên mẹ không nói chuyện tóc tai vì thấy mình lỳ quá.
Hoặc cũng có thể nhìn hoài thấy quen, mẹ cũng như các cô mẹ từng bảo điên, đã đến lúc phải thừa nhận một sự thật rằng ừ thì đẹp, đẹp từng cm. Đẹp như một trái dưa hấu (chi tiết vịnh cái đầu mình này từng được mẹ nhắc trong một bài tản mạn chuyện ăn tết Sài Gòn).
Riêng chuyện râu, mẹ cứ phải nhắc đều…. và mình vẫn cứ hứng thì cạo, không thì để.
Trưa nay, lúc cạo râu cho mình, cô em trong tiệm hớt tóc phát hiện và thủ thỉ: “Anh nhiều tóc bạc lắm”.
Tóc bạc, ừ, già rồi mà em, tóc không bạc mới lạ. Nhưng cái chi tiết tóc bạc này làm nỗi nhớ lại được dịp nối thêm nỗi nhớ. Nhớ ngày xưa có những lần nhổ tóc bạc cho mẹ. Và hình như cái sợi tóc bạc đầu tiên của mình, cũng do mẹ nhổ.
Cái răng, cái tóc là gốc con người. Nhưng nếu không có mẹ (với sự hợp tác sản xuất của ba) làm chi có con người (dù lắm lúc phần con nhiều hơn phần người) là mình, nói chi đến chuyện gốc với ngọn.
Và trong khi đang lóc cóc gõ bàn phím, lắm lúc phải dừng lại để ngăn mình không chảy nước mắt, khoe chuyện râu tóc nói trên để kể về một nỗi nhớ, một kỷ niệm với mẹ.
Mới đó mà đã gần một năm, ngày mẹ ra đi.
Trong nỗi nhớ mẹ, lắm lúc, mình dằn vặt, mình giá như, mình ân hận, nhưng cũng nhiều khi, an ủi rằng, nên mừng cho mẹ đã thoát khỏi những đau đớn bệnh thật, thoát khỏi những đau khổ kiếp người.
P.S: Viết lại lần thứ hai. Lần một viết hình như ba trợn hơn, nhưng sau đó lỡ tay xóa mất, không kịp phục hồi. Lần hai, có vẻ đúng bản chất mình hơn: không ba trợn.
Và cả hai lần, đều cùng chung một nỗi nhớ đến rưng rưng. Chuyện sau đó trưa nay, mình có nhổ tóc bạc không, chắc sẽ có người tò mò khi đọc, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là chuyện râu ria. Chuyện muốn kể ở đây lại là chuyện khác. Cám ơn quý vị đã ghé ngang và đọc những dòng chữ này.
Mừng cho những ai còn có mẹ.