Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

TẢN VĂN - CÀM RÀM

... Mẹ khi mô cũng tùy con, miễn con mình làm chi thấy vui, thấy thích, là mẹ vui, mẹ thích...

 

LA LLEGADA

 

Là đến.

Nhưng chắc cũng có nghĩa là về.... tùy cách dịch.
Ngẫu nhiên khi những ngày cuối năm âm lịch, email gửi Your Spanish Word of the Week, lại giới thiệu từ này.

Nôn nao đường về, nôn nao đến nhà, nôn nao.. nôn nao...
Đã thế, còn dồn dập những bức ảnh xuân, những bài tùy bút tết... làm rộn ràng nỗi nhớ. Mà cái nỗi nhớ làm nhiều khi ngồi đọc cứ phải thừ người một lát, thẫn thờ, thờ thẫn.... ấy là gợi đến hình ảnh mẹ.

Chuyện nhớ người thân, chuyện làm mứt, chuyện áo mới... , không hình ảnh nào không làm mình không liên tưởng đến hình ảnh mẹ.

Viết mấy cũng không đủ những cảm xúc cuối năm.... nhất là khi, mọi người đã chào nhau ra về, đã chúc nhau ăn tết vui... mình vẫn còn ngồi đây, miệt mài bài vở.
La llegada là về, mà cũng là đến. Muốn thế thì phải chờ lúc thực thi cái chuyện llegar, trước tiên là llego vậy.

Về! 

.

KHOE VỚI MẸ

 

Quét dọn nhà cửa xong, mình lập tức khoe mẹ. Cái ý nghĩ khoe mẹ thực ra đã xuất hiện trước và trong khi thực hiện công việc này. Mẹ nghe xong thì cười: chắc trời đang nắng sẽ mưa, trời đang mưa sẽ nắng.

Mình cười hì hì, không đến nỗi vậy mẹ ơi, vì Sài Gòn trời đang như tết, thời tiết dễ thương vô cùng.

Mẹ nói, hỏi mà như đoán, đoán mà như hỏi, mà cũng như đã biết trước: Chắc tết năm ni nhà mình cũng không sắm sửa chi nhiều.

Mình không biết nói răng, nói vòng nói vo: Dạ, tết nhứt để nghỉ ngơi, sắm sửa chi nhiều cho mệt mẹ hè. Rồi mình nói thêm: con nghe nói ba mới đem bộ lư, đèn ra chùi cho mới. Nói xong, mới biết mình thừa, chắc trước khi làm, ba đã nói mẹ, và chắc mẹ cũng đã thấy.

Mình nhanh miệng đánh trống lảng: mẹ nhớ tết Sài Gòn không mẹ? Cái tết đầu tiên trong căn nhà mà mẹ ba đã giao quyền khấn vái cho mình. Và sau đó trong một bài viết nhớ tết Sài Gòn, mẹ đã ví cái đầu thừa thông minh nhưng thiếu tóc của mình như một trái dưa hấu. Mẹ nói rằng mẹ nhớ. 

Cái tết ấy, cũng là cái tết đầu tiên nhà mình nếm mùi thiếu vắng… thiếu vắng cái thói quen của quê nhà, thiếu vắng sự thăm hỏi của bà con, của bạn bè, đồng nghiệp mẹ ba, và thiếu vắng nhất là SK - một thành viên trong nhà phải đón tết ở xa.

Cái tết đầu tiên ở Sài Gòn ấy, ngờ đâu cũng là cái tết cuối cùng của mẹ ở Sài Gòn. Và với riêng mình, chắc đó là cái tết duy nhất có ý nghĩa ở Sài Gòn.

Rồi bất giác mình muốn hỏi thêm: tết năm ni, mẹ đón tết răng mẹ?

Nhưng chỉ cái ý nghĩ ấy lóe lên trong đầu là mình đã thiếu điều rơi nước mắt.

Không để mẹ thấy mình buồn, không để mẹ thấy con trai mình mau nước mắt, mình kể qua chuyện khác. 

Cách đây mấy hôm Na nhắn tin khoe nằm thấy dì K. (tức mẹ) than phiền với Na về chuyện anh (tức mình) không chịu lấy vợ. Rồi mẹ hỏi con nói lại răng. Mình nói con xúi Na đi mua vé số. Na hỏi trật thì con có trả lại tiền. Con nói rứa nếu trúng có chia…

Chuyện lấy vợ, chắc cũng hên xui như chuyện mua vé số mẹ hè. Biết là độc đắc, hay là an ủi, hay trật lất đặng cứ nuôi hoài hy vọng.

Mẹ cười.

Mình lại nói mẹ nhớ ngày xưa, mấy lần ngồi với con, mẹ từng nói con, con mà cứ ri, lấy vợ là làm con người ta khổ. Con lúc nớ chỉ cười.

Hóa ra, thực tế trong đời, chưa phải lấy người ta mô, con đã làm người ta khổ. Nên thôi, mẹ có cho con trúng số thì cho, đừng bắt con lấy vợ mà tội người ta mẹ hí.

Mẹ cười, tùy con. Mẹ khi mô cũng tùy con, miễn con mình làm chi thấy vui, thấy thích, là mẹ vui, mẹ thích.

Mẹ hỏi rứa năm qua có chuyện chi vui, chuyện chi buồn thì kể mẹ nghe. Chuyện buồn thì vô số, chuyện vui cũng xấp xỉ, và dĩ nhiên, từ rất lâu rồi, mình không còn thói quen, không còn mong muốn kể chuyện buồn cho ai nghe, nên mình chỉ kể chuyện vui. Nhưng, thực ra, chuyện buồn thì thường làm người ta nhớ dai, chứ chuyện vui lại làm người ta mới đó đã quên.

Mình ậm à, ậm ừ phịa chuyện Mai Phương Thúy hôn mình, Diễm Hương thì đã cầm tay mình, Ngọc Trinh thì cứ nhõng nhẽo với mình suốt, Mi Du thì mỗi lần vuốt tóc mình thì vẫn bảo, giá mà anh nhiều tóc… vân vân và vân vân. 

Mẹ nghe và cười rồi mẹ nói, khiêm tốn giùm cho với, thôi, có gì mới thì khoe cho mẹ mừng.

Mình chỉ chờ nhiêu đó, dù tính mình không thích khoe khoang. Không quen cái kiểu có áo mới rồi mặc áo vô và chạy ra đường đứng đặng chờ người ta hỏi có thấy con heo chạy ngang không. 

Nhưng mẹ đã hỏi, thì mình khoe: Dạ, con mới mua một cái LCD gần 7 triệu đồng. Đây là cái LCD thứ hai sắm trong dịp tết. LCD thứ nhất sắm ở Huế hồi năm kỉa năm kia, vì để mẹ ba ở nhà coai cho thỏa thích phim này nhạc nọ (có ai ngờ chừ cái LCD nớ là người bạn thay mẹ tâm tình với ba hàng ngày – mình nghĩ thầm nhưng không dám nói ra vì sợ mẹ buồn).

Mẹ cười thật vui.

Cuộc đời đẹp vậy mà buồn làm chi, phải không mẹ? Dù đôi khi những niềm vui rấ

.

ĐẾM LẠI TIẾNG LÒNG


1. Nghe câu hát Tết con không về chắc mẹ buồn lắm mà rưng rức cả lòng. Bao công việc bỏ đó, ngồi thừ ra nhớ. Mười năm xa nhà, năm mô cũng ăn Tết ở nhà; năm ni cắc cớ, vì lý do ni, lý do tê ở lại Sài Gòn ăn Tết. 

Cú điện thoại về nhà những ngày cuối năm làm trước “công tác tư tưởng” xem chừng không ăn thua, vì nghe giọng mẹ trong điện thoại đã sụt sa sụt sịt âm điệu buồn. Thôi, mua vé máy bay được thì con về, còn nếu đi xe thì thôi, nguy hiểm lắm, mẹ không yên tâm.

2. Con lớn rồi mà mẹ. Tự nhiên muốn thử ở xa nhà ngày Tết một lần cho biết. Biết mô, cũng viết được một Đêm Đông II. 

3. Con có lớn đến cỡ mô, con cũng là con của mẹ, nhỏ bé như thuở nằm nôi. Chuyện thử xa nhà, vì răng phải thử chi rứa nữa; có những chuyện mô cần thử hở con. Đêm Đông II, III mà chi để lòng mẹ lạnh.

 4. Tự phân vai tưởng tượng đối thoại giữa con và mẹ, đặt chuyến vé lòng về quê ăn Tết. Thấy ba tay đang sơn cửa miệng cười thiệt tươi khi thấy con về; thấy em ngưng tay quét màn nhện nhảy ào xuống bàn bắt tay một cái. Thấy mẹ bỏ áo quần đang phơi dở ngoài hiên vào nhà nhìn con từ trên xuống dưới. Hạnh phúc đâu đó len len trong lòng, vừa muốn khóc, vừa muốn cười… mà rồi hỏi một câu rất vô duyên: ba mẹ khỏe không?

5. Khỏe chứ sao không, khi cả nhà đang dọn dẹp đón chờ năm mới, mà kỳ thực đón chào đứa con xa nhà đang về quê ăn Tết. Khỏe chứ sao không, khi nhà chỉ có bốn người mà chỉ dịp năm hết tết đến mới quây quần hội tụ.

6. Rứa không dẫn cô mô về ra mắt à? Tiếng bà ngoại hỏi. Nhớ tết ni lì xì cho em! Con bé em họ giọng léo nhéo nũng na nũng nịu. Chà, con trai đem tiền về cho mẹ nhiều không? Bác hàng xóm đang trồng cây vói người qua chào hỏi. Răng mà thân thiết rứa? Răng mà ấm áp rứa? Răng mà hạnh phúc rứa?

7. Chạy vội ra vườn. Mấy khi được về với thiên nhiên. Mấy cây ổi ngày xưa sai trái, giờ chỉ còn lá với lá. Cỏ mọc đầy vườn, mấy cây chuối chỉ còn thân và vài ba tàu lá, khi đa phần lá đã được “cống hiến” cho mấy mẹ, mấy chị quanh vùng làm bánh. 

8. Nghe tiếng xe máy rầm rầm ngoài ngõ. Thằng bạn thân cười nói ầm ỉ thưa hỏi. Dạ, thằng D ra rồi chứ bác. Ồn ào ồn ào. Tết rộn ràng lên với những hỏi thăm. Tay bắt mặt mừng. Mừng vui hỏi han công việc, bồ bịch, thằng ni thằng tê. Trong chốc lát cập nhật hết tình hình bạn bè xưa cũ, rồi rôm rả lên cuộc hẹn nhậu tất niên, tân niên.

9. Mẹ chỉ đứng lặng nhìn niềm vui của con bên góc bếp. Ba vẫn loay hoay sơn cánh cửa. Em đã chuyển qua lau bàn thờ từ hồi nào. Bạn nhìn ánh nắng chiếu đầy cả góc vườn. Ta bất giác cay nồng cả mũi. Vui mà khóc!

10. TẾT. Một chữ Tết thôi mà rưng cả cõi lòng.

Là một bài cũ, từng đăng ở đây, đọc lại mà cũng rưng rưng. Chắc chờ những ngày ngơi việc, toàn tâm toàn ý cho cảm xúc, viết một Đếm lại tiếng lòng - version 2.

Bạn đã lỡ vào đây, thôi thì vào đây nữa, và nữa, và nữa nhé.

 

CÀM RÀM

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.