THÚ CHƠI CHỮ - Anh Chi
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6703
Ngoài Từ câu sai đến câu hay vừa ra mắt và hai cuốn đang được lưu hành: Nỗi oan thì, là, mà (Nguyễn Đức Dân), Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm), bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ cũng vừa tái bản công trình Thú chơi chữ của PGS Hồ Lê và Lê Trung Hoa.
“Chơi chữ ở nước nào cũng có, nhưng đa dạng và phong phú như ở Việt Nam thì phải nói là hiếm thấy”, ngay trong chương mở đầu của tập sách Thú chơi chữ, PGS Hồ Lê (một trong hai tác giả của tập sách này) đã nhận định như vậy. Bởi lẽ, như PGS Hồ Lê nhận định: “đặc điểm cơ bản của cấu trúc tiếng Việt là tính phân tiết (khả năng đọc và nói từng tiếng một), người Việt có nhiều cơ hội để “chơi chữ”.
Và 14 chương sách còn lại chính là những phân tích, dẫn chứng cho nhận định này. Ấy là chơi chữ bằng cách nói lái (thưa cô rằng, răng cô thừa), bằng cách đảo từ, đảo ngữ (51 cách tạo câu từ năm từ sao, bảo, nó, không, đến), dùng hiện tượng đồng âm (đầu gối đầu gối, tay cầm tay cầm), điệp âm, điệp vần (Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt/Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương), hay nhại câu, nhại bài (từ từ châm ngôn mà sáng tạo nên từ châm chích ngôn, hay ca dao thành ca dao... cạo). Đó còn là những cách như dùng từ đồng nghĩa hoặc nghịch nghĩa, xóa chữ, chiết tự, tách từ, dùng tục ngữ, ca dao, Truyện Kiều...
Hơn thế nữa, Thú chơi chữ còn giới thiệu rất nhiều câu đố, câu đối, bài thơ cùng với những giai thoại, những chuyện làng văn để lý giải tại sao trò chơi chữ đã từ lâu trở thành thú chơi chữ, thú chơi trí tuệ, thể hiện trí thông minh, tài liên tưởng nhanh, nhạy, thâm thúy, sắc sảo của người Việt, qua đó làm cho tiếng Việt thêm phần giàu đẹp.
“Nhâm nhi” Thú chơi chữ để học cách chơi chữ khi có dịp cũng là một cách thưởng thức ngày tết đầy tao nhã vậy!
1/2/2013
Anh Chi