Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Muốn thành thần tượng đâu có dễ - CA DAO

Để trở thành “thần tượng” rõ ràng là rất khó

Mun thành thn tượng đâu có d

CA DAO

Bằng chứng là Phương Vy, người đã đoạt giải nhất cuộc thi VN Idol năm 2007 giờ vẫn chưa xứng tầm là thần tượng. Và bằng chứng mới đây nữa, khi mới đây có thông tin lãnh đạo UBND TP.HCM vừa yêu cầu Đài truyền hình TP.HCM (HTV) hoãn tổ chức cuộc thi "Thần tượng âm nhạc - VN Idol" lần 2-2008 với lý do có quá nhiều chương trình với nội dung tương tự trên sóng của HTV từ nay đến cuối năm 2008, đặc biệt là không phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước.

Chuyện Phương Vy sao chưa thành thần tượng, là một câu chuyện khác, có chăng cũng chỉ vì người ta không thể dịch chữ Idol thành một chữ nào khác, nên người đứng đầu một cuộc thi tự nhiên phải mặc một chiếc áo lớn ngoài mong đợi.

Chuyện cuộc thi Thần tượng âm nhạc – VN Idol lần 2-2008 bị đề nghị hoãn mới đáng bàn. Cái lý do có quá nhiều chương trình có nội dung tương tự xem ra không thỏa đáng. Người ta có quyền đặt câu hỏi tại sao không là chương trình khác mà lại chính là chương trình này. Thử so sánh chất lượng của tất cả các chương trình tương tự, chương trình nào được tổ chức kém nhất, có hiệu quả kém nhất mới đáng bị bỏ. VN – Idol có phải là chương trình kém nhất trong trường hợp này không, câu trả lời có lẽ vẫn còn đâu đó mông lung.

Cứ giả sử các chương trình có chất lượng ngang nhau, nên sinh sau đẻ muộn thì bị anh chị đè lại giành ăn nên ráng mà chịu thiệt thòi. Và vậy thì thử hỏi một cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình, một sao mai điểm hẹn, một giọng ca hay… đã gọi là đủ cho đời sống âm nhạc nước nhà. Đồ rằng là không. Có thể người ta chưa phát hiện được những ngôi sao từ sau những cuộc thi ấy, vì rõ ràng, để xác định sự đóng góp về mặt nghệ thuật của một nghệ sĩ, nào đâu chỉ một sớm một giờ, ấy là chưa kể, thời buổi lăng – xê hiện nay, còn nhiều yếu tố hên xui khác.

Nhưng rõ ràng, những cuộc thi này trong một bình diện chung, là rất cần thiết. Một là, cung cấp cho người nghe thêm những sân chơi giải trí lành mạnh. Hai là, tạo điều kiện cho các bạn trẻ tự tin hơn trước đám đông, có tinh thần rèn luyện hơn, phấn đấu hơn. Ba là, cho các nhà tổ chức Việt Nam một cơ hội học tập, cạnh tranh để từng bước nâng cao công nghệ giải trí nước nhà.

Vậy thì câu hỏi thắc mắc vẫn là sao lại tạm hoãn cuộc thi VN Idol. Việc tạm hoãn ấy, nếu xét về tính chất lượng phải do chính Đài Truyền hình Tp. HCM (HTV) nêu ra, chứ tại sao lại từ UBND Tp. HCM. Dẫu vẫn biết, trong trường hợp này, cái từ UBND dùng là yêu cầu, kỳ thực là ra lệnh, ví đố ai dám không nghe theo.

Bây giờ, xin xét nét cái câu đặc biệt là câu “không phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước”. Thế không phù hợp là không phù hợp chỗ nào. Vì chương trình này tiêu tốn tiền tỉ khi cả nước đang lạm phát, người dân đang thiếu ăn chăng. Nhưng đơn vị tổ chức đâu lấy ngân sách nhà nước để thực hiện việc này. Và có ai chứng minh được đây là một chương trình lãng phí, xa hoa… trái với quy định tiết kiệm hiện nay.

Các doanh nghiệp tổ chức, đặc biệt các nhà tài trợ rất cân nhắc mọi số tiền bỏ ra, dù lớn hay nhỏ. Nên một khi họ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn cho cuộc thi này, cũng có nghĩa là họ đã thấy được hiệu quả của cuộc thi đem lại cho việc kinh doanh của họ. Vậy lẽ ra, nên ủng hộ các DN mới phải. Cần phải phân biệt rõ “lãng phí” khác xa “với chi tiêu phù hợp dù khoảng chi tiêu ấy lớn đến mức nào”

Chưa kể, khi bỏ ra một số tiền lớn để mua bản quyền và thực hiện chương trình này, hẵn đơn vị tổ chức không chỉ có tầm nhìn một năm và làm một lần rồi thôi. Ấy thế mà, tự nhiên ngưng, thì làm sao các đơn vị khác dám tiếp tục làm gì, vì biết đâu tự nhiên ngưng là khổ.

Nói thêm, quan điểm UBND Tp. HCM là thế, nhưng nếu quan niệm của tỉnh Bình Dương, Cần Thơ là khác… thế thì công ty tổ chức hoàn toàn có thể đi tìm một đối tác mới để tổ chức cuộc thi, mà tầm vóc rõ ràng, trong điều kiện quảng bá và marketing hiện nay, không vì thế mà trở nên kém đi. Và như vậy là việc đề nghị hoãn tổ chức hay tiếp tục tổ chức chẳng ý nghĩa gì cả.

Để trở thành “thần tượng” rõ ràng là rất khó, nhưng yêu cầu ngưng hay không ngưng một cuộc thi như vậy lúc này, xem ra càng khó hơn, ít ra là khó hiểu.

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.