Vượt qua nỗi đau, ấy là hi vọng - Chi Anh
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4536
TT - Một buổi tối đi làm về muộn, đứa con yêu thương mà mới sáng nay bạn thất hứa trong việc dẫn nó đi xem phim đã không còn ở nhà nữa. Vô vọng tìm kiếm, để vài tháng sau cảnh sát dẫn về một đứa bé.
Nó - với vẻ mặt hao hao, tầm vóc hao hao - nói đúng cái tên của con bạn, khăng khăng nhận nó chính là con. Cả viên đại úy cảnh sát J.J. Jones (Jeffrey Donovan đóng) cũng quả quyết như thế với lý do: thời gian và những nguy hiểm có thể làm đứa bé có những thay đổi, và biết đâu người mẹ đang có trạng thái không tốt về tâm lý. Chỉ duy trái tim và cả lý trí, bạn biết rằng đó không phải là con mình!
Bạn sẽ làm gì nếu ở vào hoàn cảnh của người mẹ đơn thân tội nghiệp Christine Collins (Angelina Jolie đóng) kia? Và nếu bạn là viên đại úy cảnh sát ấy, bạn sẽ dành thêm thời gian điều tra để tìm kiếm sự thật hay muốn mau chóng xếp lại vụ việc bằng cách tống người mẹ ấy vào một bệnh viện tâm thần? Ở bệnh viện tâm thần, liệu bạn sẽ tiếp tục đấu tranh cho sự thật hay sẽ bị điên, hay sẽ đầu hàng...?
Angelina Jolie (Christine Collins) trong phim Changeling - Ảnh: takepart.com
Câu chuyện xảy ra trong phim dựa vào những sự thật từng tồn tại ở Los Angeles năm 1928. Ở đó có kẻ bắt cóc và giết người hàng loạt Gordon Northcott (Jason B.Harner đóng) và nạn nhân chính là trẻ em. Nhưng ở đó, cảnh sát lại làm việc theo kiểu làm cho hết trách nhiệm chứ không phải với tất cả trách nhiệm. Báo chí ở đó lại chỉ biết làm việc một chiều, hùa theo những gì cảnh sát cung cấp chứ không chịu tìm hiểu và kiểm chứng sự thật.
May mà ở đó còn có người mẹ dũng cảm Christine Collins vì tình yêu thương con đã không chịu cúi đầu trước một thế lực nào, một mục sư Gustav Briegleb (John Malkovich đóng) sẵn sàng lên tiếng chống lại những bất công của xã hội, viên cảnh sát Ybarra (Michael Kelly) chịu khó lắng nghe. Và còn cái ác, còn bất công, còn chưa bình quyền nam nữ là còn đấu tranh, còn dấn thân nói lên sự thật, đòi lại lẽ công bằng.
Cuộc đời của Collins quả đúng như chính điều cô nói với con trai mình, và cho cả chúng ta: Never start a fight but always finish it (tạm dịch: đừng bắt đầu một cuộc chiến, nhưng hãy luôn kết thúc nó).
Người xem càng nghẹn ngào trước nỗi đau khổ và tuyệt vọng của người mẹ, càng phẫn uất trước sự lạnh lùng và thái độ làm việc khô cứng của những nhân viên cảnh sát, của những nhân viên y tế trong bệnh viện tâm thần... Hồi hộp, hoang mang trước những sự thật dần được hé mở. Và từ lúc nào không hay biết, người xem sẽ cùng với người mẹ ấy đặt trọn niềm hi vọng rằng đứa con của mình sẽ trở về, hoặc ít ra còn sống ở một nơi nào đấy trên Trái đất này. Ðể hiểu rằng cách sống sót, vượt qua những nỗi đau chính là đừng bao giờ thôi hi vọng.
CHI ANH
(Theo Tuổi Trẻ, Thứ ba 3. 11. 2009)
______________
(*) Phim của đạo diễn Clint Eastwood, kịch bản của J. Michael Straczynski, đã đoạt nhiều đề cử và giải thưởng danh giá ở nhiều liên hoan phim trên thế giới. DVD ở VN có tên Tình mẫu tử.