Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

TRANG THƠ VĂN MINH HUẾ

 

Giới thiệu sáng tác Minh Huế, nguyên Chủ nhiệm CLB SAO KHUÊ.

 

MINH HUE by you.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CƠ TẦNG VĂN HOÁ, THẨM MỸ NGHỆ THUẬT TRANH SÌNH

NGUYỄN THỊ MINH HUẾ

.

Ngày còn bé, mỗi dịp rằm và lễ Tết, khi mẹ, các bà các dì mang thật nhiều món ăn, hoa trái, đèn hương bày biện trước nhà là lũ trẻ con chúng tôi háo hức xum xoe quanh những cổ cúng ấy. Bên cạnh những “thức lễ” quen thuộc, đám trẻ còn bị thu hút bởi những bức tranh đầy mằu sắc trông rất “ngộ nghĩnh” (theo cách nhìn của trẻ con), và tiếc nuối vô cùng khi người lớn đốt chúng đi….Mỗi đứa mỗi ý nghĩ tò mò, ngây ngô. Lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được những lời mẹ giải thích. Đó là một loại tranh thờ ở quê hương tôi - xứ Huế. Nó còn có tên gọi là tranh làng Sình.

Về sau, khi bắt đầu tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật… tôi mới biết được rằng Sình là một ngôi có tên chữ là Lại Ân, thuộc tồng Hoài Tài, huyện Tư Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, ở ven bờ Nam hạ lưu sông Hương, lân cận với thành Hoá Châu - là lỵ sở hành chính và quân sử trung tâm của Thuân Hoá dưới thời Trần, Lê, Mạc… Ngày nay, người dân nơi đây và mọi miền thường gọi là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làng xuất hiện và hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XV, với những cuộc nam tiến để khẩn hoang và mở mang bờ cõi đã đưa chân những người dân từ Thanh Hoá, Nghệ An và Hải Dương đến điểm hợp lưu giữa con sông Bồ và sông Hương này. Dân gian còn tương truyền rằng từ thời Châu Hoá tại làng đã có một ngôi chùa với tên gọi Sùng Hoá, là một ngôi chùa nổi tiếng đương thời mà các quan cai quản Hoá Châu thường tiến hành những nghi lễ cầu cùng hàng năm. Trên vị thế một làng văn vật lân cận Hoá Thành, người dân làng Sình đã dần dần sáng tạo nên loại tranh thờ, tranh cúng lễ này…

Trên đây chỉ là những nhận định sơ khởi của lịch sử, nhưng sự xuất hiện, hình thành và phát triển của dòng tranh dân gian xứ Huế này còn rất nhiều ẩn số khó có lời giải đáp thoả đáng. Nhưng theo tôi, nếu xem xét theo cơ tầng văn hoá của vùng Hoá Châu - Huế xưa vào khoảng nữa sau thế kỷ XV thì ta có thể bóc tách một phần nào đó những điều bí ẩn…

“Nước non ngàn dặm ra đi

Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly

Đắng cay vì đương độ xuân thì

Độ xuân thì số lao đao hay là nợ duyên gì?”

Đó là một câu đoạn trong khúc Nam Bình thân quen của người dân xứ Huế cũng như bao tao nhân, mặc khách trên xứ thơ. Nó gợi nhớ đến mối duyên tình trái ngang của vua Chămpa là Chế Mân và công chúa nhà Trần: Huyền Trân vào năm 1306, thời Vua Lý Anh Tông. Mối tình lịch sử tế nhị này đã mang về cho nước Đại Việt hai châu Ô và Lý… Huế tiền thân có từ khi đó. Và dần dần hiện ra, hoàn chỉnh hơn khi những lớp người náo nức tiến về phía Nam mở cõi qua các thời nhà Trần, Hồ, Lê… rồi định hình rõ ràng với các cuộc Nam tiến ồ ạt thời chúa Nguyễn…

Nếu như theo nhận định tranh làng Sình ra đời vào nữa sau thế kỉ XV thì chúng ta sẽ tìm hiểu nguồn gốc xuất hiện của hiện tượng nghệ thuật dân gian ngay tại thời điểm này.

Trước hết, Huế từ ngày xưa đã là một xứ sở nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt, với các dạng địa hình núi cao, gò đồi, đồng bằng, đầm phá và biển cả nối tiếp nhau. Với những tiểu vùng khí hậu không giống nhau ấy, Huế có một hệ sinh thái gồm động và thực vật hết sức phong phú và phát triển…Điều này khiến cho những cư dân mới đến từ miền bắc hết sức bỡ ngỡ trước thiên nhiên còn khá thâm hoang và bí hiểm này. Bên cạnh đó, dân tộc ta từ thời kì nước Văn Lang hình thành đã gắn bó với nghề trồng lúa nước, tín ngưỡng thờ mậu và đa thần, vì vậy, khi đặt những bước chân đầu tiên lên vùng đất lạ, ít nhiều trong tâm thức những người di cư vẫn bị ảnh hưởng bởi những tư duy huyền thoại nguyên thuỷ và mong muốn tìm hiểu, giải thích cũng như chinh phục đấng tự nhiên đầy quyền lực nơi đây. Sự nhận thức cũng như mong muốn cảm nhận và hiểu được những điều huyền bí này đã dần dần hình thành trong tâm linh người dân ý thức rõ ràng rằng đâu đâu cũng có thần cai quản, có thờ có linh…

Thứ hai, vị trí miền trung từ những thiên niên kỷ trước công nguyên đã là con đường hàng hải cổ đại, là trạm dừng chân quan trọng trên con đường biển giao lưu văn hoá cũng như giao thương giữa các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Ai Cập. Thông qua hải trình này, các giáo sĩ Ấn Độ đã các giáo sĩ Ấn Độ đã truyền bá văn hoá vào các nứớc Miến Điện. Indonesia, Malaysia…và có cả vương quốc Chăm Pa cổ đại bao gồm đất Hoá Châu của nước ta (sau sự kiện Huyền Trân Công Chúa). Như vây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng từ xa xưa Huế đã chịu những ảnh hưởng của Ấn Độ giáo đậm đà về nghệ thuật, triết học, tôn giáo cũng như tập tục. Về sau, thời Chăm pa mới lập quốc, nơi đây lại tiếp tục nhà Hán áp đặt một nền văn hoá lớn không kém Ấn Độ. Những biến cố lịch sử này vô hình chung tạo cho vùng đất hẹp miền Trung sự giao thoa của hai nền văn min Ấn Độ - Trung Quốc. Đặc biệt, theo một số cuộc nghiên cứu của các nhà khảo cổ học và dân tộc học như: M. Colani, Saurin, H. Fontaine thì Thừa Thiên Huế đã từng là địa bàn cư trú của cư dân Sa Huỳnh, có thể là tổ tiên của người Chăm - một dân tộc có nền văn hoá khá lạ lẫm, thần bí. Như vậy, ta có thể kết luận rằng, Huế là nơi hội tụ những cộng đồng dân cư mang trong mình nhiều màu sắc văn hoá đa dạng khác nhau, với một hệ thống tín ngưỡng, tâm linh vô cùng phong phú cũng như “những dấu vết ảm đạm khinh dinh của tổ tiên ta để dành lại quyền sống với tạo vật” và nhu cầu sinh tồn.

Tất cả nhận định trên là nguyên nhân của những băn khoăn, lo ngại của cư dân mới thuộc hai Châu Ô và Lý nói chung và lớp cư dân mới đến của làng Sình nói riêng. Vì vậy, kết hợp với những tín ngưỡng Đạo giáo, Phật giáo trước đó đồng thời dựa vào một vài hiểu biết, kinh nghiệm về ý nghĩa cũng như cách thức thực hiện tranh Đông Hồ của miền Bắc, lớp người mới di cư này đã nhanh chóng xác định, chọn lọc và rút ra cách thức làm tranh sao cho phù hợp nhu cầu tinh thần, cũng như đảm bảo các yếu tố đời sống của mình. Đó là nguyên nhân tất yếu để dòng tranh dân gian làng Sình ra đời.

Ở khía cạnh nội dung, hình thức, và nhu cầu sử dụng của người dân còn truyền lại đến nay thì ta cũng nhận thấy đây không phải là loại tranh được xuất phát từ nhu cầu sáng tạo thẩm mỹ, hay ghi chép…của các lớp cư dân. Với cuộc sống thuần nông, quanh năm lo việc cấy cày đồng áng, việc vẽ những bức tranh độc bản bằng tay, cẩn trọng và khéo léo, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng rất lớn sẽ gặp nhiều trở ngại về thời gian ,so với loại tranh khắc ván gỗ in tay được thực hiện hàng loạt khá đơn giản này.

Như vậy, ta có thể kết luận rằng: Tranh Sình là một loại tranh thờ cúng mộc bản mang đặc trưng tính nhân dân và tính tập thể sáng tạo, tranh thường được người dân sử dụng phục vụ cho những tín ngưỡng tâm linh từ sau khi lập làng và xây dựng ổn định đời sống văn hóa tinh thần vào giai đoạn sau cuối thế kỷ XV, thuộc đời nhà Trần. Theo dòng lịch sử loại tranh dân gian này vẫn tồn tại với những giá trị văn hóa tâm linh thiết thực và sâu sắc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Vân và Chu Quang trứ thì “tranh dân gian Việt Nam là lưu ảnh tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên thần bí và linh dị, cuộc sống con người bị chi phối bởi rất nhiều tai hoạ được hình dung thành các vị thần, mà con người phải tranh thủ, thậm chí là có hình nhân để thế mạng”.

Trãi qua mấy trăm năm, chiến tranh loạn lạc và đăc biệt là những trận Đại Hồng Thuỷ vào những năm 1904, 1985, 1999…phá huỷ và làm thất lạc rất nhiều tranh cũng như các bản khắc có giá trị lich sử lớn. Tuy nhiên, do nghề làm tranh này là một nghê phần lớn có tính chất cha truyền con nối nên qua những câu chuyện của các nghệ nhân lâu năm, những bản khắc gỗ may mắn còn sót lại hoặc được tái tạo mới, những bức tranh còn lưu giữ được cho đến ngày nay… chúng ta có thể phần nào tìm hiểu được nội dung và giá trị của loại hình tranh đặc sắc này.

Nếu như các loại tranh dân gian ở các làng nghề miền Bắc như: Đông Hồ, Kim Hoàng, hàng trống thường có chủ đề quán xuyến hết mọi mặt đời sống tinh thần như: thờ cúng, lịch sử, truyền thuyết, sinh hoạt xã hội, châm biếm, hoặc là những tranh trang trí như tranh tứ bình, nhị bình…thì tranh làng Sình chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân xú Huế. “Đó là những bức tranh nhân vật đựợc cung thỉnh trên các trang ông, trang bà trang bếp…trong nhà người dân xú Huế với tư cách là những vị thần bổn mạng, bảo trợ cho gia chủ. Đó còn là những bức tranh đồ vật như khí dụng, cung tên, hay súc vật như trâu, bò, heo, ngựa được thờ phụng ở những nơi xác định như miếu tổ nghề chuồng gia súc trong vòng môt năm để cầu mong cho nghề nghiệp được phát triển, tránh được dịch bệng tai ương”. Nhân dân miền Trung và nhất là vùng thừa Thiên thường mua để cúng vào các dịp đầu năm, hoặc những kỳ không may để “giải hạn”, cúng xong thì “hoá vàng” (đốt), chỉ duy nhất bức tượng Bà là được giữ lại dán trên trang thờ đến hết năm thì thay mới.

Người ta căn cứ theo nghi lễ cầu cúng để chia ra làm mấy bộ chính:

Bộ cúng gia tiên đầu năm gồm các bức tranh ông (ba vị thổ công, Tiên sư, Táo Công), các khí dụng, cung tên, tranh hổ trắng, hổ vàng, ngựa, trâu heo và hai vị thần giữ cửa

Bộ tranh cúng thế mạng gồm: ảnh Xiêm (hình đàn ông, đàn bà), ảnh Phền (bé trai, bé gái ) gọi chung là con ảnh mà dân gian tin rằng sẽ thay thế chủ nhân chịu những tai ách ở cõi âm.

Bộ tranh cúng quan sát (cúng bệnh cho trẻ con), gồm các tranh bà Càn Thát, Phạm Thiên Vương, Tướng bắt trẻ, Thập nhị Thời thần, vừa có nét giản phác (như tranh 12 con giáp) vừa có nét uy nghiêm (như 3 thần tướng kể trên).

Bộ tranh cúng bà bổn mạng: là ảnh một bà phục trang nghiêm chỉnh, an toạ, có thị nữ cầm quạt đứng hầu. Tuỳ theo năm, tháng sinh của người phụ nữ mà nơi bà ngồi có thể là trên đài sen, ngai hay trên lưng con cá chép, con rồng hay con voi trắng, và số lượng thị nữ có thể từ 2 đến 12 người.

Phong phú và dụng công nhất là tranh cúng lễ thành thai: gồm các tờ sính lễ, tranh Diêm Vương, ngũ vị hoàng tử, tam vị Phạm tính, tranh bà Mẫu Thoải (Thánh mẫu Thuỷ cung); tranh lốt tiền thai gồm tranh rắn, rồng cuộn, rồng hổ phù và các vật dụng như giá bổn mạng, lầu gác, thuyền rồng, nhà cửa, voi ngựa, chậu hoa và ông đốc chèo thuyền.

Tiêu biểu nhất cho tranh làng Sình là bức Bà Mẫu Thuỷ Cung (bà Mẫu Thoải) với bố cục và lối tạo hình độc đáo, đẹp và đượm màu thần thoại.

Với những quan niêm tâm linh sâu sắc và bức thiết như trên, việc thực hiện loại tranh mộc bản này có một quy trình khá phức tạp. Sở dĩ loại tranh đòi hỏi sự công phu và kén chất liệu này tồn tại đến ngày nay là do sự cần cù khéo léo của bàn tay con người cũng như phần nào ưu đại của “thiên thời địa lợi” nơi đây. Nói như vậy là vì nguyên liệu để thực hiện một bức tranh được thu thập từ các không gian sinh thái như đầm phá, rừng, vườn cây, đồng ruộng…là một dạng sinh thái đặc thù hội tụ trên đất Huế. Chính đặc điểm này mà nghề tranh của cư dân nơi đây có thể phát triển và duy trì trong một khoảng thời gian dài như thế.

Ngày nay, tôi vẫn thấy các bà, các mẹ xứ Huế trân trọng nâng niu những bức tranh cúng đẫm màu sắc dân gian này, họ thường đặt tranh trên những trang thờ, là một thứ lễ không thể thiếu trên mâm cúng ngày tết, rằm, lễ, đám hay việc cúng sao hàng tháng. Đặc biêt, sau sự kiện thất thủ kinh đô vào năm 1885 tại Huế, việc cúng các loại tranh này vào ngày 23.5 hàng năm sau này càng phổ biến rộng rãi trên khắp mọi miền thần kinh. Đó không chỉ là văn hoá tâm linh nữa mà đã trở thành biểu trưng của lòng trắc ẩn giữa con người với con người, giữa đồng loại với đồng loại, giữa người sống và người quá cố… Trãi qua hơn 5 thế kỷ xuất hiện, phát triển và duy trì dưới sự tác động không hề giống nhau của các cơ tầng văn hoá khác nhau trong nhiều thời đại, Tranh làng Sình vô hình đã tạo nên một màu sắc văn hoá đặc trưng mang phong vị đậm đà của vùng đất linh thiêng kinh kì.

Cuộc sống là một chiếc mạng nhện kì phu và tất cả dòng sông đời đều chạy về tương lai. Quá khứ vô hình mặc lên mình chiếc áo của tàn phai và lãng quên. Vì vậy, để hiểu rõ về nguồn gốc hởi sự cũng như quá trình phát triển Tranh làng Sình thật khó lòng tìm được câu trả lời thoả đáng. Bên cạnh những giá trị văn hoá đã tạo dựng thì chúng ta cũng không quên đưa ra những phương pháp thích hợp nhất để bảo vệ, giữ gìn dòng tranh mộc bản truyền thống này trước nhịp sống văn minh, hiện đại đang ngày càng vươn mình xa hơn, len lõi nhanh hơn vào đời sống tinh thần, vật chất của con người. Nhu cầu tín ngưỡng cũng như thẩm mỹ xứ Huế và một số tỉnh miền Trung có phần đổi khác trở thành quy luật tất yếu. Ở một khía cạnh nào đó, những dòng tranh tượng đồ mã cao cấp hiện đại đã nhanh chóng đẩy lùi sự phát triển, khiến dòng tranh này co lại cả về số lượng lẫn đề tài. Việc duy trì nghề tranh truyền thống vì thế mà đứng trên ngưỡng cửa dao động, các gia đình làm tranh không còn mặn mà nhiều với nghề. Quan trọng hơn, cách tạo hình tranh ngày nay đã ít nhiều thay đổi do dùng màu sắc dược làm từ hoá chất, các ván in đã bị mai một, hư hỏng, được tác tạo mới một cách thô cứng và rối rắm cũng góp phần làm giảm giá trị tạo hình nguyên sơ của tranh, mất đi vẻ đẹp mộc dị, gần gũi nhưng hàm chứa đặc trưng nghệ thuật lâu đời của Huế xưa.

Tp. Hcm. 04.2008

.

Tư liệu tham khảo:

“ Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế ” – Nguyễn Hữu Thông ( chủ biên ).

“Huế của một thời” – Võ Hương An.

“Quần thể di tích Huế” – Phan Thuận An.

“Tiến trình lịch sử Việt Nam”

“Mỹ thuật của người Việt” – Nguyễn Quân, Nguyễn Phan Cẩm Thượng.

“ Tranh dân gian Việt Nam” – Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ.

Và các Tạp chí thông tin Mỹ Thuật, nghiên cứu Mỹ Thuật…

.

 

THU


Những nét vẽ mùa thu vàng úa
Lá mục màu động khẽ
Chạnh nhau

Bụi trần gian so nhẹ khúc liêu sầu
Vòng xe gió
Quay đầu tìm thu trước
Gã khách nào qua đây hỏi mộng ước
“Tình yêu đầu ai đổi bán khách ơi”
Thu vẫn thế...
Có ai đổi chân trời
Gom mây trời xua đi ngàn xác lá...
Dưới khe vàng trăng có về chốn lạ
Phong kín rèm thưa mộng ước xa xăm
Chuông chùa gần
Một giấc mộng ngàn năm
Phút chốc qua tay... Ừ thôi!

Thời gian nhỏ


(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.