Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Trang văn NGUYỄN TRẦN BẢO UYÊN

Giới thiệu Nguyễn Trần Bảo uyên, thành viên CLB Sao Khuê

 

3816978142_acaceddd8a_m

 

Phước Tích quê tôi

Phước Tích quê tôi – một ngôi làng cổ bình dị, mộc mạc. Khác với những ngôi làng khác, nó không nằm trên một địa vị cao sang hay một miền đồng bằng cát trắng mà nó lại nằm bên cạnh dòng sông Ô Lâu xanh mát, tạo thêm vẻ cuốn hút hơn bao giờ hết cho du khách đến đây. Dòng sông Ô Lâu xanh ngắt, bên hàng tre rì rào trong gió sớm, đượm lên mình màu nắng chói chang của ngày hạ. Và nếu nhìn bên kia sông, đó là miền đất Quảng Trị - miền cát trắng.

Phước Tích được thiết kế độc đáo với những ngôi nhà cổ gần 200 tuổi mà người ta còn gọi là nhà rường. Đường vào đó rất đẹp. Nó làm tôi cảm thấy thú vị vô cùng. Hai bên là hàng phi lao xanh ngắt, núp bóng mình dưới những tàu lá chuối nõn nà, loài hoa dại e thẹn, che mình dưới tán lá xanh rì. Hàng cau nghiêng mình như đang đợi nàng bướm đến múa vui, cây tử vi nhẹ nhàng rung mình trong nắng sớm. Và đặc biệt ở ngôi làng Phước Tích này, các cụ rất thích trồng hoa và có các loại hoa quý như hoàng lan, ngọc lan, hàm tiếu… chúng đẹp quý phái và tinh khiết cũng như bản chất của con người nơi đây vậy. trong ngôi làng này, con cháu đều rất học rất giỏi và đỗ đạt cao…

Nhà rường như một bức họa cổ. những nét chạm trên các vì kèo, xuyên, trách… cực kỳ tinh tế. Ở gian giữa, cột nhà khắc hình con rồng mềm mại và phụ thêm những bức hoành phi, câu đối. Trên trần nhà, người ta làm những cái tra. Cái đó người ta dùng để cất giữ những thứ quý giá của dòng họ. Vì thế mà người ta có câu: “Hai chữ tiền bạc ta chôn xuống đất, hai chữ nhân nghĩa ta cất lên tra…”. Vì được lợp ngói và nằm bên cạnh dòng sông Ô Lâu nên những ngôi nhà rường này rất mát.

Bên cạnh đó, nơi đây còn có chàng chục công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, nhà thờ họ… phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng có dấu tích của nền văn hóa Chăm cổ. Đây cũng chính là điều thiết yếu để dân làng thường tổ chức các lễ hội, nó rất phong phú và đa dạng.

Tôi lại đến những bến dọc sông Ô Lâu. Nào là bến Đình, bến cây Cừa… nhưng tôi chỉ dừng chân ở bến Đình. Nó đã được tu sửa nên rất khang trang. Tôi ngồi lại nhẹ nhàng khoác nước lên mặt, một cảm giác thật tuyệt vời biết bao. Trong phút giây đó, nó gợi lại cho tôi hình ảnh của làng quê xưa, hình ảnh của người mẹ đang trông ngóng đứa con thơ lớn lên từng ngày, hình ảnh của những chú gà lon ton trên bàn tay âu yếm của nội… và tình cảm quê hương nơi tôi đang sống. Bỗng dưng tôi khao khát được thả mình trên dòng sông của tuổi thơ ấy, được lằng nghe tiếng mẹ ru hò… Một lát sau tôi mới nhẹ nhàng gõ vào tâm hồn cho đến khi nghe vang vọng bên tai mình tiếng hát: “Ôi! Quê tôi đẹp làm sao dòng sông lấp lánh nắng hè, dòng sông Ô Lâu dịu dàng tắm mát cho đàn trẻ. Ôi quê tôi có những cụ già thương con cháu vô bờ… Dòng sông Ô Lâu nơi con gái con trai hẹn hò bên những mùa trăng tỏ…”. Tôi đến ngồi nghỉ bên thành bờ đê lắng nghe tiếng hát cuảt gió, tiếng xào xạc của lá cây và cả tiếng than thở ban trưa của những chuyến đò. Chỉ có những người bản xứ như tôi mới hiểu hết được những tâm tình của nơi này.

Tre nghiêng mình làm ô trên những con đường. Tôi lại đến với cây thị nhiều năm tuổi. Theo người dân nơi đây thì thị đã được hơn 1000 tuổi. Thị to lớn hơn tôi tưởng. Thân cây đồ sộ, cỡ 6 người mới ôm hết nó. Tán lá dang rộng, che phủ cả một khoảng không gian. Dưới thân cây có một hang nhỏ, ta có thể chui vào đó nhưng vì nhát gan nên tôi không tài nào chui vào đó thử, vì vậy tôi cũng không biết bên trong nó chứa gì. Tại nơi này, tôi được nghe bác Đào kể về nó khá nhiều, chúng tôi xếp lại thành một vòng tròn như đang đứng nghe kể chuyện cổ tích vậy. Những tán lá rì rào vỗ về, âu yếm những đứa trẻ thơ như chúng tôi. “Thị ơi! Thị rụng bị bà, bà để bà ngữi chứ bà không ăn”, câu chuyện cổ tích đó cứ tràn về trong tâm trí non nớt của tôi khiến tôi khó tài nào để cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của thị.

Buớc chân lại đưa tôi đến với nghề gốm nơi đây. Gốm và các sản phẩm gốm là yếu tố không thể thiếu để tạo nên giá trị di sản văn hóa độc đáo của làng Phước Tích. Gốm được làm rất tinh xảo với những nét chạm trỗ tinh vi, mềm mại, trông rất bắt mắt. Tuy hiện nay, nghề gốm đã ít tồn tại nhưng trong tương lai lò gốm sẽ đỏ lửa trở lại, tuy đó đó là điều không dễ dàng chút nào.

Phước Tích quê tôi là vậy đó. Bình dị và mộc mạc nhưng luôn gợi trong lòng du khách một niềm mến thương klhó tả. Đến với nơi này như đến với quê hương, đến với cánh cửa của tâm hồn.


Nguyễn Trần Bảo Uyên


 

 

Bên bến Đình sông Ô Lâu, Phước Tích

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.