Articles
HỎI VÀ TRẢ LỜI VỀ THƠ LÁI GIỮA NHÀ THƠ TRẦN BÁ ĐẠI DƯƠNG VÀ VÕ QUÊ.
- Details
- Category: Sinh hoạt văn học nghệ thuật Huế
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5628
Tác giả Võ Quê
1. Anh quan tâm đến thể thơ lái từ khi nào?
Tôi quan tâm thơ lái khi còn là một học sinh Trung học. Bài báo đầu tay là Ca Dao Mẹ viết tặng nữ sinh Đồng Khánh tên Tiểu Kiều.(sau này là Mẹ Ca Dao) đăng trên tờ Tuổi Hoa của LM Chân Tín năm 1969 với bút danh Quỳ Lê có nghĩa là Quê lì.
2 . Bài thơ đầu tiên viết theo thể thơ lái ra đời trong hoàn cảnh nào ạ?
Bài thơ lái đầu tiên tôi viết sau cơn lũ thế kỷ 1999. Sau cơn lũ này thuyền Ca Huế trên sông Hương không hoạt động mấy ngày. Hai chữ “trời lụt” làm tôi liên tưởng đến hình ảnh ca nhi không còn cất tiếng ca “trụt lời” vì thiên tai trên kinh thành Huế.
3. Theo anh,làm thơ lái dễ hay khó so với làm thơ không lái? Vì sao anh theo đuổi dòng thơ này?
Làm thơ lái hay không lái đều có cái khó riêng. Thơ lái có phần vất vả hơn vì phải tìm cho ra những cặp chữ lái phù hợp với nội dung ngữ cảnh. Tìm được những chữ lái hay, tâm đắc là mừng lắm. Các cuộc hội ngộ với bạn bè, những lần tiếp xúc với công chúng cũng giúp cho tôi nhiều từ ngữ lái rất thú vị.
Tôi theo đuổi dòng thơ lái vì thơ lái phù hợp với tính cách trào phúng, hài hước, mĩa mai, châm biếm, phê phán các thói hư tật xấu giữa đời thường cũng như lên án những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong bối cảnh hiện nay của đất nước.
4. Đến nay anh đã sáng tác bao nhiêu bài thơ lái? Những nội dung ,đề tài mà thơ anh chạm tới?
Tôi đã sáng tác trên 50 bài thơ lái, năm 2010, NXB Văn Học đã cấp giấy phép cho tôi ấn hành tập đầu tiên với tên Ngược Xuôi Thế Sự. Sắp tới, nếu in tập tiếp theo tôi sẽ lấy tên Thế Sự Ngược Xuôi. Nội dung các bài thơ lái tập trung vào các vấn đề: ngợi ca cuộc sống, con người; phê phán các hiện tượng tiêu cực, thiếu lành mạnh trong xã hội cũng như các công trình văn hóa, lịch sử, kinh tế, thủy điện… làm di hại đến tính mạng, tài sản nhân dân, phá hoại cảnh quan môi trường; lên án nạn tham nhũng, sách nhiểu dân chúng; vấn đề hôn nhân dị chũng cũng là điều tôi quan tâm…
5. Xin giới thiệu những vần thơ lái mà anh tâm đắc nhất cùng hoàn cảnh ra đời của những bài thơ đó?
Những bài thơ lái tôi tâm đắc là “Thơ tặng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Trung ương Huế”, ngợi ca sự tận tâm, hết mình vì bệnh nhân cúa đội ngũ bác sĩ, y sĩ, y tá, của cán bộ công nhân viên Khoa Thận Nhân tạo; Là bài thơ “Giành nhau giàu nhanh” phê phán những công bộc lợi dụng chức quyền để tham nhũng; là bài thơ “Dầu xăng tăng giá”, “Vật giá leo thang” phản ánh trung thực nỗi khó khăn của dân nghèo trước cảnh xăng dầu, vật giá cứ leo thang; là bài thơ “Hôn nhân dị chũng” nói lên nỗi tủi nhục của một bộ phận phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn đã gặp nhiều nghịch cảnh oái ăm, có khi phải bị mất mạng ở xứ người.
6. Ở Huế hiện nay có ai sáng tác thơ lái như anh không? Theo anh thơ lái đã và sẽ có vị trí như thế nào trong đời sống văn chương Việt?
Ở Sài Gòn, nhà thơ Bùi Chí Vinh cũng có nhiều bài thơ lái rât độc chiêu mà tôi đã có dịp nghe anh đọc. Tại Huế trong mạch ngầm dân gian có lẽ còn có nhiều người làm thơ lái mà tôi chưa biết. Nhà thơ Ngô Kha (trùng tên với nhà thơ, liệt sĩ Ngô Kha) đã tặng tôi 25 bài thơ lái với một bút pháp trào lộng, dí dỏm và cũng rất quyết liệt khi lên án các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống. Chưa kịp in chung với anh một tập thơ lái thì rất tiếc là anh đã qua đời. Xin đọc hai bài thơ lái của anh Ngô Kha:
Lạc lối
Vi la đồ sộ sắm va li
Quyền được ký cho phải có chi
Tan tầm lo sợ tâm tàn phế
Đi đường lạc lối cuối đường đi.
Hưu vui thơ lái
Vòng lui thơ lái thêm vui lòng
Đong sầu gạt bớt nỗi sầu đông
Thú chí một mình càng chí thú
Cổng hưu khép lại những hữu công
Tôi nghĩ là thơ lái sẽ dần được định hình trong đời sống văn chương Việt. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú trên ba miền đất nước, mỗi miền có cách lái khác nhau và từ lâu đã đi vào đời sống thường nhật trên nhiều lĩnh vực. Tôi tin trong tương lai sẽ xuất hiện thêm nhiều cây bút về thơ lái.
7. Những mong ước,dự định của anh trong thời gian tới:
Tiếp tục theo dõi thời sự, cố gắng tìm cách để đi nhiều nơi để hòa nhập vào đời sống, tìm chất liệu sáng tác thơ lái. Tôi mong sớm được hình thành tập thơ lái thứ 2 “Thế Sự Ngược Xuôi”.
Tôi cũng rất mong ngày càng có nhiều người yêu thơ lái, đọc thơ lái và làm thơ lái.