NHẠC SĨ TRẦN HOÀN
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 26129
Trong tâm thức giới văn nghệ sĩ Huế, nhạc sĩ Trần Hoàn là người anh lớn...
Trong tâm thức giới văn nghệ sĩ Huế, nhạc sĩ Trần Hoàn là người anh lớn của phong trào văn học nghệ thuật trong những năm qua. Người anh lớn đúng nghĩa của tình thân ái, nhân hậu đã từng gắn bó với nhiều thế hệ làm công tác văn học nghệ thuật qua hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ hòa bình sau năm 1975.
Tuổi nhỏ chúng tôi, từ những năm lên chín, lên mười đã thuộc lòng Sơn nữ ca, Con trâu kháng chiến, Lời nguời ra đi qua giọng hát của những người lớn tuổi trong các buổi văn nghệ ở đình làng, trường học. Âm hưởng, giai điệu, ca từ những bài hát ấy không ngờ lại trở thành chất liệu sống góp phần nuôi dưỡng, ươm mầm văn nghệ, tình yêu quê nhà trong lũ nhỏ làng quê chúng tôi…” Máu còn rơi, xương còn rơi, bao lớp người tiền tuyến tuôn ra ngăn quân thù dày xéo dân ta…”
.Những năm 70, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ yêu nước ở đô thị miền Nam đang trở nên cao trào, từ vùng địch tạm chiếm, tuổi trẻ học đường Huế đã vô cùng xúc động khi nghe trên làn sóng Đài Phát thanh Giải Phóng phát bài hát Lời ru trên nương, phổ từ bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hình ảnh em bé Akay qua giai điệu mượt mà, sâu lắng, rất tâm cảm đã gợi lên trong tuổi trẻ Huế tình yêu núi rừng đang đau thương, quằn quại dưới làn bom đạn Mỹ. Và bài hát Em thương người trong Huế đấu tranh của nhạc sĩ Trần Hoàn với bút danh Hồ Thuận An. “ Mưa lâm thâm ướt dầm lá khế, em thương người trong Huế đấu tranh…” với sự đồng cảm của anh dành cho phong trào đấu tranh chống Mỹ của sinh viên học sinh Huế đã rất kịp thời, hiệu quả. Những bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn trong giai đoạn này đã góp phần tiếp lửa cho những cuộc xuống đường đốt xe Mỹ trên đường phố Huế của đồng bào, thanh niên, sinh viên Huế. Anh Trần Hoàn ơi! khi em đang viết những dòng về anh trời Huế cũng đang mưa lâm thâm như thế. Có phải anh luôn có duyên chi với Huế mà đến khi anh qua đời ngoài Hà Nội thì những ngôi vườn Huế lá khế lại dầm mưa?
Từ tháng Tư năm 1975, giới văn ngệ sĩ ở Trường Sơn về, từ miền Bắc vào và lực lượng văn nghệ sĩ tại chỗ đã cùng nhau hội tụ tại địa chỉ 26 Lê Lợi Huế, chính nơi đây Hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế được hình thành và nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Thanh Hải là những người anh đầu đàn trong ngôi nhà văn nghệ ấy. Các anh đã xây dựng nền móng bền vững, dài lâu cho sự phát triển đội ngũ, phong trào văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế sau này.
Những năm tháng ở Huế nhạc sĩ Trần Hoàn cho dù bận bịu với nhiều cương vị công tác lãnh đạo, quản lý qua các thời kỳ như Trưởng ty Thông tin Văn hoá, Chủ tịch Hội Văn Nghệ , Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên… nhưng niềm say mê sáng tác âm nhạc của anh luôn thường trực trên từng cung đường, trong mỗi khi có thể có điều kiện sáng tác. Đối với giới văn nghệ sĩ Huế nhạc sĩ Trần Hoàn là tấm gương sáng về sức lao động nghệ thuật trên lĩnh vực âm nhạc.
Với bản tính nhân ái, độ lượng, hoà đồng, nhạc sĩ Trần Hoàn đã dễ dàng tiếp cận với mọi đối tượng để nắm bắt những thông tin, dữ liệu về cuộc sống đời thường, dân dã nhằm tạo nên những ca khúc chan chứa tình người, tình quê hương đằm thắm. Thêm vào đó, thời gian ở Huế, nguồn dân ca, ca Huế cũng là những chất liệu quý góp phần vào sự sáng tác của anh khi anh sử dụng, khai thác một cách tinh tế âm hưởng các điệu hát ru, các điệu hò quen thuộc của xứ Huế, và chính Huế là một miền đất trù phú về đề tài mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã dụng tâm viết nên nhiều ca khúc để đời, được công chúng yêu âm nhạc Huế hát, nhớ lâu như Nắng tháng Ba, Khúc hò khoan trên sông Hương, Một mùa xuân nho nhỏ ( phổ thơ Thanh Hải ), Sông Hương gọi sông Bồ, Những cô gái Vân Dương…
Những năm học ở Quốc Học Huế thời trai trẻ, những năm ở chiến trường Trị Thiên, những năm công tác tại Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hòa bình, có phải Huế đã trở thành một phần tinh huyết không thể thiếu trong quá trình sáng tạo âm nhạc của Trần Hoàn. Nhạc sĩ Trần Hoàn khi ra công tác tại thủ đô Hà Nội cũng đã có những lúc thưong nhớ Huế đến xót xa, nhất là lúc Huế vào mùa bão lụt. Có cái nhớ da diết ấy mà từ Hà Nội Trần Hoàn đã sáng tác hai ca khúc gửi vô tặng Huế: Nhớ Huế, Tiếng ai gọi đầu dây ở trong kia.
Thời gian gần đây, trong những lần về thăm Huế nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác ca khúc Chào năm 2000 với chất nhạc tươi trẻ, sôi động để chào thiên niên kỷ mới; nhân dịp Festival Huế 2002, nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đã sáng tác một ca khúc dành tặng Festival Huế 2002 với hình ảnh hoành tráng, ấn tượng “ Bay bay lên ơi Huế của ta ơi!...” qua tiết điệu sinh động, sôi nổi, hào khí.
Nhạc sĩ Trần Hoàn chừ đã vĩnh viễn rời xa Huế. Anh đã thực sự ra đi theo quy luật muôn đời. Nhưng rất may mắn cho Huế là con người tài hoa, nhân hậu ấy đã kịp gửi lại Huế những tinh hoa nghệ thuật. Người Huế từ thế hệ này sang thế hệ khác chắc chắn sẽ còn được nghe, được hát những bài tình ca quê hương của anh trong niềm thương yêu, trang trọng, những bài tình ca khởi đầu từ hướng bình minh “…Nắng đã lên rồi ơi cơn nắng tháng Ba!..."
Võ Quê
.
*****Mời các bạn nghe ca khúc:.Giận Mà Thương -TRẦN HOÀNMỹ Hương trình bày.Sơn Nữ Ca - TRẦN HOÀNÁnh Tuyết trình bàyNhạc sĩ Trần Hoàn (1928 – 2003) là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Sơn nữ ca, Tìm em, Lời người ra đi, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Kể chuyện người cộng sản, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm... Ông còn từng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam.http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=DixKphoDyi
.
Sơn Nữ Ca - TRẦN HOÀN
Elvis trình bày
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=mTACiqSTBl
&
TÓM TẮT TIỂU SỬ NHẠC SĨ TRẦN HOÀN
Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê quán Hải Lăng, Quảng Trị. Bố của ông là người rất yêu thích âm nhạc và sành sỏi về ca Huế, hát bội, nhạc Tây. Trần Hoàn tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ năm 16, 17 tuổi.
Năm 1935 Trần Hoàn theo học tại Quốc học Huế. Ông bắt đầu nối tiếng với ca khúc Sơn nữ ca viết năm 20 tuổi khi đang ở chiến khu Quảng Bình. Trần Hoàn tham gia kháng chiến, đến ngày hoà bình lập lại, ông về làm giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng. Năm 1964 ông trở lại chiến trường Bình Trị Thiên với bút danh Hồ Thuận An, thời gian này ông sáng tác những bài hát như Tiếng hát trên Gio Cam giải phóng, Lời ru trên nương...
Sau 1975, Trần Hoàn là trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên. Sau đó ông giữ các chức vụ trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội, bộ trưởng Bộ Thông tin, bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông Tin, Phó ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương, Chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam.
Những sáng tác của Trần Hoàn khá phong phú, từ những ca khúc thời kỳ đầu mang tính trữ tình như Sơn nữ ca, Lời người ra đi... cho tới những bài hát Lời ru trên nương, Tình ca mùa xuân, Nắng tháng Ba, Một mùa xuân nho nhỏ... và mang đậm chất dân ca như Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Lời Bác dặn trước lúc đi xa...
Ông mất ngày 23. 11. 2003 tại Hà Nội.