NHẠC SĨ CHÂU KỲ THANH THOÁT TÌNH CA
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 13696
NHẠC SĨ CHÂU KỲ
THANH THOÁT TÌNH CA
Tư Liệu
CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI NHẠC SĨ CHÂU KỲ
NHÂN ĐẦU NĂM ĐINH HỢI
Bà Kha Thị Đàng, phu nhân nhạc sĩ Châu Kỳ, cười thật tươi khi được hỏi chuyện chồng con. Bà bảo, lấy chồng nghệ sĩ, lại sinh đúng tuổi ...........Hợi (1923) nên ông ấy phởn phơ lắm, còn mình thì ......mệt đứt hơi. Tuy nhiên, sự mệt đứt hơi của bà đã được đền đáp xứng đáng: năm 2005 ông bà đã được bạn bè, con cái tổ chức kỷ niệm đám cưới vàng - nửa thế kỷ ở bên kia nửa vòng trái đất.
Năm 1955, cô nữ sinh áo tím trường Gia Long - Kha Thị Đàng - lên xe hoa với chàng nghệ sĩ lớn hơn mình 15 tuổi, đã gãy đổ chuyện tình duyên một lần. Trước quyết định ấy, "vọng tộc họ Kha" nổi tiếng ba thế hệ của xứ Sàigòn - Chợ Lớn cảnh báo: Lấy chồng nghệ sĩ...chỉ ở nhà thuê, ăn cơm quán, mau chán "cơm" nhà....Nhưng rồi thưong con gái út, ba mẹ cô cũng tổ chức một đám cưới đàng hoàng và là đám cưới đầu tiên trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ.
Bà Đàng kể: "18 tuổi lấy chồng, hành trang làm vợ, làm mẹ của tôi là chiếc áo dài của cô nữ sinh đã từng vượt qua 3000 thí sinh khác để được đứng vào 300 thí sinh đầu bảng đậu vào trường nữ Gia Long, mà vạt trước là bốn chữ công - ngôn - dung - hạnh được học ở trường, còn vạt sau là năm điều nhắc nhở của gia đình: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín....cùng với hai bàn tay không và bắt đầu cuộc đời "lang bạt kỳ hồ" với lịch sinh hoạt đều đặn: Sáng ngủ. Trưa ăn sáng. Chiều ăn trưa. Tối đi hát. Khuya ăn chiều rồi chui vào cái nhà kho tồi tàn bỏ trống của một ngôi biệt thự để chờ vòng quay mới".
Tám mươi tư tuổi, nhạc sĩ Châu Kỳ đã dừng bước giang hồ nhưng ông vẫn giữ được nét hào hoa của một chàng lãng tử ôm đàn guitare nghêu ngao cùng trăng với gió ngày nào. Ông kể: "Tôi sinh ra từ làng quê nghèo của đất thần kinh. Muốn sang phố thị, phải qua một chuyến đò dọc. Cha tôi có bằng tú tài chữ nho, là thầy đồ nhưng cũng là bậc thầy ca cổ Huế. Tôi bỏ Quốc học Huế nửa chừng theo gánh hát của nguời chị ruột để bớt gánh nặng gia đình cho mẹ. Bão lụt năm Thìn, từ Hà Nội tôi quay về Huế, cũng là ngày mẹ tôi bị nước cuốn trôi..."
Đến đây, đôi mắt của người nghệ sĩ đa cảm chợt long lanh một ngấn lệ khô dưới tròng kính lão. Đôi mắt buồn xa xăm của ông như gác lên ngọn ngọc lan trước cửa rồi bật thành lời nho nhỏ ca khúc đầu tay của mình về kỷ niệm buồn này.: Thôn xưa ôi giờ đây nát tan/ Đò vắng không người sang/ Thôn xóm thêm điêu tàn/ Xa xa nghe tiếng chim kêu đàn/ Nghe suối reo bên ngàn/ Dường như oán như than...(Trở về).
Bà Đàng lặng lẽ đẩy ly nước trà về phía khách. Nụ cười bớt tươi nhưng đầy ắp tình yêu thương chồng. Dường như cảm xúc của bà cũng chùng lại theo tâm trạng của người bạn đời. Bất giác, bà lên tiếng: "Thực sự, tôi cũng quá khổ vì ổng. Nếu tôi không phải là tôi, có lẽ cũng chẳng có một "Thi đàn Kỳ Duyên" cho đến bây giờ. Những năm tháng đầu làm vợ, tôi cũng nghĩ mình sẽ thành một ca sĩ tài danh. Tôi đã học ký âm pháp, học thanh nhạc với thầy Marcel, người Pháp; cũng tham gia dự tuyển tài tử do đài phát thanh Pháp Á tổ chức...Nhưng càng sống trong nghiệp cầm ca, tôi càng ý thức được tâm hồn người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ sáng tác, luôn phải biến đổi để có cảm hứng. Và, tôi đã buồn cho số phận, vì dầu sao tôi cũng là người đàn bà còn quá trẻ. Thậm chí, nhiều khi tôi cảm thấy hạnh phúc của mình quá ư mong manh. Có lúc, tôi từng tuyên bố: "Tôi không ràng buộc gì anh, chấp nhận dang dở, miễn dang dở ấy đừng xảy ra ở thành phố này - nơi mà cha mẹ, ông bà tôi đang sinh sống. Anh có thể ra đi, miễn là con để lại tôi nuôi".
Ông nhìn tôi cười. Nụ cười của một ông già vừa biết lỗi với vợ, lại vừa tự hào về sự hào hoa không phải ai cũng có ở mình. Ông thừa nhận: Chồng già vợ trẻ là tiên. Một trong những điều làm ông giữ kịp thăng bằng trong tình cảm vợ chồng chính là sự chín chắn và thấu hiểu chồng của vợ. Ông kể: "Tôi tuổi Hợi, bà ấy tuổi Dần, đẻ con gái đầu lòng tuổi Tỵ...đúng chóc "tứ hành xung"....Người quen khuyên bà ấy đem con để ở góc đường, họ ra mang về rồi tôi tới xin lại làm con ........nuôi để hóa giải sự xung khắc. Nhưng bà ấy bảo, mẹ nào làm được vậy. Thà chấp nhận cực khổ, nghèo đói để giữ con ruột của mình". Chín năm trời cực nhọc như vậy, nhưng chưa bao giờ gia đình vợ biết tôi nghèo.
Khi vợ tôi sinh đứa con thứ hai, không có tiền phải nằm phòng sinh hạng ba. Nghe bố sẽ vào thăm, để giấu nghèo, vợ tôi đã bảo tôi ra hãng đĩa Việt Nam, bán trước hai tựa bài nhạc lấy tiền chuyển sang phòng hạng nhất mà nằm. Bố đến, thấy xúc động, đưa cho hai vợ chồng 2000 đồng, đặt tên cho thằng cháu nội là Tài. Một điều may mắn chưa bao giờ có tiền lệ trong gia đình. Có lẽ trời thương, nên sau sự kiện đó vợ chồng tôi phất lên. Không chỉ mua được nhà mà hãng đĩa nhạc còn mang cả chiếc xe hơi đến tận nhà để được độc quyền phát hành các nhạc phẩm của tôi sau bài Sao chưa thấy hồi âm.
Đó cũng là thời điểm tôi đứng bên bờ vực thẳm của nguy cơ đổ vỡ gia đình. Bản năng hưởng thụ ngày càng thể hiện rõ nơi con người ông ấy. Những canh rượu, bạn thơ, ban nhạc nối nhau suốt ngày đêm. Xài tiền như nước. Ông ấy càng huy hoàng, tôi càng thu mình lại để lo cho hai con. Tôi không thường xuyên xuất hiện bên ông ấy nơi đông người, cũng không làm cho ông ấy mất hứng sáng tác những bài hát lãng mạn như ông ấy muốn. Bề ngoài, tôi luôn thể hiện sự tự hào, thể hiện nghị lực của một người "có học", nên những bóng hồng lởn vởn quanh ông ấy không đáng để mình bận tâm, nhưng tận sâu thẳm của tâm hồn, tôi vẫn là người đàn bà với nỗi buồn ray rứt thâu đêm...Tôi quyết định tự thân vận động: xin vào làm ở nhà máy giấy Cogivina (nhà máy giấy Tân Mai bây giờ). Tiền ông ấy, mặc sức ông ấy xài, chỉ về nhà để ăn khuya và ngủ. Nhưng được một điều, dù về khuya thế nào bao giờ ông ấy cũng mang về một món ăn ngon cho vợ con".
Bà lên lầu mang xuống cho chúng tôi xem bộ sưu tập 185 bài hát do ông sáng tác với những dòng giới thiệu hoàn cảnh ra đời của từng bài do chính tay bà viết. Tôi nhận ra một loạt các bài hát rất quen thuộc với rất nhiều người: Huế xưa, Hương Giang còn tôi chờ, Thương về miền Trung, Nén hương yêu...... Rồi bà chỉ cho tôi xem ca khúc Giọt lệ đài trang mà bà đã gợi ý cho chồng sáng tác, để kỷ niệm một chuyện tình khó quên của chồng vớí người con gái tên Sum - là lá ngọc cành vàng ở miền cát trắng thùy dương. Bà bảo, phận đàn bà với nhau, bà hiểu được tình yêu của Sum đối với chồng mình. Nhưng, cách bà nói cũng khiến nhiều người hiểu thêm rằng, đó cũng là một nghệ thuật giữ một người chồng nghệ sĩ hơn 50 năm qua của một người vợ có hiểu biết.
Mời các bạn nghe ca khúc
HUẾ XƯA - Châu Kỳ
Hà Diệp & Hoài Phương trình bày
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=fSYJGvjM7f
* Nguồn: Nguyễn Thiện (báo Phụ Nữ tân niên)