NHẠC SĨ LÊ PHÙNG - CUỘC SỐNG LÀ NGUỒN CẢM XÚC TRONG SÁNG TÁC
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 9536
“Câu hò quê hương trong ngần giữa thời gian cho dù đi..."
NHẠC SĨ LÊ PHÙNG
CUỘC SỐNG LÀ NGUỒN CẢM XÚC
TRONG SÁNG TÁC
Tuổi trẻ Lê Phùng là một thời sôi động với những sinh hoạt văn hóa văn nghệ học trò. Khi đang là học sinh trường trung học Nguyễn Tri Phương, trong các năm 1973, 1974 Lê Phùng làm trưởng đoàn văn nghệ học sinh, hào hứng tổ chức nhiều hoạt động ca hát cộng đồng, thu hút sự tham gia của thầy và trò nhà trường. Ngoài ra, vào những dịp hè Lê Phùng cùng bạn bè còn về tập hát cho các lớp học hè ở Xuân Phú. Qua những sinh hoạt năng động, tình nghĩa học đường, Lê Phùng tự thấy mình dần thích nghi với đám đông, hòa nhập vào nhịp đi của tuổi trẻ rồi từ đó gắn bó, thiết thân với môi trường tập thể trong thành phố Huế, nơi mà Lê Phùng được may mắn sinh ra (15.9.1957) và trưởng thành.
Do có năng khiếu về âm nhạc, năm 1968 Lê Phùng theo học trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ Huế, nhưng chỉ mới học một năm thì nghỉ học. Sau năm 1975, Lê Phùng học trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế và cũng phát huy khả năng tố chức các sinh hoạt văn nghệ nhà trường, sáng tác ca khúc, trong đó có tác phẩm đầu tay viết vào năm 1976 “Em là giáo viên nhân dân” được xem như là một dấu mốc đầu tiên trong quá trình sáng tác âm nhạc của Lê Phùng. Năm 1977, Lê Phùng chuyển sang một môi trường mới, khác hẳn không khí học đường, đó là tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong của thành phố Huế. Những năm tháng theo dân Huế đi vùng kinh tế mới Đắc Lắc, Lâm Đồng đã cho Lê Phùng nhiều chất liệu sống quý báu về tình yêu thiên trên nhiều miền quê hương, về tình người cùng những mối quan hệ nhân ái giúp nhau vượt lên những khó khăn, gian khổ, trong những ngày đầu thử thách trên những vùng đất mới.
Nội dung, đề tài của các tác phẩm âm nhạc của Lê Phùng thường gắn liền cuộc sống, con người đang cùng mình trải nghiệm Với Huế quê hương, Lê Phùng viết các ca khúc “Lời ru dòng sông”:” Quê hương em có dòng sông Hương trong ngần như câu hát, âm vang của dòng sông cho đời thêm tươi thắm. Em lớn lên trong đời sâu nặng lời ru…”, ca khúc “Thương mãi câu hò” gợi lên những mùa tranh đấu cũ và tình người xứ Huế sao mà thương mãi tình quê: “Câu hò quê hương trong ngần giữa thời gian cho dù đi mÔ một đời mong nhớ, mong lòng người Đông Ba ân tình sâu nặng còn in năm tháng trong những mùa đấu tranh…”.
Năm 1985, Lê Phùng được tiếp tục học âm nhạc tại trường Đại Học Nghệ thuât Huế với 4 năm trung cấp, 6 năm đại học. Thời gian học tập, rèn luyện chuyên môn của nhà trường đã gĩp phần rất lớn trong việc định hình tư chất, nghệ thuật âm nhạc của Lê Phùng, giúp Lê Phùng thể hiện những bước đi dài vào đời sống văn hoá, văn nghệ sau này.
Kỷ niệm đẹp mà lớn lao đối với Lê Phùng và kể cả của anh chị em phong trào là vào ngày 9.1. 1990, Thành đoàn Huế thành lập đoàn công tác xã hội của thanh niên Huế. Ngày 9.1, ngày sinh viên học sinh toàn quốc đã hoà nhập vào đời sống bằng những hoạt động xã hội thực tiễn mà không chỉ dừng ở cấp độ truyền thống, lễ nghi. Trong cương vị trưởng đoan công tác, Lê Phùng đã biết phát triển thế mạnh cộng đồng nhằm góp sức vào việc quan tâm đến những số phận, những con nguời bất hạnh mà trong đó trẻ em cũng là đối tượng cần quan tâm nhất. Ca khúc “ Ngôi nhà có ngàn tiếng ca”,” Bên em còn cuộc đời” của Lê Phùng được hình thành trong bối cảnh ấy: “ Ngôi nhà chúng em chan chứa bao tình yêu đón gió ngàn phương bao tấm lòng đầy yêu thương. Mơ cùng muôn sắc hoa dâng đời yêu thương…”, “ Những nẻo đường em lang thang qua phố, quen tên đường, chưa quen những rập rình bao gian nguy…Bên em còn cuộc đời với những tấm lòng đầy yêu thương…”.
Từ những thành tựu trong quá trình hoạt động và sáng tác âm nhạc, đầu năm 1990, Lê Phùng được kết nạp vào Hội Nhạc Sĩ Việt Nam và hiện nay anh đảm nhận một số chức vụ khác trong tổ chức Chi hội Nhạc sĩ VN, Hội Nhạc sĩ, Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế.
Từ 1.6. 1999 dù bận rộn nhiều công việc của một giám đốc Nhà Văn Hóa Huế, nhưng Lê Phùng thường tìm cách dàn xếp thời gian để dự các trại sáng tác ở trung ương, địa phương; có mặt trong các lần đi thực tế sáng tác về đề tài Công nhân, Biên phòng, đường Hồ Chí Minh lịch sử… Ca khúc “Trường Sơn hát" là một tác phẩm thành công được Đài TNVN dàn dựng, phát nhiều lần trên sóng.
Mảng tình ca cũng là một loại hình mà Lê Phùng có niềm đam mê khi sáng tác: “Thương con mắt em cười long lanh in sóng nước để thấy mình như ướt cả đời rêu rong. Lêu bêu suốt một đời, chiều nay trên bến đợi gọi tình ơi tình ơi”( Bến sông chiều). Ca khúc “Mưa” , tác phẩm đầu tiên của Lê Phùng được hãng Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh) đưa vào đóa CD 12 Nhạc tuyển Trẻ năm 2000 là sự cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên, về tình yêu trong cuộc sống “Mưa rơi rơi nghe lòng sao như chơi vơi. Hạt mưa long lánh như ngàn vì sao bâng khuâng…Mưa rơi rơi để nhớ một người…”. Năm 2001, Lê Phùng được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải C cho tác phẩm “Đoản khúc chiều trên cao nguyên”, được Lê Phùng viết tại trại sáng tác Đà Lạt do Hội LHVHNT TT Huế tổ chức.
Với độ tuổi đang còn trẻ trung, sung sức, tài năng của Lê Phùng hy vọng theo thời gian mà chín tới. Chúng ta tin tưởng và chờ đợi những ca khúc của Lê Phùng sẽ mãi ngân vang âm hưởng trữ tình, lãng mạn của cuộc sống quê nhà yêu dấu.
Võ Quê
.Bài đăng báo Tuổi Trẻ số ra ngày Thứ Bảy 19.3.2011.
10 NĂM VÀ MỘT CON ĐƯỜNG
Lê Phùng
TT - LTS: Ngay sau khi tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức đặt tên Trịnh Công Sơn cho con đường thơ mộng ven sông Hương (Tuổi Trẻ ngày 17-3), nhạc sĩ Lê Phùng (phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã gửi đến Tuổi Trẻ và gia đình Trịnh Công Sơn bài viết này.
Đường Trịnh Công Sơn được nằm trong vòng nôi thi ca Huế - Ảnh: Thái Lộc
Có lẽ không chỉ người dân Huế, hẳn mấy ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn trong và ngoài nước đều có cùng cảm xúc khi nghe tin về con đường mang tên người nhạc sĩ tài hoa, người con yêu quý của Huế - Trịnh Công Sơn - được tọa lạc tại vị trí hết sức thơ mộng của trung tâm thành phố, nối liền từ cầu Gia Hội ven sông Hương về đến bến đò Cồn.
Festival Huế 2000, khách sạn Morin (Huế) đã mời nhiều vị khách quý và văn nghệ sĩ trong nước về chơi, trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc ấy, anh Sơn vừa rời khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy, tuy sức khỏe còn yếu cũng thu xếp về Huế, không chỉ để dự festival mà còn gặp lại bạn bè, thăm lại Huế sau thời gian khá dài trên giường bệnh. Do có hẹn trước, sau cuộc gặp mặt tại khách sạn, tôi dìu anh Sơn băng qua đường Lê Lợi để gặp nhà văn Bửu Ý và họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đang đợi dưới gốc xoài “Vườn thiên đàng”.
Lâu ngày gặp nhau, anh em mừng quá... “Moi không uống bia được, bác sĩ cấm, moi chỉ uống nước suối, các toi cứ uống bia” (anh Sơn vẫn hay nói chen tiếng Pháp hai từ “tôi” và “anh” với bạn bè thân như vậy). Sau khi uống với nhau vài lượt bia, hàn huyên tâm sự đã nhiều, anh Bửu Ý và Hoàng Đăng Nhuận có việc phải về trước, còn tôi ngồi lại với anh Sơn. Lúc này trời bắt đầu đổ mưa.
“Mưa Huế đẹp quá, moi thèm mưa Huế dễ sợ”. Anh chỉ tay ra phía dòng sông, nơi có chiếc cầu thang nép mình bên bờ taluy của đường Nguyễn Đình Chiểu: “Ước chi mai mốt mình có căn nhà nổi ở đó để ngắm sông Hương”. Rồi anh quay sang nói với tôi: “Sau ni moi có về với cát bụi, toi xin các anh nếu có đặt tên đường cho mình thì đặt ở những con đường nào mà chưa có tên, vì nếu có tên rồi mà thay tên mình vào, tội”.
Tháng 10-2010 tôi cùng nhà nghiên cứu Trần Thanh, người được thành phố Huế giao chủ trì đề án đặt tên đường của Huế, trao đổi với nhau sang năm 2011 là 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên chăng xin thành phố đặt tên đường Trịnh Công Sơn.
Nhớ lại lời anh Sơn trước đây, tôi nói với Thanh nên tìm con đường nào đó chưa đặt tên, và nếu được nằm cạnh bờ sông Hương thì quá đẹp. Ban đầu có ý định đặt tên đoạn từ chùa Linh Mụ lên Hương Hồ vì đây là đoạn đường rất đẹp, một đoạn đường có thiên nhiên hữu tình, có núi có sông liền kề và nếu du khách viếng chùa Linh Mụ hẳn sẽ mong ước được đặt chân trên con đường Trịnh Công Sơn. Sau đó thấy không ổn vì vốn con đường này đã có tên.
Một buổi chiều, tôi cùng bạn bè ngồi trên con đường mới mở dọc bờ sông Hương, cạnh phố cổ Gia Hội. Chiều xuống quá đẹp, mặt sông Hương phẳng lặng, cồn Hến tỏa khói lam chiều. Ừ nhỉ, vì sao không chọn con đường này để đặt tên đường Trịnh Công Sơn? Vừa hữu tình, hữu lý, không chỉ tình cảm của Trịnh Công Sơn yêu sông Hương đến nhường nào mà trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của anh có quá nhiều ca khúc hay viết về dòng sông.
Nếu con đường Trịnh Công Sơn được đặt ngay trung tâm thành phố này, vừa có công viên, vừa có dòng sông, cảnh sắc thơ mộng, hẳn sẽ níu chân du khách thập phương khi đến thăm Huế. Được tản bộ trên đường Trịnh Công Sơn, được đắm mình trong không gian yên ả để thả hồn, để hoài niệm và để nghe đâu đó vang lên những giai điệu quen thuộc nhạc Trịnh thì quả là hạnh phúc. Và quan trọng nhất là không phải thay một cái tên của ai trước đó như lời anh dặn.
Rất tâm đắc với ý tưởng này, anh Trần Thanh đã đến ngay đơn vị thi công con đường xin những số liệu liên quan để lập hồ sơ. Càng bất ngờ hơn, chỉ mới nghe con đường mới mở ven dòng sông Hương được đặt tên Trịnh Công Sơn, nhiều người dân Huế đã biểu lộ sự đồng tình cao. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một lá thư gửi cho người bạn cũng đã viết: “Tương lai đó sẽ là con đường đẹp, thu hút khách du lịch, có thể nói là mơ mộng nữa. Tôi cho thành phố đã lựa chọn hợp lý”. Nhà thơ Võ Quê cũng có lý khi ví von: con đường Trịnh Công Sơn ở đó được nằm trong vòng nôi thi ca của Huế vậy.
LÊ PHÙNG
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/429605/Muoi-nam-va-mot-con-duong.html
********
Nguyễn Việt, Lê Phùng, Trần Hữu Pháp, Minh Phương
.
Hàng sau: Minh Phương, Lê Phùng, (?) Hàng trước:Phó Đức Phương, Trần Hữu Pháp, Hà Sâm****Xin mời các bạn nghe1) Ca khúc CÙNG CƠN MƯA - Lê Phùng2) Ca khúc THƯƠNG MÃI CÂU HÒ - Lê Phùng