Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHẠC SĨ TÔN THẤT LẬP - LÃNG MẠN, HÀO HOA VÀ DŨNG KHÍ

Giới thiệu nhạc sĩ Tôn Thất Lập hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.


images1543346_TonThatLap

 

 

NHẠC SĨ TÔN THẤT LẬP - LÃNG MẠN, HÀO HOA VÀ DŨNG KHÍ


Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Huế. Anh đã sáng tác và hát trong những cuộc xuống đường, hát trong tù, hát trong “Những đêm không ngủ” tại Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Phan Thiết, tại Pháp, Canada, Bỉ… trong những năm chống Mỹ. Hiện nay anh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc. Qua trên 40 năm hoạt động âm nhạc của một nhạc sĩ- chiến sĩ Tôn Thất Lập đã được sự yêu mến của đồng nghiệp và rất đông đảo công chúng yêu thích âm nhạc, nhất là trong nhiều thế hệ trẻ.

Từ những năm 60, tại Huế nhiều người am hiểu âm nhạc đã biết và thuộc lòng những bản tình ca của Tôn Thất Lập như “Những con đường nhỏ”, “Tiếng hát về khuya” cùng một số ca khúc khác trong tập “Phố Ca”. Với chủ đề tình yêu, về thân phận con người đan xen giữa khổ đau hạnh phúc, những tình khúc của anh trong giai đoạn này đã mang đến cho công chúng sự đồng cảm chân thành, sâu sắc và được phổ biến sâu rộng trong đông đảo thanh niên, sinh viên học sinh Huế.

Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, đời sống, bộ mặt đô thị miền Nam hoàn toàn bị xáo trộn, thay đổi khi có sự hiện diện của đội quân xâm lược Mỹ cùng với dòng văn hóa lai căng, đồi trụy đã khiến người có ý thức dân tộc cảm thấy bị xúc phạm và vô cùng phẫn nộ. Với cương vị Trưởng đoàn Văn Nghệ Sinh viên Học sinh Sài Gòn được thành lập từ ngày 15. 5. 1965, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các “nhạc sĩ sinh viên” Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên, Trần Nhật Nam… thực hiện phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe góp phần làm vũ khí đấu tranh hữu hiệu để chống lại các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc, phản động lúc bấy giờ; góp phần hiệp đồng với mặt trận đấu tranh đô thị qua các cuộc hội thảo, xuống đường, những đêm không ngủ, các chiến dịch đốt xe Mỹ… mà các hoạt động tiêu biểu, để lại nhiều ấn tượng là các hoạt động văn nghệ trong Hội Tết Quang Trung Sài Gòn năm 1967; Đêm nhạc Tôn Thất Lập ở Đại Học Dược khoa Sài Gòn (1967) do Tạp chí Đất Mới của Sinh viên Luật khoa Sài Gòn tổ chức và tại Đại Học Khoa học Huế tháng 11.1968; Đêm thơ nhạc ở Đại Học Sư Phạm Huế vào tháng 12. 67; Đêm Hội thảo của Sinh viên Sài Gòn ngày 27. . 1968. Và chính trong Đêm Văn nghệ vì Hòa Bình tổ chức tại trường Đại Học Nông Lâm Súc Sài Gòn (27. 12. 1969) đã chính thức ra mắt tên gọi HÁT CHO ĐỒNG BÀO TÔI NGHE, khẳng định rõ nét nhất tính chiến đấu của phong trào văn nghệ sinh viên học sinh ở các đô thị miền Nam. Phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe đã phát triển và lan tỏa ra các đô thị khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết… Tiếng hát tranh đấu tiếp tục vang lên tại giảng đường Đại Học Sư Phạm, Đại Học Khoa Học Huế (6. 8. 1970), tại Hội quán Thanh Niên Phan Thiết (1972) và còn cất cánh bay xa hơn, vượt bờ cõi Việt Nam, khơi dậy lòng yêu nước của những người con đất Việt và lôi cuốn thanh niên trí thức tiến bộ thế giới ở các nước như Pháp, Tây Đức, Canada, Nhật, Bỉ, Úc, Tân Tây Lan, Thụy Sĩ… và ngay cả trên đất nước Mỹ.

Mireille Garnel (Pháp) đã nói về sức mạnh của tiếng hát đấu tranh: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nẩy nở giữa gọng kềm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết. Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những anh sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của “lối sống Mỹ” đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom và chưa bao giờ họ được biết gương mặt của Hòa Bình” (Le Monde, 11. 2. 1972)

Với phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được xem là một cánh chim đầu đàn với những ca khúc đầy tình tự dân tộc, hào khí như: “Hát cho dân tôi nghe”, “Hát trong tù”, “Đồng lúa reo”, “Xuống đường”, “Người đợi người”, “Tiếng gọi Sinh viên”…

 

Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào
Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù
Hát âm u trong đêm, muơn cánh tay đang dậy lên
Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang

(Hát cho dân tôi nghe - Tôn Thất Lập)

Từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nguồn sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn liên tục, không ngưng nghỉ. Bên cạnh việc giữ những trọng trách công tác ở Sở Văn Hóa Thông Tin, Hội Âm Nhạc TP. Hồ Chi Minh, Hội Nhạc Sĩ Việt Nam… anh đã dành nhiều thời gian cho sáng tác ca khúc. Những chuyến đi điền dã trên nhiều miền tổ quốc, những lần thâm nhập thực tế ở các điểm nóng công trường, nông trường trong những ngày đất nước sôi động một không khí tái thiết quê hương sau chiến tranh của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tuổi trẻ Việt Nam đã mang lại cho anh nhiều cảm xúc mới đầy nhiệt thành về cuộc sống. Từ những tác phẩm được hình thành trong thời kỳ này, Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã rất chân tình và sâu sắc khi phát biểu : “ Nếu từ những năm 60 thế kỷ trước, bên cạnh các ca khúc phong trào, anh vẫn có tập bài hát “Phố Ca”, đó là những rung động của trái tim anh với hồn cảnh chung quanh mình khi ấy. Có thể nói, chất trữ tình lãng mạn cùng với việc kết hợp hài hòa của ngôn ngữ nhạc trẻ và sự suy tư, giờ đây dường như có điều kiện chấp cánh cho những sáng tạo mới của anh đi tới thành công. Một loạt tình khúc của Tôn Thất Lập ra đời như “Tình ca Mùa Xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Tình anh”, “Tình yêu mãi mãi” đến “Câu chuyện nụ hôn” rồi “Mưa rơi”, “Mưa thì thầm”… nhưng trách nhiệm công dân, trách nhiệm của anh vẫn vượt lên với bài hát “Trị An - âm vang mùa Xuân”được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Đúng như nhiều người đã nhận xét, tình khúc của Tôn Thất Lập rất tình cảm nhưng không bi lụy, say đắm nhưng không thô thiển, nhất là ý tứ ngôn từ được anh chắt chiu gạn lọc nhưng không đến nổi cầu kỳ, khó hiểu. Trong giai điệu của anh ẩn hiện đó đây những chạm trỗ trong hơi thở âm nhạc dân gian Huế…”

Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26.3.1975 - 26.3.2005), nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã trở lại quê nhà và hát trước công chúng Huế. Đây cũng là dịp để anh cùng với bạn bè hồi tuởng, phóng tâm về một thời Huế xưa đầy ắp kỷ niệm thanh xuân với “Những con đường nhỏ”, với dĩa hát “Tiếng hát về khuya” trong quán cơm sinh viên của chị Lợi ở đường Lê Đình Dương, Huế, với những đêm không ngủ bằng “Tiếng ca giữ nước”… Sau nhiều tháng năm dài xa cách quê hương, khi trở lại cùng nhân dân, bạn bè một thuở và các thế hệ trẻ nối tiếp thế hệ anh, anh đã hát rất thành công một số ca khúc mà anh từng cho ra đời tại thành phố Huế yêu thương.

Công chúng yêu âm nhạc Huế đã rất vui trước các công trình, tuyển tập ca khúc được xuất bản của nhạc sĩ Tôn Thất Lập từ trước đến nay: “Phố Ca”, “Hát cho dân Tôi nghe”, “Hát lời chiêm bao”,”Tình ca Mùa Xuân”, “Tuyển tập Tôn Thất Lập”, các Album nhạc: “Nụ hôn”, “Tình ca Mùa Xuân”, “Tình yêu mãi mãi”… Qua những sản phẩm tinh thần của anh, chúng ta cảm nhận được sự sung mãn, năng lực sáng tạo âm nhạc của một Tôn Thất Lập vừa lãng mạn, trữ tình, hào hoa, vừa sôi nổi, mãnh liệt, giàu dũng khí chiến đấu. Đặc biệt vào năm 1974, khi nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp hoạt động trong chương trình ”Những đêm không ngủ”, một số ca khúc của anh đã được tuyển in trong tập “Những cánh chim từ vùng lửa đỏ” xuất bản tại Paris, đánh dấu một sức sống bền bỉ trên mặt trận văn nghệ đấu tranh cách mạng miền Nam, khêu gợi được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và đã có những cống hiến xứng đáng cho nền âm nhạc đương đại của Việt Nam.

 

 

ton-that-lap

 

Hát cho dân tôi nghe - Tôn Thất Lập
Quang Lý trình bày

http://nhacso.net/Music/Song/Cach%2DMang/2008/03/05F65D2B/

Lúa reo trên khắp đồng bằng - Tôn Thất lập

Tốp ca

http://nhacso.net/Music/Song/Cach-Mang/2009/01/05F67F65/

Giao ca - Tôn Thất Lập

Tốp ca

http://nhacso.net/Music/Song/Cach-Mang/2009/01/05F67F61/

Từ sông Hương nhớ về sông Hát - Tôn Thất Lập

Ngọc Mai trình bày

http://nhacso.net/Music/Song/Cach-Mang/HK-Tuoi-Tre/2009/01/05F67F67/

Chúng ta đã đứng dậy - Tôn Thất Lập

Tốp ca

http://nhacso.net/Music/Song/Cach-Mang/2009/01/05F67F6D/

 

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.