HỒ ĐẮC TỪ TỪ NHÀ GIÁO THÀNH HỌA SĨ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5461
HỒ ĐẮC TỪ
TỪ NHÀ GIÁO THÀNH HỌA SĨ
Từ sau năm 1975, phong trào sáng tác, triển lãm tranh của giới mỹ thuật Huế ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống văn hóa Huế. Những sinh hoạt năng động, sôi nổi, có sức lan tỏa ấy đã làm sống dậy, kích thích nguồn sáng tạo của nhiều người yêu nghệ thuật tạo hình trên thành phố Huế, trong đó có Hồ Đắc Từ, một giáo viên dạy trường tiểu học.Hồ Đắc Từ quê quán ở An Truyền (làng Chuồn) xã Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, sinh năm 1942 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm Quy Nhơn, Hồ Đắc Từ đã dạy học cho học trò tiểu học ở nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Khánh...Năm 1967, ngoài thời gian “gỏ đầu trẻ” ở nhà truờng, Hồ Đắc Từ đã chịu khó tìm đọc, nghiên cứu, học hỏi về mỹ thuật từ các sách báo viết về hội họa bởi anh đã bắt đầu ham muốn, thích được vẽ tranh. Anh nghĩ rằng thông qua các tác phẩm hội họa, anh sẽ gửi gắm được những xúc cảm chân thật về những thực tế buồn vui giữa cuộc đời, về từng thân phận người khổ đau, hạnh phúc trong cuộc sống, về sự bi thảm, mất mát trong bối cảnh nông thôn, thị thành thời chiến tranh.
Trong những năm 60, tại vùng địch tạm chiếm Đà Nẵng, sơn dầu Mỹ bán tràn đìa trên phố, Hồ Đắc Từ đã dành phần lớn số tiền lương của mình để mua sơn dầu sáng tác tranh. Do tiếp cận nhiều với sơn dầu Mỹ mà có một thời gian dài Hồ Đắc Từ bị dị ứng da tay. Nguồn cảm hứng trong sáng tác tranh đã giúp cho Hồ Đắc Từ có điều kiện để luyện tay nghề. Năm 1968, chỉ trong một thời gian ngắn, tranh Hồ Đắc Từ đã treo chật những bức tường nhà. Tự học vẽ, tự nhìn ngắm tranh mình và chiêm nghiệm về người, về đời là niềm vui lớn của Hồ Đắc Từ trong thời gian làm thầy giáo.
Năm 1969, Hồ Đắc Từ được về lại Huế dạy học ở trường Tiểu học Ngự Bình. Như một cơ duyên, tại đây Hồ Đắc Từ gặp Lê Quý Long, một thầy giáo dạy vẽ cùng trường và cả hai người đều động viên nhau sáng tác tranh. Chính sự gặp gỡ thân tình, đồng điệu này đã giúp Hồ Đắc Từ hứng khởi, bền chí trong việc tiếp tục tự học hỏi, tự tìm tòi các phương pháp sáng tác. Tiếp theo cuộc triển lãm tranh cá nhân của Lê Quý Long (1990), được sự động viên của bạn bè thân hữu từ thời chung lớp đệ nhị C Quốc Học, trong đó có nhà thơ Trần Vàng Sao, năm 1991, Hồ Đắc Từ đã thực hiện thành công cuộc triển lãm đầu tiên của mình tại Huế. Phòng tranh đã gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong bằng hữu, đồng nghiệp cũng như giới thưởng ngoạn mỹ thuật Huế; tạo thêm niềm tin mới cho Hồ Đắc Từ vững vàng trên bước đường nghệ thuật về dài về lâu và giúp anh mạnh dạn tổ chức một cuộc triển lãm khác vào năm 1994 cũng tại Huế.
Năm 1997, Hồ Đắc Từ được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, sự kiện này là một khẳng định về những gì mà Hồ Đắc Từ đã cống hiến, đóng góp vào phong trào mỹ thuật tỉnh nhà. Từ khi trở thành một hội viên mỹ thuật của tỉnh, Hồ Đắc Tử đã rất tích cực trong việc tham gia vào nhiều hoạt động nghiệp vụ của hội, nhất là với các cuộc triển lãm chuyên đề hằng năm, triển lãm chung ở địa phương, khu vực...Năm 2002, Hồ Đắc Từ có một cuộc “hành phương Nam” thú vị, đầy kỷ niệm khi cùng triển lãm chung với Thân Trọng Minh và nữ họa sĩ Nguyễn Thanh Hằng tại Gallery Tự Do, thành phố Hồ Chí Minh. Từ các cuộc triển lãm trên, tác phẩm của họa sĩ Hồ Đắc Từ đã được xuất hiện trong các sưu tập tư nhân trong nước và ở Thụy Sĩ, Mỹ, Đức...Khi nhận diện chân dung Hồ Đắc Từ - người tự thân nỗ lực phấn đấu để thành công trong mỹ thuật - họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã tâm thành khái quát:
“Hội họa với anh là niềm khát khao cháy bỏng về sự tìm kiếm cái đẹp trong mỗi bản thể sự vật, sự cần thiết phải tìm ra ở đó cái cần nói và gửi gắm vào đó những tâm tưởng của mình, có khi là một mảng màu của những tố chất tạo nên nó, những vết tích chịu đựng, những ký hiệu mà sự vật ấy chuyển dịch. Anh đã vẽ cái anh tưởng nghĩ, chứ ít khi anh nói về cái dáng vẻ của cái vỏ ngoài, bởi có thể điều đó không cần thiết để đạt đến mà chính là tiếng thầm cất lên bằng chính sự cấu tạo của nó, màu sắc, đường nét đã giúp để nói lên điều cần nói của mình – dẫu rằng có giống ai đi nữa cũng là của mình” (Sông Hương số 182, 4-2004).