MAI VĂN TUỔI CAO CHÍ KHÍ CAO
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5756
MAI VĂN
TUỔI CAO CHÍ KHÍ CAO
Mai Văn là bút danh của Mai Văn Quấng, sinh năm 1936 tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Tốt nghiệp phổ thông xong, năm 1959, Mai Văn xin vào làm việc ở ngành văn hóa thông tin Huyện, chuyên kẽ vẽ khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, thực hiện các công tác tuyên truyền cổ động địa phương một thời gian rồi xin ra học trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. 5 năm theo học trung cấp môn đồ họa, Mai Văn đã tiếp thu thuần thục các vấn đề cơ bản của nghệ thuật tạo hình, niềm say mê các bộ môn hội họa điêu khắc cũng lớn lên từ đó.
Năm 1964 Mai Văn ra trường và xin vào miền Trung công tác. Với Mai Văn, miền Trung là nơi mà từ lâu anh hằng yêu thích. Mảnh đất Quảng Bình chính là nơi đã tạo cho anh nhiều kỷ niệm sống quý báu. Thời gian về công tác ở Ty Văn hóa Thông tin Quảng Bình, Mai Văn chủ yếu phục vụ trên lĩnh vực chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đây là những tháng năm gian khổ, ác liệt dưới làn bom đạn Mỹ, Mai Văn không có thời gian dành cho việc sáng tác. Anh chỉ biết ấp ủ, dồn nén những khát vọng sáng tạo của mình vào tâm khảm và chờ đợi.
Sau năm 1975, Mai Văn được về Huế công tác do nhập tỉnh Bình Trị Thiên. Từ đây, Huế cũng là nơi mà anh tâm niệm sẽ đưa vào tác phẩm của mình sau này. Năm 1978, ngón tay út bàn tay phải bị nhiễm trùng, phải cắt bỏ. Thiếu ngón út làm điểm tựa cho việc kẽ vẽ, Mai Văn lại xin đi học điêu khắc 5 năm tại trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Học xong, Mai Văn về công tác ở Công ty Mỹ thuât Huế. Việc đầu tiên tại đây là anh chuyên nặn tượng Bác Hồ để phục vụ kịp thời cho các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam. Những năm đầu giải phóng, tượng Bác Hồ không có nhiều vì vậy, Công ty Mỹ thuật đã nhận cung cấp tượng Bác cho nhiều nơi, trong đó có tỉnh Minh Hải đề nghị cung cấp đến 400 bức tượng Bác. Mai Văn còn nhớ rất rõ cảm xúc bồi hồi của mình khi nhìn những bức tượng Bác Hồ được dân làng trịnh trọng đưa xuống các chiếc xuồng tam bản theo các kênh rạch về những vùng sâu, vùng xa. Sự tôn kính, yêu thương dành cho Bác của nhân dân như thầm nhắc nhở Mai Văn phải nỗ lực hơn nữa, phải làm đẹp hơn nữa những bức tượng Bác Hồ.
Hiện nay, do đất nước đang ngày một phát triển, nhiều địa phương đang thực hiện nhiều thiết chế văn hóa mới có quy mô mới, phong phú, đa dạng. do đó, nhu cầu tượng Bác Hồ cũng tăng theo và xưỡng điêu khắc đầu tiên ở Huế của Mai Văn (81A, Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, Huế) lại có thêm nhiều đơn đặt hàng về tượng Bác. Bên cạnh việc làm tượng Bác, Mai Văn đã rất quan tâm đên việc sáng tác về những đề tài mà anh hằng ấp ủ trước đây. Đó là đề tài về chiến tranh cách mạng, về Huế. Anh tích cực tham gia hầu hết các cuộc triển lãm địa phương, khu vực, trung ương.Nếu không có dịp tiếp cận với nhà điêu khắc Mai Văn thì không hiểu được công việc thầm lặng mà rất hiệu quả của anh. Mai Văn đã thực hiện nhiều cụm tượng đài trong ngoài tỉnh như tượng Công Nông Binh ở nông trường Việt Trung (Quảng Bình), Cam Lộ (Quảng Trị), tượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tượng Du kích chiến khu Dương Hòa (Hương Thủy)...Khi có dịp nhìn ngắm lại những tác phẩm điêu khắc “Nữ thần sông Hương” ( triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2000), “Dân quân Ngư Thủy”, “Cô gái Sinh Viên Huế xuống đường”, phù điêu “Mười một cô gái Vân Dương” “Huyền Trân”, “Ngọc Hân Công Chúa”, “Bùi Thị Xuân”, tượng “Quán Thế Âm” cao 14m tại Thủy Bằng...người xem mới hiểu được tâm huyết, công sức của Mai Văn trong quá trình lao động,sáng tạo. Bao nhiêu lợi nhuận thu được trong quá trình hành nghề anh đều đổ dồn vào sáng tác điêu khắc. Trong khi phần lớn văn nghệ sĩ đều sinh sống bằng những ngành nghề ngoài sáng tác văn học nghệ thuật thì tại Huế lại có một Mai Văn trước sau sống nhờ nghệ thuât, sáng tác cũng nhờ nghệ thuật.
Với thành tích của mình, Mai Văn được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa (Bộ VHTT), Huy chương Vì Sự nghiệp VHNT Việt Nam (UBTQLHCHVHNTVN); đã được thành phố Huế tặng Bằng khen “Bàn tay vàng” với tượng Bác Hồ đúc đồng(1978), Tổng Cục Chính trị tặng Bằng khen (2004), Bằng khen của Hội Người Cao tuổi Huế...Tuổi cao, chí khí càng cao, Mai Văn đang tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ học trò tại xưỡng điêu khắc. Xưỡng của anh nay là nơi hội tụ, luyện tập tay nghề của nhiều người yêu nghệ thuật điêu khắc trong và ngoài tỉnh. Anh đang say mê chăm chút cho một công trình mới để dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005 sắp tới, đó là tác phẩm điêu khắc “Huyền thoại một dòng sông”. Xin chúc nghệ sĩ Mai Văn tiếp tục đạt được những điều mà anh hằng tâm niệm trong nghệ thuật điêu khắc!