Họa sĩ NGUYỄN THÁI HÒA
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8178
NGUYỄN THÁI HÒA
HÒA SẮC GIỮA DÒNG ĐỜI
Từ khi còn là một học sinh lớp đệ tứ, đệ tam (lớp 9, 10) của trường trung học Hàm Nghi Huế trong những năm 65, 66, Nguyễn Thái Hòa đã được tiếp cận với các tác phẩm tranh mỹ thuật trong nước, quốc tế trên các sách, báo rồi say mê hội họa. Không khí sinh hoạt của trường Mỹ thật Huế, cạnh truờng Hàm Nghi đã có phần nào tác động đến việc chọn nghiệp sau này của chàng trai Kim Long Nguyễn Thái Hòa. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế năm 1974, Nguyễn Thái Hòa cùng người bạn thân thiết Nguyễn Tuấn Dương mở một cuộc triển lãm đầu đời tại thành phố Quy Nhơn.
Năm 1975 anh đến nhận công tác tại Phòng Văn Hóa Thông tin Huế với chuyên nghề vẽ tranh cổ động, pa-nô, áp-phích rồi có một thời gian dài đi theo Đội thông tin tuyên truyền cổ động của Phòng. Đây là thời gian nhiều khó khăn, vất vả nhất của Nguyễn Thái Hòa. Vừa công tác, vừa phải mưu sinh trong một hoàn cảnh sống khốn khổ của gia đình nên Nguyễn Thái Hòa không có điều kiện thuận lợi để vẽ tranh nghệ thuật như các đồng nghiệp khác. Bắt đầu từ năm 1980, được sự khích lệ của bạn bè cùng không khí sáng tác, triển lãm đang được phát huy trên thành phố Huế, Nguyễn Thái Hòa đã có tác phẩm dự ba cuộc triển lãm chung ở Huế trong các năm 1980, 1982, 1986.
Năm 1990 khi vào thành phố Sài Gòn sinh sống, Nguyễn Thái hòa quyết chú tâm sáng tác. Đánh dấu cho giai đoạn này, Nguyễn Thái Hòa đã rất tự tin khi tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hội Nhà Báo TP. Hồ Chí Minh năm 1993 với 30 tác phẩm sơn dầu và các tác phẩm của anh đã được một số nhà báo ở đây đánh giá là thơ mộng và hồn hậu; đã đem đến cho công chúng Sài Gòn những cảm giác tự tại, gần gũi với thiên nhiên và con người Huế trong tranh. Từ thành công đầu tiên này, Nguyễn Thái Hòa thực hiện tiếp hai cuộc triển lãm cá nhân ở Nhà Văn Hóa Lao Động TP. Hồ Chí Minh trong những năm 1996, 1998. Cũng trong năm 1998, tác phẩm Rừng Khô của Nguyễn Thái Hòa được tặng thưởng của Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam.
Khi trở lại Huế (1993), Nguyễn Thái Hòa chí thú lao động sáng tạo nhiều hơn. Anh tự nhận thấy tranh của mình đã có công chúng, các nhà sưu tập trong, ngoài nước cũng đã tiếp nhận tác phẩm của anh một cách hào hứng, công tâm. Tháng 5. 1999, nhân kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thái Hòa lần đầu tiên ra mắt công chúng Huế một phòng tranh cá nhân tại 4 Hoàng Hoa Thám Huế. Từ phòng tranh này họa sĩ Rừng đã có những nhận xét chân tình: “Điểm hẹn của Nguyễn Thái Hòa thật là một nơi lý tưởng, một khoảng biển xanh có mây, có trăng, có cây, có núi xa xa. Tôi tưởng đó là điểm hẹn của nàng thơ chọn để gặp thi nhân. Kỹ thuật sơn dầu vững vàng và màu xanh dịu dàng đưa tâm hồn khách thưởng ngoạn vào thé giới của một giấc mơ đầy thơ mộng – Trong phòng tranh chúng ta gặp một số tranh như thế, tôi gọi đó là thế giới mộng mơ của anh: Ngựa già, Người thổi kèn Saxo... Anh cũng thành công trong lối vẽ “Bán trừu tượng”, những bức Phố chiều, Qua khung cửa, Thế giới của anh em... Với lối chơi màu thật là giàu có và bố cục vững chắc khơi dậy trong lòng người xem một ấn tượng trong sáng vui tươi...”; Báo Lao Động viết: “...Trên cái hòa sắc tối, lạnh của Biển đêm, của những góc khuất đô thị và thế giới hoài niệm lặng lẽ, họa sĩ đi tìm cái ấm nồng của niềm vui mong manh và hạnh phúc đã qua, khoảng sáng dịu hiền trên khuôn mặt thiếu nữ xa vắng, hơi thở bình yên của vầng trăng, mảng không gian ấm áp giữa mùa đông... Tất cả như ấn dấu tiếng reo thầm trong chiều tắt nắng. Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Thái Hòa dường như muốn vươn tới sư hòa hợp giữa đường nét mềm mại trữ tình và cái phóng khoáng mạnh mẽ say đắm, có điều cây cọ của anh đôi lúc không khỏi ngập ngừng. Cũng có thể đó là cung cách của riêng anh cố lắng lại giữa một dòng đời xáo động” .
Năm 2000, được sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ, Nguyễn Thái Hòa đã cùng 6 họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, Đặng Mậu Tựu, Hồng Trọng Mỹ, Thân Văn Huy, Vũ Văn Thiện, Ngô Lan Hương tổ chức triển lãm tranh tại Hà Nội tạo được sự chú ý của giới thưởng ngoạn tranh nghệ thuật ở thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh việc tham gia các hoạt động triển lãm trong và ngoài nước, Nguyễn Thái Hòa còn cộng tác với các tạp chí văn nghệ như Sông Hương, Cửa Việt, đặc san Nhớ Huế…
Nhân dịp Festival Huế 2002, Nguyễn Thái Hòa đã cùng một số họa sĩ thân hữu mở gallery Phố Cổ tại đường bạch Đằng, Gia Hội. Sau một thời gian, anh lại cùng họa sĩ Hồng Trọng Mỹ chuyển lên đường Trần Huy Liệu mở gallery Hoàng Thành tạo một sân chơi nghệ thuật mới của giới mỹ thuật và góp phần làm phong phú thị trường tranh đang có những nét sinh động trên địa bàn thành phố Huế.
Võ Quê
(Báo Văn Hóa & Đời Sống số 140 – 13.6 – 20.5.2005)
*
TÁC THẨM CỦA HỌA SĨ NGUYỄN THÁI HÒA
.
.Thuyền đêmTừ trái: Que Vo, họa sĩ Đinh Cường, nhà thơ Định Giang (+), họa sĩ Nguyễn Thái Hòa. họa sĩ Phan Hữu Lượng, họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
GIAO MÙA - Tranh Nguyễn Thái Hòa
Nguyễn Thái Hòa và Trần Lễ (Quy Nhơn)
Từ trái: Nguyễn Tuấn Dương, Đinh Cường, Nguyễn Thái Hòa, Phan Chi.
Tranh bìa tạp chí Sông Hương & Tạp chí Cửa Việt của Nguyễn Thái Hòa.