Đặng Mậu Tựu nhìn lại mình - LÝ HẠNH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7005
"...Cùng những nhà văn hóa của Huế, ông đang băn khoăn trước việc
thành lập một bảo tàng mỹ thuật cho Huế..."
Đã 54 tuổi, người họa sĩ xứ Huế đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm đầy ấn tượng ở đất Hà thành với 50 bức tranh mới toanh, toan vẫn còn trắng muốt, màu sơn dầu vẫn tươi thắm.
Đặng Mậu Tựu nhìn lại mình
Bạn bè ngạc nhiên, thán phục, còn ông thú nhận: Gần một đời cầm cọ, miệt mài với nghiệp vẽ, ngoảnh lại nhìn, mới thấy, đến bây giờ mình đã thật sự tìm thấy lối đi…
Một buổi chiều, giới văn nghệ sĩ cố đô tập trung tại quán cà phê Sông Như nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, cũng là tư gia của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, chỉ với mục đích thưởng thức một loạt tác phẩm mới của ông bên chén trà ấm áp.
Đà Lạt sương
Là một họa sĩ kỳ cựu, tranh của ông chẳng xa lạ gì với những người yêu nghệ thuật của Huế. Không chỉ tham gia hàng chục cuộc triển lãm ở nước ngoài và toàn quốc, mà bất cứ cuộc triển lãm nào của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, đều thấy tranh của ông. Chúng cứ lặng lẽ, khiêm nhường níu kéo người xem như một dấu chấm than day dứt.
Quen thuộc là thế mà nay, bỗng dưng ông ra mắt hàng loạt tác phẩm mới, khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Cũng sắc màu ấy, cũng những nỗi day dứt ấy mà sao lạ lẫm đến khó lý giải. Ông thú thật rằng có dạo cũng loay hoay mãi với suy nghĩ tìm một lối đi riêng. Cứ cầm cọ lên là những suy nghĩ ấy rối bời trong tâm thức khiến ông đành buông cọ bất lực. Bỗng một buổi sáng thức giấc, ông thấy đầu óc nhẹ nhõm lạ thường. Nhìn vào gương, thấy mình vẫn chính là mình, thế là ông tìm ra chân lý. Có gì đâu, vẽ cũng như cuộc sống vậy, phức tạp hay đơn giản là tự chính bản thân mình. Và ông lại say mê cầm cọ…
Dấu thời gian
Nói đến sự thành công của mình, có lẽ, ông phải cảm ơn chuỗi ngày ấu thơ đã va đập nhiều với cuộc sống. Như một quy luật bù trừ, cái gã một thuở nổi danh “đạo mì” khắp ký túc xá Trường Mỹ thuật Huế bởi thành tích một ngày ăn ba ổ bánh mì lại yêu vẽ và vẽ đẹp đến lạ thường. Ông vẽ, chẳng phải cái gì trừu tượng, xa lạ mà là những cái ngay xung quanh mình: những người bạn, cây cỏ, ánh nắng, ký ức về tuổi thơ…
Sau bốn năm học sơn mài ở Trung tâm Khuếch trương thủ công nghệ Huế, vào Trường Mỹ thuật, ông lại chọn tranh lụa. Nếu sơn mài dành cho những lúc cảm hứng đột nhiên đẩy lên cao trào, không vẽ là không tài nào chịu nổi, cầm cọ là say mê như uống một ly bia ừng ực thì lụa lại dành cho những xúc cảm cứ nhẩn nha như mạch nước ngầm chảy âm thầm trong lòng, như thưởng thức một ly trà sen ban sớm. Dẫu là trải lòng với loại hình nào thì ông vẫn gặt hái những thành công nhất định.
Ông cũng yêu mến những họa sĩ cổ điển bậc thầy như Van Gogh, Picasso, Gauguin… nhưng không bị ảnh hưởng từ họ, ông vẽ tranh đậm chất thiền, đầy triết lý của phương Đông. Cũng là màu lục của cỏ cây, cũng là màu vàng của nắng, cũng là màu thiên thanh của bầu trời buổi sớm mai… mà màu sắc trong tranh của ông trầm mặc đến lạ kỳ, càng xem càng như bị thôi miên, càng nhìn sâu càng có được cảm giác vời vợi như không bao giờ chạm thấu đáy. Có lẽ bởi ông yêu những vần Haiku kỳ quái và những bài Đường Thi cổ rợn ngợp nỗi cô đơn.
Trong loạt tranh mới của ông, bức Đà Lạt sương vừa phảng phất cái trừu tượng của tranh hiện đại, lại vừa đằm thắm, tĩnh lặng như bức thủy mặc cổ Trung Quốc. Ở bức nào, người xem cũng khó phân biệt được cái ranh giới mong manh giữa nỗi day dứt và sự thanh thản, niềm cô đơn và nỗi khát khao chia sẻ tình yêu với cuộc sống ẩn sau những gam màu trầm mặc.
Trăng vào thành
Căn nhà của ông hiện đầy ắp tranh. Tranh trang trọng nằm giữa quán, tranh treo đầy lối đi, tranh nằm khiêm tốn cả những góc khuất tưởng như bị quên lãng. Có những bức người người mua trả giá hoài mà ông chẳng chịu bán. Không phải chê rẻ, mà ông tiếc. Mỗi bức tranh vẽ ra đâu chỉ đơn thuần là sự cần cù, tài năng cộng thêm toan, sơn dầu và cọ, mà còn là tâm linh, là ký ức.
Chẳng hạn bức tranh lụa mang tên Giếng làng được nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị bao lần dạm hỏi mà ông một mực từ chối, dù rất quý trọng và mến mộ người phụ nữ ấy. Lý giải cho sự “khờ khạo” của mình, ông lại ngọng nghịu như trẻ con với nụ cười hồn hậu: “Đó là cả bầu trời tuổi thơ mà tôi mang theo từ khi rời xa Bình Định. Vẽ lại bức thứ hai e là không thể!”.
Đi gần hết một đời với nghiệp vẽ, ngoảnh lại, ông bỗng lo toan cho lớp trẻ. Với cương vị là một nhà quản lý (Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế), ông cảm nhận được một sự thật buồn, rằng hội họa Huế đang dần bị “lão hóa”. Thế là hàng năm, ngay tại nhà ông, vài ba cuộc triển lãm tranh dành cho sinh viên Mỹ thuật và những họa sĩ mới ra trường được trình làng.
Không đặt mình ở vị trí của một tiền bối, những lúc rảnh rỗi, ông lại đàm đạo với lớp họa sĩ trẻ về nghiệp vẽ một cách thân thiện, chân tình như những người bạn. Cùng những nhà văn hóa của Huế, ông đang băn khoăn trước việc thành lập một bảo tàng mỹ thuật cho Huế. Trước mắt vẫn còn là một chặng đường dài, ắt hẳn không kém phần khó khăn nhưng bạn bè và những người yêu nghệ thuật vẫn đang chờ đợi ở ông một cú hích bất ngờ đến thót tim.
Theo LÝ HẠNH
Doanh nhân Sài Gòn cuối tuầnV