HỌA SĨ LÊ QUÝ LONG
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8539
"...sự lao động, nhẫn nại chịu khó chịu thương của bà con nông thôn
cũng như nơi phố thị đã thành chất liệu sống, quý báu cho các tác phẩm của anh..."
NGƯỜI VẼ CHÍNH SỰ SỐNG
Bước sang năm Giáp Thân (2004), hoạ sĩ Lê Quý Long gặp đúng ngay một vòng "thiên canđịa chi" bởi anh sinh cách nay tròn 60 năm : Giáp Thân (1944) tại Thuỷ Dương, huỵện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuộc sống dân dã ở quê nhà yêu dấu tự thuở ấu thời, niên thiếu đã ươm mầm nghệ thuật trong anh. Từ hình ảnh thảm lúa xanh rờn lục diệp nõn nà, đến làn áo nâu mộc mạc chơn chất của những cô thôn nữ, những bà mẹ quê cùng nét lượn, đường bay của con chuồn chuồn ớt đỏ thắm trước đình làng đã trở thành những sắc màu lung linh, gợi cảm trong tiềm thức, trí tuệ, tâm hồn anh.
Năm 1968, Lê Quý Long thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và đã trải qua một thời gian dài học tập với nhiều chuyện buồn vui thời trai trẻ. Nghệ thuật hội hoạ có một sức hút kỳ diệu, lạ kỳ đối với anh. Anh đã chuyên tâm miệt mài học tập trước sự dìu dắt tận tình, chu đáo, giàu tình thương học trò của các thầy giáo hoạ sĩ Phan Xuân Sanh, Văn Đen, Vĩnh Phối... Tài năng và nhân cách, phẩm hạnh đạo đức của họ đã có những tác động tích cực trong việc định hình bước đường sáng tạo nghệ thuật sau này của hoạ sĩ Lê Quý Long. Từ những năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp, Lê Quý Long đã cố gắng sáng tác tranh sơn dầu sau nhiều chuyến đi thực tâp nhiều nơi cùng với đồng môn. Đời sống thực tiễn từ các vùng miền khác nhau; sự lao động, nhẫn nại chịu khó chịu thương của bà con nông thôn cũng như nơi phố thị đã thành chất liệu sống, quý báu cho các tác phẩm của anh.
Năm 1972, ngay sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, ngoài chuyện dạy vẽ tại trường Quốc Học Huế , việc trươc mắt của Lê Quý Long là tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân. Và anh đã thành công khi phòng tranh đầu tiên mở tại Đà Nẵng đã được các thầy, đồng nghiệp, công chúng yêu mỹ thuật đánh giá tốt về tài năng, kỹ thuật cùng những rung động, cảm xúc của anh được thể hiện vào tranh. Từ hiệu quả cuộc triển lãm cá nhân lần thứ nhất này, liên tục những năm sau hoạ sĩ Lê Quý Long đã khai mạc nhiều cuộc trưng bày khác như: Tại Huế (1973), tại Sài Gòn (1974)...
Sau ngày thống nhất đất nước, Lê Quý Long tiếp tục dạy vẽ tại nhiều trường học trong tỉnh cho đến năm 1994. Trong những năm 90 với chiếc xe đạp bình dị anh đã ung dung tự tại đến nhiều miền khác nhau của tổ quốc, đi và sáng tác còn chuyện áo cơm , con cái gia đình thì anh đành nhờ vào sự đảm đang, tần tảo của người hiền thê xinh đẹp tên là Trần Thị Thảo. Thời gian này, anh đã đi và vẽ phố Hội An, phố Nam Định, phố Hà Nội, phố Bao Vinh, thành cổ Hoa Lư...bằng những cảm xúc tinh khôi, chân thật. Anh mong có một ngày được giới thiệu với công chúng cả nước thành quả của mình từ những chuyến đi. Điều mong muốn ấy anh đã thực hiện được qua các cuộc triển lãm cá nhân sau: tại Huế (1990), Đà Nẵng (1991), Huế (1992), TP. Hồ Chí Minh(1993), Hà Nội (1995), Huế (1997); đáng chú ý là cuộc triển lãm tranh với 50 tác phẩm về đề tài Hà Nội vào ngày 9.10.2000 tại Huế nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội; đồng thời anh cũng tham gia rất nhiều cuộc triển lãm chung ở địa phương, khu vực, toàn quốc. Năm 1993, hoạ sĩ Lê Quý Long đã được giải thưởng văn học nghệ thuật Cố Đô lần thứ 2 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; tặng thưởng liên hoan mỹ thuật Bắc Miền Trung (2003).
Năm 1992, dù đang trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, họa sĩ Lê Quý Long đã mạnh dạn mở Gallery cá nhân đầu tiên ở thành phố Huế tại khách sạn Morin và sau đó, chuyển về 1 Lý Thường Kiệt, Huế., và nay lại mở Gallery tại nhà, hướng núi Ngự Bình. Việc làm này của họa sĩ Lê Quý Long đã có tác dụng tốt, có tính dây chuyền đến giới họa sĩ Huế. Từ thành công của Lê Quý Long, nhiều đồng nghiệp đã không ngần ngại mở nhiều gallery cá nhân khác góp phần làm phong phú thêm đời sống mỹ thuật ở một thành phố đang có 2 di sảng văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ quá trình cống hiến tài năng, tâm huyết cho nghệ thuật tạo hình, một số văn nghệ sĩ, giới truyền thông báo chí tỉnh nhà cũng như trong nước đã nhiều lần giới thiệu anh với sự đồng cảm, đồng điệu, đồng tình ... Họ đã rất trân trọng, mến mộ khả năng tái hiện cuộc sống vào trong tác phẩm cũng như đức tính nhân ái với người, với đời của một nghệ sĩ tài hoa như anh. Trong bài viết về cuộc triển lãm tại Huế năm 1973 của Lê Quý Long hoạ sĩ Đinh Cường đã nhận xét : "Anh luôn luôn hướng vào nội tâm để gìn giữ đường nét trầm tĩnh. Nội tâm chính là nguồn gốc của nhu cầu và khả năng sáng tạo, khiến cho không khí tranh anh bàng bạc một thế giới tĩnh mịch. Đường nét và màu sắc đầy cá tính. Anh thường dùng sắc độ Lục (ton vert) và một màu chính để từ chỗ tối đến chỗ sáng hoặc từ đậm đến nhạt khiến cho tranh anh có một sắc tính chung". Hai mươi năm sau khi viết về cuộc triển lãm tranh Lê Quý Long tại Huế vào năm 1993, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tâm đắc với nghệ thuật của Lê Quý Long "Anh vẽ gì ? đó là câu hỏi đầu tiên và muôn đời của ý thức sáng tạo. Và Lê Quý Long vẽ chính sự sống. Trong cái nhìn chăm chú của họa sĩ, sự sống bị bắt quả tang trong từng khoảnh khắc xúc động nhất của nó là sự hoài thai, nảy mầm, thoát thân (Thiếu nữ và mặt nạ) ... sự sống được ký thác trên vẻ đẹp vĩnh hằng của cơ thể người đàn bà, đến nổi nhựa sống trong cây cũng được luyện thành từ máu thịt của người thiếu nữ để nảy ra từ những lộc non (Thiếu nữ và ngựa tía)..."
Với những nhận xét tinh tế của hai nhà nghệ sĩ tài danh trên, chúng ta đã cảm được sức sáng tạo, hồn sáng tác của hoạ sĩ Lê Quý Long và cùng anh trân trọng, ấp yêu điều anh tâm niệm :"Luôn luôn gìn giữ phong cách riêng của chính mình để tiếp tục nâng cao những giá trị thật của mỹ thuật..
V.Q
****
Ảnh: Lãng Hiển Xuân
TƯ LIỆU:
KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Họa sĩ Lê Quý Long
Tôi bị mắc bệnh này đã hơn 20 năm, nên ít nhiều cũng có một số kinh nghiệm để chữa trị. Lúc đầu tôi cân nặng 70 kg, sau khi mắc bệnh ngày càng ốm dần, đi tiểu nhiều, thèm chất ngọt, ăn nhiều, uống nhiều là ốm hẳn, đi đứng như người mất hồn; nước tiểu có kiến bu... Đến lúc đi tiểu ra nước giống như nước vo gạo (nước mã) tôi mới vào viện điều trị các loại thuốc thích hợp, để sau này dùng hằng ngày.
Khi trời nóng nên tránh quạt, khi quạt tuy mát nhưng da thịt người bệnh hấp thụ vào cơ thể sẽ tỏa độ nóng lâu ngày sinh ra mụt, nhọt. Nếu ai đã như thế rồi thì tự mình giải quyết, lúc đi tập thể dục dùng bông gòn dí vào mụt làm cho mũ, máu chảy ra đến giai đoạn ra nước dịch trong. Sẽ rất đau nhưng phải cố gắng vì chất dịch này không ra hết thì không bao giờ lành.
Thức ăn: Nếu người bệnh cân nặng 60 kg mà ăn mỗi bữa từ hai chén rưỡi đến ba chén là nhiều, như thế sẽ dung nạp chất đường gluco vào cơ thể, trong khi bác sĩ chỉ cho phép một đến hai chén mà phải chia thời gian cho hợp lý. Theo tôi, khi đã xác định loại thuốc nào thích hợp thì dùng vào buổi sáng sớm trước khi ăn sáng 30 phút. Nên ăn sáng bằng bún, bánh canh... không nên ăn mì và trứng gà vào buổi sáng.
Thức uống: Luôn luôn uống nước nấu bằng quả mướp đắng liên tục từ năm này qua năm khác.
Thường xuyên kiểm tra cân nặng, xem có ổn định không. Người 60 tuổi thì trọng lượng 60 kg trở lên là tốt. Nếu thể trọng dưới 60 kg ở độ tuổi này thì cơ thể nhăn nheo, gầy còm.Còn người ở độ tuổi dưới 60 thì có chế độ dùng cơm ít hơn nhưng phải kiểm tra trọng lượng cơ thể thường xuyên, cứ 5 ngày hoặc 1 tuần 1 lần.. Điều chỉnh thuốc trên cơ sở trọng lượng, mức đường đã xét nghiệm. Một tháng xét nghiệm 1 lần, về sau lấy trọng lượng mà điều tiết.
Thể dục: Tập thể dục vài buổi tối là tốt. Có thời gian tập cả tối lẫn sáng thì càng tốt.. Sau khi tập thể dục nên tắm, sau đó đọc và viết rất thanh thản và lại ngủ ngon , không nhức mỏi cơ thể, chân tay.
Trước khi ngủ nên dùng hai tay mát xa mặt, vuốt từ dưới lên hai gò má cho đến tận trán. Lúc mát xa hai chân phải duỗi thẳng, nó có tác dụng thể dục hai tay. Một lúc sau là đến giấc ngủ ngon. Tránh suy nghĩ vu vơ ảnh hưởng giấc ngủ sẽ đi tiểu nhiều, ảnh hưởng đến bệnh tật.
Khi hai bàn tay bị tê cứng ta nên xoa vào nhau chừng 10 đến 15 phút cho tới khi nóng tay mới thôi, độ cứng tê sẽ tan bién.
Nhiều lúc trên mu bàn chân có hiện tượng đau nhức trong xương, dùng rượu gừng xoa hoặc ngâm chân vào nước muối.
Bàn chân tê cứng thì cởi dép, giày ra tìm một nơi có mặt đất để đứng, hai chân giang ra ngang tầm hai vai, hai tay đánh trước ra sau, mỗi lần như thế chỉ bấm chân về phía trước, khoảng 100 đến 200 lần.
Không nên xem phim hành động, không uống rượu, cho dù rượu ngoại vì chúng đi vào máu nhanh, thỉnh thoảng có thể uống bia. Mách nhỏ: Người có bệnh đái tháo đường là trước khi uống bia nên dùng nước mướp đắng đậm để uống, khi về uống thêm lần nữa, Nếu những người bị bệnh đái tháo đường mà dùng nước mướp đắng đậm để giải như trên thì quá tốt.
Luôn điểm mắt, ngày ba lần loại thuốc vừa phải, đến khi cần thì tăng lên. Bệnh đái tháo đường rất dễ ảnh hưởng đến mắt, cho nên đây là cách đề phòng cần thiết.
Thuốc lá: Nên dứt khoát bỏ để ổn định thần kinh.
Cà phê: Nên uống vào buổi sáng sau khi ăn, dùng đường cát trắng một muỗng cà phê là đủ., phải có đường này đưa vào cơ thể để giúp thần kinh hoạt động. Tuy có đường dành riêng cho bệnh đái tháo đường, nhưng riêng tôi chẳng thích dùng lắm. Mấy chục năm nay có sao đâu.
Chè dứt khoát không được ăn.
Nếu đi đâu xa thì dùng nước khoáng hay nước suối không có độ ngọt.
Hiện nay tôi đang dùng và uống buổi sáng trước khi ăn sáng 30 phút là: Daonin của Singapore - Glimiron 80g - Fordia 500mg. Ba loại này kết hợp vào nhau không ảnh hưởng cơ thể và không biến chứng, không gây ung thư.
Đây là những điều mà tôi đã dùng thuốc đồng thời theo dõi về trọng lượng, điều phối thức ăn và luyện tập đều đặn.
L.Q.L
(Bài viết do chính tác giả cung cấp, đã đăng báo Thừa Thiên Huế ngày 17. 12. 2008)