CẢNH TĂNG - NGƯỜI NGHỆ SĨ THÀNH CÔNG TỪ ĐẬP ĐÁ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 11182
Từ thời niên thiếu đến nay anh lại được sinh sống, gắn bó với Vỹ Dạ, một địa danh thơ mộng...
Cảnh Tăng (Nguyễn Phước Cảnh Tăng) sinh ngày 20.9.1959, quê quán làng An Truyền, xã Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Từ thời niên thiếu đến nay anh lại được sinh sống, gắn bó với Vỹ Dạ, một địa danh thơ mộng đã đi vào văn học với bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Cảnh Tăng theo học trường Bồ Đề Hàm Long, trường Phú Vĩnh thời tiểu học rồi trung học ở Quốc Học đến lớp 12 (1977) thì lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Sau 3 năm được học tập, rèn luyện trong quân ngũ, năm 1980 Cảnh Tăng trở lại quê nhà và chuẩn bị cho mình một hướng đi mới trong cuộc mưu sinh giữa bối cảnh khó khăn chung lúc bấy giờ.
Bánh tét làng Chuồn - Ảnh: Cảnh Tăng.Từ năm 1982 đến năm 1985 Cảnh Tăng được người bà con là ông Trần Don, chủ hiệu ảnh Mỹ Hương truyền dạy nghề nhiếp ảnh. Từ môi trường này, Cảnh Tăng đã có dịp tiếp cận một cách cơ bản các công đoạn chụp ảnh chân dung, các kỹ thuật buồng tối ... Sau một thời gian học nghề, Cảnh Tăng cùng một người bạn mở hiệu ảnh nhỏ tại công viên 3.2 lẩy tên là “Foto Trẻ”, hiện nay anh đã nhường lại cho nguời em là Cảnh Đôn đảm trách. Chính nhờ thông qua dịch vụ nhiếp ảnh kiếm sống mà Cảnh Tăng đã có dịp đến sớm với nghệ thuật nhiếp ảnh. Một trong những đồng nghiệp thường có sự động viên, cổ vũ Cảnh Tăng mạnh sáng tác ảnh nghệ thuật là Huỳnh Mẫn, người đồng hương thân thiết của anh. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Quang Hoàng, Lê Đình Liên, Đặng Việt Hùng, Nguyễn Văn Dũng … cũng rất nhiệt thành trong việc góp phần nâng cao tay nghề của cảnh Tăng trong lĩnh vực chụp ảnh nghệ thuật.
Khác với những người cầm máy trên thành phố Huế thường có những chuyến đi thực tế sáng tác dài đến nhiều miền đất ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, Cảnh Tăng chỉ được chụp ảnh trong một không gian nhỏ của quê hương bởi anh còn phải lo cho các con đến trường mỗi ngày trong khi vợ anh không biết sử dụng xe đạp, xe máy. Không được đi xa nên phải chụp gần. Và Đập Đá, một công trình ngăn mặn quen thuộc của người dân Huế trên đường về nhà anh ở Vỹ Dạ đã trở thành đề tài đầu tiên của Cảnh Tăng. Mỗi lần qua lại trong ngày Đập Đá đã nhập vào tâm thức, tình cảm Cảnh Tăng những mạch ngầm sáng tạo. Đập Đá của bình minh, hoàng hôn và đêm. Đập Đá, của những mùa lũ lụt nước tràn lên rồi hạ xuống. Đập Đá của những chuyến đò sang chợ Đông Ba. Đập Đá với những sinh hoạt đời thường : cất rớ (vó), câu cá, buôn bán hến … Ngắm nhìn, chiêm nghiệm rồi những khoảnh khắc bấm máy, Đập Đá đã cho anh những tác phẩm đẹp, anh đã thành công ban đầu với đề tài này qua hai tác phẩm ảnh nghệ thuật từ : “Đường về thôn Vỹ”-giải Khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật “Huế Đẹp-Chưa Đẹp” do Phòng VHTT TP. Huế tổ chức; “Đêm Đập Đá”- giải Ba cuộc thi ảnh nghệ thuật “Huế, Đất Nước, Con Người” (1995). Cũng do anh chuyên tâm chụp ảnh về Đập Đá nên một số thân hữu gọi Cảnh Tăng là “nghệ sĩ Đập Đá”.
Liễn Tết làng Chuồn - Ảnh: Cảnh TăngLàng Chuồn là tên gọi làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) không những nổi tiếng với rượu Chuồn, bánh tét Chuồn, bánh khoái cá kiình mà còn với tranh tết (liễn) vốn có truyền thống từ lâu đời.
Khi sắp xếp được chuyện học hành của con cái, công việc ở hiệu ảnh Cảnh Tăng (85 Nguyễn Sinh Cung, Huế) Cảnh Tăng lặng lẽ một mình thâm nhâp thực tế sáng tác ở những nơi mà anh đã có chủ tâm muốn đến. Chụp ảnh thành phố Huế về đêm cũng là một sở thích riêng của anh. Khi trao đổi về nghề, Cảnh Tăng cho biết: “ Để có thể chụp được những bức ảnh đẹp, bắt mắt, tôi thường có những định hướng trước về nội dung, đề tài. Biết chọn trước những không gian, cảnh quan nơi mình sẽ đến và khi đến sẽ chụp những gì mà mình đang ấp ủ. Tôi ít khi chụp theo lối tình cờ, bất chợt. Các đề tài về thiên nhiên, cuộc sống, con người trên quê hương Thừa Thiên Huế luôn ở quanh mình, phong phú, đa dạng. Vì thế việc có chủ định trước trong khi sáng tác ảnh nghệ thuật cũng là điều tôi tâm đắc”.
Được sự động viên của gia đình, bằng hữu, đồng nghiêp, của tổ chức Hội, từ năm 1990 đến nay Cảnh Tăng tích cực gửi tác phẩm tham dự nhiều cuộc triển lãm, cuộc thi ở địa phương, khu vực, trung ương và quốc tế. Nhờ những cống hiến đó mà năm 1995 Cảnh Tăng được kết nạp vào Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam với một số thành tích nổi bật: “Vươn lên từ tay mẹ”-giải Ba “Liên hoan Ảnh Nghệ thuật 6 tỉnh Bắc miền Trung” (1992); “Chợ nón Dạ Lê”-giải Khuyến khích cuộc thi ảnh thời sự nghệ thuật báo TT Huế (1994-1995); “Dây chuyền công nghiệp”-giải Ba cuộc thi đề tài Công nhân TT Huế (1998); “Nhịp điệu cuộc sống”-triển lãm ảnh nghệ thuật Toàn quốc lần thứ II (1998); “Đốt đồng”-triển lãm ảnh “Thế giới quanh ta”(2000); “Đồng cảm”-giải Ba cuộc thi ảnh nghệ thuật “Huế-Bài thơ đô thị” (2000); “Tầm cao”-giải Nhì,”Sau ngày lũ”-giải Ba, “Chuyển đổi năng lượng”-giải Khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật “Công nhân TT Huế trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do LĐLĐ TT Huế tổ chức (2003); “Chuyến hàng đầu xuân”- giải đồng hạng cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 64 (2004) của Nhật Bản ( The 65th International Photographic Salon Of Japan)…
Thời gian gần đây, Cảnh Tăng đang ấp ủ một đề tài và đã có những tác phẩm bước đầu, đó là bộ ảnh mang chủ đề “Vườn-Nhà vườn Huế” bên cạnh các bộ ảnh “Kiến trúc kinh thành Huế” của Võ Đông Bảy, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của Đoàn Dân, “ Nông nghiệp Thừa Thiên Huế” của Đặng Việt Hùng … đã được hình thành góp phần làm khởi sắc thêm diện mạo nghệ thuật nhiếp ảnh quê nhà đang ngày càng phong phú, đổi mới.Điệp khúc ngày mùa, giải ba cuộc thi ảnh nghệ thuật Dặm Đường Đất Nước 2009 do Tuổi Trẻ Online tổ chức.Cảnh Tăng (Huế) đạt giải ba với ảnh “Điệp khúc ngày mùa”.Đứng cạnh anh là tác giả Trần Thiết Dũng (Lâm Đồng, phải) tại lễ trao giải cuộc thi " Dặm Đường Đất Nước"- Ảnh: Hoàng Thạch Vân