NGUYỄN KHOA QUẢ - NGƯỜI CHẮT CHIU BÓNG HUẾ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 9293
Nguyễn Khoa Quả luôn tạo cho mình sự lạc quan trong công tác...
NGUYỄN KHOA QUẢ
NGƯỜI CHẮT CHIU BÓNG HUẾ
Võ Quê
Nguyễn Khoa Quả sinh ngày 28.5.1935 tại Vỹ Dạ, thành phố Huế. Từ năm 1949 thoát ly tham gia kháng chiến chống Pháp.Năm 1953-1954 được đi học tại Bạch Ngọc, Nghệ An rồi theo học Đại học Sư phạm Vinh. Trong những ngày rời xa quê nhà yêu dấu, sống cuộc sống sôi nổi, năng động trên nhiều miền đất khác nhau của tổ quốc, Nguyễn Khoa Quả luôn tạo cho mình sự lạc quan trong công tác, mối tình cảm chân thành, sâu sắc trong quan hệ đồng nghiệp, bằng hữu...
"Giữa dòng đời" - Ảnh: Nguyễn Khoa Quả
Với Nguyễn Khoa Quả, trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì mảnh đất Hà Tĩnh, Nghệ An là nơi ông đã sống những ngày tháng đẹp. Chính nhờ Nghệ Tĩnh có truyền thống cách mạng cao, truyền thống hiếu học lâu đời, con người Nghệ Tĩnh bao đời nay lại nhân hậu mà Nguyễn Khoa Quả cùng nhiều người ở miền Nam khác yên tâm rèn luyện học tập. Từ môi trường này đã nảy sinh tình nghĩa đồng bào ruột thịt, nghĩa khí bạn bè trong giai đoạn khó khăn, gian khổ, khốc liệt bởi bom đạn chiến tranh. Nguyễn Khoa Quả đã không quên ghi lại những kỷ niệm ấm lòng ấy qua bài thơ Tình bạn thủy chung được in trong tập Nhớ mái trường xưa của cựu học sinh Bình Trị Thiên trên đất Nghệ Tĩnh do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 2004. Bài thơ có đoạn viết: ”...Vài ngày xuôi ngược băng ngàn đốn tre. Chặt mây, đốn củi, đóng bè. Lúc xuôi Dùng, Vịnh, lúc về chợ Vinh. Đi ra chợ Bộng, chợ Đình. Lỡ lúc đau ốm bạn, mình có nhau. Mua thêm hạt gạo, bó rau. Lại thêm giấy mực cùng nhau học hành...”. Hạnh phúc hơn nữa đối với Nguyễn Khoa Quả là đã có một người đẹp Nguyễn Thị Phúc, quê ở Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An bằng lòng se duyên và “ theo chàng về Dinh “ suốt cuộc đời.
Đường tơKhi được về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin Nghệ An, Nguyễn Khoa Quả bắt đầu gắn bó, thiết thân với loại hình nhiếp ảnh. Vốn xuất thân từ dòng họ khoa bảng ở Huế vốn có truyền thống yêu chuộng, trân trọng những giá trị văn học nghệ thuật nên Nguyễn Khoa Quả đã tiếp thu nhanh từ nhà trường bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh khi được cử đi học về nghiệp vụ văn hóa thông tin để về làm phóng viên nhiếp ảnh tại Nghệ An. Thời gian ở chiến trường, những ngày công tác qua nhiều vùng quê Nghệ Tĩnh; những chuyến công tác ở nước bạn Lào về hoạt động văn công, biểu diễn trong những năm kháng chiến cũng là những chất liệu quý báu củng cố thêm niềm tin, tình cảm trong Nguyễn Khoa Quả về lòng yêu quý thiên nhiên, núi rừng, làng bản trên xứ sở Triệu Voi; Rồi chuyến đi Campuchia trong năm 1979 với nhiều ấn tượng của một đất nước được hồi sinh sau nạn diệt chủng... đã giúp Nguyễn Khoa Quả nuôi dưỡng nguồn hứng khởi sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh về lâu về dài sau này.
Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nguyễn Khoa Quả hân hoan đưa gia đình về lại Huế xưa. Ngoài công tác chuyên môn ở Sở Văn Hóa Thông tin, Nguyễn Khoa Quả còn tích cực tham gia giảng dạy tại trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò mà nay đã có một số người cầm máy được thành danh. Trong cương vị Thư ký Phân hôi Nhiếp Ảnh thuộc Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế hai nhiệm kỳ (1992-2001), Nguyễn Khoa Quả cũng có những cống hiến nhất định trong việc xây dựng, phát triển phong trào sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật tỉnh nhà. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đặng Văn Trân, Ngọc Khiêm... cũng là những người được trưởng thành từ lớp bồi dưỡng nghệ thuật nhiếp ảnh do Phân hội Nhiếp ảnh thời Nguyễn Khoa Quả mở.
Sáng tác ảnh nghệ thuật là niềm đam mê lớn của Nguyễn Khoa Quả. Noi gương lao động nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh lão thành Nguyễn Khoa Lợi, ông đã cùng bạn bè, đồng nghiệp mang máy ảnh xông xáo, săn lùng trên nhiều vùng miền gần xa, đồng bằng, cao nguyên, biển núi... Từ những năm hưu trí, Nguyễn Khoa Quả có điều kiện thời gian hơn trong sáng tác. Yêu đời, yêu cảnh, ông hăm hở trên những cung đường Huế, nội ô, ngoại thành, nông thôn, làng bản miền sơn cước... Cảm khái về một chiến hữu đã có nhiều công sức, chăm chút, tâm huyết, đam mê sáng tạo nghệ thuật, trong một lần xem ảnh về phong cảnh Huế của Nguyễn Khoa Quả, nhà thơ Hải Bằng đã thân quý viết tặng Nguyễn Khoa Quả một bài thơ được trang trọng đóng khung:
TẤM ẢNH CHIỀU
Ống kình mùa thu dầm ký ức
Sông chiều dợn sóng phía bên tê
Chắt chiu bóng Huế trong lồng ngực
Thở nắng mà lo lụt đổ về
Hải Bằng
Từ những thành quả tích lũy được trong quá trình đi, sống và sáng tác, Nguyễn Khoa Quả đã lần lượt tham gia các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật Nghệ An (1972); Ảnh nghệ thuật Đất Nước Con người Việt Nam do AFGA tổ chức; Các cuộc Liên hoan Nghệ thuật Bắc Miền Trung,; Ảnh Nghệ thuật 20 năm Giải phóng Thừa Thiên Huế, Ảnh thời sự báo chí Việt Nam-Lào-Capuchia... Tác phẩm Hoa Đỗ quyên, một loài hoa đỏ mọc ở thác Đỗ Quyên, núi Bạch Mã được giải A của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ I, tác phẩm ảnh màu Trở về, Chỗ ở cuối cùng in trên tạp chí Sông Hương số 7.1994 được bình chọn là 2 tác phẩm đạt chất lượng cao năm 1994 và nhiều tác phẩm khác được nhiều giải trong ngoài nước đã khẳng định tài năng, trình độ của Nguyễn Khoa Quả trên lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Ghi nhận công lao hoạt động kháng chiến, tinh thần lao động nghệ thuật, Nguyễn Khoa Quả đã được Nhà nước Huy chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn Hóa của Bộ Văn hóa Thông tin, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam của UBTQLHCHVHNT Việt Nam.
V.Q
http://www.giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/van-hoa-the-thao/Nguyen_Khoa_Qua_nghe_si_cua_dong_song_Huong/
***
NSNA Nguyễn Khoa Quả với công tác từ thiệnNgày 23/10/2006, ông Nguyễn Khoa Quả (bìa phải) đã trao 250USD
của ông Chánh Trung và bà Tường Vy ở Mỹ gửi giúp mổ tim.cháu Hiếu mổ tim.*
NSNA Nguyễn Khoa Quả chụp hình cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm
130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử tại Huế.
Ngày 18.6.2011 tại thành phố Huế đã diễn ra cuộc Hội thảo Khoa học “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương Nữ Sử (1881 -2011) do Viện Văn Học Việt Nam và Hội Khoa Học Lịch Sử Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Đã có 42 báo cáo khoa học của nhiều tác giả thuộc giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn như Lịch sử, Văn học, Sân khấu, Báo chí, Văn hóa, Giáo dục, Phật học, Gia phả, Giới… ở Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa… gởi về ban tổ chức cuộc hội thảo và đã được ban tổ chức in thành tập Kỷ yếu.
.
.Ảnh: Nguyễn Khoa Quả***
Thơ NGUYỄN KHOA QUẢ
Đà Lạt sương Thu màu tím Huế
Ti-gôn e ấp giọt sương ngà
Đồi thông hai mộ ru trong mộng
Suối tình lăng lẽ giữa ngàn hoa
Đà Lạt 8/2012
BUỒN
Ai đem chia mảnh trăng tà
Để tôi một nửa cách xa nghìn trùng
Mưa rơi tí tách não nùng
Hứng đầy tay với hư không bến bờ
Thấy gì trong cõi hư vô
Một thời mắt biếc mơ hồ tàn phai
Mưa qua Trấn phủ đêm dài
Chiều buồn chợt nhớ thương ai dịu dàng
Trời thu tay nắn phím đàn
Hát bài ly biệt ly tràn biệt ly
ƯỚC NGUYỆNSương thu nhẹ thấm áo em
Đường khuya lẻ bóng dế mèn du dương
Trinh nguyên áo trắng đến trường
Lắng hồn du khách vấn vương đợi chờ
Còn đây hoài niệm trong mơ
Trăng tà đối bóng trang thơ tình đầy
Nỗi buồn gởi gió heo may
Nhịp cầu Ô thước đong đầy bóng nhau
.
N.K.Q
Góp ý kiến: LỊCH SỬ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM
-
Nguyễn Khoa Quả
312 Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ - Huế
Điện thoại: 054.824336
A. NHỮNG BƯỚC ĐI BAN ĐẦU (1869-1945):
Sau hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường của Cụ Đặng Huy Trứ đến Kinh đô Huế triều Nguyễn có hiệu ảnh cụ Trương Văn Sáng năm 1878, tiếp sau đó là hiệu ảnh Tăng Vinh và hiện nay là số nhà 55 đường Trần Hưng Đạo Huế.
B. TỪ NHỮNG HIỆU NHIẾP ẢNHĐI VÀO ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘi:
Trong thời kỳ Pháp thuộc ở Huế chỉ có 10 hiệu ảnh:
- Đường Thượng Tứ có: Tôn Thất Dung, Maria Mộng Hoa (là người Công giáo)
- Đường Trần Hưng Đạo có: Tăng Vinh, Naikazaoa (người Nhật Bản) và Lê Quang.
- Đường Phan Đăng Lưu: có Lê Viêm, Khải Xương.
- Đường Lê Lợi có: Nguyễn Khoa Lợi, Photo Khanh…
.
Bến đò Đông Ba. Ảnh: Nguyễn Khoa Lợi
.
Các hiệu ảnh trên phục vụ các quan chức triều Nguyễn ông Hoàng bà Chúa và những gia đình giàu có. Ngoài việc chụp ảnh chân dung các cụ còn tổ chức đi dã ngoại chụp ảnh phong cảnh quê hương, chùa chiền miếu mảo gồm các cụ: Nguyễn Khoa Lợi, Võ Việt Đức, Ích Sanh, La Cảnh Lưu, Tôn Thất Dung, Trần Nguyên Cáo, Nguyễn Hữu Đính chủ soái là ông Nguyễn Khoa Lợi; phương tiện máy ảnh lúc bấy giờ gồm 2 loại 6 x 6 và 6 x 9.
- Loại máy 6 x 6 là Roleiflex Semflex.
- Máy 6 x 9 Lumière Kodak.
Chụp phim cuộn đen trắng Kadak Lumiere. Để có một tác phẩm ảnh đẹp phải làm thủ công từ khâu tráng phim đến phóng đại ảnh, cắt cúp điều chỉnh độ tương phản đều qua bàn tay lão luyện của các nghệ sĩ rất công phu và mất rất nhiều thời gian.
Các cụ đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế:
- Năm 1960 bác Nguyễn Khoa Lợi tác phẩm "Trúc Hương Giang Tùng Thế Miếu" triển lãm tại Osaka Nhật Bản và một tập sách do tác giả Salem biên soạn năm 200o với tiêu đề Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Lợi Huế.
-Năm 1961 Bác Võ Việt Đức với tác phẩm "Đục nước buôn câu" Afrermanth ofwar..
- Tác phẩm "Hận chiến tranh" Yearming For Peace tác phẩm "Thiện chí hòa bình"
I. NHIẾP ẢNH TRONG THỜI KỲ CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI;
- Nguyễn Khoa Quả với tác phẩm: "Địch đánh ta cứ đi" chụp tại Nghệ An năm 1968. Đạt giải nhất cuộc thi: Chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi do tỉnh Nghệ An tổ chức.
- Năm 1978 Đại hội thành lập Phân hội Mỹ thuật nhiếp ảnh tổ chức tại Huế quy tụ nghệ sĩ nhiếp ảnh hai miền Nam - Bắc thành một tổ chức đoàn kết thân ái và có một cuộc triển lãm do anh Võ Việt Quý với 40 tác phẩm đề tài "Quê hương sau ngày giải phóng" được đông đảo giới nghệ thuật thưởng ngoạn khen ngợi. Thời kỳ đầu chỉ có 20 người tham gia, đa số anh em phóng viên, các cơ quan văn hóa và báo chí còn lại là các cụ thường xuyên tổ chức đi sáng tác hưởng ứng những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đem lại nhiều kết quả khả quan, được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá cao là một hội mạnh của miền Trung. Hiện nay Hội Nhiếp ảnh có 4 tổ chức sinh hoạt: Câu lạc bộ nhiếp ảnh thành phố Huế, Câu lạc bộ nhiếp ảnh nữ Hải Vân, một Chi hội Trung ương và một Hội Nhiếp ảnh tỉnh.
Để trở thành Hội viên Hội Nhiếp ảnh, trước hết phải sinh hoạt CLB nhiếp ảnh thành phố do anh Nguyễn Duy Hiền - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin phụ trách. Mỗi người phải có 3 - 4 tác phẩm có chất lượng được quần chúng ca ngợi mới giới thiệu vào sinh hoạt Hội nhiếp ảnh.
Từ ngày giải phóng đến nay đã 33 năm Hội Nhiếp ảnh đã lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện có 44 hội viên địa phương, 18 hội viên trung ương, đã tham gia triển lãm ảnh 6 tỉnh Bắc Miền Trung được 14 lần.
Về tước hiệu nhiếp ảnh:
1 EFIAP Phạm Bá Thịnh
4 AFIAP Phạm Văn Tý, Nguyễn Văn Dũng, Hồ Ngọc Sơn, Đoàn Dân.
2 EVAPA Phạm Văn Tý, Phạm Bá Thịnh.
Triển lãm ảnh cá nhân:
Từ năm 1975 đến năm 2006: Võ Viết Quý, Nguyễn Khoa Lợi, Nguyễn Khoa Quả, Sĩ Sô và Nguyễn Khoa Quả, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Bá Thịnh, Đặng Văn Trân, Hồ Ngọc Sơn, Nguyễn Hữu Đính
II. XÂY DỰNG NỀN NHIẾP ẢNH DÂN TỘC VÀ CÁCH MẠNG
Mục 6: Công tác đào tạo và bồi dưỡng:
Hội chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nếu có một vài lần mở lớp nặng về phô trương, thiếu bồi dưỡng về phần lý luận và phê bình, còn yếu về trình bày bố cục, chưa nêu và phân tích về ngôn ngữ của nhiếp ảnh.
Để trở thành nghệ sĩ Nhiếp ảnh hôm nay là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, say sưa chịu khó tìm tòi sáng tạo học hỏi ở sách vở và bạn bè, nên họ có những tác phẩm được thế giới và trong nước công nhận EFIAP, AFIAP, EVAPA.
Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh khi đã trở thành nghệ sĩ rồi họ không phát huy vai trò người nghệ sĩ, người anh cả dẫn dắt phong trào mà họ lúc nào cũng ẩn dật không hoạt động nữa, có danh những tác phẩm của họ không có sức lan tỏa, không thuyết phục.
Còn một số anh chị em hoạt động lâu năm, có người đã cầm máy rất sớm, đã từng tham gia các chiến trường Lào, Campuchia, tham gia báo chí mở lớp dạy nhiếp ảnh, triển lãm cá nhân, dược nhà nước tặng thưởng huân chương này, huy hiệu nọ mà chẳng ai đoái hoài, họ vẫn âm thầm vui vẻ cống hiến cho sự nghiệp nhiếp ảnh.
Trên đây là những tư liệu tôi được biết, còn nhiều tư liệu quý các cụ đang cất giữ, chưa có dịp sưu tầm. Mong quý vị thông cảm.
Xin cảm ơn.
Nguyễn Khoa Quả
.
Võ Quê & Nguyễn Khoa Quả
Ảnh: Lê Đình Song, tại BVTW Huế 2010.