NGUYỄN VĂN DŨNG - NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐỒNG QUÊ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7131
NGUYỄN VĂN DŨNG
NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐỒNG QUÊ
Trong số nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện nay đang làm việc, sinh sống tại Thừa Thiên Huế có nhiều người xuất thân từ nghề chụp ảnh dạo, một trong những người đó có Nguyễn Văn Dũng, sinh ngày 20.7.1960 tại thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, Hương Trà. Lớn lên từ một ngôi làng ven đầm phá, Nguyễn Văn Dũng đã có một thời gian dài tiếp cận được ngọn gió, cảnh quan hào phóng của quê nhà. Chính từ những phong vị ấy mà tính cách nghệ sĩ đã dần hình thành trong tình cảm, tâm hồn anh.Năm 1978 Nguyễn Văn Dũng thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế và tốt nghiệp năm 1980. Mới ra trường anh được phân công lên A Lưới dạy học sinh cấp 3.Hai năm làm nghề giáo ở miền núi rừng A Sao A Lưới đã mang lại cho Nguyễn Văn Dũng nhiều nguồn cảm xúc mới về tình tự quê hương, về tuổi thơ các dân tộc thiểu số. Anh đồng cảm với những buồn vui của người dân trong các bản làng mà anh có dịp đặt chân đến. Anh tâm sự: “ Nhờ có một thời gian dài ở vùng quê ven đầm phá, nắm bắt được các sinh hoạt cộng đồng của người dân trong sản xuất nông nghiệp, trong nuôi trồng thuỷ hái sản, đánh bắt cá, các lễ hội làng xã… và nhờ có một quá trình dạy học, sinh sống với bà con dân tộc thiểu số trên miền núi, mà sau này phần lớn các tác phẩm ảnh nghệ thuật của tôi thiên về đề tài nông thôn. Với tôi hình ảnh những con đường quê, những ban mai mù sương, những giá trị văn hoá truyền thống của quê nhà…đã trở thành những nội dung tôi tâm đắc để sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Cũng chính vì thế mà Chu Thu Hảo, một nữ đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội gọi đùa tôi là nghệ sĩ nhà quê ”.Xuôi dòng - Ảnh: Nguyễn Văn DũngDo hoàn cảnh khó khăn riêng của gia đình, năm 1983 anh không tiếp tục dạy học ở A Lưới mà trở lại quê nhà làm người chụp ảnh dạo. Với cái nghề tự do này , anh có dịp đi nhiều nơi theo tiếng gọi của khách hàng. Khi thì chụp ảnh cho đám cưới, đám tang, khi thì chụp ảnh chân dung của các vị bô lão, các chàmh trai cô gái làng trong các dịp Tết, lễ hội hoặc chụp ảnh cho học sinh làm hồ sơ dự thi. Nói chung, bất cứ nơi đâu, xa hay gần khi có nhu cầu chụp ảnh là anh có mặt. Qua nghề chụp ảnh dạo anh có dip làm quen với những người cùng cảnh với anh, trong đó có một số đã chơi ảnh nghệ thuật như Võ Đông Bảy, Phạm Văn Tý, Lê Đình Liên…Bởi có một vốn sống thực tế trong những năm tháng khó khăn mà khi bước vào con đường sáng tác ảnh nghệ thuật Nguyễn Văn Dũng đã gặt hái những thành quả đáng quý:hai bộ ảnh nghệ thuật chủ đề “Nét cổ Hội An”(2001),”Văn hoá ẩm thực Huế”(2003) được Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam tài trợ với mức hạng B, tác phẩm “Thợ xây”- giải Nhì cuộc thi Kiến trúc và Con người; tác phẩm “Cân sức”-giải Ba; tác phẩm “Sương sớm”-giải Nhì Liên hoan Khu vực Bắc miền Trung; tác phẩm “Qua đèo Hải Vân”-giải Ba cuộc thi Giao thông Vận tải toàn quốc; tác phẩm “Một thoáng mù sương”- giải C Ảnh xuất sắc Quốc gia 2001 và giải khuyến khích Quốc gia 2001. Đặc biệt tác phẩm “Nét đầm quê” đoạt giải A Ảnh xuất sắc Quốc gia 1998 và tác phẩm này đã được in vào tuyển tập ảnh nghệ thuật “100 Kiệt Tác Nhiếp Ảnh Việt Nam” do báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản năm 2003.( Đây là một cuốn sách tuyển chọn những bức ảnh đẹp của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong nước, riêng tại Huế ngoài ảnh của Nguyễn Văn Dũng còn có ảnh nghệ thuật của Phạm Bá Thịnh). Bên cạnh việc đạt được các giải thưởng có nhiều thứ hạng cao ở khu vực, trong nước, Nguyễn Văn Dũng còn doạt hai giải đồng hạng tại Asahi-Shimbun (Nhật Bản) và có trên 30 ảnh nghệ thuật dự triển lãm tại Hồng Kông, Pháp, Úc, Áo, Ma Cao, Ấn Độ…Từ những thành tích cống hiến vào sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh nói trên, tiếp theo việc được kết nạp vào Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam, năm 1998 Nguyễn Văn Dũng còn được phong tước hiệu AVAPA (Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam), tước hiệu AFIAP (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thế giới). Với hai tước hiệu này, đối với Nguyễn Văn Dũng là niềm vinh dự lớn lao, là phần thưởng cao quý mà anh rất trân trọng và mong được sống, được sáng tạo không ngưng nghỉ vì nghệ thuật nhiếp ảnh.Qua những gì mà chúng ta biết, hiểu về chặng đường nghệ thuật mà Nguyễn Văn Dũng đã trải nghiệm, đã công tâm sống hết mình, chúng ta tin và hy vọng về một bước đột phá mới của Nguyễn Văn Dũng trên những cung đường nghệ thuật kể tiểp. Những làng quê đổi mới với những nét đẹp văn hoá mới đang chờ bước chân của người chụp ảnh dạo ngày nào trở lại, trở lại trong tâm thế của một người “nghệ sĩ đồng quê”.
Một thoáng mù sương - Ảnh: Nguyễn Văn Dũng