NGHỆ SĨ QUỲNH HOA NHIỆT THÀNH VỚI NGHỆ THUẬT CA HUẾ ĐẾN CÙNG! - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5037
Nghệ sĩ Quỳnh Hoa tên thật là Trương Quỳnh Hoa sinh ngày 2.1.1955; quê quán ở thôn Kinh Thi, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Ngày 3.6.1969 Quỳnh Hoa thoát ly tham gia cách mạng và Đoàn Ca Kịch Trị Thiên, tiền thân Nhà hát Nghệ Thuật Ca Kịch Huế ngày nay là đơn vị dầu tiên Quỳnh Hoa tham gia hoạt động nghệ thuật. Từ năm 1969 đến năm 1982 Quỳnh Hoa đã theo Đoàn biểu diễn nhiều chương trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong nước. Thời gian ở Đoàn, nghệ sĩ Quỳnh Hoa đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế, ca kịch Huế nâng đỡ, dìu dắt tận tình.
Năm 1982, nghệ sĩ Quỳnh Hoa được chuyển sang biên chế Bộ Thủy Lợi và vẫn tiếp tục công tác biểu diễn trong đội văn hóa nghệ thuật. Vào thời điểm những năm 80, phong trào văn nghệ quần chúng ở thành phố Huế tương đối mạnh, nhất là ở các cơ quan, đơn vị, trong đó có Ngân hàng thành phố Huế, là đơn vị đã tiếp nhận nghệ sĩ Quỳnh Hoa vào năm 1983. Cũng chính năm 1983, Quỳnh Hoa chính thức tham gia Câu lạc bộ Ca Huế của Nhà Văn hóa Huế (Trung tâm Văn hóa Huế) và hoạt động liên tục với Câu lạc bộ cho đến ngày nay.
Phải nói rằng, Quỳnh Hoa trong mắt người mộ điệu nghệ thuật ca Huế là một nghệ sĩ có thanh sắc vẹn toàn. Tri âm Huế không thể nào quên chất giọng Quỳnh Hoa mượt mà, lắng sâu với làn điệu Cổ bản dựng. với các tổ khúc ca Huế, dân ca… rồi vai diễn xuất thần Công chúa nước Tề trong vở ca kịch Thoại Khanh Châu Tuấn. Trong quá trình biểu diễn, Quỳnh Hoa đã chịu khó tìm tòi, sáng tạo cách diễn đạt làn điệu cũng như cố gắng hiểu sâu nội dung các bài bản để chuyển tải được phần nào cái hồn, cái thần của nghệ thuật ca Huế. Trên thuyền sông Hương, Quỳnh Hoa rất được lỏng du khách. Qua màn ảnh nhỏ, khán giả trầm trồ, khen ngợi Quỳnh Hoa. Các liên hoan nghệ thuật trong tỉnh, khu vực, toàn quốc nghệ sĩ Quỳnh Hoa đã hoàn thành xuất sắc vai trò của người tham gia hội diễn. Thành tích nghệ sĩ Quỳnh Hoa đạt được như sau đã nói lên điều ấy:
Huy chương vàng trong Liên hoan Nghệ thuật Toàn quốc 1981 với tiết mục “Gặp nhau trên bến sông này”; huy chương vàng năm 1981 với tiết mục “Nước về nhớ khúc dân ca” do Bộ Thủy Lợi tặng; huy chương vàng năm 1985 với tiết mục “Từ mái trường này Bác đã ra đi” do Bộ Văn hóa Thông tin tặng; huy chương vàng năm 1986 với tiết mục “Cảnh đẹp Huế” do Tổng Công đoàn Việt Nam tặng; huy chương vàng năm 1992 với tiết mục “Tiếng xưa” do Bộ Văn hóa Thông tin tặng; qua các đợt Liên hoan Phim Truyền hình Toàn quốc nghệ sĩ Quỳnh Hoa còn nhận huy chương bạc với tiết mục “Ngọt ngào xứ Huế lời ru”; huy chương vàng tiết mục “Đẹp mãi lời ca”.
Bên cạnh các huy chương vàng, bạc nêu trên nghệ sĩ Quỳnh Hoa còn nhận được khen thưởng của tỉnh nhà với nhiều tiết mục xuất sắc trong quá trình biểu diễn phục vụ nhân dân trên nhiều địa bàn thuộc thành phố Huế và các huyện trong, ngoài tỉnh.
Dù đạt nhiều thành tích cao như vậy và có một thời gian hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế trên 30 năm nhưng không hiểu sao trong các đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú nghệ sĩ Quỳnh Hoa vẫn không có tên trong danh sách được phong tặng, trong khi một số thế hệ nghệ sĩ đàn em của Quỳnh Hoa lại vượt qua. Một số khán giả tâm huyết có am hiểu về tài nghệ diễn xướng và ái mộ giọng ca của nghệ sĩ Quỳnh Hoa đã không khỏi băn khoăn, bức xúc về điều này.
Mới đây, nghệ sĩ Quỳnh Hoa là một trong 37 nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế được tôn vinh trong chương trình Âm Sắc Hương Bình của Fesstival Huế 2014 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương thực hiện. Âu đó cũng là nguồn an ủi, động viên lớn; đồng thời trực tiếp khẳng định Quỳnh Hoa là một nghệ sĩ ca Huế thanh sắc, tài danh, đã có cống hiến hết mình vì nghệ thuật sân khấu ca kịch Huế nói chung và ca Huế nói riêng.
Hiện nay, niềm vui lớn của nghệ sĩ Quỳnh Hoa là gắn bó, chăm chút, tận tụy hết mình cho Không gian ca Huế thính phòng ở Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Huế) vào tối thứ Ba, thứ Sáu hằng tuần. Giới mộ điệu tri âm của thính phòng rất yêu quý chất giọng cũng như phong cách biểu diễn ca Huế của Quỳnh Hoa. Hôm nào đó do bận việc gia đình mà đến muộn hay không xuất hiện trong thính phòng là có tri âm quan tâm thăm hỏi.
Hình ảnh nghệ sĩ Quỳnh Hoa chăm chút bình hoa, lư trầm, trải vuông chiếu ngay ngắn trước giờ biểu diễn đã trở nên quen thuộc thân quý trước mắt nhìn tri âm, đồng điệu. Công việc tuy nhỏ nhưng đã nói lên sự nghiêm túc trong suy nghĩ của Quỳnh Hoa là mong muốn thính phòng ca Huế luôn là một không gian trong bóng, thuần khiết, trang trọng như người xưa từng dặn “tịch bất chỉnh bất đàn”, ý nói chiếu trải chưa thẳng thớm, nghiêm chỉnh; không gian diễn chưa được hoàn chỉnh thì không đàn. Sự lo toan tỉ mỉ của nghệ sĩ Quỳnh Hoa từ thính phòng này cũng sẽ là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo với một tinh thần yêu nghệ thuật chân chính. Tiếng đàn, giọng ca Huế chỉ được ngân lên kỳ diệu khi ta có một không gian vi tế, một cảnh giới tịnh yên để từ ấy giữa người đàn, người ca, người nghe cùng đồng điệu tri âm.
Trên ba mươi năm nhìn lại, chín người từ những ngày đầu thành lập: Các nghệ nhân, nghệ sĩ Lê Văn Cần đàn tỳ bà, Nguyễn Văn Tân đàn nhị, Châu Thới đàn tranh, Thái Hùng đàn nguyệt cùng các giọng ca Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành dnay chỉ ến thời điểm còn nghệ sĩ Quỳnh Hoa và tôi là thường xuyên gắn kết với thính phòng ca Huế với các thế hệ kế thừa giàu tâm huyết. Tôi vui mừng khi nhận biết lòng nhiệt thành của nghệ sĩ Quỳnh Hoa đối với nghệ thuật ca Huế luôn ngời lên ánh lửa. Nghệ sĩ đàn tranh Lệ Hoa, người đang cùng Quỳnh Hoa chăm lo gầy dựng, nâng cao chất lượng Không gian ca Huế thính phòng đã rất ý nhị khi nhắc đến nghệ sĩ Quỳnh Hoa: “Quỳnh Hoa vẹn toàn cả thanh lẫn sắc. Quỳnh Hoa có độ dày tháng năm với nghệ thuật ca Huế cũng như có độ dày về tài năng diễn xướng. Bây giờ nghệ sĩ Quỳnh Hoa là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi còn sôi nổi, có tình, tâm huyết cùng thính phòng ca Huế…”. Quỳnh Hoa đúng là người nghệ sĩ có tình như thế, “sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai…” (lời Bửu Lôc). Tình văn nghệ không phai, chẳng bao giờ phai nên nghệ sĩ Quỳnh Hoa đang hiến dâng tâm sức, dốc lòng với nghệ thuật ca Huế. Với Quỳnh Hoa “đời nghệ sĩ thế thôi!” phải không Quỳnh Hoa! Quỳnh Hoa!
Võ Quê
Sài Gòn 21.11.2014.
.