ĐẠO DIỄN ĐẶNG VĂN SUNG, TÂM HUYẾT, TẬN TỤY MỘT ĐỜI VỚI NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5495
ĐẠO DIỄN ĐẶNG VĂN SUNG
TÂM HUYẾT, TẬN TỤY MỘT ĐỜI VỚI NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU
Đạo diễn Đặng Văn Sung sinh ngày 11.10.1937 tại làng Quảng Xuyên, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Thời niên thiếu của anh đã có nhiều kỷ niệm buồn vui với những hoạt động chống Pháp khi đang theo học trường làng. Cậu học trò nhà quê lúc bấy giờ đã từng là đội trưởng đội kiểu mẫu của xã, thực hiện một số nhiêm vụ như qua Trài, Hà chở đạn, lựu đạn về; thông tin cho bộ đội và dân làng biết mỗi khi giặc đại lùng, bố ráp; tham gia tuyên truyền đóng thuế nông nghiệp; dạy bình dân học vụ; tổ chức những đêm văn nghệ quyên góp ủng hộ kháng chiến … Đang học lớp năm Đặng Văn Sung bị Tây bắt nhốt ở đồn Quảng Xuyên rồi bị bọn chúng đánh hộc máu vì khai không biết chữ, không chịu nhận làm việc cho Tây. Trước tình cảnh đó, ông Triệu -ông nội chú của Đặng Văn Sung- đã đặt vấn đề với cha mẹ anh về việc cho anh thoát ly theo tổ chức. Ông Võ Phi Giá, chủ tịch xã đã đưa anh thoát ly vào lúc 2 giờ sáng. Hai hôm sau, khi biết Đặng Văn Sung thoát ly, bọn địch đã tàn nhẫn đập cha anh gảy hai xương sườn rồi chôn sống một đêm, chúng còn làm mẹ anh bị đui một con mắt.
Năm 1954, tập kết ra miền Bắc. Đặng Văn Sung được tổ chức cho học văn hóa ở trường cấp hai Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tại trường, anh được làm hiệu đoàn phó, phụ trách phân đoàn học sinh miền Nam; tích cực tham gia tổ chức các hoạt đông văn nghệ của nhà trường. Chính đây là môi trường đầu tiên cho anh đến với sân khấu kịch nói. Anh đã cùng thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo khác biểu diễn thành công vở kịch Ổng bịp bợm, vở Những người ở lại - kịch bản của Nguyễn Huy Tưởng - Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ tại miền Nam bắt đầu diễn ra, Đặng Văn Sung tình nguyện xin vào Nam chiến đấu và anh là 1 trong 12 người đạt sức khỏe loại A1. Nhưng nhà trường đã giữ anh lại với lý do tiếp tục đào tạo năng lực, trình độ văn hóa, chuyên môn để chờ một ngày trở vào phục vụ miền Nam.
Vừa tốt nghiệp 10/10, nghệ nhân Trần Đức Duy sang trường hỏi Đặng Văn Sung học xong thì đi đâu, nếu được thì mời vào công tác tại Đoàn Văn Công Hà Tĩnh vừa mới thành lập (1960). Nghệ nhân Trần Đức Duy cho biết ông cũng đã có quá trình theo dõi năng khiếu tổ chức, dàn dựng, biểu diễn sân khấu của cậu học sinh miền Nam Đặng Văn Sung. Đến với Đoàn Văn công Hà Tĩnh, Đặng Văn Sung may mắn được gặp ông trưởng đoàn Nguyễn Vĩnh Toại, người Quảng Ngãi, theo anh đây là bậc thầy đầu tiên trong sự nghiệp sân khấu của anh. Thầy Nguyễn Vĩnh Toại đã hết lòng chăm sóc, hướng dẫn, dìu dắt anh trên từng cung đoạn ban đầu của nghệ thuật sân khấu. Nhớ ơn thầy, sau này anh đã đặt tên cho con trai út là Đặng Vĩnh Toại.
Năm đầu tiên ở đoàn, Đặng Văn Sung phụ trách việc nhắc vở, dạy văn hoá cho diễn viên, làm trợ lý đạo diễn, diễn viên.Trong những lần sắm một lúc nhiều vai anh thường mặc nhiều lớp áo để thay cho nhanh. Sau mỗi lần diễn xuất, buổi sáng ra đường, ra chợ Đặng Văn Sung thường bị học sinh cấp ba, bà con quanh vùng nhìn thán phục nhưng cũng không quên ghẹo anh là “ông bán thuốc tể”. Những ngày theo đoàn tuy gian khổ mà vui. Đoàn đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh với 4 chiếc xe bò, Đặng Văn Sung được phụ trách riêng một xe. Sau một năm hoạt động, Đặng văn Sung sức khỏe giảm sút, từ loại A1 mà xuống loại không được vô biên chế. Cảm thông và hiểu rõ tay nghề của anh, Ty VHTT Hà Tĩnh giới thiệu anh và Kỳ Anh gặp một bác sĩ xác nhận anh có đủ sức khỏe để vô biên chế. Năm 1961. Đặng Văn Sung được lãnh đạo đoàn cho đi học lớp đạo diễn tại Hà Nội. Nơi đây, anh được học với chuyên gia sân khấu Liên Xô Astankine, đạo diễn Đình Quang, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi…Trong thời gian theo học, Đặng Văn Sung vừa học vừa làm bí thư chi đoàn, vừa dạy văn hóa cho học sinh cùng lớp.
Học xong 12 tháng ngành đạo diễn, Đăng Văn Sung trở lại đoàn, tiếp tục trợ lý đạo diễn rồi đạo diễn một số vở,đáng nhớ nhất là vở Duyên hay nợ, Chiếc cày ông Tư, và vinh dự nhất là hai vở biểu diễn thành công tại Hà Nội khi đoàn ra tập huấn tại Hà Nội : vở Chuyến phà đêm, kịch bản Vương Lan, Cô gái núi Nài , kịch bản Phan Văn Hảo. Trong những năm chiến tranh phá hoại của địch, đoàn phải chia nhỏ để phục vụ nhân dân, Đặng Văn Sung phải viết nhiều kịch bản, nhiều hoạt cảnh để cổ vũ, động viên kịp thời các phong trào địa phương. Hai năm 1966,1967 anh lại được học đạo diễn ở chợ Đậu, Hưng Yên (Trường của Bộ Văn Hóa từ Hà Nội lên sơ tán). Học xong Đặng Văn Sung trở về Hà Tĩnh, ngày 5.6.1968 Đặng Văn Sung được kết nạp Đảng và được vào phục vụ chiến trường đường 9 Khe Sanh rồi đường 9 Nam Lào. Đạo diễn Đặng Văn Sung tâm sự : "Hà Tĩnh là miền đất mà tôi luôn yêu quý, trân trọng vì Hà Tĩnh đã rèn luyện, nuôi dưỡng tâm hồn, sự nghiệp đời tôi”. Năm 1979, do yêu cầu phải hợp nhất, đoàn tụ gia đình, Đặng Văn Sung xin được về với Huế quê hương và nhạc sĩ Trần Hoàn, Trưởng Ty VHTT lúc ấy đã phân công anh về giữ chức vụ Phó hiệu trưởng trường Văn hóa Thông tin Tỉnh. Trong thời gian này, Đặng Văn Sung cũng đã giữ nhiều chức vụ trong công tác Đảng của ngành văn hóa thông tin, tích cực hoạt động nghệ thuật sân khấu và nhất là góp phần đào tạo nghiều thế hệ học trò, nay đã có nhiều người trở thành diễn viên, nghệ sĩ tài danh. Hiện nay, gia dình Đặng Văn Sung rất hạnh phúc bởi con cái đều thành đạt, trong 6 người con thì đã có 2 trai, 2 gái đều là đảng viên, tất cả đã theo gương cha mẹ, một lòng tận tâm với sự nghiệp xây dựng quê hương. Bây giờ, mặc dù rất bề bộn công tác Đảng tại Đảng bộ xã Hương Hồ, nhưng đạo diễn Dặng Văn Sung vẫn rất nhiệt tình với các hoạt động nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà. Anh sẵn sàng tham gia vào các hội đồng thẩm định nghệ thuât, các sinh hoạt nghiệp vụ Hội Nghệ Sĩ Sân khấu Trung ương, địa phuơng. Điều đáng quý nhất là bên cạnh những thành tích anh đạt được trong sự nghiệp đạo diễn anh còn được nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp và những người đang sống quanh anh dành riêng anh sự trân trọng, lòng thương yêu rất chân thành bởi họ hiểu anh là một con người tâm huyết, tận tụy một đời với nghệ thuật sân khấu.