NGHỆ SĨ MINH MẪN TỪ CÔ HÀNG XÉN ĐẾN NGHỆ SĨ TÀI DANH
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8076
mới 17 tuổi Minh Mẫn đã sớm nổi tiếng như một diễn viên ca Huế thực thụ...
NGHỆ SĨ MINH MẪN
TỪ CÔ HÀNG XÉN ĐẾN NGƯỜI NGHỆ SĨ TÀI DANH
Sinh năm 1925 (Bính Dần), từ thuở ấu thơ cho đến khi trở thành cô gái hàng xén trong độ tuổi mười lăm mười sáu, Minh Mẫn đã thực sự đam mê âm nhạc truyền thống Huế. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi sau mỗi buổi chợ, trong những lúc không vướng bận việc nhà, Minh Mẫn đã tìm đến các điểm sinh hoạt ca Huế thính phòng lúc bấy giờ đang có điều kiện phát triển ở các vùng nông thôn hoặc thành phố. Ngoài việc say sưa thưởng thức tài nghệ của các danh cầm, danh ca thuở ấy, Minh Mẫn đã tìm đến các ca sĩ, nghệ nhân lớp trước như cô Nhơn (tức Lê Thị Mùi), ông Cửu Song, ông Thông Đinh dạy ca Huế theo phương pháp truyền khẩu tại gia.
Tuy không được đào tạo từ các trường lớp chính quy như thế hệ trẻ sau này, nhưng với niềm ham thích nghệ thuật âm nhạc dân tộc, cộng thêm tư chất thông minh, lanh lợi cùng sự hiếu học, ham ca nên các buổi ca hát do các nghệ nhân chân truyền đã tạo điều kiện cho Minh Mẫn gắn bó, thiết tha với nghề cầm ca, với giai điệu quê hương, để từ đó khi mới 17 tuổi Minh Mẫn đã sớm nổi tiếng như một diễn viên ca Huế thực thụ.
Cũng như nghệ sĩ Vân Phi, người lớn hơn Minh Mẫn một tuổi, nghệ sĩ Bích Liễu, Thanh Hương ... Minh Mẫn cũng trải qua những truân chuyên, sóng gió trên con đường đàn ca xướng hát. Hoàn cảnh xã hội, tâm lý một bộ phận quần chúng thời ấy vẫn xem giới nghệ nhân, nghệ sĩ đàn hát bằng một cái nhìn khác, thiếu thiện cảm, ít tâm phục. Nếu Minh Mẫn, Vân Phi và một số ca nữ khác không vượt qua được chính mình trong giai đoạn ấy thì không có những tài danh xuất chúng của loại hình ca Huế hôm nay.
Đến năm 1952, cô gái hàng xén Minh Mẫn đã may mắn được kết duyên với thầy Cao Hữu On, một nghệ nhân tài hoa biết chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc : tranh, tỳ, nhị, nguyệt, bầu và trống; người sau này đã từng biểu diễn nhạc cung đình triều Nguyễn với nghệ sĩ Trần Kích tại Hội chợ Osaka, Nhật Bản năm 1973. Cùng hội cùng thuyền, hai vợ chồng nghệ sĩ Minh Mẫn - Hữu On đã nâng niu và chắp cánh cho nhau trong cuộc hành trình đến với bộ môn ca Huế. Sự tác động tích cực của nghệ nhân Cao Hữu On, người bạn tri âm, người chồng tri kỷ qua nhiều năm tháng đã tạo đà cho nghệ sĩ Minh Mẫn phát huy tài năng diễn xuất, nâng chất lượng giọng, hơi, kỹ thuật luyến láy. Các gánh hát đương thời như Hương Thanh, Kim Sanh, Kim Thịnh ... cũng là những môi trường thuận lợi cho nghệ sĩ Minh Mẫn phát triển sở trường. Nghệ thuật thể hiện chất giọng khoẻ, trong, điêu luyện, đầy hồn Huế trong các làn điệu, các bài ca tài hoa của Minh Mẫn đã tạo nên một sự đồng điệu giữa cảnh quan, thiên nhiên, cuộc sống, con người Huế; hoà nhập với từng trạng thái tình cảm buồn, vui của bạn tri âm, của người thưởng ngoạn. Qua làn sóng Đài phát thanh Huế trước 1975, qua Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà văn hoá Huế từ những năm đầu giải phóng đến nay, giọng Minh Mẫn đã làm say đắm, mê mẩn nhiều người có trình độ, am hiểu thưởng thức ca Huế. Những bài bản khách cố hữu "Cổ bản", "Phẩm tuyết", "Nguyên tiêu", "Lộng điệp", những làn điệu "Quả phụ,"Lý bốn cửa quyền" ... qua giọng ca Minh Mẫn trở thành quen thuộc trong lòng người mộ điệu "Dan díu chi trần luỵ sầu héo gan vàng, nơi hồng trần, mịt mờ càng thương. Bậc phi thường, lọ là giàu sang.Công danh kia là nợ, này chớ mơ màng ..." (Cổ bản - lời Á Nam Trần Tuấn Khải). Nhiều thế hệ yêu ca Huế trong cả nước và hải ngoại đã biết và yêu quý, trân trọng Minh Mẫn bởi sự cống hiến hết mình vì sự nghiệp ca Huế của cô hàng xén ngày xưa.
Từ năm 1970 đến nay, nghệ sĩ Minh Mẫn đã và đang đào tạo nhiều lớp học trò theo học ca Huế theo lối truyền khẩu. Công việc lặng lẽ, âm thầm, cần mẫn nhưng đầy hiệu quả. Dưới mái nhà nhỏ, chật hẹp ở nội thành Huế, Minh Mẫn đã dạy nhiều thế hệ học trò ngân lên cung bậc những bài ca Huế. Sự phát triển thuận lợi của ca Huế hôm nay trong đời sống của một thành phố văn hoá du lịch đang làm sống lại một thời thanh xuân của Minh Mẫn. Thế hệ trẻ đã có cơ hội để kế thừa, tiếp thu có bài bản các ngón nghề cùng với sự trân trọng, say mê và quyết tâm gìn giữ nghệ thuật ca Huế của danh ca Minh Mẫn và lớp nghệ nhân cùng thời; gần đây, do sự phục hồi, chấn hưng và phát triển của âm nhạc cổ truyền Huế, nghệ sĩ Minh Mẫn đã nhiều lần giúp giới nghiên cứu, sưu tầm nhã nhạc, ca Huế ghi âm, thu băng hình, chỉnh lý nội dung, ca từ, hệ thống một số bài bản ca Huế tưởng đã thất truyền, không còn lưu giữ trong dân gian.
Xin được bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ đến người nghệ sĩ một đời tài danh Minh Mẫn, cô gái làng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế năm nào - người đã đi từ gánh hàng xén để đến với ca Huế và trở thành ca sĩ tài hoa, đức hạnh giữa lòng người mộ điệu trong và ngoài nước.
TƯ LIỆU
TRẺ EM NGHÈO SAY CA HUẾ
Nghệ sĩ Minh Mẫn và học trò tại lớp ca Huế. Ảnh: Đ.C Mới đây thôi các em còn lang thang nơi đầu đường cuối chợ. Vậy mà giờ đây, các em đang say mê tập luyện những làn điệu quê hương với ước mơ cháy bỏng: trở thành nghệ sĩ hát ca Huế
Cuối con đường Hồ Tùng Mậu, TP Huế thi thoảng lại văng vẳng điệu hò xen lẫn với tiếng ngân nga của đàn nguyệt vang lên từ Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú.
Sống với khúc hát quê hương
Trong căn phòng nhỏ với dăm bộ bàn ghế cũ, bà giáo già đang mải mê cất lên làn điệu du dương của một bài lý đậm chất Huế. Trên tay bà, hai chiếc chén nhỏ đang được gõ tanh tách rất điêu luyện theo từng nhịp trầm bổng của bài ca. Trong bộ đồ biểu diễn truyền thống, các em cũng cách cách thanh gõ trên tay, vài em khác thì chập chững gảy đàn theo từng phách nhạc. Sau một lúc tập luyện, 15 em nhỏ cùng hát lại đoạn nhạc mà bà giáo già vừa truyền đạt. Bà giáo của những trẻ em lang thang, mồ côi này chính là nghệ sĩ Minh Mẫn, năm nay đã 81 tuổi. Khi thấy chúng tôi đến, nghệ sĩ Minh Mẫn ra hiệu cho lớp ngừng hát. Bà nói một cách dí dỏm: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian. Các em chỉ có một giờ để học. Còn tôi thì tuổi già quá gần kề”.
Cách phòng học hai dãy, trong căn bếp nhỏ, Bùi Quang Nhật (11 tuổi) đang nấu cơm, trên tay em là đôi đũa bếp mà em biến thành thanh gõ và xướng lên từng đoạn của bài Lý tình tang một cách rất vô tư. Bé Pháp (12 tuổi), đang nhặt rau cũng hát theo. Cạnh đó, Phước (18 tuổi), đứng trước nồi thức ăn đang sôi trên bếp cũng góp vui cùng. Phước hồn nhiên bảo: “Hôm nay đến phiên bọn em vào bếp nên không đến lớp được. Bọn em tự tập hát trong bếp cũng vui”.
Nghệ sĩ Minh Mẫn tâm sự: “Dù mệt nhưng tôi cũng cố gắng để truyền đạt hết các nhịp, phách, ngân... của một số bài lý như: Lý tử vi, Lý tình tang... cho các em để đến lúc hát các bài ca Huế theo điệu Nam ai, Nam bình sẽ dễ dàng hơn. Thật tình, nếu tập bài bản thì mất rất nhiều thời gian nên tôi động viên các em phải cố tập luyện nhiều hơn nữa”.
Khi cô giáo ra về, các em gái vẫn còn xếp hai hàng để hát lại bài hát lần cuối mới yên tâm dùng bữa trưa. Theo học từ những ngày đầu, Võ Thị Hạnh (16 tuổi) bật mí thêm: “Chúng em chỉ mong nhanh đến chủ nhật để hát cho đã. Sai chỗ nào còn có cô giáo sửa cho. Mới đêm hôm qua thôi, chúng em chia thành hai đội, lấy cầu thang giả làm bờ sông để diễn tập hò đối đáp nam - nữ như thật vậy”.
Làn điệu của niềm vui
Những đứa trẻ đến với Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú đều là những mảnh đời kém may mắn và bất hạnh. “Mỗi em một tính cách. Thậm chí có những em còn nhiễm thói xấu từ cuộc sống hè phố. Nhưng khi vào lớp học ca Huế thì các em trở nên ngoan hơn và đã tìm thấy được niềm yêu thích thực sự” - Giám đốc trung tâm Dương Quỳnh Nhi nói.
Nguyễn Thị Na (17 tuổi), quê tận Gia Lai, từng lang thang khắp nơi trước khi về mái ấm Xuân Phú. Cô bé luôn khao khát trở thành một nghệ sĩ hát ca Huế chuyên nghiệp. “Em biết để hát được ca Huế không dễ. Nhưng em sẽ cố gắng hết sức mình” - Na tâm sự. Còn Phước cũng bén duyên cùng những điệu Bắc với nốt nhạc vui tươi, thoải mái; những điệu Nam với những nốt buồn, chậm rãi và sâu lắng từ khi nào không rõ. Bé Hạnh thì rất vui khi đã tự biểu diễn bài Lý tình tang tặng người cha đã thay mẹ chăm sóc mình từ nhỏ vào dịp sinh nhật. Chính những bài ca Huế đã đưa những đứa trẻ bất hạnh lại gần nhau, đối xử với nhau như anh chị em trong một gia đình.
Cũng vì tấm thực tình của những đứa trẻ trong trung tâm đã “thu phục” hai nghệ sĩ lão làng của ca Huế là nghệ sĩ Minh Mẫn và nghệ sĩ Thanh Hương (75 tuổi). Hai cô giáo dù tuổi đã cao vẫn sẵn sàng ngồi xe đạp do các em làm tài xế để đến lớp học này truyền lại những điệu hò, câu lý quê hương cho các em. Họ không quản ngại khi phải hát cả giờ và chỉ dạy tận tình từng điệu nhạc của ngũ tuyệt (năm đàn dùng trong ca Huế) lại cho các em. Nghệ sĩ Minh Mẫn cho biết: “Những đứa trẻ có khả năng và chăm ngoan như thế này mới thật đáng quý. Hơn nữa, tình cảm chân thực chúng thể hiện trong bài hát luôn làm tôi xúc động”. Và hai giáo viên già đã có thể tự hào về những học trò đặc biệt này của mình khi trong một số chương trình văn nghệ của các đơn vị đã bắt đầu xuất hiện những tiết mục ca Huế của những “nghệ sĩ” nhí này.
Bà Dương Quỳnh Nhi cho biết: “Sắp tới đây chúng tôi sẽ nhận thêm những trẻ em yêu thích và có khả năng hát ca Huế về đào tạo một cách bài bản. Và ca Huế của trung tâm sẽ không chỉ là sân chơi, mà trở thành một hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mong ước, các em nhỏ ở trung tâm cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội để khi rời trung tâm sẽ có nhiều nơi đón nhận các em”