ĐĂNG NINH NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA TÀI
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5663
Đăng Ninh đã soạn rất nhiều bài ca Huế...
ĐĂNG NINH
NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA TÀI
Đăng Ninh tên thật là Trần Đăng Ninh, sinh ngày 1.1.1945 tại Liêm Công Phường, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ nhỏ Đăng Ninh đã có niềm say mê nghệ thuật đàn hát dân ca, ca Huế. Lúc bấy giờ, nơi nào trong vùng có các sinh hoạt văn nghệ là Đăng Ninh đến xem với sự thích thú tuổi thơ. Năm 1960, hiểu được sở thích của Đăng Ninh, gia đình đã mời Cụ Duyến, một nghệ nhân nổi tiếng về kỹ năng sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, là thầy dạy của nghệ sĩ Châu Loan về nhà dạy Đăng Ninh học các cây đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu. Đăng Ninh đã rất tâm huyết để tiếp thu những ngón nghề của thầy, nhất là các kỹ thuật nhấn, nhá, vê, vuốt, rung... để tăng hiệu quả biểu diễn.
Năm 1968, Đăng Ninh được tuyển vào đoàn văn công thuộc Ty Văn hoá Vĩnh Linh quản lý. Cuộc đời nghệ sĩ của Đăng Ninh bắt đầu từ đấy. Do được đào tạo cơ bản nên Đăng Ninh đã chơi được nhiều bài bản lớn của ca Huế, nhiều làn điệu lý, dân ca Bình Trị Thiên, tạo nguồn rung cảm thực sự cho khán giả và đồng nghiệp. Từ năm 1969, được sự hướng dẫn chu đáo, tận tình của nghệ sĩ bậc thầy Châu Thành Đăng Ninh soạn lời ca Huế, dân ca theo yêu cầu của Đài Tiếng Nói Việt Nam và được các nghệ sĩ trong đoàn dàn dựng, biểu diễn. Qua làn sóng, thính giả trên mọi miền đất nước đã có dịp thưởng thức các tổ khúc dân ca như "Tâm tình Bến Hải sông quê", "Chiến công Cồn Tiên Dốc Miếu". Sau năm 1975 khi theo đoàn ca kịch Trị Thiên về Huế, Đăng Ninh đã soạn rất nhiều bài ca Huế, nhiều tổ khúc dân ca với đề tài ngợi ca thành phố Huế. Du khách, khán giả trong cả nước rất cảm xúc khi nghe các tổ khúc về Huế của Đăng Ninh : "Gửi Huế yêu thương", "Đẹp sao xứ Huế "... Ca từ của Đăng Ninh giàu chất văn học, nội dung sâu sắc, phản ánh trung thực cuộc sống, đất nước, con người Huế trữ tình, thơ mộng : "Đây bức tranh Hương Ngự vẻ đẹp kinh thành. Huế bao đời rạng ngời núi sông. Gợi muôn lòng nỗi niềm chờ mong. Phu văn lâu gió quạt, đỉnh Ngự trăng cài. Giữa đôi bờ giọng hò xa đưa ..." (Huế yêu non nước Hương Bình-điệu cổ bản).
Ngoài sở trường sử dụng các nhạc cụ dân tộc, soạn lời ca, Đăng Ninh còn ký âm nhiều bài bản ca Huế, dân ca phục vụ công tác giảng dạy cho thế hệ trẻ. Từ năm 1996 đến 2002 Đăng Ninh đã tham gia đào tạo nhiều lớp học trò ở trường Văn hoá Nghệ thuật Tỉnh Thừa Thiên Huế. Do nắm bắt, sành sỏi các bài bản lớn của ca Huế, thuần thục các làn điệu dân ca nên Đăng Ninh cũng đã được Đoàn ca kịch Huế mời tham gia chuyển thể một số kịch bản sân khấu như "Đồng tiền Vạn Lịch", "Lưỡi gươm trừng phạt", "Hương Xuân", "Vú cát", "Sự tích cây tương tư" ... Khi chuyển thể các kịch bản văn học sang thể loại ca kịch Huế Đăng Ninh đã khéo chọn các làn điệu phù hợp với từng đoạn, từng cảnh trong nội dung vở diễn nhằm nâng cao hiệu quả sân khấu; đồng thời giúp cho các diễn viên thể hiện một cách nhuần nhị, tinh tế nội tâm, hình tượng các nhân vật mà họ được phân vai.
Cần mẫn, công tâm, chí thú với nghề, ngoài các phần việc do đoàn phân công, Đăng Ninh cũng chịu thương, chịu khó lăn lộn với các hoạt động phong trào văn nghệ cơ sở. Nhiều kịch bản ngắn, nhiều ca cảnh, hoạt cảnh phục vụ các yêu cầu nhất thời, cập nhật tuyên truyền những ngày lễ lớn của đất nước, những sự kiện đặc biệt của các ngành, đoàn thể cũng được Đăng Ninh sáng tác, dàn dựng góp phần truyền bá bộ môn ca kịch, dân ca Huế.
Bên cạnh những chuyến lưu diễn trong tỉnh, thành phố, trong nước, Đăng Ninh còn có hai chuyến đi biểu diễn nước ngoài đáng nhớ. Lần thứ nhất cùng với NSƯT Châu Dinh, Đỗ Hùng, Minh Tiến, Mai Anh lưu diễn thành công ở Nhật Bản (1996); lần thứ hai cùng Đoàn ca kịch Huế dự liên hoan đàn và hát dân ca quốc tế tại Trung Quốc (2003). Qua những chuyến đi này, nghệ sĩ Đăng Ninh đã tiếp thu được những vốn quý trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc. Đăng Ninh tâm sự: "Từ thực tế cuộc sống, từ những điều học hỏi, thu nhận được trong quá trình gắn bó, buồn vui với nghề tôi ước mong Huế có những sàn diễn, những thính phòng ca Huế đích thực, chuẩn mực và mong muốn các thế hệ tiếp nối cũng hiểu và đồng cảm trong việc bảo tồn và truyền bá các giá trị âm nhạc truyền thống Huế trên tinh thần chân thiện mỹ ..."
Với ý thức đó, Đăng Ninh đã có một định hướng nghề nghiệp cho con gái là nghệ sĩ Vân Khánh khi đang là một cô bé lên sáu. Được nuôi dưỡng, hấp thụ những tinh hoa nghệ thuật đàn và hát dân ca Bình Trị Thiên, ca Huế, hiện nay Vân Khánh (ảnh) đang nối nghiệp thân sinh và đã thành danh trên con đường nghệ thuật.
Ca sĩ Vân Khánh. |
Với một người đa tài, nhân ái như Đăng Ninh chúng ta tin và kỳ vọng tiếng đàn Đăng Ninh mãi réo rắt vọng ngân từng cung bậc đầy tình, tuyệt kỹ tràn âm hưởng hoặc lắng đọng giữa tâm thức của tri âm và những bài ca Huế do Đăng Ninh soạn lời vẫn luôn điệu nghệ, giàu hình ảnh quê hương với tình cảm buồn vui của từng số phận người .